Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Tượng đài trong lũ lụt Miền Trung

Phạm Nhật Bình




Nếu có ai đó nói Việt Nam là đất nước của tượng đài và sống vì tượng đài thì điều đó không ai dám phản đối.
Truyền thông trong nước mới đưa tin, tỉnh Bình Định trong 2 tháng 11 và đầu tháng 12 đã hứng chịu tất cả 5 đợt mưa lũ kéo dài khiến cho 34 người chết, nhiều người khác bị thương và mất tích. Trong lúc ấy ngân sách của tỉnh chỉ còn lại 2 tỷ đồng, phải xin trung ương hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng gọi là để “khắc phục hậu quả” thiên tai. 
Điệp khúc xin hỗ trợ khắc phục hậu quả hầu như tỉnh nào cũng gào lên mỗi khi có dịp như một kiểu móc hầu bao từ ngân sách “trên rót xuống” một cách vô tội vạ. Nhưng lúc bình thường thì tỉnh nào cũng hô hào xây dựng dự án này nọ hàng ngàn tỷ đồng để chứng tỏ sự lớn mạnh của tình nhà, có tính cách tranh hùng với tỉnh bạn. Có một thời kỳ các tỉnh đua nhau xây dựng những trung tâm hành chánh tập trung “hoành tráng” hàng trăm triệu đô-la dành làm nơi cho đảng viên hành dân. Danh tiếng nhất là Đà Nẵng chi ra 2.000 tỷ đồng tương đương trên 100 triệu USD để có một tòa nhà hành chính thông minh nhưng phải bỏ đi vì ngộp thở.

Thế nhưng khi đụng chuyện, trong hoàn cảnh bão lụt lan tràn trong túi chỉ còn 2 tỷ bạc nhưng trước đó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã phê duyệt một dự án xây tượng đài HCM và thân phụ của ông này có kinh phí lên đến 118 tỷ đồng.

Tính ra Việt Nam có đủ loại tượng đài, ngay cả Lê-Nin người Nga cũng sang đứng nghênh ngang ở một vườn hoa đẹp nhất thủ đô, xem ra hơn cả tượng đài vua Lý Thái Tổ. Nhưng tất cả phải nhường bước cho hệ thống tượng đài HCM mà từ trung ương tới địa phương đều hào hứng thực hiện cho bằng được.

Theo một dự thảo quy hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì một hệ thống tượng đài Chủ tịch HCM đến năm 2030 đã được chấp thuận. Hệ thống tượng đài này sẽ được ưu tiên xây dựng đến năm 2030 tại 14 địa phương: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. 

Như vậy tỉnh Bình Định là 1 trong 14 tỉnh hân hạnh nằm trong “quy hoạch” này. Vì vậy bất chấp ngân sách cạn kiệt, người dân đang đói khổ vì lũ lụt, lãnh đạo tỉnh đã thừa thắng xông lên ra tay trước bằng cách phê duyệt ngay 118 tỷ đồng. Chẳng những đúc tượng ông Hồ mà còn cho người bố ăn theo cho lãnh tụ kính yêu khỏi mang tội bất hiếu.

Thông thường khi thực hiện, tượng đài nào cũng sẽ đội vốn lên cao vì ý chí của lãnh đạo bao giờ cũng vượt lên chạm đỉnh “hoành tráng” hơn người mới thôi. Do đó tượng của Bình Định nếu có từ 118 tỷ bò lên 250 tỷ thậm chí 300 tỷ cũng có lý do chính đáng, vì đến hai bố con kia mà! 300 tỷ đồng thì có đáng là bao, chỉ hơn 15 triệu đô-la một chút thôi, cũng chưa mấy xứng với câu khẩu hiệu dỏm “Bác Hồ vĩ đại đời đời sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”.

Đây là vấn nạn của các chế độ công sản, nạn sùng bái lãnh tụ xuất phát từ thành đồng xã hội chủ nghĩa Liên Xô với đủ loại tượng Lê-Nin, nhất là Stalin xuất hiện tại nước Nga và các nước chư hầu cộng sản khác. Chúng hình thành một hệ thống ma quái ngự trị một thời gian dài trong ánh mắt đầy khinh bỉ của người dân.

Rồi tỉnh Bình Định cũng sẽ nhanh chóng vượt chỉ tiêu để có một tượng đài lãnh tụ cho chim trời bón phân. Và cũng là cơ hội để lãnh đạo tỉnh xà xẻo kinh phí bỏ túi riêng. 



Phạm Nhật Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét