Lê Xuân Chiến
Ngẫm cho cùng, khi về
với đất, giàu nghèo cũng như nhau thôi, hết ganh đua, giành giật, xa lánh chốn
thị phi, sự dửng dưng, vô cảm, lạnh lùng... Nhưng với những người còn sống, còn
trăn trở với đời, chúng ta không khỏi xót xa chạnh lòng trước những phận người
“bó chiếu” khi “kẻ ăn không hết, người lần không ra”...
Tháng 9.2016, một gia đình ở Sơn La vì quá nghèo nên đưa thi
thể người thân về quê nhà bằng xe máy với quãng đường dài 80 cây số. Thi thể được
quấn chiếu, cột phía sau, hai chân ló ra ra ngoài, thòng xuống đường... khiến
ai cũng phải xót xa. Bệnh viện bảo gia đình bệnh nhân không hợp tác nên “đồng
ý” cho người nhà chở bệnh nhân về sau khi yêu cầu “ký cam kết” để bệnh viện
hoàn toàn “không chịu trách nhiệm”.
Ngày 11.12.2016 vừa qua, câu chuyện buồn ấy lại bất ngờ lặp
lại, gây sốc trên cộng đồng mạng, làm bao nhiêu người phải sửng sốt, mủi lòng.
Câu chuyện lần này càng thương tâm hơn khi thi thể một bệnh nhân mắc bệnh hiểm
nghèo tại Hòa Bình được người nhà quấn chiếu khiêng về nhà cách bệnh viện chỉ một
cây số.
Trả lời phóng viên báo Lao Động online, giám đốc của Bệnh viện
Đa khoa Lạc Sơn phân trần rằng: “Thời điểm trên, trực lãnh đạo bệnh viện là một
đồng chí Phó giám đốc. Lúc bệnh nhân L. tử vong, đúng lúc xe cấp cứu của bệnh
viện cũng đưa hai bệnh nhân khác về nhà nhưng chưa về đến nơi, người nhà lại
không kiên nhẫn chờ nên họ đã có hành động như vậy. Chứ thực lòng, chúng tôi
cũng khuyên gia đình họ nên chờ xe để chở bệnh nhân về cho đỡ tủi thân. Họ lại
cho bệnh nhân vào chiếu bó lại rồi quấn chăn, khiêng bằng gậy tre về nhà trông
rất thương tâm và phản cảm”.
Thế nhưng trên báo Tuổi trẻ online, vị này nói rằng: “Sau
khi bệnh nhân tử vong, bệnh viện có đề nghị người thân đưa bệnh nhân xuống nhà
đại thể (nhà xác) nhưng gia đình từ chối, nói là nhà gần, chỉ cách bệnh viện
khoảng 1km và muốn đưa về ngay. Chúng tôi cũng nói là nên mua bó hương thắp cho
bệnh nhân vừa tử vong nhưng gia đình nói về nhà tính sau”.
Có gì đó hơi “khó hiểu” trong 2 lần trả lời báo chí của lãnh
đạo bệnh viện: lần thì bảo khuyên gia đình bệnh nhân chờ xe bệnh viện chở thi
thể thân nhân về nhà, lần thì bảo gia đình đưa thi thể thân nhân xuống nhà đại
thể. (Chỉ nói đưa xuống nhà đại thể thôi). Có gì đó không được rõ ràng trong
cách trả lời, nhưng nói tóm lại, theo lãnh đạo bệnh viện, do gia đình bệnh nhân
“từ chối” sự giúp đỡ của bệnh viện, chứ không phải lãnh đạo bệnh viện không
quan tâm!
Còn đây là tâm sự của anh Bùi Văn Tú, em trai của “phận người
bó chiếu” kia khi trả lời trong video-clip phỏng vấn của vietbao.vn. Phóng viên
hỏi: “Thế lúc ấy bệnh viện có bảo mình thuê xe cấp cứu hay gì không anh ?”. Anh
Tú trả lời: “Bệnh viện chả thấy bảo cái gì cả, chỉ bảo không có xe ở đây”.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Lạc Sơn có “thực lòng” giúp đỡ
người dân lúc ngặt nghèo hay không, có trung thực khi trả lời báo chí hay
không, qua câu trả lời của anh Tú đã cho chúng ta thấy rõ.
Hai số phận sống nghèo, chết thảm thương ấy giờ đây đã an
nghỉ, bỏ lại tất cả những vui buồn, được mất, nỗi đau thân xác, sự mặc cảm
nghèo hèn, rẻ rúng thân phận. Nhưng với những người còn sống, còn trăn trở với
đời, chúng ta không khỏi xót xa chạnh lòng trước những phận người “bó chiếu”
khi “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Anh Bùi Văn Tú, em trai người xấu số
kia bảo rằng cả nhà có chưa đến 100 nghìn mang theo khi đến bệnh viện đưa xác
anh trai về.
Nhìn rộng ra, trên phương diện cộng đồng, sự nghèo khổ của
người nghèo là hệ quả của sự xa hoa, lãng phí của quan chức tham nhũng, quan
liêu, xa dân.
Chắc mọi người còn nhớ, khi ông Trịnh Xuân Thanh còn làm Chủ
tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), công ty con
PVC-ME đã lập “quỹ đen” hơn 80 tỉ đồng với nhiều khoản chi khác thường, trong
đó có 550 triệu đồng chi tổ chức “sinh nhật bố sếp Thanh”.
Có những công trình, dự án “khủng” thất thoát hàng tỉ đồng của
nhà nước được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội “điểm danh” trong nghị trường như báo
chí đã đưa tin như: Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh
Bình (Tập đoàn Hoá chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỉ đồng nhưng qua 4 năm hoạt
động, mỗi năm đã lỗ khoảng 2.000 tỉ đồng.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty CP Hoá dầu và Xơ
sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỉ đồng nhưng
đã phải tạm ngừng hoạt động.
Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất là một
trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn
2.200 tỉ đồng đã dừng hoạt động. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên
giai đoạn 2 trên 8.000 tỉ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai.
Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An do Công ty TNHH một
thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm
đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng
công trình giao thông 6) đầu tư với số vốn 3.000 tỉ đồng sau 10 năm phải bỏ
hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.
Còn bao nhiêu dự án “nghìn tỉ” thất thoát, lãng phí như thế?
Nhưng thất thoát đi đâu? Tiền chảy vào túi ai, cá nhân hay nhóm lợi ích nào? Ai
chịu trách nhiệm, có ai bị xử lý chưa?
Chỉ cần một phần trăm, một phần nghìn của tổng khoản lãng
phí, thất thoát ấy cũng đủ để lập quỹ hỗ trợ xe cho gia đình nghèo ở tất cả các
huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Chi phí khoảng vài chục lít
xăng cho một năm thôi, chẳng lẽ không làm nổi? Dân ta tuy nhiều người còn nghèo
nhưng trong chuyện cậy nhờ bệnh viện đưa giúp thi thể thân nhân về nhà là trường
hợp quá bất đắc dĩ, chứ chẳng ai đi lợi dụng cái quỹ từ thiện “nước mắt”
này.
Người dân hy vọng vào tinh thần xây dựng chính phủ liêm
chính, kiến tạo, vì nhân dân phục vụ của Đảng và nhà nước để không còn những dự
án, công trình thất thoát, lãng phí; để không còn những phận người “bó chiếu”
mong manh...
LÊ XUÂN CHIẾN (motthegioi.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét