Người Việt
Một người nghèo lượm rác kiếm sống trên đường phố Hà Nội. Mức
độ nghiêm trọng của các thảm trạng xã hội càng ngày càng lớn vì chính quyền Việt
Nam vẫn loay hoay chưa biết làm thế nào để xây dựng “kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa.” (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Đó là điều mà ông Nguyễn Chí Dũng, thứ trưởng
của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, thú nhận tại hội thảo về xây dựng thể chế
“kinh tế thị trường.” Hội thảo vừa kể do Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Viện Nghiên Cứu
Quản Lý Kinh Tế Việt Nam đồng tổ chức tại Hà Nội.
Tại hội thảo đó, ông Dũng tâm sự thêm rằng ông nghĩ mãi mà vẫn
chưa thông là nếu tiếp tục bước tới khi không rõ sẽ đi đến đâu, đi bằng cách
nào và bao giờ đến… thì làm sao Việt Nam có thể đi nhanh và kinh tế có thể phát
triển bền vững (?).
Cho đến giờ giới lãnh đạo chính quyền CSVN vẫn khăng khăng sẽ
hướng Việt Nam vào con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa.” Tuy nhiên giới này vẫn chưa phác họa được diện mạo của “kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa” ra sao, có những điểm gì khác với nền kinh tế
kế hoạch theo kiểu cộng sản và kinh tế thị trường thuần túy.
Theo ông Dũng, thể chế đang được cải cách thông qua cải cách
luật pháp, tái cơ cấu đầu tư công, cải cách lề lối quản trị doanh nghiệp nhà nước
nhưng hình như chưa đủ nên lại tiếp tục cải cách thể chế.
Ông Dũng thú thật là cải cách liên tục nhưng cảm giác ở đâu
đó vẫn thiếu cái gì đó chưa đúng, chưa đủ, chưa yên tâm vẫn còn nên vẫn thấy cần
phải tiếp tục cải cách. Nếu cứ loay hoay cải cách thì rõ ràng sẽ để vuột mất cả
thời gian lẫn cơ hội.
Thứ trưởng của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam tự vấn, cuộc sống
giống như một dòng chảy, việc đặt định cách thức giám sát từng giống như đắp đập
khiến dòng chảy bị nghẽn, giờ phá đi thì gọi là gì? Chẳng lẽ đắp đập rồi dỡ bỏ
là cải cách? Không như nhiều quốc gia khác – chọn được đường ngay từ đầu, trước
đây, Việt Nam đi theo một hướng giờ chuyển sang hướng khác trong bối cảnh điểm
xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế. Vậy thì làm sao để kinh tế Việt Nam có thể
tiếp cận với các chuẩn mực tốt mà các quốc gia khác phải mất vài trăm năm mới định
hình được?
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý
kinh tế Việt Nam, góp ý: Chúng ta hay nói Việt Nam thì khác, Việt Nam có “đặc
thù”! Tuy nhiên theo ông Cung, không nên nhấn mạnh điều đó, vì nếu cứ nhấn mạnh
sự khác biệt thì Việt Nam tự đẩy mình sanh bên lề tiến trình toàn cầu hóa. Có
“đặc thù” thì phải tự nắn để hòa vào dòng chảy chung theo chuẩn mực quốc tế.
Ông Cung dẫn Nam Hàn để chứng minh. Trước đây Nam Hàn cũng
có nội chiến, cũng nghèo. Hồi thập niên 1960, Nam Hàn cũng như Việt Nam nhưng đến
thập niên 1980, Nam Hàn đã bước vào giai đoạn hai của quá trình phát triển còn
Việt Nam ở giai đoạn một. Nay, Nam Hàn bước vào giai đoạn ba thì Việt Nam cũng
vẫn còn loay hoay ở giai đoạn một. Nam Hàn và Việt Nam rõ ràng có khác biệt
nhưng việc chú trọng vào sự khác biệt đó là để tự thay đổi chứ không phải để du
di, chần chừ.
Ông Raymond Mallon, một cố vấn cho dự án có tên “Hỗ trợ tái
cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam” do chính phủ Úc tài trợ, bảo
rằng, dẫu liên tục cải cách, các vấn nạn chính của Việt Nam vẫn là sự chuyển đổi
của nền kinh tế rất chậm, doanh nghiệp tăng trưởng chậm, kinh doanh thiếu sáng
tạo, nhờ quan hệ mật thiệt với các viên chức, các nhóm tài phiệt tiếp tục giàu
nhanh nhờ có đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường.
Ông Jeong Ho Kim, một giáo sư của trường Chính Sách và Quản
Trị tại Nam Hàn, cho biết, ba điểm chính giúp Nam Hàn thịnh vượng như hiện nay
là: Chính trị đa nguyên, xã hội dân sự, sử dụng các ngành công nghiệp có hàm lượng
tri thức và sáng tạo cao làm trụ cột.
Ông Jeong Ho Kim lưu ý, Nam Hàn thành công còn vì vừa cảnh
giác với các Chaebol (những tập đoàn do các gia tộc điều hành), vừa dùng nhiều
cách để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gỡ bỏ sự bảo hộ
các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực công ích như vận tải, tăng chi tiêu cho
nghiên cứu và phát triển, tăng phúc lợi xã hội. (G.Đ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét