Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Khủng hoảng tại Nam Hàn

Hùng Tâm



 "Tại khu vực Đông Bắc Á, ngày Thứ Ba 29 vừa qua, Tổng Thống Phác Cận Huệ chính thức tuyên bố là sẽ từ chức theo lịch trình và thể thức do Quốc Hội quyết định nhằm gìn giữ sự ổn định cho Đại Hàn Dân Quốc. Sau nhiều tuần lễ biến động với cả triệu người biểu tình tại thủ đô Hán Thành để đòi bà từ chức, quyết định ấy tưởng như sẽ tạm đẩy lui sóng gió mà thật ra vẫn không xong. Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu tại sao.



Tổng Thống Phác Cận Huệ xin từ chức mà không xong

Năm 2016 có 12 tháng hồi hộp từ đầu đến cuối, từ Âu qua Mỹ cho tới Á Châu!

Tại khu vực Đông Bắc Á, ngày Thứ Ba 29 vừa qua, Tổng Thống Phác Cận Huệ chính thức tuyên bố là sẽ từ chức theo lịch trình và thể thức do Quốc Hội quyết định nhằm gìn giữ sự ổn định cho Đại Hàn Dân Quốc. Sau nhiều tuần lễ biến động với cả triệu người biểu tình tại thủ đô Hán Thành để đòi bà từ chức, quyết định ấy tưởng như sẽ tạm đẩy lui sóng gió mà thật ra vẫn không xong. Hồ sơ Người Việt sẽ tìm hiểu tại sao.

Nam Hàn và họa vô đơn chí

Sinh năm 1952, Phác Cận Huệ là con gái của Phác Chính Hy (1917-1979), nguyên tổng thống mà cũng là lãnh tụ độc tài đã xây dựng sự thịnh vượng cho Nam Hàn với bàn tay sắt. Phác Chính Hy là người chính trực liêm khiết đã triệt để củng cố quyền lực để tạo sức mạnh cho quốc gia và bị hạ sát năm 1979 sau khi bà vợ cũng mất mạng năm 1974 vì một viên đạn dành cho ông. Độc thân và sinh hoạt chính trị với nhiệt tình của thân phụ, Phác Cận Huệ là Tổng thống thứ 11 của Đại Hàn Dân Quốc Republic of Korea mà ta hay gọi là Nam Hàn để phân biệt với Bắc Hàn Cộng Sản (có tên chính thức là Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên).

Thuộc đảng Tân Quốc Gia (Saenuri Party) có tên cũ là Grand National Party theo khuynh hướng trung hữu, với chủ trương canh tân trong ổn định, Phác Cận Huệ là phụ nữ đầu tiên bước vào Thanh Ngõa Đài làm tổng thống từ đầu năm 2013, cho một nhiệm kỳ duy nhất là năm năm. Chi tiết cho nhà báo: dinh Tổng thống Đại Hàn được gọi là Thanh Ngõa Đài, hay Blue House. Dịch là Thanh Cung thì hơi lầm với triều Mãn Thanh!

Là ái nữ của một nhân vật có vấn đề vì vừa có công kiến tạo một quốc gia kỹ nghệ hóa tân tiến, lại mang tội độc tài sau khi lãnh tội “thân Nhật” trong Thế Chiến II, Phác Cận Huệ cũng có vấn đề. Trước hết là chủ trương hòa giải với Nhật Bản là một nước cừu thù ngày xưa. Gần hơn, bà còn liên quan tới một “ông đạo” về tôn giáo, theo Phật Giáo rồi Công Giáo rồi lập ra giáo phái riêng là ông Thôi Thái Mẫn (Choi Tae-Min 1912-1994). Ông có con gái là Thôi Thuận Thực, Shoi Soon-Sil, sinh năm 1956. Vấn đề là hai cha con vừa là cố vấn chính trị vừa giữ vai trò đồng cốt về tâm linh lại vừa kín đáo can thiệp vào quốc sự với nhiều quan hệ tiền bạc liên hệ đến phủ tổng thống.

Tội tham nhũng của Thôi Thuận Thực đằng sau quyền lực tổng thống là yếu tố khủng hoảng cho Phác Cận Huệ khi Thôi Thuận Thực trốn ra nước ngoài rồi về đầu thú vào ngày 30 Tháng 10 vừa qua. Việc lãnh đạo một quốc gia thuộc loại tân tiến nhất lại quan hệ với một người có thể lên đồng xem bói và chỉ ra đường đi nước bước cho Tổng thống là điều gì đó bất thường khó hiểu.

Nhưng Nam Hàn còn nhiều vấn đề khác nữa.

Tại phía Bắc, thái độ gây hấn và khiêu khích của Bắc Hàn Cộng sản với võ khí chiến lược là mối nguy về an ninh, khiến Nam Hàn phải hợp tác với Hoa Kỳ để có hệ thống phòng thủ THAAD và gây ra mâu thuẫn với một bạn hàng số một là Trung Quốc Cộng Sản, một thế lực bảo trợ Bắc Hàn. Thứ hai, kinh tế Nam Hàn quá lệ thuộc vào xuất cảng, còn hơn Trung Quốc và chỉ kém Đức Quốc, là vấn đề thứ hai khi ngoại thương của thế giới suy giảm và trào lưu bảo hộ mậu dịch gia tăng tại nhiều nơi. Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ chỉ là một biểu hiện của chiều hướng chung.

Cũng những khó khăn kinh tế đó khiến ngành hàng hải sa sút khắp nơi và hậu quả là doanh nghiệp hàng hải HanJin Shipping Co. (Hàn Tiến Hải Vận) của Nam Hàn, đứng hàng tám của thế giới, bị vỡ nợ vào Tháng Chín vừa qua. Biến cố này gây chấn động toàn cầu và dội ngược về Nam Hàn. Đấy là lúc đại tổ hợp Samsung bị khủng hoảng từ Tháng Tám vì thất bại tầy trời với máy điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Samsung là doanh nghiệp lớn nhất Nam Hàn, có doanh thu bằng gần 20% của tổng sản lượng quốc gia, và có nhiều quan hệ kinh tế chính trị dễ hiểu với Chính quyền. Vụ máy Galaxy Note 7 bị thu hồi không chỉ gây thiệt hại tài chánh cho Samsung – có thể mất $17 tỷ – mà còn là một khủng hoảng tâm lý cho dân Đại Hàn.

Giữa khung cảnh đó, tổng thống phải tỉnh táo và có khả năng cứu nguy, nhưng vụ khủng hoảng chính trị trong phủ tổng thống Đại Hàn lại làm chế độ lung lay. Khi dân chúng và các đảng đối lập biểu tình đòi Phác Cận Huệ từ chức, ta có thể hiểu ra mức độ trầm trọng của vấn đề. Vì vậy, tổng thống Đại Hàn đành tuyên bố là sẽ từ chức theo quyết định của Quốc Hội. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy!

Hồ sơ Người Việt sẽ giải thích tiếp là tại sao.

Đảng phái và chiến pháp

Trước áp lực của dư luận, bà Phác Cận Huệ đồng ý là sẽ theo sự hướng dẫn của Quốc Hội mà từ chức để đem lại sự ổn định cần thiết cho quốc gia. Nhưng kết quả có khi lại trái ngược!

Đảng Tân Quốc Gia ủng hộ quyết định này và kêu gọi các đảng phái đối lập đừng lập thủ tục đàn hặc và truất phế tổng thống. Nhưng các đảng đối lập lại gọi đó là thủ đoạn của tổng thống để khỏi bị cách chức. Chúng ta bước vào một không gian khác.

Chính trường Nam Hàn có hai đảng đối lập lớn tại Quốc Hội có 300 Dân biểu. Đó là đảng Dân Chủ thuộc khuynh hướng trung tả với 120 ghế và, tách rời từ đảng này là đảng Quốc Dân theo khuynh hướng trung dung độc lập với 38 ghế nhưng giữ vị trí bản lề vì hai đảng kia không có đủ đa số là 151 ghế. Ngoài ra, Quốc Hội Nam Hàn còn có đảng nhỏ là đảng Chính Nghĩa mà Tây phương dịch là Justice Party thành đảng Công Lý, có 6 ghế, và bảy Dân biểu độc lập không thuộc đảng nào.

Chí có 128 ghế, đảng Tân Quốc Gia vẫn giữ thế mạnh vì hai đảng đối lập kia thiếu thống nhất, bên trong từng đảng hiện vẫn có nhiều tranh chấp và phân hóa.

Trước vụ khủng hoảng của phủ tổng thống, sự phân hóa trong hai đảng đối lập lại tăng vì mỗi phe lại tính một cách: đảng Quốc Dân muốn bà Phác Cận Huệ từ chức, đảng Dân Chủ thì muốn thành lập một chính quyền thống nhất hơn với giải pháp trao quyền cho thủ tướng mà không nhất thiết là tổng thống phải từ chức. Tức là từ tổng thống chế, đảng này muốn Nam Hàn tiến tới đại nghị chế, với Quốc Hội có thẩm quyền đề cử thủ trướng để lãnh đạo hành pháp, trong khi tổng thống chỉ giữ vai trò tượng trưng của một quốc trưởng. Cho tới nay, đa số trong đảng Tân Quốc Gia vẫn còn ủng hộ Phác Cận Huệ, hoặc ít ra là chưa muốn bà phải từ chức.

Nhưng khi quần chúng ào ạt biểu tình và đảng Tân Quốc gia lẫn tổng thống không chịu nhượng bộ thì lập trường của các chính đảng cũng thay đổi dần.

Đảng Dân Chủ nghiêng về chủ trương của đảng Quốc Dân là cũng đòi Phác Cận Huệ phải từ chức – thay vì vẫn giữ chức vụ tổng thống nhưng gia tăng quyền hạn cho thủ tướng. Khi đảng Quốc Dân tăng áp lực và đòi truất phế Tổng thống thay vì để bà được từ chức, đảng Dân Chủ ủng hộ giải pháp quyết liệt đó. Trước sự xoay chuyển này, bên trong đảng Tân Quốc Gia, một số người đồng ý là bà Phác Cận Huệ nên từ chức, nhưng vào năm tới, để vừa khỏi bị truất phế vừa duy trì được bộ máy lãnh đạo trong lúc khó khăn. Mục tiêu của chiến pháp này vẫn là bảo vệ tổng thống cho tới cuối nhiệm kỳ và gìn giữ được sự ổn định.

Khi hiểu ra sự tình phức tạp bên trong chính trường Nam Hàn, ta thấy đề nghị của Phác Cận Huệ là sẽ từ chức theo thể thức của Quốc Hội là một sự khéo léo.

Được bầu lên từ Tháng Tư vừa qua cho một nhiệm kỳ bốn năm, Quốc Hội Nam Hàn chỉ có một viện với 300 Dân biểu gồm có 253 người được bầu trực tiếp từ các chính đảng và đắc cử khi chiếm đa số và 47 người tuyển cử theo thể thức tỉ lệ đại diện (proportional representaion). Trong hiện tại, đối lập còn thiếu 28 ghế để đủ túc số biểu quyết việc đàn hặc và bãi chức Tổng thống nên mong là nhiều đảng viên Tân Quốc Gia sẽ ủng hộ việc bỏ phiếu để truất bãi Phác Cận Huệ. Bây giờ, bà lùi một bước và sẵn sàng từ chức, giới lãnh đạo trong đảng sẽ củng cố nội bộ để không ai xé rào và gây thêm khủng hoảng.

Vì không đủ đa số để bãi chức tổng thống sau tiền lệ khá thô bạo trong việc đòi bãi chức Tổng thoNg Lỗ Vũ Huyền (Roh Moo-Hyun) năm 2004 – cũng về tội tham nhũng – đối lập có hai giải pháp. Mềm là thương thuyết với đảng Tân Quốc Gia về việc cho bà Phác Cận Huệ rút lui. Cứng là tiếp tục đòi tối đa. Nếu họ ngả theo giải pháp triệt để, đảng Quốc Dân chỉ có 38 ghế vẫn có thể bác bỏ mọi biện pháp thỏa hiệp và đòi tổng thống từ chức ngay lập tức, nhưng lại gây thêm phân hóa trong đối lập.

Trong giả thuyết đó, Phác Cận Huệ sẽ trình bày rằng mình có thiện chí ra đi nhưng đối lập không thể vẽ lộ trình và thể thức cho việc đó. Nghĩa là bà vẫn có hy vọng.

Kết cuộc ra sao?

Đảng Tân Quốc Gia không giản dị là đảng của một tổng thống tham quyền cố vị và có vấn đề.

Họ nghĩ tới cuộc tranh cử tổng thống sắp tới sau khi đã nắm Hành Pháp qua hai Tổng thống là Lý Minh Bác (Lee Myung-Bak) và Phác Cận Huệ. Họ cũng không quên rằng Tổng thống Lỗ Vũ Huyền đã nhảy núi tự vận năm 2009 sau một nhiệm kỳ đầy tai tiếng. Trong cuộc bầu cử tới, đảng này nhắm vào Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc là Ban Ki-Moon (Phan Cơ Văn, gốc Việt Nam từ thời xa xưa!) Nhưng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chỉ hết nhiệm kỳ vào cuối năm tới, nên khó tranh cử nếu Phác Cận Huệ từ chức quá sớm: việc bầu cử phải tiến hành 60 ngày sau!

Phần mình, đảng đối lập lớn nhất là Dân Chủ cũng ngại bầu cử quá sớm khi đối lập chưa đoàn kết về chủ trương đường lối, nhất là sau khi một số ly khai thành đảng Quốc Dân kể từ cuộc bầu cử vào Tháng Tư năm nay. Nếu đảng Quốc Dân chỉ muốn giữ vị trí bản lề và vai trò quả lắc giữa hai đảng lớn thì Dân Chủ đảng có tham vọng sẽ đưa người vào Phủ Tổng Thống!

Chúng ta cứ tưởng thể thức bầu cử tổng thống Hoa Kỳ là rắc rối sau một năm bất ngờ. Tại Nam Hàn, tình hình cũng chẳng đơn giản!

Kết luận ở đây là gì?

Đại Hàn Dân Quốc đang ở vào khúc quanh đầy nguy hiểm vì khủng hoảng lãnh đạo trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị chuyển quyền, Trung Cộng tung hoành trước cửa và Nhật Bản ở giữa chưa biết xoay trở ra sao.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét