Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Nga và Mỹ chạy đua vũ trang nguyên tử trở lại?


Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)  



Hội Nghị Thượng Đỉnh Quốc Tế về An Ninh Nguyên Tử, tại Washington, DC, hồi đầu Tháng Tư. (Hình minh họa: Andrew Harrer/Pool/Getty Images)
 
Trong buổi họp báo cuối năm hôm Thứ Sáu, kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ, Tổng Thống Nga Vladimir Putin nói là phát biểu của tổng thống tân cử Donald Trump cho rằng Mỹ nên gia tăng sức mạnh nguyên tử không có gì bất ngờ vì ông từng nói điều này trong thời gian tranh cử.

Ông Putin xác định là Nga không có ý mở lại một cuộc chạy đua vũ trang hay phát triển những đầu đạn nguyên tử mới, mà chỉ muốn cải tiến các hệ thống vũ khí có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn. Theo ông, dù hiện đại hóa quân đội, kể cả lực lượng nguyên tử chiến lược, chi tiêu quốc phòng của Nga sẽ giảm bớt trong những năm tới.

Năm 2007, ngân sách quốc phòng Nga bằng 2.7% tổng sản lượng quốc gia (GDP), tới 2016 tăng lên 4.7%, sau khi đã chi tiêu quốc phòng $52 tỷ năm 2015. Ông Putin dự tính đến 2019 giảm xuống chỉ còn 2.8%, nhưng nói thêm rằng sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch gia tăng sức mạnh quân sự.

Tổng Thống Putin nói rằng mặc dầu Tây phương cấm vận, sau vụ khủng hoảng Ukraine, kinh tế Nga chỉ sút giảm 3.7% năm 2015 và khoảng 0.5% đến 0.6% năm 2016, nhưng một số lãnh vực lại gia tăng đáng kể như nông nghiệp, 4%.

Như đã nói tuần trước, ông Putin vững tin quân lực Nga hiện nay đủ sức mạnh để đẩy lui sự tấn công của bất cứ đối phương nào. Ông cho rằng các giới chức chính quyền Tổng Thống Barack Obama đã quá chủ quan và đánh giá sai khi cho là Nga kém xa Mỹ về quân sự.

Tuy nhiên, ông Putin khẳng định rằng bất cứ vũ khí nguyên tử mới nào của Nga cũng nằm trong giới hạn các hiệp ước đã ký kết. Từ 1991, Mỹ và Liên Xô đã ký kết một loạt các thỏa hiệp hạn chế vũ khí nguyên tử. Mới nhất là thỏa hiệp Nga-Mỹ mang tên START năm 2010, có thời hạn hiệu lực tới 2021, quy định con số tối đa đầu đạn nguyên tử và hỏa tiễn phóng mà mỗi nước được phép có. Hiện nay, tổng cộng Mỹ và Nga có hơn 14,000 đầu đạn nguyên tử, con số của Mỹ nhỏ hơn của Nga một chút vì tiêu hủy nhiều loại đã lỗi thời.

Vấn đề bành trướng vũ khí nguyên tử trong viễn tượng một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai đại cường quốc như thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đã nổi lên sau hai lời phát biểu chỉ cách nhau mấy tiếng đồng hổ của nhà lãnh đạo Nga và nhà lãnh đạo tương lai Mỹ hôm Thứ Năm.

Ông Putin nói rằng “tăng cường sức mạnh nguyên tử là ưu tiên quân sự hàng đầu của Nga trong những năm tới.” Đáp lại, ông Trump, theo phương cách quen thuộc là chỉ nói ra vắn tắt qua Twitter, cho là “Mỹ cần gia tăng khả năng nguyên tử cho đến khi nào thế giới ý thức được (cái điều ngu ngốc ấy).”

Nhiều quan sát viên cho rằng đây chỉ là những lời lẽ đối đáp hoa mỹ mang tính cách khoa trương, đòn phép ngoại giao của ông Putin và lối ăn to nói lớn quen thuộc của ông Trump. Hơn nữa, ai cũng biết ông Trump có sự ngưỡng phục cùng tâm lý thân thiện với ông Putin, và tiếp theo hai bên đều bằng cách này hay cách khác bày tỏ hy vọng củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia. Tuy vậy, ông Putin vẫn được coi là một con người bí ẩn khó tin cậy, và với ông Trump người ta chưa thể biết những điều ông nói bây giờ cũng như thời tranh cử sẽ có giá trị đến đâu, khi còn gần một tháng nữa ông mới vào Tòa Bạch Ốc.

Những điều không bảo đảm ấy khiến người ta lo ngại tương lai thế giới sẽ như thế nào. Có thể xem trường hợp hai đại công ty kỹ nghệ hàng không Boeing và Lockheed Martin là một minh chứng về tính cách bấp bênh trước những thắc mắc khó tìm ra lời giải đáp ấy.

Hôm Thứ Tư, Tổng Giám Đốc Dennis Muilenburg của Boeing đến Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của ông Trump ở Palm Beach, Florida, một tuần lễ sau khi ông Trump nói có thể hủy bỏ hợp đồng chế tạo hai chiếc máy bay Air Force One mới của Boeing vì giá quá cao.

Sau đó, cũng tại đây, ông đã tiếp bà Maryllin Hewson, tổng giám đốc Lockheed Martin, công ty chế tạo máy bay chiến đấu F-35 mà ông cũng đã chỉ trích là quá tốn kém.

Ngày hôm sau, ông Trump gởi đi một tweet: “Căn cứ trên những chi phí khủng khiếp và vượt quá dự tính của chiếc Locheed Martin F-35, tôi đã đề nghị Boeing cho giá một chiếc F-18 Super Hornet tương tự.”

F-18 Super Hornet là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư, sản xuất từ giữa thập niên 1990 trong khi F-35 Lightning là chiến đấu cơ thế hệ thứ năm có khả năng tàng hình và trang bị điện tử hiện đại nhất.
Cái Tweet của ông Trump khiến chứng khoán Boeing lên 0.5% trong khi Lockheed Martin xuống 2% ngày Thứ Sáu, nghĩa là trị giá vốn hóa thị trường của công ty này mất khoảng $1.2 tỷ. Như thế người ta bắt buộc phải hoài nghi với bất cứ một tin tức gì đáng thắc mắc, dù đây chưa phải là một quyết định của ông Trump vì ông chưa là tổng thống, do có thể gây hậu quả lớn.

Hôm Thứ Sáu, ông Trump ca ngợi bức thư của ông Putin gởi cho mình là rất đúng đắn khi đề nghị những bước “thực dụng” và xây dựng để đi tới sự hiểu biết giữa Moscow và Washington. Nhưng ông Trump tiếp tục gia tăng lời hăm dọa rằng Mỹ “có thể áp đảo bất cứ đối thủ nào trong cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử.” Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ký giả Mika Brzezinski của MSNBC, ông Trump nói: “Cứ để hai bên chạy đua vũ trang, và Mỹ sẽ thắng.”

Các phụ tá của ông Trump tìm cách làm nhẹ vần đề, giải thích là ý ông Trump muốn nói đến sự ngăn chặn phát triển kỹ thuật nguyên tử, đặc biệt là với các tổ chức khủng bố. Nhưng một số bình luận viên khác lại tin rằng ông cố ý sử dụng nghệ thuật thương thuyết trong kinh doanh của mình bằng cách dùng chuyện vũ khí nguyên tử làm đòn bẩy cho ván bài đấu trí với ông Putin.

Dù sao, gợi ra chuyện vũ khí nguyên tử chỉ mấy ngày trước Lễ Giáng Sinh và Năm Mới – một dịp mà toàn thể nhân loại không chỉ người Thiên Chúa Giáo đều hướng tới ước vọng hòa bình – không được xem là thích hợp. Những người trong nhiều năm vận động giảm bớt kho vũ khí nguyên tử cảm thấy lo lắng về sự kiện này. Cựu Thượng Nghị Sĩ Byron L. Dorgan (Dân Chủ-North Dakota) và là thành viên Hội Đồng Kiểm Soát và Ngăn Chặn Phát Triển Vũ Khí, nói rằng: “Một cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử đặt tất cả mọi người trên hành tinh này trước một nguy cơ lớn hơn.”

Ông Dorgan phê phán: “Tuyên bố của tổng thống tân cử Donald Trump là sự phá hoại công sức trong nhiều thập niên của Mỹ và các nước đồng minh để giảm bớt kho vũ khí nguyên tử và ngăn chặn việc sản xuất thêm những loại vũ khí nguyên tử mới.”

Lo sợ về một cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử giữa hai cường quốc lớn có thể là còn quá xa. Nhưng bất ổn của thế giới luôn luôn xảy ra và chưa bao giờ dứt hẳn, ở những khu vực như Trung Đông, Đông Âu và Á Châu. Và những xung đột quy mô địa phương thường có sự can dự ít nhiều của các thế lực nước ngoài, nếu phát triển thành chiến tranh lớn sẽ khó có thể giới hạn ở tầm mức nào.
Hơn một phần tư thế kỷ từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, phải chăng đến bây giờ nhân loại lại phải lo nghĩ tới một cuộc đại chiến nguyên tử? Đó không phải là mong chờ của thế giới vào thời điểm bước sang năm 2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét