Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Năng suất Việt Nam thấp còn do nguyên nhân thể chế


Công nhân tại một xưởng may mặc Singapore Singlun Star tại ngoại ô Hà Nội, ngày 19/08/2014.



Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa ra báo cáo nói năng suất của đất nước đã tăng nhẹ sau hơn một năm. Theo báo cáo, năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam trong năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015.

Số liệu của tổng cục cho thấy trong năm 2016 năng suất lao động xã hội của Việt Nam ước tính đạt 84,5 triệu đồng mỗi người, tương đương khoảng 3.853 đôla Mỹ. Tổng cục cũng cho biết năng suất lao động đã tăng đáng kể sau 5 năm, từ mức 55,2 triệu đồng vào năm 2011.

Thuật ngữ năng suất lao động xã hội được dùng để chỉ mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân của một lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc.

Một năm trước, năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.660 đôla, bằng 4,4% của Singapore. Các báo Việt Nam nói những con số này đồng nghĩa là mỗi người Singapore có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại.

Tuy nhiên, sau khi sự so sánh này được nêu ra, một số chuyên gia viết trên mạng xã hội việc lấy GDP chia ra đầu người để kết luận rằng người Việt thua về năng suất so với người Singapore là phiến diện, dễ gây hiểu nhầm.

Họ cho rằng trong cùng điều kiện làm việc, người Việt không kém về năng suất và hiệu quả qua nhiều so với người trong khu vực nói chung hay Singapore riêng.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói với VOA rằng ngoài yếu tố con người, cần lưu ý đến các nguyên nhân về công nghệ, pháp luật, thể chế:
“Thứ nhất là công nghệ đã đành. Nhưng mà cái thứ hai nữa đó là vấn đề thể chế, vấn đề môi trường làm việc để người lao động có thể phát huy tối đa sáng kiến cũng như năng lực, sự khéo tay của mình. Máy móc thiết bị thì có thể mua sắm được. Nhưng vấn đề thể chế họ khó mà trong 1, 2 ngày mà mua sắm được, mà tạo dựng được. Rõ ràng là ở Việt Nam hiện nay, môi trường làm việc đối với người lao động Việt Nam là rất khó khăn về mặt thể chế, không tạo nên động cơ làm việc, từ câu chuyện tiền lương, đến động cơ thăng tiến của người lao động. Rõ ràng là không có những thể chế để kích thích khả năng lao động của người Việt, cũng như khả năng sáng tạo của người Việt”.

Tiến sĩ Giao cũng chỉ ra rằng môi trường làm việc của người lao động lại gắn với môi trường pháp lý cho doanh nghiệp.

Ở Việt Nam, theo ông, nói một cách khái quát, các doanh nghiệp được chia ra gồm doanh nghiệp nhà nước được coi là “công dân hạng 1”, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được coi là “công dân hạng 2” và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân được coi là “công dân hạng 3”. Giữa các doanh nghiệp này có sự bất bình đẳng về tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và các điều kiện kinh doanh, và điều này đã được báo chí phản ánh lâu nay.

Ông Giao nói thực trạng đó gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc của các lao động trong các doanh nghiệp:

“Cái môi trường pháp lý làm sao bình đẳng, lành mạnh cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thì ở Việt Nam thiếu cái đó. Mọi đề án, mọi hợp đồng gọi là đấu thầu nhưng mà chắc gì đã là đấu thầu. Nếu không có thể chế pháp lý, một môi trường pháp lý lành mạnh, minh bạch, công bằng cho các doanh nghiệp, thì khó có cơ hội để người công nhân Việt Nam phát huy được hết năng lực, sáng kiến và có động cơ để mà tăng năng suất lao động, để hiệu quả lao động tốt hơn. Nếu như ở Việt Nam mà thể chế thay đổi, môi trường làm việc tốt hơn và công nghệ cũng được đưa vào tốt hơn thì tôi tin chắc là người Việt cũng không thua kém gì người Singapore”.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 15 người Việt Nam có năng suất lao động bằng một người Singapore vào năm 2013. Đến năm 2014, gần 16 người lao động Việt mới có năng suất bằng một người Singapore. 

Điều này cho thấy khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam với Singapore và một số nước láng giềng đang ngày càng dãn rộng. Nếu không có cải cách đột phá nào, Việt Nam sẽ phải mất hơn 60 năm nữa mới đuổi kịp được Singapore.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét