Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Lý thuyết Quan hệ quốc tế và Việt Nam



Biên dịch: Nguyễn Minh Tài | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh
Nguồn: Zachary Abuza, “International Relations Theory and Vietnam”, Contemporary Southeast Asia


 


Tóm lược: Mặc dù được tuyên truyền theo đường lối cách mạng vô sản quốc tế, chính sách đối ngoại của Hà Nội vẫn luôn dựa một cách chắc chắn vào các giả định của chủ nghĩa hiện thực. Với sự ra đời của chính sách Đổi mới, đã có sự chuyển đổi căn bản trong thế giới quan của Việt Nam: Hà Nội kiên quyết đi theo các nguyên tắc về sự phụ thuộc lẫn nhau phức tạp và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Sự chuyển biến này được thấy rõ ràng nhất trong mối quan hệ của Hà Nội với các nước ASEAN và Trung Quốc. Bài viết này lập luận rằng bởi vì Việt Nam không còn có thể đương đầu với Trung Quốc theo nghĩa Hiện thực truyền thống được nữa và cũng bởi vì Việt Nam quá nhỏ bé để ràng buộc Trung Quốc vào một mức độ phụ thuộc lẫn nhau nhất định nào đó, Việt Nam hy vọng sẽ kiềm chế hành vi của Trung Quốc thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau gián tiếp, thông qua tư cách thành viên ASEAN – một tổ chức Bắc Kinh cho là cần thiết để phát triển kinh tế của riêng mình.

Lời giới thiệu

Đối mặt với sự thù địch có tính lịch sử, các nỗ lực thống trị liên tục của Trung Quốc, mối hồ nghi về ý định của Trung Quốc, tranh chấp biên giới liên miên, vấn đề thương mại và dân tộc Trung Quốc, và các mối đe dọa từ sức mạnh tuyệt đối của Trung Quốc (về mặt kinh tế, nhân khẩu và quân sự), làm thế nào để Việt Nam đối phó với nước này? Việt Nam có thể sử dụng chiến lược nào để xử lý mối quan hệ với người láng giềng phía bắc của mình? Mối quan hệ Trung-Việt cho thấy gì về quyền lực nhà nước nhỏ?

Bài viết này bắt đầu bằng việc khẳng định rằng những nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam trước đây đã dựa trên các luận điểm của chủ nghĩa tân hiện thực: đầu tiên, bởi vì sức mạnh trong hệ thống quốc tế được phân phối không đồng đều, Việt Nam buộc phải có chính sách nhằm nâng cao khả năng bị hạn chế của mình. Điều này đã được thực hiện thông qua việc áp dụng chiến thuật du kích và cân bằng với kẻ thù vào từng thời điểm cụ thể – lúc đầu cùng với Liên Xô và Trung Quốc chống lại Mỹ, sau đó cùng với Liên Xô chống lại Trung Quốc.

Thứ hai, bản thân quyền lực cũng là một mục tiêu chính sách, không chỉ là một công cụ. Việt Nam đã tạo ra một “mối quan hệ đặc biệt” với Lào và Campuchia nhằm chi phối nền chính trị, kinh tế và quân đội của họ. Thật vậy, Việt Nam đã cố gắng hoạch định tầm nhìn riêng về mối quan hệ với Đông Nam Á vào cuối những năm 1970.

Thứ ba, Việt Nam hành xử như một thực thể đơn nhất và duy lý được vận hành trong một hệ thống nhà nước trung tâm. Mặc dù có quan hệ ràng buộc với cả Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1960, Việt Nam đã cố gắng để duy trì sự độc lập của mình.[1] Bên cạnh mối quan hệ với các nước ở dưới sự kiểm soát của Liên Xô trong COMECON (Hội đồng tương trợ kinh tế), Việt Nam đã có vài mối quan hệ với các nước khác. Và rõ ràng, các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được rằng đó là hệ thống tự cứu. Thực tiễn có tính hiện thực này đã dẫn đến việc Việt Nam bị bán đứng hai lần bởi đồng minh, lần đầu tiên vào năm 1954, sau đó vào năm 1971. Phản ứng thờ ơ của Liên Xô đối với sự xâm lược dưới danh nghĩa trừng phạt của Trung Quốc trong năm 1979 tiếp tục củng cố hơn nữa quan điểm về hệ thống tự cứu [của Việt Nam].

Cuối cùng, Việt Nam đã có khả năng tự tách chính trị trong nước khỏi chính trị quốc tế khi mà chính sách đối ngoại và quyết sách an ninh quốc gia được giữ độc quyền bởi chỉ một số ít các nhà lãnh đạo độc lập.

Có thể lập luận trên hai căn cứ rằng Việt Nam đã bác bỏ các luận điểm của các nhà chủ nghĩa tân hiện thực. Đầu tiên, chủ nghĩa tân hiện thực thừa nhận rằng các quốc gia tương tự nhau về chức năng có được vị trí của họ trong hệ thống quốc tế từ chính sức mạnh mỗi nước. Tuy nhiên, Việt Nam đã đánh bại ba quốc gia vốn có sức mạnh và công nghệ tiên tiến hơn hẳn. Thứ hai, chủ nghĩa tân hiện thực lập luận rằng các quốc gia và các chính khách không thể bị ràng buộc bởi đạo đức. Nhưng một phân tích về hành vi đàm phán ngoại giao Việt Nam đã chỉ ra sự ràng buộc mạnh mẽ vào đạo đức và nghĩa vụ (những gì Henry Kissinger mô tả là “sự tự tin vào chính nghĩa điên cuồng” [ferocious self-righteousness]) đã cuối cùng làm tổn thương chính nước này.

Nhưng nhìn chung, ta sẽ phải nhận định rằng mô hình chiến lược của Việt Nam liên kết chặt chẽ với chủ nghĩa tân hiện thực. Nếu không muốn nói là Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ nghĩa tân hiện thực với tất cả ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, các mối đe dọa liên tục đến sự sống còn buộc giới lãnh đạo nhìn nhận thế giới là trò chơi tổng bằng không. Mặc dù có đồng minh, Hà Nội không phải lúc nào cũng có thể phụ thuộc vào họ được. Và việc chấp nhận mô hình “hai phe” đã buộc Việt Nam tham gia vào liên minh chống lại kẻ thù lớn hơn trong suốt hơn một thập kỷ.

Chuyển đổi mô hình: Giai đoạn một

Thế giới quan của Việt Nam bắt đầu thay đổi vào năm 1986, nhưng thật sự chuyển biến là từ năm 1988, khi Việt Nam bắt đầu cam kết giải quyết cuộc xung đột ở Campuchia và phát triển một chương trình cải cách mở cửa kinh tế, mang tên Đổi Mới. Việc áp dụng “Đổi Mới” đã minh họa chó sự thay đổi căn bản trong thế giới quan của giới lãnh đạo Việt Nam. Theo lời của Gareth Porter, Việt Nam không còn nhìn nhận thế giới dưới góc độ “hai phe hai khối”, mà bắt đầu ủng hộ sự cần thiết của việc liên kết nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới bằng cách tận dụng vị thế của Việt Nam trong phân công lao động toàn cầu.[2]

Nòng cốt của cách tiếp cận mới này là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Tại Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12 năm 1986, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đề cập đến “sự phụ thuộc lẫn nhau”, thay vì khẳng định rằng “chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến tột độ”. Vào tháng 5 năm 1988, Bộ Chính trị đã bí mật thông qua Nghị quyết 13 chính thức chấp nhận lập luận của Nguyễn Cơ Thạch về sự phụ thuộc lẫn nhau và sự hòa nhập của Việt Nam vào nền kinh tế tư bản thế giới. Nghị quyết 13 đã cung cấp một mô hình toàn diện mới cho an ninh quốc gia: một nền kinh tế mạnh, tình hình quốc tế hòa bình, một nền quốc phòng “đủ mạnh”[3] và gia tăng quan hệ song phương với các nước thuộc cả ba “thế giới”.

Tuy nhiên, Nguyễn Cơ Thạch đánh mất sự ủng hộ vào năm 1991 bởi vì cách xử lý của ông về vấn đề Campuchia, do mặc dù Việt Nam rút quân khỏi nước này nhưng vẫn không chấm dứt được sự cô lập về chính trị và kinh tế của cộng đồng quốc tế đối với Hà Nội, và sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, những nỗ lực kiên cường của Nguyễn Cơ Thạch chống lại việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc rõ ràng là không đi theo đường lối của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh.

Nếu ta nhìn theo cách khác, Nguyễn Cơ Thạch đã cố gắng để thay đổi quan điểm về mặt lý thuyết của Việt Nam từ chủ nghĩa tân hiện thực sang một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau phức hợp với phương Tây và các nước ASEAN. Vấn đề là ông không thể bác bỏ quan điểm của của các nhà hiện thực rằng nên có sự đối trọng với Trung Quốc. Sau khi từ bỏ “mối quan hệ đặc biệt” với Lào và Campuchia, giả định về sức mạnh của chủ nghĩa tân hiện thực thích hợp với việc cải thiện quan hệ với phương Tây và các nước ASEAN, điều này sẽ có tác dụng trong việc thúc đẩy nền kinh tế đang đi xuống của Việt Nam, và tạo sự đối trọng với Trung Quốc. Đây là thời điểm mà viện trợ của Liên Xô và cam kết với Việt Nam đang dần đi xuống khi quan hệ Trung-Xô được bình thường hóa sau hội nghị thượng đỉnh năm 1989 giữa Đặng Tiểu Bình và Gorbechev.

Nhìn chung, Nguyễn Cơ Thạch hiểu được sự cần thiết để Việt Nam chuyển sang một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau phức hợp, để thứ nhất tăng cường nội lực quốc gia, thông qua sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, và thứ hai là củng cố ngoại lực bằng cách cải thiện quan hệ với ASEAN và phương Tây. Tuy nhiên, bởi vì sự sợ hãi bao trùm đối với Trung Quốc, Nguyễn Cơ Thạch vẫn chủ trương theo đuổi một số luận điểm của chủ nghĩa hiện thực.

Chuyển đổi mô hình: Giai đoạn hai

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII năm 1991, Nguyễn Cơ Thạch bị buộc phải lui về phía sau bởi vì sự ưu ái của ông dành cho phương Tây cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề Campuchia để Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới chỉ mang lại ít kết quả. Nhưng cùng với sự giải quyết trên thực tế vấn đề Campuchia, nối lại quan hệ với các tổ chức kinh tế đa phương, gia tăng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng trưởng kinh tế trong năm 1991, cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, đã có nhiều nỗ lực được rút kinh nghiệm từ chiến lược của Nguyễn Cơ Thạch. Kể từ năm 1992, giới lãnh đạo Việt Nam đã thông qua Chiến lược an ninh toàn diện (CSA). CSA, giống như ngoại giao toàn phương diện của Trung Quốc, có ba thành tố:

– Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp với tất cả các nước, bao gồm cả ” kẻ thù cũ” (như Hoa Kỳ và Trung Quốc);

– Thứ hai, không liên minh, cũng như không phụ thuộc vào siêu cường nào; và

– Cuối cùng, duy trì môi trường hòa bình bên ngoài để tập trung tất cả nguồn lực phát triển kinh tế.

CSA không thể được xem là hoàn toàn chuyển đổi sang lăng kính phụ thuộc lẫn nhau phức tạp; tuy nhiên, nó đã phát triển. Câu hỏi đầu tiên là vì sao? Thứ hai, tại sao quan điểm của chủ nghĩa tân hiện thực bị bác bỏ, đặc biệt là khi đối mặt với các mối đe dọa liên tục của Trung Quốc, và sự mâu thuẫn trong giới lãnh đạo Việt Nam trước các ý định của Trung Quốc?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét