Sự kiện Washington
gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam kéo dài hàng thập niên
thể hiện diễn tiến mới nhất trong quan hệ song phương chớm nở từ đầu
thập niên 1990.
Rõ ràng, những diễn biến đi lên trong quan hệ Mỹ - Việt có phần không nhỏ vì căng thẳng Biển Đông. Bằng việc thắt chặt sợi dây quốc phòng và an ninh, hai nước gửi tín hiệu cho Bắc Kinh. Hà Nội muốn Trung Quốc biết họ sẽ huy động mọi phương tiện, miễn là không phải liên minh chính thức, để bảo vệ chủ quyền. Washington, nhìn thấy tương hợp chiến lược với Hà Nội trước sức mạnh và sự cứng rắn của Trung Quốc, tìm cách củng cố chiến lược tái cân bằng ở châu Á. Ngoài Philippines, Việt Nam là đối tác tự nhiên kế tiếp.
Tuy vậy, đừng vội kết luận Việt Nam nay trong vòng tay Washington.Cơn sốt vì “sự khởi đầu lịch sử” cho quan hệ Việt – Mỹ sẽ kéo dài một thời gian, và rồi ta phải quay về thức tế.
Câu hỏi chính là: liệu Mỹ có trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng, và điều đó sẽ thay đổi quan hệ của Việt Nam với các đối tác như thế nào?
Chính sách đối ngoại của Việt Nam hậu Chiến tranh Lạnh nhấn mạnh độc lập và không liên kết. Mục đích của Việt Nam là tận dụng thật nhiều quan hệ thân thiện mà không bị xem là quá gần với ai. Đây là một sự cân bằng tế nhị. Hoa Kỳ có vai trò trong tính toán chiến lược chung, nhưng không quá đặc biệt. Ít nhất chưa phải bây giờ.
Các vấn đề cấu trúc vẫn còn đó, xoay quanh khác biệt khó giải quyết về nhân quyền. Tổng thống Obama cố gắng cân bằng những lợi ích chiến lược và lo ngại về hồ sơ nhân quyền với bình luận được viết cẩn thận: “Như với mọi đối tác quốc phòng, các vụ bán hàng vẫn cần đáp ứng đòi hỏi nghiêm ngặt, trong đó có nhân quyền. Nhưng sự thay đổi này sẽ bảo đảm để Việt Nam tiếp cận được trang thiết bị giúp tự vệ.” Bình luận này đem lại không ít bất trắc cho các vụ bán vũ khí tương lai cho Việt Nam.
Trong cuộc họp báo tuần rồi ở Washington D.C., Trợ ly ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói Bộ Ngoại giao có quy trình theo luật pháp Mỹ để đánh giá yêu cầu bán vũ khí theo từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, cùng lắm Mỹ sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí “do dự”. Washington không thể từ chối cung cấp hay bảo trì các vũ khí Việt Nam cần để tự vệ.
Trường hợp Pakistan từ chối các điều kiện của Washington để mua máy bay F-16 là ví dụ đáng tham khảo. Hay ví dụ Indonesia, từng bị Washington cấm vận vũ khí vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Đông Timor. Cả Indonesia và Pakistan đã rút ra bài học, và đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí.
Sau khi lệnh cấm vũ khí đã được dỡ bỏ hoàn toàn, Việt Nam vẫn sẽ làm những gì họ đã làm – tìm kiếm các quan hệ quốc phòng và an ninh và củng cố quan hệ có sẵn.
So với đầu thập niên 1990, Việt Nam hiện có nhiều lựa chọn hơn. Trong tương lai gần, Việt Nam sẽ vẫn xem Nga là nhà cung cấp vũ khí chính, đáng tin hơn Mỹ.
Việt Nam sẽ tiếp tục nhờ Moscow để có hàng hóa nhạy cảm và dựa vào kỹ thuật của Nga để phát triển khả năng công nghiệp quốc phòng. Trong chuyến thăm Moscow, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi Nga là “đối tác chiến lược” về quốc phòng. Dĩ nhiên quan hệ hai nước còn sâu sắc hơn thế. Ngoài ra, lại còn quan hệ quốc phòng Việt Nam – Israel và với cả Ấn Độ.
Việc gỡ bỏ cấm vận vũ khí sẽ chỉ có thành quả thực sự sau khi các khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ về nhân quyền được giải quyết. Triển vọng đó không lớn như người ta tưởng. Cả Hà Nội và Washington cần thực tế khi hai nước tìm đường đi lên trong quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh theo sau diễn biến mới nhất này.
Koh Swee Lean Collin là nhà nghiên cứu ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.
BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét