Tổng thống Obama phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, ngày 23/5/2016.
Ông Quang nói Washington và Hà Nội đã đồng ý củng cố quan hệ hợp tác về thực chất và chiều sâu, biến công cuộc hợp tác thành cơ sở trong sự hỗ trợ quân sự, thương mại, y tế và trao đổi giữa nhân dân hai nước. Ông Quang hoan nghênh quyết định này như một sự kết thúc một “chương đau khổ.”
Tổng thống Obama đã xác nhận tin này: Ông nói: “Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Việt Nam đã áp dụng khoảng 50 năm nay” Ông nói thêm, “Việc bán này vẫn sẽ phải đáp ứng những điều kiện gắt gao, bao gồm những điều kiện về nhân quyền, nhưng sự thay đổi này bảo đảm là Việt Nam tiếp cận được với các thiết bị cần thiết để tự bảo vệ.”
Tổng thống Obama nói trong thế kỷ vừa qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã chứng kiến sự hợp tác và xung đột, và sau hơn 20 thập niên bình thường hóa quan hệ, bang giao đã “đạt tới một thời điểm mới.”
Đáp lại câu hỏi của một phóng viên về thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực, tổng thống Obama nói quyết định vừa kể không dựa vào Trung Quốc. Ông nói quyết định được dựa trên ý muốn hoàn tất một tiến trình lâu dài đã bắt đầu hai thập niên trước đây của nhiều cựu chiến binh trong cuộc Chiến tranh Việt Nam, trong đó theo lời ông, có cả cựu tù binh chiến tranh là Thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain.
Phản ứng của Trung Quốc
Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không bình luận về lý do khiến Hà Nội muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Bà Hoa Xuân Oánh không bình luận về lý do khiến Hà Nội muốn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, mà chỉ nói rằng, “Có thể quý vị nên hỏi Việt Nam. Lệnh cấm vận vũ khí là sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh. Lẽ ra lệnh này không nên tồn tại. Chúng tôi đặt hy vọng vào một mối quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Nhưng hôm qua, Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc đã đăng một bài xã luận nói rằng, “quyết định theo tính toán sẽ chỉ phục vụ cho các mục đích chiến lược của chính Washington trong khi Hoa Kỳ tìm cách tái quân bình ở vùng châu Á Thái Bình Dương.”
Nhân quyền
Tổng
thống Obama nói Mỹ và Việt Nam vẫn còn những bất đồng về nhân quyền, và
mỗi thương vụ bán vũ khí sẽ được xét duyệt trên căn bản từng trường hợp
một.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã khơi ra một phản ứng gây gắt từ phía ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch. Ông Robertson nói: “Trong khi ông Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí thì chính quyền Việt Nam bận bắt giữ ký giả Đoan Trang và các nhà hoạt động nhân quyền và blogger khác ngoài đường phố và trong nhà họ. Trong một quyết định bất ngờ, Tổng thống Obama đã từ bỏ lợi thế còn lại của Hoa Kỳ để cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, và căn bản không nhận được điều gì.”
Hai nhà lãnh đạo cũng loan báo các thỏa thuận thương mại mới lên tới 16 tỷ đôla.
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét