Phạm Cao Phong
Che Guevara cùng Fidel Castro thời kỳ Cách mạng
Cuba
Một cây bút Cuba viết cho báo ‘Neues Deutschland’ nói với
tôi : 'Nói về Fidel phải nhắc tới Che Guevara (1928-1967).'
Che Guevara, con người có ‘đôi mắt ngọt ngào và nụ cười buồn
buồn làm phụ nữ nghẹt thở’ giống Fidel như hai giọt nước. ‘Che’ gần Fidel hơn cả
chú em Raul Castro bé như viên kẹo.
Cặp người hùng huyền thoại Fidel-Che
Người Cuba nhìn cuộc cách mạng của mình qua những tấm áp
phích hoành tráng khuôn mặt của ‘Che’ và các bài diễn văn ứng khẩu của Fidel.
Nét khỏe, chắc rất Mỹ La tinh vẻ đẹp ngạo nghễ của Che, và
cách nói rắn, trực tiếp của Fidel mê hoặc không chỉ ở Cuba.
Những người đàn bà vướng vào ánh sáng mê hoặc của hai ngôi
sao chổi đều có những kỷ niệm tê đắng. Mà con đường họ đi thì giao thoa rất
nhiều mỹ nhân.
Tháng 10/1948, Fidel cưới Mirta Díaz-Balart, em gái Bộ trưởng
Nội Vụ chính phủ Fulgencio Batista (1901-1973). Nhà độc tài Batista còn gửi
quà tặng cho chú rể trẻ, người sau này đuổi ông ta khỏi đất nước.
Che Guevara sinh năm 1928, kém Fidel hai tuổi. Che có mối
tình đầu với tiểu thư con một triệu phú. Cũng như Fidel, Che lụy tình ở tuổi
24.
Với Che, tình yêu, tiền tài, địa vị xã hội chỉ là gió thoảng.
Đang học dở, Che bỏ kỳ thi lấy bằng bác sĩ, lấy mô-tô chu du
thiên hạ để học giật mình. Con đường Che đi, trải từ Argentina, qua Chile,
Bolivia, Peru, Columbia, Venezuela, giờ thành con đường hành hương những người
say mê phiêu lưu, nhớ về Che.
Họ như song hành, gần gũi, như tiền định.
Năm 1947, Fidel sang Cộng hòa Dominica tham gia cuộc chiến
đấu chống Tổng thống Rafael Trujillo.
Ngày 26/7/1953, Fidel dẫn 115 đồng đội tấn công trại lính
Moncada. Thất bại, bị kết án tù chung thân, song hai năm sau Fidel được phóng
thích.
Sau khi ra tù, Fidel sang Mexico và gặp Che Guevara ở đây
tháng 7/1955.
‘Che’ là người mua chiếc Yacht Granma chở Fidel cùng 80 quân
nhân phong trào ‘M-26/7’ đổ bộ vào Cuba ngày 2/12/1956, mở đầu cuộc chiến
tranh du kích.
Cả hai không rời nhau nửa bước.
Fidel mơ ‘giấc mơ Mỹ’, song rơi vào vòng ‘cầm tù’ của
Khrushchev, nhà lãnh đạo Liên Xô thời đó.
Ngày 1/1/1959, Fidel cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào La
Havana.
Chỉ bốn tháng sau, ngày 15/4, nhân vật số một Cuba bí mật
thăm Mỹ, bỏ mũ trước tượng đài Abraham Lincoln.
Tổng thống Dwight. D. Eisenhower bận một cuộc chơi golf,
gửi Phó Tổng thống Richard Nixon tiếp đón Fidel lạnh nhạt tại Nhà Trắng.
Thái độ khinh khỉnh của Eisenhower mua cho nước Mỹ một kẻ
thù lù lù trước mũi, mà 634 lần họ định ám sát cũng không thành.
Cuộc ‘ly khai’ của Che với 'Đế quốc phương Nam' Liên Xô
Với 115 người, Fidel tấn công một trại 1.500 lính.
Từ 14 người sống sót trong 82 đồng đội đổ bộ, ba năm sau
Che và Fidel đã có một đội quân 800 người. Họ hạ gục 80.000 quân chính quy có
máy bay, trọng pháo của Batistuta.
Mở đầu cuộc cách mạng, Fidel và Che đã tạo nên một huyền
thoại lãng mạn, đầy chất thơ, quyến rũ, mơ ước về một vùng đất dân chủ, công bằng.
Thế nhưng Che tỉnh táo nhận ra qua cuộc khủng hoảng tên lửa
1962 rằng cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô đều chỉ coi Cuba như lá bài mặc cả trong chiến
lược toàn cầu. Hành động xuống thang cho thấy Liên Xô không sẵn lòng mạo hiểm
giúp đỡ cho cách mạng Mỹ Latin.
Tại Algeria 25/2/1965, Che công kích Liên Xô thiếu nỗ lực
cho cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức.
Hoa Kỳ được Che đặt tên ‘Đế quốc phương Bắc’, còn là Liên
Xô ‘Đế quốc phương Nam’.
Che viết hẳn một chuyên đề phê phán ‘Giáo khoa chính trị học’
Liên Xô.
Tranh luận với Bộ trưởng Văn hóa Cuba Armando Hart, Che
cho rằng đưa môn triết trong các sách giáo khoa Xô-viết vào giảng dạy ở các đại
học La Havana là nguy hại.
Che nói một câu tiên tri – Đường lối đó ‘không cho người ta
nghĩ, đảng đã làm ra nó cho mày thì mày phải tiêu hóa nó’, ‘Không thể diệt ý
kiến bằng bạo lực mà chỉ có thể ngăn cản trí thông minh nẩy nở’.
Ngay khi lên làm Thống đốc Ngân hàng Cuba, Che đã phản đối
gay gắt bệnh giáo điều, dập khuôn mô hình kinh tế Liên Xô.
Che: Fidel ‘hèn, như một thằng đào ngũ’
Một ngai vàng không có chỗ cho hai người.
Che chẳng đoái hoài cái ngai đó. Song trái tim Che đã tan vỡ
khi nghe Fidel đọc lá thư tuyệt mệnh của mình, viết phòng hờ lúc đi xa mà lẽ
ra chỉ được công bố sau khi chết (họ thỏa thuận với nhau thế), lại được đọc
khi Che vừa mới rời Cuba bước vào hoạt động bí mật.
Đó là hồi giữa thập niên 1960, khi Che Guevara từ bỏ mọi chức
vụ đang có tại Cuba để dấn thân sang các nước vùng Nam Mỹ, tiếp tục cuộc cách mạng
giải phóng Mỹ Latin nhằm "tạo ra một, hai, ba và rất nhiều Việt Nam".
Việc công bố thư có phải là một cách bịt đường về, phủi tay
trước những hoạt động Che làm, hay đó chỉ cách để Fidel thông báo cho ‘bạn bè
gần xa, đồng chí tư bản cũng như cộng sản’ rằng Che một mình làm cả một
cuộc chia ly, một cuộc nổi loạn ở đâu đó?
Nghe tin này qua Đài phát thanh La Havana, Che cười nhạt,
nói 'Hèn thật, như một thằng đào ngũ'.
Có thể Fidel không đếm xỉa bất cứ chỉ trích của người nào,
nhưng lời nói của Che giản dị, nhưng đau nhất.
Ngày 8/10/1967, Che bị giết ở Quebrada del Yuro, Bolivia,
trong một ngôi trường nhỏ.
Che Guevara bị giết ở rừng núi Bolivia năm
1967
Mario Teran, người nhận lệnh bắn Che kể lại cho tạp chí
Paris Match năm 1977: 'Tôi chần chừ đến 40 phút trước khi phải hành quyết Che.
Tôi tìm gặp Đại tá Perez, hy vọng bãi bỏ lệnh này. Song Đại tá nổi giận. Đây
là giờ phút tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi.'
'Khi tôi quay lại, Che đang ngồi trên ghế băng. Khi nhìn thấy
tôi vào, Che hỏi: ‘Ông đến để giết tôi?’ Tôi không e dè gì, nhưng cúi đầu,
không trả lời. Tôi không dám bắn. Khoảng khắc này, tôi thấy như Che lớn khủng
khiếp, ánh mắt tự tin.'
'Tôi thấy Che nhổm lên và nhìn thẳng vào mắt tôi, làm tôi
nôn nao hết cả người. Tôi nghĩ rằng với một cú chớp nhoáng Che có thể đoạt khẩu
súng trong tay tôi.'
'‘Hãy thanh thản anh bạn, ngắm cho cẩn thận. Anh chỉ giết
một con người.’ Tôi lùi lại một bước về phía cửa, nhắm mắt, xả loạt tiểu liên
đầu tiên vào Che…'
Ảnh hưởng của Che
Ánh mắt Che khi chết rộng mở, độ lượng và nhân ái. Ánh mắt
ấy chấn động nhân loại và chắc chắn ám ảnh đến một người đồng hương
Argentina, kém Che 8 tuổi. Người tên là Jorge Mario Bergoglio, được biết đến
nhiều hơn dưới tên Giáo hoàng François.
Người bạn của Fidel ấy, với cốt cách khinh bạc tiện nghi
vật chất, những ham muốn tầm thường, xa lánh thói tự tư, tự lợi, quyền lực,
lên đường chiến đấu chống lại bất công của nhân loại có khác gì Chúa?
Ngay khi bước vào Vatican tháng 3/2013, Giáo Hoàng đã cầm hồ
sơ Cuba trong tay, coi đó như sứ mệnh cá nhân.
Hai bức thư bí mật với dấu ấn chiếc nhẫn Giáo Hoàng được gửi
tới Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Tháng 6/2013, một phái đoàn Cuba lặng lẽ đến Rome, bí mật
gặp phái đoàn các nghị sĩ Hoa Kỳ trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha.
18 tháng trao đổi, thỏa thuận những nhân vật trong bóng tối
với sự bảo trợ của Vatican cuối cùng đã dẫn đến cuộc điện đàm một tiếng đồng
hồ giữa hai nguyên thủ quốc gia đối nghịch nhau đúng một nửa thế kỷ.
Ngày 17/5/2015, sự vun trồng kết trái. Hai nước chính thức
lập lại quan hệ ngoại giao.
Những lời tiên tri của Che đã đúng. Cái chết như thần thoại
của Che đã mở cánh cửa cho Cuba.
Bây giờ ai cũng biết đằng sau sự biến mất của Che là gì.
Fidel không thể nào không đọc những hàng chữ này. Những hàng
chữ của một trong ba đồng đội sống sót của Che kể lại cuộc chia tay với
‘hậu phương lớn Xô Viết’ để thấy thế nào ‘vừa là vô sản, vừa là anh em’:
'Khi ba người Cuba chúng tôi trốn thoát khỏi Bolivia, Tổng
thống de Gaulle không tận tay đến tiếp chúng tôi tại Pháp, song ông đã trực tiếp
yêu cầu chính phủ Tahiti bảo đảm an ninh cho chúng tôi, giám sát việc chúng
tôi được tiếp đón nồng hậu ở đây, chúng tôi như trong vòng tay người nhà.'
'Khi đến Paris, thành viên Đảng Cộng sản Pháp đã ra tận
sân bay, chuẩn bị một cuộc tiếp đón ấm nồng, chan chứa tình bạn, tổ chức một
buổi phỏng vấn truyền hình, đối đãi với chúng tôi rất tốt, rất nhân văn. Người
Pháp lịch thiệp, tế nhị cử một quan chức ngoại giao tháp tùng chúng tôi đến
tận Sứ quán Cuba tại Tiệp Khắc.'
'Nhưng chúng tôi không bao giờ, không khi nào nhận được thị
thực quá cảnh Liên Xô. Chúng tôi phải đợi ba ngày tại Praha, cho đến khi Ramiro
Valdez (Bộ trưởng Ngoại giao) bay từ Cuba sang đàm phán với KGB ngõ hầu được
quá cảnh tại Nga trong vòng 10 phút trên phi trường Moscow.'
'Chúng tôi bay từ Praha hồi 2h sáng, do chênh lệch múi giờ
cũng đến Moscow vào lúc 2h. Gacia Paléaz lái xe đón chúng tôi ngay chân cầu
thang máy bay, đi sau một xe có rất nhiều đèn pha, chắc của KGB và đưa thẳng
chúng tôi ra đường băng có một chiếc IL 62 đậu mà cửa sau đã mở sẵn. Chúng
tôi lên máy bay bằng cửa này. Tất cả diễn ra chưa đến 10 phút.'
'Hành động của họ chứng tỏ Liên Xô đã gây sức ép lên Fidel,
họ quên ai là bạn của Che và đồng đội chúng tôi...'
'Một sĩ quan Cuba có hàm rất cao nói: ‘Tôi nói chính xác đến
từng chữ một, nếu như câu nói này có thể làm tôi không còn chỗ đứng trên Trái
Đất tôi vẫn nói, người ta đã vứt họ vào những cánh rừng Bolivia như vứt mẩu
thép gỉ vào đống rác.’'
Đài truyền hình Arte của Pháp trong chương trình đặc biệt
tưởng niệm cái chết của Fidel Castro ngày 25/11/2016 bình luận, ‘Liên Xô mong
muốn ký Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân với Mỹ nên đã áp lực lên Cuba thí Che’.
Che đã lặng lẽ đi con đường của mình. Con đường tiền định của
một nhà cách mạng. Trong một thế giới đầy bất ổn, Che như chịu hình phạt của
người mang thông điệp lớn lao, bi kịch mà hạnh phúc.
Còn Fidel? Fidel thường ví mình như một Cid Campeador, anh
hùng thần thoại Tây Ban Nha được biết dưới cái tên Rodrigo Diaz de Vivar, được
nhà soạn nhạc Piere Corneille phổ thành vở Opera năm 1637.
Ông nghĩ rằng mình cũng là một kỵ mã mà cái chết vẫn làm
kinh khiếp kẻ thù. Như người vợ Chimène của ‘Cid Campeador’ cột xác chồng lên
chiến mã xung trận. Ai đó sẽ dựng Fidel y như thế trong dáng đứng chiến đấu chống
chủ nghĩa đế quốc.
Nhưng hình như phút cuối đời mình, Fidel đổi ý.
Fidel muốn được hỏa thiêu và không một tượng đài hay đường
phố nào sẽ mang tên mình ở Cuba.
Sao Fidel không muốn về nằm cùng với Che ở Santa Clara?
Biệt ly với Che, bỏ bạn chết trong rừng Bolivia, Fidel đã
bán linh hồn mình cho ‘Đế quốc phương Nam’. Fidel lánh mặt bạn trong ngày phán
xử cuối cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét