Thụy My
Hai tổng thống Obama và Putin hôm 20/11/2016 tại Lima (Ảnh AFP) |
(Libération
31/12/2016) Tổng thống Mỹ sẽ mãn nhiệm vào ngày 20 tháng Giêng tới, tối
thứ Năm 29/12 đã loan báo việc trục xuất 35 điệp viên Nga ra khỏi lãnh thổ, để
trả đũa các cuộc tấn công tin học của Matxcơva được cho là tạo điều kiện cho
Donald Trump đắc cử.
Khuấy động sự yên tĩnh một hôm trước đêm tất niên, Nhà Trắng
hôm thứ Năm loan báo một loạt trừng phạt Nga, do các vụ tấn công tin học trong
chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Câu trả lời ở nhiều cấp độ chống lại cuộc
tấn công tin học được cho là của một cường quốc nước ngoài nhằm can dự vào bầu
cử, là chưa từng có. Ba mươi lăm nhà ngoại giao Nga, mà Washington coi là điệp
viên, đã bị tuyên bố persona non grata.
Họ có 72 tiếng đồng hồ để rời khỏi nước Mỹ.
Một nghị định hồi tháng 4/2015 đã được hoàn chỉnh, nghị định
này nới rộng quyền hạn của tổng thống để đáp trả các vụ tấn công tin học nhằm « can thiệp hay làm yếu đi tiến trình
bầu cử ». Chính quyền Mỹ cáo buộc Matxcơva đã tổ chức các vụ xâm nhập
mạng, để đánh cắp và công bố hàng ngàn thư điện tử của những người có trách
nhiệm thuộc đảng Dân Chủ, làm rối thông điệp của ứng cử viên Clinton.
Chín định chế Nga bị trừng phạt kinh tế : GRU (cơ quan
tình báo quân đội) và FSB (cơ quan tình báo liên bang, tức KGB cũ), người đứng
đầu hai cơ quan này và ba công ty « hỗ
trợ phương tiện » - theo Nhà Trắng. Igor Valentinovich Korobov, giám
đốc GRU đặc biệt bị nhắm đến, cùng với ba trong số cấp phó của ông này. Một
người Nga và một người Latvia, bị nhận diện là tội phạm tin học, biển thủ và
giả mạo danh tính. « Tất cả mọi
người Mỹ đều phải lo ngại về các hành vi của Nga » - Washington báo
động trong một thông cáo.
Nơi gặp gỡ bí mật của điệp viên
Lối vào hai cơ sở giải trí trên đất Mỹ thuộc sở hữu của Nhà nước Nga đã
bị phong tỏa, và những người cư ngụ trên đó có hai mươi bốn tiếng đồng hồ để
rời khỏi địa điểm. Đó là dinh cơ đồng quê của đại sứ quán Nga (18 hecta bên bờ
sông Chester ở Pioneer Point ở tiểu bang Maryland), và 5,5 hecta khu nhà ở Long
Island ở Glen Cove (New York). Theo báo chí Mỹ, đây là những nơi để các quan
chức Nga tiêu khiển, nhưng cũng là nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ bí mật giữa
các điệp viên.
Điện Kremlin cải chính mọi can dự, tố cáo các trừng phạt « vô căn cứ » và « bất hợp pháp ». Trong ngày
thứ Sáu 30/12, Matx cơva thay đổi thái độ, khi thế này khi thế khác. Ngoại
trưởng Nga Serguei Lavrov trước hết tỏ ra cứng rắn khi phát biểu trên truyền
hình, hứa hẹn sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ đang phục vụ ở Matxcơva và
Saint-Petersbourg, để trả đũa trừng phạt. Ông cũng đề nghị cấm các nhà ngoại
giao Mỹ sử dụng một nhà nghỉ miền quê ở ngoại ô Matxcơva, và một tòa nhà sử
dụng làm nhà kho ở thủ đô. Ông Lavrov nói : « Có đi có lại là nguyên tắc ngoại giao trong quan hệ quốc tế.
Đương nhiên chúng tôi không thể không đáp trả ».
Nhưng ít lâu sau đó, tổng thống Vladimir Putin lại đấu dịu.
Trong một thông cáo, ông khẳng định : « Chúng
tôi sẽ không trục xuất ai cả, không rơi vào mức độ ngoại giao vô trách
nhiệm ». Tuy vậy Nga vẫn duy trì « quyền
sử dụng các biện pháp trả đũa » trước quyết định « khiêu khích » nhằm « làm
tổn hại quan hệ Nga-Mỹ ». Matxcơva « sẽ tái lập các quan hệ tùy
theo chính sách của tổng thống tân cử Donald Trump ».
« Hậu quả nghiêm trọng »
Các biện pháp được Nhà Trắng loan báo cũng là câu trả lời
cho « sự quấy rối ở mức độ không thể
chấp nhận được » mà các nhà ngoại giao Mỹ ở Matxcơva từ một năm qua
phải chịu đựng từ phía cảnh sát hay an ninh Nga, theo Washington. Robert
H.Legvold, giáo sư chính trị học trường đại học Columbia (New York), tác giả
cuốn Return to Cold War (Quay lại với
Chiến tranh lạnh, NXB Polity Press, 2016), giải thích : « Quyết tâm trả đũa nặng nề này là chưa
từng thấy kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc ».
Tháng 3/2001, George W.Bush đã trục xuất 51 nhà ngoại giao
Nga để đáp trả một vụ gián điệp trong hàng ngũ FBI. Ông Legvold nói tiếp :
« Phá hoại chính trị không có gì
mới, hai phe vẫn thường sử dụng. Sự khác biệt ở đây là việc vận dụng đến gián điệp mạng. Khi công khai các
thông tin của đảng Dân Chủ thông qua WikiLeaks để gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ,
một lằn ranh đã bị vượt qua. Hoa Kỳ cảnh báo với Trung Quốc và các đối thủ khác
là loại tấn công tin học này gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sẽ là điều thú vị khi
quan sát các phản ứng của Đức và các nước châu Âu khác, cũng bị tin tặc tấn
công. Giờ đây là cả một thách thức mang tầm quốc tế ».
Theo ông, « Chính
quyền mãn nhiệm tìm cách củng cố ngành ngoại giao hiện hữu và làm cho nhiệm vụ
của ông Trump thêm khó khăn, nếu ông muốn thay đổi chính sách của Mỹ và châu Âu
đối với Nga ». Ông Trump thì không tin vào sự can dự của Matxcơva. Ông
bình luận : « Các máy tính làm
cuộc sống chúng ta thêm phức tạp ». Ông mong muốn hâm nóng quan hệ
Mỹ-Nga, và không ủng hộ việc trừng phạt của Nhà Trắng. Trump tuyên bố muốn gặp
gỡ những người có trách nhiệm trong giới tình báo, và kết luận : « Giờ là lúc để đất nước chúng ta tiến
về phía trước ».
Nguồn: http://thuymyrfi.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét