Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
Nguyên lãnh tụ của Cộng hòa Cuba, ông Fidel Castro. Ảnh chụp
năm 2001.AFP
Hôm 25 vừa qua, nguyên lãnh tụ của Cộng hòa Cuba là ông
Fidel Castro qua đời, thọ 90 tuổi sau nửa thế kỷ xây dựng chế độ cộng sản với
bàn tay sắt trên một quốc gia từng là giàu mạnh nay thuộc loại tụt hậu nhất nhì
Châu Mỹ La Tinh. Mặc dù như vậy, ông vẫn được nhiều người ca tụng, kể cả những
người lãnh đạo Hà Nội, vì sao lại có hiện tượng đó?
Vừa nổi tiếng vừa hoang tưởng
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin
kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, việc ông Fidel Castro
qua đời không là bất ngờ vì ông đã 90 tuổi, hết khả năng lãnh đạo từ 10 năm trước
và chính thức trao quyền cho em ruột là ông Raúl Castro từ năm 2008. Tuy nhiên,
vì một số dư luận, kể cả giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay, lại ngợi ca sự nghiệp
của nhân vật này nên Diễn đàn Kinh tế đặc biệt đề nghị ông trình bày về thành
tích của Fidel Castro.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta có chữ “huyền thoại” với hai
nghĩa, một là điều gì đó được lưu truyền như thần thoại, hai là chuyện hoang đường
không hề có thật. Fidel Castro đúng là một nhân vật của huyền thoại, vừa nổi tiếng
vừa hoang tưởng. Chúng ta rất nên tìm hiểu về thành tích của ông ta để tránh những
sai lầm đẫm máu và đắt đỏ về kinh tế!
Sự thật lịch sử thì Fidel Castro thiết lập chế độ cộng sản đầu
tiên tại Mỹ Châu La Tinh từ đầu năm 1959 sau khi lật đổ ách độc tài của
Fulgencio Batista. Thứ hai, từ đó ông gây cảm hứng cho nhiều thế hệ lãnh đạo Thế
giới Thứ ba mà lại dẫn họ đến chế độ độc tài. Thứ ba, cũng Castro lại được trí
thức cực tả của các nước dân chủ Tây phương ca ngợi như người hùng nên làm giới
trẻ ngày nay có thể hiểu lầm về chế độ cộng sản khi thế giới sắp tưởng niệm 100
năm ra đời của chế độ cộng sản kể từ cuộc Cách mạng Tháng 10 tại Nga vào năm
1917 khiến hơn trăm triệu người bị tàn sát. Trong khi đó, sự thật lịch sử kia
là Fidel Castro lại làm xứ Cuba bị lụn bại sau nửa thế kỷ cầm quyền tuyệt đối
và dù sống rất thọ, ông ta chẳng nhận ra điều ấy và còn nhục mạ Tổng thống Hoa
Kỳ Barack Obama khi ông thăm viếng Cuba.
Nguyên Lam: Nhiều người cho rằng Fidel Castro không là người
cộng sản, cũng chẳng muốn xây dựng chế độ cộng sản mà chỉ vì chính sách sai lầm
của nước Mỹ vào thời đó. Ông nghĩ sao về luận cứ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là chuyện hoang đường thứ nhất vì một
số dư luận ngưỡng mộ ông ta tại các nước Tây phương không cộng sản. Dư luận nầy
đảo ngược tương quan nhân quả. Khi chế độ Castro ra đời tại Cuba vào đầu năm
1959, Hoa Kỳ dưới Chính quyền của Tổng thống Dwight Eisenhower chỉ hơi ngạc
nhiên mà không coi đó là mối đe dọa và thật ra chẳng can thiệp vào việc Castro
cướp chính quyền. Hoa Kỳ chỉ chú ý khi Castro quốc hữu hóa tài sản đầu tư của
nước ngoài và tăng thuế nhập nội trên hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ với lý luận
rằng đấy là tài sản của dân tộc Cuba bị Đế quốc bóc lột. Vì vậy, Tháng 10 năm
1960, mãi gần hai năm sau, Hoa Kỳ mới đoạn giao với Cuba và thiết lập chế độ cấm
vận kinh tế đầu tiên với xứ này. Cùng với Raúl Castro và Ernesto “Che”
Guevarra, Fidel Castro là người cộng sản thuần thành không chỉ tin vào chủ
nghĩa Marx mà còn thiết lập chế độ toàn trị kiểu Lenin. Trong nhóm thi hành việc
cướp chính quyền, may ra nhân vật Camilo Cienfuegos thì mê xã hột chủ nghĩa chứ
không tôn sùng chủ nghĩa cộng sản, nhưng ông mất sớm vì một tai nạn phi cơ
trong điều kiện bất thường như nhiều vụ thủ tiêu khác mà người ta chỉ thấy về
sau.
Bước kế tiếp của huyền thoại hoang đường này là một sự đổi
trắng thay đen, rằng chỉ vì Mỹ phong tỏa kinh tế nên Castro mới phải ngả theo
chế độ cộng sản. Thật ra, Cuba vẫn giao thương với nhiều nước Âu Châu và Nam Mỹ
mà lụn bại dần chỉ vì đặc tính của chế độ cộng sản.
Nguyên Lam: Dù sao ngày nay người ta vẫn cho rằng Cuba có tỷ
lệ biết đọc biết viết rất cao so với lợi tức và có hệ thống bảo hiểm y tế cho
toàn dân. Thưa ông, liệu rằng đấy có là một thành tích của Fidel Castro không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là chuyện hoang đường khác! Mọi chế độ
cộng sản độc tài từ Âu sang Á sang Mỹ, đều có chính sách bình dân học vụ để chống
nạn mù chữ, cấp trung tiểu học được miễn phí để ai cũng biết đọc biết viết mà
hiểu rõ thông cáo của nhà nước. Nhưng tỷ lệ vào đại học hoặc đào tạo cao hơn
thì lại kém vì cấp đại học có thể suy nghĩ linh tinh mà nêu vấn đề với chế độ,
hậu quả là các quốc gia ấy khó phát triển kỹ thuật. Đây là quy luật phổ biến.
Thứ hai, chế độ y tế của Cuba lạc hậu và thiếu phẩm chất chứ
không như tuyên truyền. Khi ấy, người ta giải thích là vì các y sĩ đều tìm cách
vượt biên, xuất ngoại. Các tổ chức quốc tế đều nói đến sự kiện có chừng một triệu
rưởi người Cuba bỏ nước ra đi và chế độ trả lời rằng đó là bọn nhà giàu, tiểu
tư sản và bọn bác sĩ không còn có thể bóc lột
bệnh nhân. Với dân số ngày nay là 11 triệu, Cuba không thể có một triệu người giàu vượt biên, khi lợi tức đồng niên của
một người còn quá thấp, chỉ hơn xứ Haiti và Nicaragua. Lý do bỏ nước không chỉ
là kinh tế mà vì người ta khát khao tự do. Người nào có chút tài sản thì chạy
trước, người nghèo chạy sau và chế độ có xây tường hay dựng rào cũng chẳng ngăn
được nên còn tổ chức cho nhiều thành phần bất lương vượt biển để gây khó cho
Hoa Kỳ ở cách đó 140 cây số.
“Cách mạng cộng sản”
Nguyên Lam: Nói về kinh tế thì tình hình Cuba ngày nay ra
sao sau nửa thế kỷ sống trong chế độ cộng sản của Fidel Castro?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước “cách mạng cộng sản”, Cuba là một
trong mấy nước giàu có tân tiến nhất Mỹ Châu La Tinh, đứng hạng năm về lợi tức
bình quân, hạng ba về tuổi thọ, thứ hai về tỷ lệ sở hữu xe hơi hay điện thoại,
và mức sơ sinh bị chết yểu đứng hàng thứ 13 của thế giới, v.v… Sau cuộc cách mạng của Castro, xứ này lệ thuộc
vào viện trợ của Liên bang Xô viết và mức sống sa sút hẳn mà chỉ có một điều
gia tăng là sự đàn áp của chính quyền khiến 141 ngàn người bị giết trong gần ba
chục năm, tính tới năm 1987, theo công trình nghiên cứu của một giáo sư đã quá
cố là ông Rudolph Joseph Rummel thuộc Đại học Hawaii, một chuyên gia về nạn tàn
sát tập thể trên toàn thế giới. Từ năm đó đến nay nhiều ngàn người khác có thể
đã bị sát hại, như tổ chức Genocide Watch cảnh báo khi theo dõi nạn diệt chủng
tại nhiều quốc gia trên địa cầu. Sau khi Liên Xô sụp đổ thì Cuba sống nhờ trợ cấp
của xứ Venezuela, đổi lại là củng cố chế độ độc tài của lãnh tụ Hugo Chavez bằng
kỹ thuật an ninh và tình báo, là điều chế độ Castro rất có khả năng nhờ sự huấn
luyện của Liên Xô và Đông Đức ngày xưa. Ngày nay, khi xứ Venezulea lâm khủng hoảng
và chế độ kế nhiệm ông Chavez sắp sụp đổ thì Cuba hết nơi nương tựa nên Raúl
Castro đành cải tổ kinh tế nhưng vẫn duy trì hệ thống công an trị.
Nói vắn tắt theo cuộc khảo sát toàn cầu của Giáo sư người
Anh là Angus Maddison thì năm 1958, lợi tức thật một người dân Cuba là 2.406 đô
la, qua năm 2008, họ kiếm được 3.764 đô la tức là qua 50 năm kinh tế chỉ tăng
trưởng có 1,2% một năm! Và tăng như vậy là nhờ Liên Xô trợ cấp. Chính là vì năm
1962 Castro mở cửa cho Liên Xô đem hỏa tiễn vào Tây Bán Cầu là đại lục Nam-Bắc
Mỹ mà Cuba mới càng có quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ.
Nguyên Lam: Nói đến Hoa Kỳ thì từ cuối năm 2014, Chính quyền
của Tổng thống Barack Obama đã muốn cải thiện quan hệ với Cuba. Thưa ông, việc
ông Fidel Castro vừa qua đời có giúp ích gì và tạo ra thay đổi trong mối bang
giao giữa hai nước hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là không, vì thay đổi phải đến từ
Cuba chứ không từ Hoa Kỳ.
Tôi xin được giải thích: sau lệnh cấm vận kinh tế năm 1960
thì Tháng Ba năm 1996, Quốc hội Mỹ biểu quyết đạo luật về Tự do và Dân chủ cho
Cuba, có tên của hai đại biểu Cộng Hòa soạn thảo là Helms-Burton Act. Đạo luật
này nâng mức độ phong tỏa kinh tế và giàng thêm điều kiện về nhân quyền và dân
chủ mà chế độ Cuba phải chấp hành, như giải tán bộ máy tình báo và công an, thiết
lập nền Tư pháp độc lập và tổ chức bầu cử tự do. Sau khi lên cầm quyền, Raúl
Castro có cải cách kinh tế để khỏi bị khủng hoảng, nhưng vẫn duy trì bộ máy đàn
áp cũ. Vì đã quá 85 tuổi, ông sẽ chuyển
quyền cho nhân vật dân sự là Miguel Diaz-Canel kể từ năm 2018 nhưng thật ra
chính quyền nào cũng do bộ máy công an và quân đội của anh em Castro xây dựng
và củng cố từ mấy chục năm bằng quyền lợi kinh tế, nên Cuba chưa thể có thay đổi.
Bây giờ, ông Donald Trump lại đắc cử Tổng thống Mỹ và có hậu
thuẫn của dân Cuba lưu vong nên khó xé rào như Tổng thống Obama mà vượt qua sức
cản của Quốc hội khóa 115 vẫn do đảng Cộng Hòa kiểm soát. Rút tỉa kinh nghiệm
khi Hoa Kỳ cải tiến quan hệ với Trung Quốc và Việt Nam vì lý do kinh tế mà chẳng
quan tâm đến các khía cạnh dân chủ và nhân quyền, Quốc hội Mỹ sẽ gắt gao theo
dõi việc cải cách chính trị tại Cuba như điều kiện tiên quyết. Chính quyền Mỹ
có thể đề ra lộ trình tiệm tiến là chỉ từng bước tháo gỡ lệnh cấm vận kinh tế
theo tiến độ về cải cách chính trị để Cuba thoát ra khỏi chế độ độc tài công an
trị. Lợi ích kinh tế của doanh nghiệp Mỹ trong quan hệ với Cuba sẽ khó đánh bạt
nổi rào cản về chính trị.
Nguyên Lam: Chúng ta trở lại chủ điểm của đề tài là “huyền
thoại Fidel Castro”. Thưa ông, vì sao mà một số dư luận vẫn cứ ngợi ca một nhân
vật đã tàn sát đồng bào của mình và làm cho quốc gia tụt hậu sau nửa thế kỷ cầm
quyền tuyệt đối?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ Fidel Castro là khuôn mặt anh
hùng cho trí thức và bậc trưởng giả Tây phương ngồi phòng trà như nhà văn
Jean-Paul Sartre nói về cách mạng. Họ không sống trong thực tế, chỉ phóng chiếu
giấc mơ lãng mạn về cách mạng vào hành trình của Castro mà lờ hẳn hành vi hiếu
sát của ông ta. Một số lãnh tụ Đệ tam Thế giới thì đề cao tinh thần độc lập chống
Mỹ của Fidel Castro nhưng ôm ấp giấc mơ độc tài. Họ chẳng thấy Castro đã cầm
quyền được nửa thế kỷ là nhờ một thỏa thuận năm 1962 giữa hai cường quốc là Hoa
Kỳ và Liên Xô. Castro chỉ là một sản phẩm của thời Chiến tranh lạnh và bị đào
thải khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã nên phải sống bám vào một
chế độ độc tài khác là Venezuela. Tuổi trẻ thời nay mà nói đến cách mạng phiêu
lưu thì mặc áo thun có hình Che Guevarra chứ nhiều khi chẳng nhớ Fidel Castro
là ai! Họ có thể trưng hình một tay sát thủ của chế độ Castro mà vẫn đòi bải bỏ án tử hình và truyền thông báo chí thuộc cánh
tả cũng chẳng khá hơn lớp trẻ đó. Riêng có một người biết Fidel Castro rất rõ
chính là con gái của ông ta. Bà Alina Castro đã trốn khỏi Cuba từ năm 1993 và
hiện sống lưu vong tại Hoa Kỳ. Nói về thân phụ, bà cải chính với báo chí Mỹ, rằng
đấy không phải là một nhà độc tài… “mà là một bạo chúa”!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin
cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét