Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Cảm nghĩ ngày cuối năm



Lê Mạnh Hùng


Thứ Bảy này, cũng như phần lớn những gia đình sống tại Anh, tôi sẽ chờ đợi đón năm mới qua tiếng chuông đồng hồ của Big Ben. Đây có lẽ là tiếng chuông đồng hồ quen thuộc nhất đối với thế giới. Trong nhiều chục năm qua, Thế Giới Vụ Đài BBC mỗi lần phát thanh đều mở đầu với tiếng chuông của cái đồng hồ này mà phần lớn là trực tiếp thâu từ ngay tháp chuông.

Nhưng Big Ben còn có một ý nghĩa khác. Vào giữa thế kỷ thứ 19 khi nó được xây dựng, Big Ban là một thành quả lớn về thành tựu kỹ thuật. Và chẳng bao lâu nó trở thành một biểu tượng được tất cả mọi người biết đến về nước Anh và hệ thống chính quyền dân chủ của đất nước này. Big Ben là tháp chuông đồng hồ của Quốc Hội Anh.

Khi hoàn tất vào năm 1859 nó chỉ được biết là tháp chuông đồng hồ theo đúng như thiết kế của Augustus Pugin, nhưng Big Ben là cái tên phổ biến. Đầu tiên, Big Ben chỉ để dùng cho cái chuông khổng lồ nặng 13.5 tấn mà tiếng của nó đã được truyền đi khắp thế giới qua các băng tần của đài BBC, nhưng sau đó trở thành tên gọi cho toàn thể tháp chuông. Năm 2012, tháp chuông này được được đổi tên là tháp Elizabeth để kỷ niệm 60 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị và để đối xứng với tháp Victoria ở đầu kia tòa nhà Quốc Hội đặt theo tên nữ hoàng Victoria, một vị nữ hoàng khác trị vì trong thời hoàng kim của đế quốc Anh. Thế nhưng đối với thế giới, nó vẫn còn là Big Ben.

Khi mới xây, Big Ben là cái đồng hồ lớn nhất và chính xác nhất trên thế giới. Nó cũng là sản phẩm đặc trưng của tinh thần tài tử Anh. George Airy, thiên văn gia hoàng gia là người đưa ra những chi tiết kỹ thuật về cái đồng hồ này và Edmund Beckett Benson (Nam tước Grimthorpe), luật sư và một nhà làm đồng hồ tài tử, là người thiết kế. Có lẽ chỉ có nước Anh hồi đó mới trao một công việc quan trọng như vậy cho một tay tài tử. Và nó cũng cho ta thấy cái tinh thần mạo hiểm dám chấp nhận rủi ro của thời đại Victoria của Anh.

Và tinh thần đó cũng được thể hiện trong lãnh vực chính trị. Thời đại Victoria cũng là thời đại đã chứng kiến những canh tân quan trọng nhất dẫn đến nền dân chủ hiện nay. Quyền hạn của một Quốc Hội do dân bầu được cai trị đất nước đã được xác định bằng vũ lực trong cuộc nội chiến của thế kỷ thứ 17. Thế nhưng con đường lâu dài dẫn đến bầu phiếu phổ thông chỉ mới bắt đầu với đạo luật sửa đổi thể thức bầu cử Great Reform Act của năm 1832. Đạo luật này tổ chức lại những hạt bầu cử, hủy bỏ đặc quyền của những hạt bầu cử cũ vốn có ít dân nhưng lại chiếm đa số tại Quốc Hội và mở ra cho các thành phố kỹ nghệ mới nổi lên quyền đại diện tương xứng cũng như là mở rộng thêm cho nhưng tầng lớp mới trong dân chúng được bầu phiếu thay vì chỉ những nhà phú hào. Đến năm 1859, thì Quốc Hội Anh đã đi được một con đường dài tiến tới đầu phiếu phổ thông, tuy rằng điều này chỉ được hoàn toàn thực hiện vào năm 1921 (mọi công dân nam nữ trên 21 tuổi đều được quyền đầu phiếu; phụ nữ trên 30 tuổi được quyền đầu phiếu tại Anh vào năm 1918; tại Mỹ 1920 và Pháp 1944).

Tháp chuông, đồng hồ và cái chuông là những biểu hiệu của một chế độ dân chủ, một trong những cống hiến lớn nhất của nước Anh cho thế giới. Mỗi lần nghe tiếng chuông đồng hồ, người ta không thể không ngạc nhiên về sức mạnh và sự hấp dẫn của khái niệm mà đã được Tổng Thống Abraham Lincoln mô tả một cách ngắn gọn “một chính phủ của dân, do dân và vì dân.” Và ta cũng có thể thấu hiểu được vì sao bất chấp những lầm lỗi và khiếm khuyết của cử tri và các nhà chính trị, khái niệm này vẫn hấp dẫn biết bao người trên thế giới.

Thế nhưng chế độ dân chủ, cũng giống như Big Ben và tòa nhà Quốc Hội Westminster cũng cần phải được cải cách để đáp ứng lại với nhu cầu của thời đại mới. Brexit tại Anh cũng như là việc bầu lên ông Donald Trump tại Mỹ là những bằng chứng cho thấy những cải cách này nay đã trở nên cấp thiết.

Yasha Mounk là một giảng sư về chính trị tại trường đại học Harvard. Năm 2014 ông cho xuất bản cuốn sách Stranger in My Own Country vốn bắt đầu là một hồi ký về thời niên thiếu của một cậu bé Do Thái lớn lên tại Đức nhưng sau trở thành một cuộc điều tra rộng lớn hơn về các nước châu Âu hiện đại làm sao giải quyết dung hòa bản chất dân tộc và chế độ dân chủ đa dạng.

Và ông kết luận rằng những cố gắng giải quyết đó đã không thành công bao nhiêu và một phản ứng chống lại dân chủ đang diễn ra tại hầu hết các nước Châu Âu và Hoa Kỳ.

Các nhà chính trị học có một lý thuyết gọi là “củng cố dân chủ” (democratic consolidation) trong đó khẳng định khi một quốc gia bắt đầu phát triển các định chế dân chủ, sự xuất hiện của một xã hội dân sự tráng kiện và một mức độ sung túc nào đó trong dân chúng là những dấu hiệu chính xác nhất cho thấy nền dân chủ được củng cố.

Nhưng khi xã hội bị phân hóa giầu nghèo quá mức trong lúc các cơ cấu xã hội dân sự suy yếu đi thì nền dân chủ bị đe dọa. Và ông Mounk đưa ra một công thức ba điểm giống như một thử nghiệm y tế để biết xã hội dân chủ có bị nhuốm bệnh hay không trước khi con bệnh hoàn toàn gục ngã.

Yếu tố thứ nhất là sự ủng hộ của dân chúng: quần chúng coi chế độ dân chủ tại nước mình quan trọng đến mức nào? Thứ hai là sự chấp nhận của dân chúng đối với các hình thức phản dân chủ của chính quyền tỷ như cá nhân trị, đảng trị, quân đội trị v.v…Và yếu tố thứ ba là liệu các “đảng phái và phong trào chống chế độ cũng như những cá nhân mà thông điệp chính là toàn bộ hệ thống là bất chính đáng” có lấy được sư ủng hộ của dân chúng hay không.

Nếu sự ủng hộ cho dân chủ đi xuống trong khi hai yếu tố kia đi lên thì nền dân chủ có nguy cơ suy yếu và có thể sụp đổ. Điều đáng lo sợ là theo ông Mounk, những dấu hiệu về một sự suy thoái dân chủ đã xuất hiện tại những quốc gia có chế độ dân chủ lâu đời và ổn định nhất.

Những cuộc khảo sát tại nhiều quốc gia bao gồm Anh, Úc, Hòa Lan, Tân Tây lan, Thụy Điển và Hoa Kỳ cho thấy số người nói rằng “cần thiết” phải sống trong một chế độ dân chủ đã giảm hẳn xuống nhất là trong các thế hệ trẻ.

Trong khi đó sự ủng hộ cho các chế độ chuyên chế đã tăng. Dựa trên số liệu của cuộc khảo sát European and World Value Survey, người ta thấy số người Mỹ nói rằng quân đội cai trị là “tốt” hoặc “rất tốt” đã tăng từ 6% năm 1995 lên đến 16% năm 2014.

Big Ben là tiếng nói và là một biểu tượng quan trọng của chế độ dân chủ trong quá khứ và hiện tại của Anh và thế giới, nhưng tương lại của nền dân chủ tùy thuộc vào việc làm sao người ta cải cách nó cho mai sau giống như là tòa tháp chuông này đang bị đóng cửa để tu bổ có thể tồn tại thêm trong nhiều thế hệ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét