Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Người Việt Nam và nạn 'nô lệ hiện đại' tại Anh Quốc



BBC


Chiến dịch truy quét mới nhất chống sử dụng lao động phi pháp ở Anh được Thứ trưởng chuyên trách Nhập cư, ông Robert Goodwill ca ngợi là nỗ lực nhằm giải quyết những "tội ác man rợ của chế độ nô lệ hiện đại".

Chính phủ Anh nói chiến dịch Magnify trong đợt kiểm tra từ 27/11 đến 3/12/2016, đã bắt 97 người, đa số là công dân Việt Nam, ngoài ra là dân nhập cư không giấy tờ từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.

Các nhân viên phụ trách nhập cư đã kiểm tra nhiều các tiệm làm móng trên khắp nước Anh, một thứ doanh nghiệp khá phổ biến với người Việt ở nước này.

Nhưng cảnh sát Anh cũng nhắm vào ngành xây dựng, điều dưỡng, dịch vụ vệ sinh, hàng ăn, nghề lái taxi và các điểm rửa xe trong năm 2016 vốn thường là nơi tuyển lao động nhập cư thiếu giấy tờ làm việc hợp lệ.

Trên trang Facebook của BBCTiếng Việt đã có nhiều bình luận về tin này.

Rất nhiều ý kiến chia sẻ quan ngại về tình trạng người Việt rơi vào hoàn cảnh khốn khó.

"Thương thay kiếp tha phương cầu thực, vì đâu nên nông nỗi này!"

"Đâu ai bắt mình cư ngụ & làm ăn bất hợp pháp. Nhất là coi thường luật pháp của nước người ta."

" Vì miếng cơm manh áo thôi. Cầu cho người Việt ta ở hải ngoại được bình an..."

"Đi làm kiếm cơm cũng không được."


Không phải là chuyện 'kiếm ăn'

Nhiều người không nhìn nhận việc khai thác lao động trái phép là hiện tượng 'nô lệ hiện đại' (Hình minh họa)

Nhưng có vẻ như một số ý kiến vẫn là coi đây chỉ là chuyện người Việt đi kiếm ăn xứ người gặp hoàn cảnh khó khăn chứ không nhìn nhận việc khai thác lao động trái phép là hiện tượng 'nô lệ hiện đại'.

Vì hành vi khai thác nô lệ hiện đại diễn ra kể cả khi nạn nhân đồng ý chọn hoàn cảnh đó, theo định nghĩa tại Anh Quốc.

BBC Tiếng Việt giới thiệu một số đoạn trong Luật Anh năm 2015 để cho thấy vì sao chính quyền quyết tâm chống nhập cư lậu và khai thác nhân công từ nguồn này như một hình thức nô lệ hiện đại:

Luật về Nạn Nô lệ Hiện đại (Modern Slavery Act 2015) đăng trên trang của chính phủ nêu ra hai định nghĩa 'bắt người khác làm nô lệ' (slavery) và 'khai thác, hưởng dụng khổ sai' (servitude).

Về mặt ngôn từ, slavery không khác servitude bao nhiêu nhưng Luật năm 2015 đưa ra cả hai nhằm bao quát rộng nhất các hình thức khai thác nhân công và dịch vụ hiện có trên thị trường lao động ngầm tại Anh.

Luật ngay trong Điều 1 cũng gộp cả ba vấn đề 'Nô lệ, khai thác khổ sai, lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc': slavery, servitude and forced or compulsory labour.

Khoản 1, Điều 1 xác định đối tượng vi phạm:

"(1) Một người sẽ bị coi là phạm tội nếu —

(a) là người giữ một người khác trong tình trạng nô lệ, khai thác khổ sai và trong tình huống mà người cầm giữ biết hoặc nên biệt rằng người kia bị giữ làm nô lệ hoặc bị khai thác khổ sai, hoặc

(b) là người yêu cầu một người khác thực hiện công việc cưỡng bức hoặc bắt buộc theo cách mà người gây ra biết hoặc cần phải biết rằng người kia bị yêu cầu phải thực hiện công việc cưỡng bức hoặc bắt buộc.

...Vẫn trong Điều 1 có phần nhắc tới các tiêu chuẩn của Luật Nhân quyền để hỗ trợ cho định nghĩa thế nào là khai thác nô lệ hiện đại.

Ngoài ra, khác với cách hiểu thông thường ở một số nơi khi người ta nhờ vả, dùng thân nhân, trẻ em vào công việc làm ăn, Luật chống nô lệ hiện đại tại Anh ghi rõ cách dùng lao động như vậy cũng là phạm pháp.

                       Một chiến dịch chống nô lệ hiện đại tại Anh

Định nghĩa về nạn nhân nói đó là:

"Bất cứ ai, vì hoàn cảnh cá nhân - như là người còn vị thành niên, người có quan hệ gia đình, người bị bệnh tật, bị bệnh tâm thần - mà trở thành người dễ bị tổn thương hơn người khác".

Những công việc nạn nhân làm có thể gồm:

"Bất cứ việc gì, dịch vụ gì (work or services) do người đó cung cấp, gồm cả việc hoặc dịch vụ cung cấp trong các hoàn cảnh bị cho là bóc lột (exploitation) ghi trong các Điều 3(3) đến (6)..."

Điều đáng nói là Luật này của Anh Quốc bác bỏ chuyện ai đó đã đồng ý từ trước, chấp nhận hoàn cảnh lao động hoặc cung cấp dịch vụ bị cho là bóc lột, khai thác nô lệ:

"Sự đồng ý của cá nhân, dù là thành viên hay trẻ em, cho bất cứ hành vi nào được xếp vào dạng cầm giữ làm nô lệ, khai thác khổ sai, hoặc bắt người đó thực hiện công việc cưỡng bức hoặc bắt buộc, đều không xóa bỏ được xác định rằng chính người đó đang bị cầm giữ như nô lệ hoặc bị buộc phải thực hiện lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc."

Xin nhắc rằng yếu tố 'lao động bắt buộc' (compulsory labour) cũng đủ để cấu thành tội phạm về nô lệ hiện đại, chứ không cần phải đánh đập, hành hạ, bỏ đói... như kiểu nô lệ thời cổ xưa.

Hiển nhiên, các đường dây buôn người vào châu Âu và Anh là nguồn cung cấp nhân công cho các cơ sở sử dụng lao động dạng nộ lệ hiện đại.

Vì thế, Luật 2015 trong Điều 2 nhắc ngay đến tội buôn người (human trafficking) mà đối tượng vi phạm là bất cứ ai tổ chức, hỗ trợ cho việc đi lại của một người khác (thành niên hoặc vị thành niên)với mục tiêu để người đó bị bóc lột, khai thác".

Sự đồng ý của nạn nhân cho chuyến đi không có ý nghĩa miễn trừ cho người gây án và các công tác trợ giúp, vận chuyển, cho quá cảnh, cất giấu, kiểm tra nạn nhân buôn người, điều bị coi là phạm pháp.

Modern Slavery Act 2015 còn nêu ra một loạt hành vi như khai thác tình dục, cưỡng bức lao động vị thành niên, lừa đảo, đe dọa, tịch thu tài sản cá nhân của nạn nhân...và đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ người vị thành niên và trẻ em.

Luật cũng cho phép các cơ quan công quyền Anh, từ Cục Di trú thuộc Bộ Nội vụ đến Cảnh sát, Biên phòng và toà án các thẩm quyền rõ rệt nhằm diệt trừ nạn buôn người và khai thác lao động dạng nô lệ hiện đại.

Thủ tướng Theresa May cam kết hồi tháng 6/2016 ngay sau khi lên nắm quyền điều hành chính phủ rằng Anh Quốc sẽ chấm dứt "vấn đề nghiêm trọng về quyền con người trong thời đại chúng ta", khi nói đến nạn nô lệ hiện đại.

Bà May rất tự hào về việc Anh thông qua luật chống nô lệ hiện đại năm 2015 khi bà còn làm Bộ trưởng Nội vụ và nói đã có 289 trường hợp khai thác nô lệ hiện đại bị truy tố chỉ trong năm đó.

Thị trường lao động 'ngoài luồng'


 Dù các tổ chức nhân quyền, báo chí khen ngợi những nỗ lực của chính phủ Anh chống nạn buôn người và bóc lột lao động kiểu nô lệ, một thực tế dễ thấy là nhiều ngành nghề tại Anh như dịch vụ nhỏ, xây dựng, đánh cá, vận tải... phụ thuộc vào các nguồn lao động không đều hoặc có tay nghề đặc thù.

Như Jess Sharman từng viết trên trang thenbs.com về công tác tuyển người theo vụ mùa của ngành xây dựng, chiến dịch truy bắt lao động trái phép (illegal hires) của Bộ Nội vụ Anh không nên là giải pháp duy nhất.

Tác giả này đồng ý rằng lao động trái phép về lâu dài chỉ khiến giá nhân công giảm xuống, gây thiệt hại cho người lao động hợp pháp tại Anh, nhưng hiện tượng thiếu nhân công có tay nghề là có thật và cần chính phủ có biện pháp giúp các doanh nghiệp.

Bài báo nêu ra một số giải pháp như tăng cường dạy nghề tại Anh, thông thoáng các thủ tục tuyển ngắn hạn, giống như ngành thời trang được thuê người mẫu nhanh chóng, hoặc cho các công ty tuyển cả di dân có tay nghề (targeted immigration) theo mô hình Úc.

Được biết trước mắt những biện pháp này chưa xảy ra và ngành xây dựng Anh cũng như các tiệm móng tay mà nhiều chủ là người Việt phải trả tiền phạt 20 nghìn bảng Anh cho một nhân công họ thuê trái phép, căn cứ vào Luật chống nô lệ hiện đại và Luật Di trú.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét