Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
nói cách thức một số quan chức lãnh đạo miền Trung trấn an người dân khi đi tắm
biển và ăn cá hấp là 'thiếu cơ sở khoa học và có thể nguy hiểm'.
Một cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng cách thức một số
quan chức lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền trung của Việt Nam 'đi tắm biển và
ăn cá hấp' để trấn an người dân sau vụ biến cố ô nhiễm môi trường gây cá chết
hàng loạt là 'thiếu cơ sở khoa học' và có thể 'nguy hiểm'.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn
hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam cũng nêu quan điểm,
nếu một cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nào đó bị phát hiện là thủ phạm, nguyên
nhân gây ra vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì các quan chức
lãnh đạo, thành viên chính phủ, bộ ngành liên quan cấp phép, hoặc quản lý, giám
sát cũng phải chịu trách nhiệm, dù đã 'về hưu, hay thăng chức'.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 01/5/2016, từ Hà Nội, Giáo sư
Nguyễn Minh Thuyết bình luận về vụ các quan chức Việt Nam ở các nới bị sự cố
môi trường anh hưởng đã trấn an dân bằng 'tắm biển' và 'ăn cá hấp'. Ông nói:
"Tôi cho đấy là cách trấn an người dân, bởi vì thực sự
ra vụ cá chết hàng loạt vẫn còn đang diễn ra ở các tỉnh miền Trung thì cũng làm
cho người dân hoang mang, ngư dân thì không bán được cá, cũng không đi đánh cá
được, rồi thậm chí người dân sợ ăn cả nước mắm.
"Du lịch thì cũng khó phát triển vì vùng miền Trung này
là vùng du lịch biển rất phát triển. Thì các vị lãnh đạo một số tỉnh ven biển
miền Trung ăn cá hấp ở trên bãi biển, rồi xuống tắm biển là để trấn an người
dân.
"Nhưng tôi cho rằng những việc trấn an người dân như thế
không có cở sở khoa học. Khi nào chúng ta có kết luận chắc chắn là vùng biển ở
địa phương A, B, C cụ thể rất an toàn, lúc đó để động viên người dân, thì lãnh
đạo có thể xuống biển tắm và có thể ăn cá.
"Nhưng nếu khi chúng ta chưa kết luận rõ ràng, mà lãnh
đạo làm như thế thì tôi nghĩ đó là việc làm không khoa học và thậm chí nếu như
vùng biển đó vẫn là vùng biển có những độc hại, thì việc làm ấy nguy hiểm."
Đều phải chịu trách nhiệm
Hiện tại, nhà chức trách Việt Nam cho hay công việc điều tra
sự cố môi trường vẫn đang tiếp tục và chưa có kết luận cuối cùng về nguyên
nhân, tư nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã cử các quan chức thị sát các tỉnh, thành
duyên hải bị ảnh hưởng, cử Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên tới cơ sở mà dư
luận và giới chuyên gia nghi là 'nguồn xả thải chính' trong sự cố, khu công
nghiệp và nhà máy sản xuất thép Formosa.
Về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản
lý sẽ thế nào, nếu một cơ sở công nghiệp nào đó bị phát hiện và kết luận là gây
ra vụ 'thảm họa môi trường', theo cách gọi của một số chuyên gia môi trường
trong nước, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm:
"Tôi cho là ai chịu trách nhiệm để Formosa hoạt động
như vậy, đây là đặt giả sử nguyên nhân từ khu công nghiệp Formosa, thì những
người đó phải chịu trách nhiệm.
"Bất kể là còn đương chức hay về hưu, thậm chí đã lên
chức rồi, đều phải giải trình trước dư luận, giải trình trước cơ quan nhà nước.
"Ở đây, tôi là cũng phải phân tích một cách rõ ràng thì
mới có thể quy được trách nhiệm. Ví dụ nếu Formosa đã tuân thủ đầy đủ những cam
kết với chính phủ Việt Nam trong những dự án tại khu công nghiệp, trong các dự
án đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn Việt nam, thì trách nhiệm chủ yếu
ở những người kiểm tra giám sát.
"Thế còn nếu như bản thân các vị còn đương chức trước
đây mà duyệt cho khu công nghiệp này hoặc khu công nghiệp nào khác thực hiện
các hoạt động theo qui chuẩn trên cơ sở cao thấp hoặc vi phạm các qui chuẩn của
nhà nước Việt Nam thì trách nhiệm của những người phê duyệt ấy phải cao
hơn," cựu Dân biểu nói.
Lý do rất khó tin
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng bình luận về một số thông
tin mà nhà chức trách Việt Nam đưa ra và cho đó có thể là nguyên nhân của sự cố
môi trường làm cá chết hàng loạt. Ông nói:
Image copyright Other Image caption Phản ứng của một bộ phận
công chúng trước sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở Việt Nam mới diễn ra.
"Tôi không phải một chuyên gia về tài nguyên và môi trường
nhưng là một người dân bình thường và cũng có kinh nghiệm hoạt động xã hội thì
tôi thấy xử lý của nhà nước trong vụ khủng hoảng môi trường này là quá chậm và
cũng phải nói thật là trong đó có nhiều cơ quan hành xử thiếu trách nhiệm.
"Điển hình là vụ kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường
cho rằng vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung là do thủy triều đỏ. Đó là một điều
rất là khó tin vì tôi cũng đọc những tài liệu về thủy triều đỏ và nghe ý kiến của
những chuyên gia về môi trường thì người ta nói không thể như thế được và những
ảnh chụp từ miền Trung cũng cho thấy không có hiện tượng đó.
"Thứ hai là cuộc họp báo mà chỉ diễn ra chưa đến 10
phút thì nó thể hiện cách làm rất là tắc trách của các vị lãnh đạo ở Bộ Tài
nguyên và Môi trường".
Trước đó, trong cuộc tọa đàm Bàn tròn thứ Năm tuần này của
BBC Việt ngữ, hôm 28/4, ông Lê Ngọc Sơn, một chuyên gia về xử lý và quản lý khủng
hoảng, thành viên một nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Đại học Kỹ thuật
Ilmenau, Cộng hòa Liên bang Đức, bình luận về phản ứng của Chính phủ Việt Nam
và các bộ ngành liên quan, nhận xét:
"Tôi cho rằng là thông báo hôm nay (28/4) của Chính phủ
cũng là một thông báo mà có vẻ như thuyết phục được người dân hơn so với các
thông báo vừa qua, mặc dù chúng ta thấy rằng lý do để xảy ra khủng hoảng như thế
này rất là phức tạp, không dễ gì chúng ta biết được nguyên nhân, bởi vì hiện tượng
cá chết không chỉ xảy ra ở Việt Nam bây giờ mà trên thế giới đã ghi nhận được rất
nhiều hiện tượng này và một số nơi vẫn chưa biết được nguyên nhân tại sao.
"Tuy nhiên phản ứng về khủng hoảng thì cái cách quản trị
mối quan hệ với công chúng thì thông báo hôm nay có vẻ chuyên nghiệp hơn và dựa
trên tinh thần là có lắng nghe và quan tâm đến phản ứng người dân và tôi hy vọng
là sẽ có những cuộc điều tra thực sự của nhà chức trách," ông Sơn, người
đang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Ilmenau nêu quan điểm..
Tuy nhiên, một khách mời khác tại Bàn tròn, PGS. TS. Phạm
Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam
tỏ ra không tán đồng với quan điểm này, ông nói:
"Bốn địa phương có mặt trong buổi họp báo với rất nhiều
chuyên gia và các nhà khoa học. Ở đây rõ ràng là có sự chưa thống nhất giữa các
chuyên gia của các tỉnh và chính quyền trung ương. Chính vì vậy các nhà báo đã
đợi rất lâu để có một kết luận cuối cùng.
"Đúng ra cuộc họp này phải được diễn ra trước , có sự
chuẩn bị trước khi mình công bố nguyên nhân chính thức cho nhân dân biết. Ngay
cuộc họp báo này cũng không chuyên nghiệp lắm, chứng tỏ có một sự lúng túng
trong sự cố này kể cả trong việc xác định và công bố nguyên nhân.
"E rằng sẽ tiếp tục có sự lúng túng trong thời gian tới.
Nên chăng là không cần phải tránh vì đây là một sự cố nghiêm trọng, thậm chí nếu
giải quyết việc này ngay bây giờ nó sẽ tốt hơn cho những lần sau và vấn đề ô
nhiễm môi trường của Việt Nam trong thời gian tới," chuyên gia về chính
sách công nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét