Một nhóm cố vấn về biển Đông, với tiếng nói có trọng lượng ở
Trung Quốc, mới cảnh báo rằng Trung Quốc có thể thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng
không (ADIZ) ở biển Đông, trong khi học giả Việt Nam nói Hà Nội sẽ không bao giờ
chấp nhận điều này.
Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của nhà nước Trung Quốc
mới cho biết rằng năm ngoái, các tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ đã tiến
hành hơn 700 cuộc tuần tra ở vùng biển tranh chấp giữa nhiều nước.
Chủ tịch Viện này, ông Ngô Sĩ Tồn, tuần trước, nói rằng
“Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không ở Biển Đông nếu Mỹ
tiếp tục gia tăng tuần tra và trinh thám tầm thấp” ở vùng biển được coi là có
trữ lượng dầu khí lớn này.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt –
Trung và vấn đề biển Đông, nói với VOA tiếng Việt rằng cũng giống như chính quyền
Bắc Kinh, các học giả Trung Quốc đang tìm cách củng cố chủ quyền ở biển Đông,
và đó là điều “không có gì lạ”.
Sử gia này nói thêm:
“Để thực hiện ý đồ của họ, ngoài chính quyền ra còn có các học
giả. Làm thế nào để lợi cho Trung Quốc thì họ làm thế thôi. Nó không có phù hợp
với pháp lý quốc tế, và sự thật lịch sử. Không có một nước nào chấp nhận điều
đó, kể cả Việt Nam. Hệ quả tương lai thế nào và những diễn biến như thế nào thì
để lịch sử sẽ trả lời thôi”.
Đây không phải là lần đầu tiên các học giả Trung Quốc bị
phía Việt Nam “đáp trả”. Cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị báo
chí trong nước gọi là “ngụy biện” và “xuyên tạc” tại cuộc hội thảo quy mô lớn về
biển Đông ở Việt Nam, sau khi họ khẳng định “chủ quyền lịch sử của đường lưỡi
bò”.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Nhã nói tiếp rằng Trung Quốc
bấy lâu nay “bất chấp pháp lý quốc tế” trong vấn đề biển Đông.
Hồi tháng Bảy, ngay sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán
quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Philippines trong vụ kiện với Bắc Kinh,
nhiều nhà quan sát nhận định rằng Bắc Kinh có thể tuyên bố vùng ADIZ ở biển
Đông để “trả đũa”,
Trong khi trả lời các phóng viên nhân dịp công bố phúc trình
về sự hiện diện tàu bè của Hoa Kỳ ở biển Đông tuần trước, ông Ngô Sĩ Tồn cũng
cho rằng “rất có khả năng Tổng thống tân cử Donald Trump triển khai thêm tàu [Mỹ]
ở Biển Đông”.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc
nói thêm “sẽ không có sự thay đổi đột ngột chính sách của Hoa Kỳ ở biển Đông”,
nhưng nói rằng khả năng xảy ra xung đột trong khu vực "rất nhỏ".
Nhận định về áp lực của tân chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc
trong vấn đề biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói:
“Tất cả những tuyên bố của ông Donald Trump đã nói thì rất bất
lợi cho Trung Quốc. Vì vậy cho nên Trung Quốc phải có những cách để đối phó. Hiện
nay họ tranh thủ dư luận đấy. Nhưng mà, theo tôi, vấn đề đã rõ ràng rồi thì dù
tranh thủ đến đâu, Trung Quốc vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chứ không phải là đơn
giản vì trong lịch sử, chưa bao giờ có một nhà nước, dù là siêu cường, mà lại bất
chấp luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử”.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, trả lời VOA Việt Ngữ trong khi tham
dự một hội thảo lớn về biển Đông ở thủ đô Washington DC, ông Ngô Sĩ Tồn đã
tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không ở biển Đông
nếu cảm thấy an ninh bị đe dọa.
Ông Tồn nói rằng “các chuyến bay trinh sát và thu thập tình
báo của Hoa Kỳ ở biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là biển Đông là một thách
thức lớn đối với Trung Quốc” và “đe dọa tới an ninh quốc gia của Bắc Kinh”.
“Việc làm đó có thể khiến Bắc Kinh buộc phải tuyên bố vùng
nhận dạng phòng không tại vùng biển này. Đó là yếu tố duy nhất có khả năng đẩy
Trung Quốc phải làm chuyện đó”, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông
của Trung Quốc nói.
Trung Quốc năm 2014 đơn phương thiết lập vùng nhận dạng
phòng không tại biển Hoa Đông có tranh chấp với Nhật Bản, gây quan ngại cho các
nước tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Đông.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét