Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Fidel Castro qua đời và Việt Nam-bài 2

Song Chi





Đã định thôi không viết gì về cái chết của nhân vật độc tài Fidel Castro nữa, nhưng lại có thêm một số câu chuyện xuất hiện khiến không thể chịu được. Cái chết của Fidel Castro khiến thế giới và những người VN không còn bị nhồi sọ, thêm một lần nữa, thấy gì về đảng và nhà nước cộng sản VN?


Đó là họ luôn luôn nằm trong một thiểu số lạc quẻ, lạc loài trên thế giới qua sự nhiệt tình quá mức đối với cái chết của Fidel Castro.

Lãnh đạo các nước tự do, dân chủ, tiến bộ từ Mỹ tới châu Âu, châu Á đều không có mặt tại tang lễ của Fidel Castro chỉ cử đại diện chính phủ, ngay cả Putin và Tập Cận Bình cũng thoái thác, nại cớ để không đi dù mối quan hệ giữa Nga, Trung Quốc hay Cuba có rễ má dây dưa từ thời khối XHCN sát cánh bên nhau chống lại khối các nước TBCN; bản thân Putin xuất thân từ KGB, lớn lên trong lòng nước Nga thời cộng sản, còn Tập Cận Bình thì đang đứng đầu đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc. Bởi vì Putin và Tập Cận Bình, những cái đầu khôn ngoan cáo già về chính trị, thừa hiểu thế giới nghĩ gì về Fidel Castro, và không muốn bị xếp chung một rọ với nhân vật này.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jung-un cũng không đi, VN cũng chỉ cử đến cấp Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu phái đoàn đi viếng, so với một số nước Nam Mỹ như Venezuela, Ecuador, Mexico…, một vài nước châu Phi, cử nhân vật cao nhất. Nhưng sự nhiệt tình của VN nằm trong nhóm thiểu số các nước quyết định để quốc tang Fidel Castro. Ngoại trừ Cuba quốc tang 9 ngày, thì có Bắc Hàn 3 ngày, Venezuela 3 ngày, Nigeria 8 ngày, Namibia 3 ngày, VN 1 ngày…hầu hết là những quốc gia nổi tiếng về sự hà khắc, đàn áp nhân quyền, bóp nghẹt mọi quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Khi quyết định tiến hành quốc tang Fidel Castro một ngày, đảng và nhà nước cộng sản VN vừa muốn chứng tỏ "sự thủy chung, lòng biết ơn, tình nghĩa trước sau như một" đối với Fidel Castro, đồng thời hàm ý kiên định với lý tưởng XHCN, không thay đổi về mặt ý thức hệ, dù rằng cái mô hình xã hội mà họ đang điều hành, lãnh đạo hiện nay ở VN thì hoàn toàn đi ngược lại, phản bội lại cái lý tưởng ấy. Và cũng là một dịp để họ “ăn mày dĩ vãng” khi lệnh cho báo chí truyền thông nhắc lại những ngày chống Mỹ, những “kỷ niệm” với Fidel Castro v.v…

Nhưng thế giới tiến bộ và những người Việt không còn bị nhồi sọ thì chỉ thêm một lần nữa, nhìn thấy sự xơ cứng, chậm tiêu về mặt nhận thức của nhà cầm quyền VN khi thời cuộc đã thay đổi, phe XHCN thực sự đã chết, thời buổi thông tin tràn ngập cũng đã phơi bày con người thật của Fidel Castro và những hậu quả tai hại nặng nề mà 50 năm cầm quyền của ông ta đã gây ra cho đất nước, nhân dân Cuba và bây giờ Cuba vẫn đang tiếp tục phải gánh chịu. Thế nhưng nhà cầm quyền VN vẫn mặc kệ.

Vốn dĩ cái sự “trung thành” với …ngoại bang ấy đã thành bản chất của đảng cộng sản VN, từ chuyện rước một học thuyết ngoại lai hoàn toàn không phù hợp là Mác Lênin về áp dụng và cương quyết không chịu từ bỏ, cho tới tận giờ phút này vẫn còn treo hình, chưng tượng Các Mác, Lê Nin khắp nơi; từ mối quan hệ bất xứng, luôn luôn ở trong tư thế đàn em nhờ cậy, quỵ lụy đối với Liên Xô/Nga và Trung Cộng trước kia cũng như bây giờ. Nhưng khi thế giới đã thay đổi như vừa phân tích ở trên mà vẫn tiếp tục thể hiện cái sự trung thành với một nhân vật như Fidel Castro, nó còn bộc lộ cái vị thế rất thảm của nhà cầm quyền VN, rằng không có mấy ai là bạn.

Sự xơ cứng đó của các lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN từ trên xuống dưới còn thể hiện qua việc tiếp tục xử dụng bộ máy tuyên truyền ca ngợi Fidel Castro không hề ngượng nghịu. Trên facebook nhiều người còn đưa lên thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM với nội dung rằng để thực hiện chỉ đạo của đồng chí Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM (tức ông Tất Thành Cang), đề nghị Trưởng phòng GD&DT các quận 2, 4, Tân Bình, Gò Vấp chỉ đạo các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận mang tên Nguyễn Văn Trỗi tổ chức đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh viếng tang đồng chí Tổng Tư lệnh Phi-đen cát-xtơ-rô Ru-sơ (!) tại Tổng lãnh sự quán Cuba tại TP.HCM!

Không biết ở Hà Nội hay các thành phố khác có nhận được cái thư với nội dung tương tự không?

Đọc cái thư mà cứ tưởng như cái thời vài chục năm về trước, khi ông Hồ Chí Minh hay ông Stalin chết, chắc là các trường học, cơ quan khắp miền Bắc cũng nhận được chỉ đạo như thế này.

Nhưng sự khác biệt giữa cái chết của Stalin, Kim Jong-Il, Hồ Chí Minh, hay Fidel Castro v.v… là gì? Đó là nhờ có internet, nhờ đọc được thông tin đa chiều nên bây giờ khi Fidel Castro chết, người dân Cuba hay VN có người khóc, có người mừng, có người nguyền rủa…còn khi các nhân vật kia chết đi thì gần như 100% người dân sống dưới chế độ ấy khóc thương thảm thiết!

Lướt qua những bài báo “Người Hà Nội xếp hàng dài viếng Chủ tịch Fidel Castro” (Tuổi Trẻ), “Nước mắt và hoa viếng Fidel Castro ở Hà Nội” (VNExpress), “Người dân bật khóc khi viếng Fidel Castro tại Hà Nội” (Lao Động)…và nhìn những hình ảnh người dân xếp hàng dài đi viếng Fidel Castro, mới thấy ảnh hưởng của sự tuyên truyền, tẩy não trên tư duy, nhận thức của con người nó lâu dài như thế nào!

Tất nhiên, phần lớn trong số những người đi viếng là những người đã từng là du học sinh hoặc có thời gian làm việc tại Cuba, những tình cảm cá nhân thời đi học, đi làm, đã ảnh hưởng tới cái nhìn, sự đánh giá của họ, nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng của việc tuyên truyền, giáo dục và việc không tìm đọc thêm các nguồn thông tin khác về nhân vật Fidel Castro, về thực trạng đời sống ở Cuba. Cũng may đó chỉ là số ít!

Thế giới đổi thay từng giờ từng phút, nhưng tư duy, não bộ của đám lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN thì giống như những cái đồng hồ đã chết, nhất định không chịu hoạt động để bắt kịp thời đại.

Bản thân Fidel Castro, con người mà nhà cầm quyền VN đang chuẩn bị tiến hành quốc tang một ngày là một biểu tượng vô cùng sống động của cái đồng hồ chết, khước từ mọi sự thay đổi, khiến cho đất nước, nhân dân Cuba suốt hơn nửa thế kỷ qua cứ luôn chìm đắm trong nghèo túng, lạc hậu, đứng ngoài lề mọi sự phát triển của thế giới.

Bất hạnh cho những quốc gia, dân tộc nào có những cá nhân, đảng phái cầm quyền như thế!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét