Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng
sản Việt Nam lần thứ 12, ngày 28/1/2016.
Từ 30 năm nay, trong các tài liệu, văn kiện, nghị quyết của
đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, "đổi mới" có lẽ là hai chữ được
dùng phổ biến nhất. Đổi mới được nhấn mạnh, ca ngợi, xưng tụng, đề cao đặc biệt
từ năm 1986 trong Đại hội VI của đảng Cộng sản Việt Nam, với nội dung là thực
hiện kinh tế thị trường, cho phép tự do kinh doanh, áp dụng khoán sản phẩm, bãi
bỏ ngăn sông cấm chợ, tăng nhanh xuất nhập hàng hóa, đẩy mạnh lưu thông quốc tế...
Quan hệ ngoại giao đa phương đa hướng được thực hiện, cấm vận được bãi bỏ, cuộc
sống xã hội dễ thở hơn, đời sống nhân dân đỡ gay gắt, kinh tế tư nhân được khôi
phục dần. "Đổi mới" được coi như đôi đũa thần có phép vạn năng.
Đã có lúc chủ trương "đổi mới" được quan niệm khá
rộng rãi, đa phương, đồng bộ. Đổi mới kinh tế; đổi mới chính trị; đổi mới
phương thức, tư duy cách lãnh đạo, cai trị; đổi mới văn hóa; đổi mới cung cách
vận động quần chúng, đổi mới quan hệ giữa đảng và quần chúng; đổi mới xã hội
theo hướng dân chủ, bình đẳng, văn minh, hòa bình, phồn vinh cho toàn dân cùng
hưởng. Đã có lúc Bộ Chính trị cử đoàn cán bộ sang Bắc Âu nghiên cứu, học hỏi
kinh nghiệm các đảng Dân chủ - Xã hội Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy… về xây dựng một
kiểu Nhà nước Phúc lợi, không chênh lệch giàu nghèo quá đáng, Nhà nước chăm lo
cuộc sống của toàn dân, giáo dục hầu như miễn phí, y tế cũng hầu như miễn phí,
nhà ở giá cực thấp, tuổi thọ kéo dài, xã hội bình yên phồn thịnh. Ngay sau Đại
hội VI, Bộ Chính trị đã nói đến "đổi mới toàn diện, đồng bộ", "đổi
mới kinh tế đi đôi với đổi mới chính trị", "đổi mới mô hình",
"đổi mới chế độ cầm quyền theo hướng dân chủ hóa", "đổi mới đợt
2"…
Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, sau khi phe xã hội chủ nghĩa tự
giải thể không kèn không trống, thì tại Việt Nam một không khí hốt hoảng diễn
ra vào cuối thập kỷ 90, các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng, Lê Đức
Anh… vội vã bay sang Thành Đô và chạy vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để cầu
cứu, nhằm kéo dài cuộc sống của đảng Cộng sản Việt Nam, xin được đảng Cộng sản
Trung Quốc cưu mang, do cùng chung học thuyết Mác - Lê, và cùng chung chế độ Chủ
nghĩa Xã hội. Cuộc mật đàm Thành Đô là cuộc đầu hàng và bán nước ô nhục nhất do
nhóm lãnh đạo Cộng sản Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Phạm Văn Đồng gây
nên, mà nhóm Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt, Trần Quang Cơ không sao ngăn nổi. Di
hại khủng khiếp về mọi mặt của nó kéo dài cho đến tận hôm nay!
Kể từ đó công cuộc Đổi mới chững hẳn lại, mất đà, chỉ còn là
vài ba cải tiến bộ phận về kinh tế, cho tư nhân kinh doanh, không ngăn sông cấm
chợ, mở rộng ngoại thương, nhận đầu tư từ nước ngoài. Có mặt kinh tế tư nhân bị
siết chặt hơn trước, quyền tư hữu ruộng đất bị hủy bỏ bởi chính sách "đất
đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý". Cải cách chính trị
bị khóa chặt.
Cả 5 đời tổng bí thư từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả
Phiêu đến Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng vẫn một mực chui vào cái cũi Thành
Đô ngày càng sâu, dưới phương châm "16 chữ Vàng": "láng giềng hữu
nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", cộng thêm
"4 Tốt": "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Đây là những cái gông ác nghiệt tròng vào cổ đảng Cộng sản
và nhân dân ta, dẫn đến hậu quả "mất rừng, mất biển", làm nảy sinh ra
một loạt giặc ngoại xâm cố kết với giặc nội xâm, gồm đủ loại: lâm tặc, hải tặc,
địa tặc, ngân sách tặc, ngân hàng tặc, ODA tặc, FDI tặc, dự án tặc, hèn với giặc,
ác với dân, xúc phạm tiền nhân, chuyển những núi nợ lên vai con cháu về sau...
Có thể nói hơn 40 năm sau thống nhất và tương đối hòa bình
là thời kỳ khổ ải, nhục nhã nhất của dân tộc, nhân dân. Đảng Cộng sản và Nhà nước
độc đảng mất trọn niềm tin của nhân dân, bị xã hội căm giận, khinh thị, rủa sả,
không còn tính chính đáng để cầm quyền. Đã có bao giờ trên đất nước ta, giới cầm
quyền chóp bu dùng súng đạn để nói chuyện với nhau như vụ trừ khử nhau ở Yên
Bái, sát phạt nhau ngay trong Bộ Chính trị, trong Công an Nhân dân, Quân đội
Nhân dân? Đã xảy ra nhiều vụ tham ô, nhũng lạm, làm thất thoát hàng trăm hàng
nghìn tỷ đồng trong hàng trăm vụ án lớn, mà không thu hồi nổi 1% để trả về cho
công quỹ! Tiền của công, của dân chạy gần hết vào túi các quan tham, như Nguyễn
Trường Tô, Trần Văn Truyền, các đại gia ngân hàng… Nhiều viên chức cao cấp là đại
biểu Quốc hội vác tiền của bất minh nối đuôi nhau chạy ra nước ngoài, để từ xa
thách thức tổng bí thư và ngành an ninh, trong khi ngành Công an chỉ còn biết
phản ứng bằng cách trả thù các chiến sĩ dân chủ như Cấn Thị Thêu, Bùi Minh Hằng,
Phạm Thanh Nghiên, Đoan Trang – những người được thế giới dân chủ quý trọng,
tôn vinh.
Đã đến lúc toàn dân ta phong cho cái đảng Cộng sản đã thoái
hóa đến tận cùng cái danh xưng xứng đáng nhất là Đảng tặc. Từ Đảng tặc mà sinh
ra lâm tặc, hải tặc, địa tặc, ngân sách tặc, ngân hàng tặc, ODA tặc, FDI tặc,
dân chủ tặc, dân quyền tặc.
Lẽ ra nếu như Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng
sản Việt Nam còn có chút lương tri, ý thức trách nhiệm với dân với nước, họ đã
phải tự phê bình nghiêm khắc, cúi đầu nhận tội hèn với giặc ngoại xâm và nội
xâm, ác với dân, nhận tội đã không đổi mới chút nào về chính trị, để cho đất nước
bế tắc kéo dài từ thảm họa Thành Đô cuối năm 1990.
Thật ra lối thoát không có gì khó khăn, xa xôi, phức tạp, rắc
rối.
Có một lối thoát rất rõ ràng, minh bạch, chóng vánh. Đó là kết
thúc triệt để một chế độ quá ư lạc hậu, lỗi thời, chế độ độc đoán độc đảng ngồi
trên hiến pháp và pháp luật, phủ định lá phiếu tự do của mọi công dân, một chế
độ mang danh hão là Chủ nghĩa Xã hội khoa học, nhưng trên thực tế và về thực chất
là "Chủ nghĩa tư bản rừng rú". Điều rất đơn giản là thay vào cái chủ
nghĩa Mác - Lênin cũ kỹ, ảo tưởng - đã bị cả loài người lên án là tội ác chống
nhân loại - bằng chủ nghĩa tư bản văn minh tiến bộ trên cơ sở pháp quyền, như
phần lớn các nước trên toàn thế giới.
Việc có nhiều đảng viên Cộng sản cao cấp yêu cầu trở về với
tên nước là "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", khôi phục quyền "sở hữu
tư nhân", từ bỏ "quyền sở hữu toàn dân mơ hồ, quái gở" là một điều
hợp lý, hợp lòng dân. Phải có ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp riêng biệt
để kiểm soát, kiềm chế nhau. Chỉ vài đổi mới chính trị thật sự như thế cũng đủ
để cải thiện tình hình rõ rệt. Tham nhũng sẽ bị đẩy lùi một cách cơ bản; ngân
sách sẽ không còn bị rò rỉ lớn; nông thôn, nông nghiệp sẽ khởi sắc trở lại; sẽ
không còn những vụ xử án bất công, theo chỉ thị của Bộ Chính trị và cấp ủy đảng;
giáo dục sẽ có chất lượng cao; y tế sẽ không còn bệ rạc, bất nhân. Xã hội sẽ ổn
định, hài hòa. Các tập đoàn quốc doanh sẽ không còn khống chế, lũng đoạn nền
kinh tế thị trường, chèn ép các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, công thương
nghiệp sẽ phồn vinh.
Đó mới thật là "đổi mới" thật sự, là "đổi mới
chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế", là "đổi mới đồng bộ cả hệ thống
cai trị", ăn khớp với nhau, "đổi mới cả hạ tầng cơ sở và thượng tầng
kiến trúc", "cả tư duy, nếp sống, pháp luật và công luận xã hội".
Toàn xã hội sẽ được lợi to lớn, bền lâu, chỉ riêng thiệt thòi là bọn sâu mọt cặn
bã nắm quyền lực để mưu cầu tư lợi.
Bước vào năm mới 2017, với tư duy mới, hy vọng mới, Bộ Chính
trị và Ban Chấp hành Trung ương hãy có một phiên họp đặc biệt để kiểm điểm sâu
sắc, tạ tội về những sai lầm chồng chất kéo dài và cuối cùng là cùng toàn dân
"đổi mới tư duy chính trị, kinh tế, văn hóa một cách toàn diện và đồng bộ",
từ đó cùng nhân dân lựa chọn nhân tài thứ thiệt cho đất nước qua các cuộc bàn
luận, kiến nghị, thảo luận dân chủ rộng rãi, tuyển chọn ra bộ máy lãnh đạo thật
sự của dân, do dân, vì dân, như ở mọi đất nước và thể chế dân chủ văn minh hiện
tại.
Công đoàn Đoàn kết (Trade Union "Solidarity") ở Ba
Lan đã làm được như thế. Hiến Chương 77 (Charter 77) của các trí thức Tiệp Khắc
đã làm được như thế. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for
Democracy) của bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar đã làm được như thế. Ở Nam Phi,
ông Nelson Mandela cùng Đảng Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress) đã
làm được như thế. Ở Ấn Độ, lãnh đạo Mahatma Gandhi của Đảng Quốc dân Đại hội Ấn
Độ (India National Congress) cũng đã làm được như thế.
Đến nay, ở thế kỷ XXI, tại sao dân tộc ta, toàn dân ta lại
không làm được như thế? Toàn dân ta không hề che dấu ý nguyện, ý chí đấu tranh
của mình. Hãng điều tra dư luận quốc tế có uy tín PEW cho biết hơn 80% nhân dân
Việt Nam tỏ rõ ý muốn kết bạn, gắn bó với phương Tây dân chủ và Hoa Kỳ; chỉ có
12% muốn gắn bó với Trung Cộng.
Lòng dân rõ là như thế. Năm mới, hãy bàn một lần cho ra lẽ
chuyện mới và cũ để từ bỏ dứt khoát cái cũ giáo điều, cổ hủ, đổi mà không mới,
mới còn tệ hơn cũ.
Mong rằng toàn đảng Cộng sản Việt Nam hãy tự xét mình, tự
phê bình nghiêm chỉnh để tiếp thu cái mới thật sự, đổi mới thật sự. Đổi mới hay
là chết! Đây là khẩu hiệu trung tâm, mệnh lệnh của Tổ quốc, của nhân dân cho cả
năm mới 2017.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét