Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Cổ tích loa phường

Lê Thanh Nhanh







Hồi trước cứ mỗi lần sắp đến giờ cơm trưa là y như rằng đám heo đói nhà hàng xóm lại kêu eng éc, vang dậy khắp cả phường. Âm thanh chỉ ảnh hưởng lỗ tai ù ù, không ảnh hưởng gì lắm đến hương vị bữa cơm, nhưng khổ nỗi mấy giác quan nó lại liên kết với nhau khá chặt chẽ, âm thanh tới thì cái mùi cứt heo nó cũng xộc vào, những mùi cá chiên, thịt kho, canh cua, canh hẹ đều bị mùi cứt heo lấn át.



Ấy vậy mà từ ngày có cái loa phường, những âm thanh eng éc kia chẳng là cái đinh gì đối với những giọng đọc chuyên mục hay các giọng hát thật hùng tráng “tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù” cùng những “Tàu anh qua núi …”. Bữa cơm trưa giờ át hẳn tiếng heo kêu. Đấy, tôi có thiện cảm với loa phường từ ngày ấy.



Hữu ích đó là nhờ cường độ âm thanh của loa phường.



Còn nội dung các chuyên mục loa phường giúp tôi rất nhiều trong các bài “tập làm văn”. Có lần đề bài văn yêu cầu “hãy kể một nhân vật theo trí tưởng tượng của em” thế là tôi bê nguyên bài chuyên mục “gương người tốt” của loa phường kể về một người dân đã tự nguyện viết đơn xin được “tự nguyện” đóng góp “ủng hộ” (thay giá trị gia tăng học phí) cho trường học của con mình với số tiền bằng số tiền mà nhà trường gợi ý và mức tiền ai cũng giống nhau dù không bàn bạc nhất trí. Bài văn đó tôi được điểm gần tối đa, còn các bài văn tả thực thì tôi cũng lấy các bài đó và suy diễn ngược lại. Những bài văn của tôi luôn được điểm cao.



Duy chỉ có lần đề bài yêu cầu kể về “vật dụng mà em thích nhất” thì tôi kể về cái loa phường với nội dung như trên. Không hiểu sao giáo viên dạy văn lại cho tôi điểm kém,  còn mời phụ huynh lên trường để bàn việc “giáo dục lại” tôi nữa chứ. Cô giáo bảo với phụ huynh của tôi là bài văn có hơi hướng xuyên tạc, chống phá, thù địch … Tôi bị bố nện cho một trận, lại chửi rằng nhà mình mấy đời làm mạng (làm cách mạng, thực ra làm cán bộ tuyên huấn xã và huyện) nên phải biết nghe đúng theo nội dung loa phường tuyên truyền, không được tự diễn biến, tự chuyển hóa … Ôi thôi lung tung hết, một đứa học lớp 7 như tôi hồi đó nghe như vịt nghe sấm. Tôi không cam tâm bị chửi oan nên âm thầm tìm hiểu và biết được câu chuyện như sau:



Ngày xửa, ngày xưa lâu lắm rồi chẳng mấy ai còn nhớ và kể lại, chỉ là bịa ra kể vậy thôi. Lúc bấy giờ mọi sự vụ của phường khi cần thông báo cho dân chúng phải nhờ đến một người đi rao khắp xóm, người này gọi là mõ. Lương của mõ chỉ vài đồng nhưng vẫn có nhà cao cửa rộng, tháng vào lầu xanh dăm ba lần, ăn nhà hàng dăm bảy bận nhờ vào thu nhập từ việc đi rao. Số là mõ ta có tài đánh tráo khái niệm rất hay, ví như cần thông tin  là đấm thì mõ điều chỉnh lại thành gạt tay, đá thì điều chỉnh thành giơ chân hơi cao, túm tóc lôi đi sẽ được mõ điều chỉnh thành vuốt tóc … tùy vào số tiền mà người gây án đưa cho mõ, mõ sẽ điều chỉnh từ ngữ cho phù hợp. Vậy là dân chúng thay vì căm ghét người gây án thì lại than vãn ối dào chuyện như hạt đậu cũng kiện cáo lung tung, và dư luận im lặng. Người gây án chi thêm ít tiền cho mấy ông xử án là được yên thân mà dân làng cũng chẳng oán hận gì. Ấy vậy mà từ ngày phường nhập về cái loa gây ra cơn thất nghiệp cho các mõ, mọi sự vụ, mọi thông tin cần đi rao và mọi sự đánh tráo khái niệm giờ là việc của quản lí loa phường, các mõ giờ tỏ ra cay cú vì bị mất việc, mất thu nhập.



Một ngày kia các mõ hiện đại bàn chuyện chống phá kẻ đã giành nồi cơm của mình. Họ nghiên cứu cho ra đời các phương tiện hiện đại giúp con người quên đi sự tồn tại của loa phường, từ đó họ đã phát minh ra radio, rồi tivi, … Hiện đại nhất là điện thoại di động rồi mạng nhện internet có nhiều cách thu nhập thông tin, còn đầy đủ trò chơi, mà không cần đến loa phường.



Nhưng loa phường cũng đâu chịu thua. Loa phường vẫn cứ phát ra rả suốt ngày dù chẳng ai muốn nghe. Loa phường chơi trò hiếp dâm lỗ tai, vận dụng thuật tự kỉ ám thị trong môn tâm lí để nhồi nhét thông tin vào sọ người dân. Và loa phường còn mua chuộc rất nhiều hậu duệ của mõ là radio và tivi để truyền thông tin theo ý mình. Loa phường quyết không để một phương tiện nào khác đưa thông tin đến người dân, một phần vì sợ tranh mất suất biên chế mà loa phường phải mua cỡ 50 củ (triệu), một phần vì từ lúc được độc quyền thông tin đến giờ có nhiều lần loa phường truyền thông tin sai do yêu cầu của người quản lí, lại để truyền nhân của mõ làm sáng tỏ những thông tin đó thì dân sẽ khinh loa phường, sẽ đập nát loa phường, sẽ vứt loa phường vào miệng cống.



Nghĩ đến đây loa phường hoa mắt, chóng mặt. Loa phường nghĩ đến một ngày hậu duệ của mõ phát minh những bức tường cách âm thật tốt, thật rẻ tiền, dân chỉ cần ở trong nhà và đóng cửa lại. Lúc ấy loa phường có phát ra rả thì chỉ có loa phường khác nghe thôi (từ tự sướng có từ đây). Nhiệm vụ của loa phường sẽ bất khả thi, mất miếng ăn và cái ngày đem cân ký cho các bà mua phế liệu cũng đã gần kề.



Tôi chỉ tìm hiểu được đến đây nên giờ có phần nghi ngờ vào cái loa phường, thấy cũng bớt yêu, vì có vài lần đi dạo đã nhặt được dăm ba cái loa chỏng chơ ngay miệng cống.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét