Gửi những bạn yêu mến Fidel Castro, “cha già dân tộc” của
nhân dân Cuba: Bài viết dưới đây đặc biệt dành cho các bạn. Nếu có bình luận
gì, xin các bạn lưu ý: Mình chưa từng nói bất cứ ai ủng hộ quốc tang Fidel là
ngu dốt, thần kinh…, nên mong các bạn cũng đừng dùng lập luận “chỉ có lũ vô ơn,
vong ân bội nghĩa mới không tán thành quốc tang”. Ngoài ra, để kể về tình cảm
và ân nghĩa giữa đảng và nhà nước Cuba với đảng và nhà nước Bắc Việt thì mình kể
hay hơn dư luận viên nhiều, cho nên cũng không cần phải nhắc mình về điều đó.
Bài viết sẽ giải thích vì sao ở Việt Nam, yêu mến lãnh tụ cộng
sản lại được xem là một phẩm chất tốt đẹp. Nó liên quan đến vấn đề “tính chính
danh của nhà cầm quyền”.
* * *
Tính chính danh là niềm tin phổ biến của các thành viên
trong một xã hội rằng quyền lực của chính quyền hay đảng cầm quyền là đúng,
chính đáng, hợp lý, hợp pháp, và vì thế dân chúng phải phục tùng.
Tóm lại, chính quyền có chính danh tức là việc cầm quyền của
họ là phù hợp, thích đáng trong suy nghĩ của người dân, và (vì thế) người dân
chấp nhận phục tùng chính quyền ấy.
Làm thế nào để một tổ chức có được tính chính danh để trở
thành chính quyền? Theo nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920), có ba
cách:
1. Nhờ truyền thống (cha truyền con nối);
2. Nhờ có sức hấp dẫn của lãnh tụ, lãnh đạo;
3. Nhờ được thành lập và vận hành hợp pháp và hợp lý.
Trong đó, cách 2, chính danh nhờ có lãnh tụ kiệt xuất, là
cách phổ biến ở các nhà nước độc tài. Các chính thể ở đó được công nhận là
chính danh nhờ sự hấp dẫn của một cá nhân nào đó được công chúng sùng bái, và
cá nhân đó đóng vai trò lãnh tụ, lãnh đạo. Ví dụ như các chính quyền Napoleon
(Pháp), Mussolini (phát xít Ý), Hitler (Đức quốc xã), Fidel Castro (Cuba cộng sản),
Khomeini (Hồi giáo Iran), Lenin, Staline (Liên Xô), Mao Trạch Đông (Trung Quốc
cộng sản), dòng họ Kim Nhật Thành (Bắc Triều Tiên), và Hồ Chí Minh (Việt Nam cộng
sản), v.v.
Nói cách khác, những chính quyền đó có được tính chính danh
nhờ việc họ có một gương mặt cá nhân nào đó có sức hấp dẫn to lớn đối với dân
chúng, được ngợi ca bởi công đức trời biển, được tôn vinh như “tiên đế”, “cha
già dân tộc”, “khai quốc công thần”. Chừng nào nhân vật ấy còn được sùng bái,
chừng đó chính thể còn có tính chính danh, và ngược lại, khi sự sùng bái của
người dân đối với lãnh tụ kiệt xuất bị suy giảm thì khi ấy, tính chính danh của
chính thể bắt đầu lung lay. Đến khi lòng kính trọng, tin yêu của dân chúng đối
với lãnh tụ hoàn toàn chấm hết, thì chế độ không còn lý do để tồn tại.
Đó là lý do vì sao các chính quyền cộng sản như Liên Xô, Bắc
Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam… phải sống chết bảo vệ hình ảnh vị “cha
già dân tộc” của mình, kể cả hàng chục năm sau khi ông ta mất. Ở những xã hội
này, sự kính trọng, tin yêu đối với lãnh tụ được xem như đạo đức. Nói xấu, phỉ
báng lãnh tụ bị coi là trọng tội và bị pháp luật trừng phạt.
Đến đây xin kể lại với các bạn về một chuyện xảy ra vào
tháng 10 năm ngoái.
Vào ngày 12/10/2015, Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, chết lúc 7h tối tại
bệnh viện Bạch Mai sau hai tháng bị công an huyện Chương Mỹ tạm giam ở Trại tạm
giam số 3 (Công an TP. Hà Nội) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Trước
đó, ngày 11/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho biết, Đỗ Đăng Dư bị bạn tù là Vũ
Văn Bình đánh vì “rửa bát bẩn”.
Đêm 12/10 sau khi Dư chết và thi thể được đưa vào nhà xác,
hàng chục nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội đã đến bệnh viện Bạch Mai an ủi,
giúp đỡ gia đình và lên án công an bạo hành dân.
Ngày hôm sau, 13/10, facebooker Nguyễn Lân Thắng đăng tải
trên trang cá nhân một bức hình chụp ông cầm chiếc đĩa sứ có in chân dung Chủ tịch
Hồ Chí Minh, kèm bình luận: “Ngày xưa ông ấy rửa bát bẩn trên tàu thì Việt Nam
đâu đến nỗi”. Bức hình được gần 5000 người “like” và hơn 300 người chia sẻ,
nhưng nó cũng gây phẫn nộ lớn trong cộng đồng những người “yêu Đảng yêu Bác”.
Vào ngày 17/10, ông Trần Nhật Quang, một nhân vật trong đội ngũ dư luận viên Hà
Nội, tuyên bố thành lập nhóm phản ứng nhanh để “săn lùng” và “hỏi tội” “những
tên phản động” mà trước mắt là Nguyễn Lân Thắng vì tội “xúc phạm Bác Hồ”.
Nhiều độc giả của ông Nguyễn Lân Thắng, tuy ủng hộ ông hoạt
động xã hội, đấu tranh dân chủ, nhưng cũng không tán thành việc ông “đem Bác Hồ
ra làm trò cười”.
Tuy vậy, cũng không ai giải thích được tại sao kính trọng
lãnh tụ lại là một thứ đạo đức.
Nhưng chắc đến lúc này thì các bạn có câu trả lời rồi: Đó
chính là bởi vì tâm lý sùng bái lãnh tụ trong dân chúng Việt Nam còn rất nặng,
mà tâm lý ấy là kết quả của sự tuyên truyền không ngừng nghỉ của đảng Cộng sản
về ông Hồ Chí Minh như vị cha già dân tộc.
VẶN CỔ DÂN MÌNH ĐỂ ĐI GIÚP NGƯỜI
Câu chuyện Fidel Castro với Cuba cũng vậy, và rộng ra là với
người dân Việt Nam cũng vậy. Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn phải ép toàn dân
chịu quốc tang Fidel Castro, mặc dù nước Cuba của Fidel thực chất chỉ giúp một
nửa nước Việt Nam; và cũng chẳng phải là nhân dân Cuba tự nguyện giúp. Để làm
được việc đó, Fidel đã bóp cổ, bóp hầu bóp họng chính người dân của mình. Cũng
giống như Trung Quốc giúp Việt Nam trong chiến tranh – cung cấp lương khô, quân
trang, quân dụng, vũ khí – trong khi chính thời gian đó, đất nước này điêu linh
vì cách mạng văn hóa, đại nhảy vọt v.v.
Bạn sẽ bảo là “giúp người trong lúc chính mình khó khăn mới
là nhân nghĩa”. Vâng, cứ cho là việc họ bóp cổ dân, bắt dân ăn đói mặc rách để
họ làm nghĩa vụ quốc tế, là điều tốt, là nhân nghĩa đi. Nhưng các bạn cũng chớ
quên, chính cái chính quyền Trung Quốc ấy, khi trở mặt (hoặc bị Việt Nam trở mặt,
theo cách hiểu của họ), đã đem cả bát mẻ, bát sứt ra mời cơm Đại tướng Võ
Nguyên Giáp của các bạn, nhân chuyến thăm Trung Quốc của ông Giáp vào năm 1976.
Ba năm sau, họ kéo quân sang “dạy cho Việt Nam một bài học”, giết chóc, tàn
sát…
Sự cực đoan không bao giờ là điều tốt. Sự cực đoan của lãnh
đạo càng kinh khủng hơn.
Chính quyền ở cả Trung Quốc, Việt Nam, Cuba lẫn Bắc Hàn đều
cố dạy cho dân rằng kính trọng lãnh tụ là một thứ đạo đức. Từ lâu, chắc bạn
cũng đã tin như thế.
Nhưng trên thực tế, sùng bái cá nhân đã chỉ đưa đến và củng
cố chế độ độc tài và nô lệ. Không xã hội nào tiến bộ về đạo đức và văn hóa
chính trị nhờ việc dân chúng sùng bái lãnh tụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét