Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Ảo tưởng và hoang tưởng sau cái chết của Saddam Hussein

Ngọc Việt


                                        Ông Saddam Hussein



   Ngày 30.12.2006, cựu Tổng thổng Iraq Saddam Hussein đã bị hành quyết sau khi tòa án Iraq kết tội ông phạm tội ác chống lại loài người do bị cáo buộc đã ra lệnh giết chết 148 người Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq vào năm 1982. Cho dù nhà lãnh đạo Iraq không công nhận phiên tòa và bác bỏ mọi cáo buộc, song lệnh hành quyết vẫn được thi hành trước thềm năm mới 2007, theo CNN.


Đã 10 năm trôi qua, cái chết của cố Tổng thống Saddam Hussein cũng dần nhạt nhòa trong ký ức người dân thế giới và Iraq. Tuy nhiên, từ cái chết của ông Saddam có nhiều điều đã được nhìn nhận, đánh giá lại, trong đó có những vấn đề liên quan tới bản thân ông, liên quan tới những người lật đổ chính quyền của ông, những người truy tố và hành quyết ông.



Saddam Hussein chết vì ảo tưởng



Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã ảo tưởng về sức mạnh quân sự Iraq chiếm ưu thế trước sức mạnh của liên quân 34 nước do Mỹ đứng đầu trong chiến dịch Bão táp sa mạc – cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 – nên ông đã thất bại thảm hại, quân đội Iraq nhanh chóng bị đánh đuổi khỏi Kuwait với những thiệt hại vô cùng lớn.



Ông Saddam Hussein đã bị truyền thông phương Tây tung hỏa mù khi chỉ đưa tin một chiều về sức mạnh, ưu thế của quân đội Iraq với cả khí tài, vật lực cũng như kỹ thuật tinh nhuệ và tinh thần chiến đấu vô song. Do vậy ông đã khước từ mọi cơ hội qua việc Liên Hợp Quốc tạo điều kiện cho quân đội Iraq rút quân khỏi Kuwait trong danh dự. Ông Saddam thách thức cả thế giới và đã phải trả giá.





Cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein thời đỉnh cao quyền lực


Mặc dù vậy, việc ảo tưởng về sức mạnh của quân đội Iraq dù khiến cho niềm kiêu hãnh của ông Saddam Hussein vào chế độ mà ông nắm giữ bị giáng một đòn chí tử, song ông vẫn giữ được quyền lực của mình. Như vậy cả sinh mạng chính trị lẫn tính mạng của ông Saddam Hussein vẫn được bảo đảm sau khi chiến dịch Bão táp sa mạc kết thúc vào ngày 28.2.1991. 



Tuy nhiên, việc ông Saddam Hussein ảo tưởng vào nền tảng quyền lực của mình mới là điều nguy hại và khiến ông phải trả giá bằng mạng sống của ông và hai con trai ông. Khi Washington quyết tấn công Iraq vào năm 2003 thì việc chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ là chuyện không có gì khó dự đoán vì hậu quả hơn 10 năm bị cấm vận đã khiến Iraq kiệt quệ.



Song việc chính quyền Saddam gần như không có lực lượng hậu thuẫn sau khi bị lật đổ khiến dư luận giật mình bởi lẽ trong các cuộc bầu cử tại Iraq, cả trước và sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, kết quả đều cho thấy mức độ tín nhiệm dành cho ông Saddam Hussein, các cộng sự của ông cũng như đảng Baath của ông luôn rất cao, thậm chí lên đến trên 90%.



Do vậy, một cuộc thánh chiến hay chiến tranh du kích của những lực lượng ủng hộ chế độ Saddam sau khi chính thể này bị lật đổ đã được dự báo, song điều đó đã không diễn ra. Xã hội Iraq thời hậu Saddam bất ổn là do mâu thuẫn lợi ích giữa các phe phái, các lực lượng chính trị chứ không phải vì có lực lượng hướng về Saddam.



Việc ông Saddam Hussein bị bắt là do bị phản bội, song đó không phải là nguyên nhân chính của sự việc mà vấn đề là ông gần như hoàn toàn bị bỏ rơi sau khi bị tước bỏ quyền lực. Những người ủng hộ ông sợ bom đạn Mỹ? Không hẳn như vậy, bởi việc trung thành với một chế độ không dễ mất nhanh như vậy sau khi chế độ đó sụp đổ.



Có lẽ ngọn nguồn của vấn đề là do ông Sadam đã không thể đo lường được thực sự mức độ niềm tin của người dân Iraq dành cho ông, mà lỗi hoàn toàn do ông gây ra. Rõ ràng ông không thể có mức độ tín nhiệm cao như vậy trong cộng đồng dân chúng Iraq, nhưng ông đã tìm cách gian lận qua bầu cử để ông có được kết quả như mơ.



Lúc đầu có thể ông cũng hiểu đó là kịch bản của ông, nhưng lâu rồi thành thói quen trong suy nghĩ, từ đó khiến ông Saddam đã ảo tưởng rằng kịch bản của ông cũng chính là thực tế trong xã hội Iraq. Khi bị kẻ thù đe dọa thì ông cứ đinh ninh là lực lượng ủng hộ đứng sau lưng ông rất hùng mạnh và vững vàng, song thực tế thì lực lượng ủng hộ ông không lớn như vậy. Và ông Sadam đã phải trả giá bằng mạng sống vì sự ảo tưởng của chính bản thân ông.



Washington cũng trả giá bởi hoang tưởng



Tổng thống George W.Bush ra lệnh tấn công Iraq chỉ dựa trên nguồn tin là chính quyền Saddam Hussein sở hữu vũ khi giết người hàng loạt, trong khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Iraq vẫn chưa được dỡ bỏ. Cơ sở để khẳng định cho nguồn tin đó chính là sự nghi vấn của các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây.



Mục đích của việc sử dụng nguồn tin chưa được kiểm chứng làm cái cớ tấn công Iraq nhằm lật đổ chính quyền Saddam Hussein, là Washington muốn vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông, trong đó có việc tạo vị thế chính trị lớn hơn cho người Kurd. Bên cạnh đó là ngăn chặn bất cứ thực thể chính trị nào mơ đến ngôi vị “bá chủ Trung Đông” để có thể thách thức và gây hại cho nước Mỹ.



Song chính quyền Bush đã sai lầm và người dân Mỹ chứng minh sai lầm ấy qua việc lựa chọn ứng viên Barak Obama làm tổng thống Mỹ, mà việc rút quân Mỹ khỏi Iraq là một trong những nội dung quan trọng nhất trong chương trình tranh cử của ông Obama. Dù năm 2011 quân Mỹ đã rút khỏi Iraq nhưng Washington cũng đã "kịp tiêu tốn" khoảng 4.000 tỉ USD cùng hàng ngàn binh sĩ bỏ mạng trong cuộc chiến Iraq lần thứ 2.




Cựu Tổng thống Saddam Hussein tại phiên tòa xét xử ông


Nguồn tin mà Washington dựa vào để tấn công lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Iraq thì đã được chứng minh chỉ là hoang tin, còn kết quả của hành động mà Washing thực hiện dựa vào hoang tin đó ngày càng được thực tế chứng minh là hoang tưởng. Washington đã thất bại trong nước cờ lật đổ Saddam và đang phải trả giá cho thất bại đó.



Việc dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông đã gặp khó khăn hơn rất nhiều khi chế độ Saddam bị lật đổ. Mặc dù trong kết cấu của hệ thống chính trị tại Iraq thời hậu Saddam thì người Kurd đã được cơ cấu nắm vị trí tổng thống – nguyên thủ quốc gia – nhưng lại mang nặng tính hình thức và đó không phải là mục đích của Washington. Song để tạo ra một cấu trúc khác cho lực lượng chính trị này là rất khó cho Washington.



Trong khi trước đó, khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất kết thúc, Washington đã tạo vùng cấm bay tại Bắc Iraq và đảm bảo việc tự trị cho người Kurd, điều đó khiến cho chính quyền Saddam gần như mất quyền kiểm soát với tộc người này. Từ đó, có thể giúp Washington vẽ ra một bàn cờ mới với sự độc lập cho người Kurd, nay thì điều đó khó hơn rất nhiều.



Mặt khác, khi quân Mỹ rút khỏi Iraq thì tổ chức IS hiện hình và chủ nghĩa khủng bố quốc tế cũng chính thức thành hình. Đây có thể được xem là nguy hại lớn nhất khi Washington xóa xổ chế độ của Saddam Hussein. Dù còn nhiều tranh cãi, song không thể phủ nhận rằng nếu chính quyền Saddam còn tồn tại thì IS không thể ra đời và tác oai tác quái như hiện nay.



Tuy nhiên, mức độ nguy hại là khi IS ra đời thì lực lượng khủng bố không chỉ còn là những tổ chức đơn lẻ nữa, mà chủ nghĩa khủng bố đã thành hình với chủ thuyết của nó được xây dựng dựa trên tư tưởng cực đoan trong xã hội. Khi khủng bố có đầy đủ chủ thuyết và lực lượng khủng bố thì việc tấn công và tiêu diệt chúng còn khó hơn lên trời.



Rõ ràng Washington đã thực sự bị hoang tưởng khi thay chấm dứt việc đối phó với “sự ương ngạnh” của Saddam Hussein bằng việc đối phó với sự tác oai tác quái của IS, cùng với đó là Washington ngày càng mất dần ảnh hưởng tại vùng đất nóng Trung Đông.





Ngọc Việt (mottthegioi.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét