Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Dạ tiệc phồn hoa

Tour hành trình hồi ức vậy là tới chặng cuối, cũng vừa may tờ báo tới được tay quý độc giả ắt cũng vào dịp lễ lạc ăn chơi.

Dân Sài Gòn rất chịu chơi (cái này khác với ham chơi) ở chỗ, có dịp là phải cứ hân hoan lu bù xôm tụ, dịp chi cũng vậy. Bởi vậy nên tới đây, khép lại “gói tour” hồi ức, tôi mạo muội dẫn quý vị cùng tôi hưởng một đêm Sài Gòn by night chánh hiệu, với dư vị thần thánh của đời sống phồn hoa mà mỗi cuối tuần là một đại tiệc thịnh soạn linh đình.
Bởi có những điều, đã vĩnh viễn làm nên linh hồn đô thị, bất chấp những biến cuộc điêu linh. Trên cả mọi băng-rôn, áp-phích, vượt trên cả mọi ký ức khét ngộp mùi bom, Sài Gòn vẫn xoay sở cho riêng mình nét phong lưu của một thị thành hoa lệ.

Và chúng ta cũng sẽ cùng xuống phố, nâng ly cho điều hay ho bất diệt đó.

Cũng bởi quỹ trang báo giấy hạn hẹp, lại thêm phần áp lực cấp kỳ để phục vụ quý độc giả cho kịp mùa lễ lạc 30/4, những gì liệt kê dưới đây chỉ mới là vài thí dụ điển hình, dựa trên kinh nghiệm “ăn chơi” sương sương của cá nhân tác giả. Nhưng hành trình du lịch bản địa này xin chưa dừng lại ở đây, xin được tiếp nối bằng những kỷ niệm chắp nối, thêm vào của mỗi độc giả là thị dân Sài Gòn, nên mới có việc tôi gọi chương này bằng một cái tên rườm rà là “hành trình đêm 30 hoặc đêm-chưa-phải-là-cuối-cùng” cho cuộc vui nối dài không dứt.

Sài Gòn, tôi hay nói, như đàn bà. Giá trị hơn kém của phẩm chất đàn bà, đôi khi chính là ký ức. Như vậy, Sài Gòn quả là một bậc đàn bà sáng giá, bởi Nàng giàu có những ký ức hào hoa, hơn bất kỳ ai.

Di tích một làng nghề

Chỉ còn có các hướng dẫn viên du lịch và một vài cái biển bằng đá kể lại một số dấu ấn lịch sử hào hùng, và về số lượng bao nhiêu tên giặc ngoại xâm bị giết tại đầy, ngày…tháng…năm…

Khách sạn Rex, khách sạn Caravelle, nhà hàng Mỹ Cảnh, góc mũi tàu Park Hyatt, công viên gần tòa sứ quán Mỹ, dinh Độc Lập,… Có lần tôi hiếu kỳ đăng ký theo một tour nội thành của một đoàn du khách. Chú em hướng dẫn viên khá lưu loát sinh ngữ đang kể những câu chuyện hào hùng nọ mỗi khi chiếc shuttle bus đi ngang một địa danh như vậy. Tôi ngó mông lung ra ngoài cửa xe, lơ đễnh lắng nghe những con số tử trận, những mã số đơn vị anh hùng, những ngày tháng năm,… Tôi có thể nhìn thấy những xác người xé toạc, những áo dài và những áo treilli loang lổ như nhau…

Nếu du khách tới Hội An coi người ta nặn tò he, lên Đà lạt coi hái dâu, thì có thể nói vui là Sài Gòn đã bị biến thành một làng nghề truyền thống như vậy: nghề đánh bom giết giặc.

Rồi Cũng như nhiều làng nghề khác trên dải đất hình chữ S, khi những nghệ nhân đã già, hoặc đã chuyển đổi ngành nghề, và nhu cầu thị trường rơi vô tay người Tàu, hay tại cháu con không nối tiếp giữ lửa nghề truyền thống mà nhiều trong số những “nghề truyền thống” nay chỉ còn tàng tích, lâu lâu chưng cho du khách mua vé vô coi chơi. Nếu ở làng gốm Thanh Hà người ta sẽ được vọc tay vô tự nặn một cái gì đó meo méo, ở Huế khoác áo tuồng giả vua, thì du khách Sài Gòn cũng có thể đi Củ Chi thử chơi trò ăn khoai mì bắn súng. Có trường bắn hẳn hoi, có bán khăn rằn làm kỷ niệm, rất giống, rất vui.

Cũng thi thoảng, chú em du lịch lại xen vào một vài con số nhắc nhớ xuất thân thời Pháp thuộc của các tòa nhà, nơi chốn, phần lớn được kể lại là “Xưa từng là nơi chốn hưởng thụ xa hoa của đế quốc, thực dân, nay thuộc về nhân dân, quý vị có thê mua vé vào tham quan thưởng thức”.

Sài Gòn ăn tiệm: chịu chơi chớ không chơi chịu

Bởi vậy nên thường chỉ có các đoàn khách theo tour ăn cánh giữa các công ty du lịch với nhau, đa phần là người cao niên, ngại bon chen ngơ ngác nên đành cậy nhờ phó thác cho các chuyến tham quan hồi ức chiến tranh như vậy.

Thôi bỏ qua, hãy theo tôi, đất Sài Gòn không chỉ có máu, mà còn có lệ và hoa. Có thể dám chắc chẳng có quá nổi 1% thị dân Sài Gòn ôm ấp hồi ức chiến tranh, dù người thân hay chính bản thân họ từng tham chiến.
Đất Sài Gòn không chỉ có máu, mà còn có lệ và hoa. Có thể dám chắc chẳng có quá 1% thị dân Sài Gòn ôm ấp hồi ức chiến tranh, dù người thân hay chính bản thân họ từng tham chiến.
Cứ hỏi họ đi, để thấy tất cả, sau 41 năm, kí ức cuộc chiến chỉ còn lờ mờ những đốm hỏa châu trên bầu trời thành phố, lệnh thiết quân luật luôn nhắc nhở đến kỉ niệm những vụ cố tình đi chơi trễ để tấp vô…khách sạn qua đêm né giới nghiêm, và một buổi sáng đầy biến động đã đi qua như một cú hắt xì bắn tung nội tạng, rồi thôi. Thị dân Sài Gòn kể tới đó rồi cười, như thể một cơ chế tự vệ đã hiền hòa thiết lập. 

Tôi sẽ không bày biện cho bạn coi những vết thương hay những chứng tích, những chuồng cọp và đứa trẻ ngủ mãi trong keo. Nếu có thẩm quyền, tôi sẽ cho dọn đi nơi khác những xác máy bay ghê rợn, những tượng người mô phỏng hình thức tra tấn sau nửa thế kỷ vẫn khản cổ kêu gào, và những nhũ nhi vừa tượng hình nọ, tôi sẽ chọn cho chúng những chiếc nôi trong lòng đất mẹ, để cuối cùng thân thể bé bỏng nọ cũng được khoanh tròn, tinh sạch và bằng an.

Vậy bạn hỏi tôi: chớ người ta làm gì ở cái xứ Sài Gòn này, nếu không nặn tò he, dệt vải hoặc đánh bom?
Ăn chơi, bạn hiền! Ờ, Sài Gòn phải là xứ ăn chơi. Là ăn tiệm, đi chơi, nhảy đầm, là ăn…chơi cho vui vậy đó.
Vậy ở xứ đó, người ta có làm lụng gì không? Có, người ta mở tiệm bán quán và mọi thứ dịch vụ ăn chơi. 

Vậy mới là Sài Gòn. Người ta xênh xang ngoắc xích lô đi bát phố, rủng rỉnh cuối tuần chở bầu đoàn thê tử trên chiếc Honda dame đi ăn tiệm, coi hát, chở bồ đi nhảy đầm uống rượu Tây, không ai quan tâm ban ngày anh làm công chức sở mỏ ở đâu, niên lợi bao nhiêu. Còn chơi được, tức còn đang kiếm tiền được. Ở Sài Gòn, đức “chịu khó” không bằng đức “chịu chơi”. Chịu chơi là người ắt phải rủng rỉnh xênh xang để không “chơi chịu”. Chịu chơi còn phải là người biết thâu vô, mà không ki bo cắc củm, mà biết chi xài tận hưởng và đóng góp vô cái guồng quay kinh tế dịch vụ ăn chơi bằng chính sức chơi của mình. Chịu chơi không có nghĩa là ham chơi. Đi ăn tiệm, nhảy đầm, coi hát cũng là một cách “kiến thiết đô thị” hay ho không kém gì mua vé số.

Bây giờ thì đóng bộ vô, ta có thể hòa vô cái hệ huyết mạch đang rần rần thu chi tuôn chảy đó của thành phố về đêm, theo chân thị dân xuống phố cho một đại lễ linh đình đúng điệu truyền thống Sài Gòn: đi ăn tiệm!

Ăn tiệm, ở Sài Gòn, nó khái quát thênh thang từ cao lâu Chợ Lớn, thực đơn Âu-Á lộng giấy kiếng, có rượu Pháp và quầy bar kiểu Hoa Kỳ, cho tới mấy xe mì vẽ kiếng nhưng bán trong nhà. Cứ hễ cát cứ cố định, có hàng quán hẳn hòi, đã coi là tiệm. Ngay cả giới bình dân, giữa tuần có thể cao hứng chạy ra xe mì đầu ngõ làm một tô đổi món, hay xề vô bất cứ gánh dạo hàng rong nào cho qua bữa nửa ngày, gọi là ra quán, chớ không phải là tiệm. Nhưng cái sự ăn tiệm long trọng nọ phải được giành cho những dịp cuối tuần hay lễ lạc. Mỗi gia đình thường có những tiệm quen nhất định, bởi đầu bếp hợp khẩu vị bà phu nhân cùng bọn trẻ, bởi quen chân gần nhà, bởi ông chủ quán vui tánh quảng giao, hoặc bởi những điều vi tế trên cả bản chất miếng ăn: kỷ niệm.

Tới Sài Gòn, chớ vội đắm đuối đi tìm miếng đặc sản, bởi bạn có thể bước vào một tiệm ăn nổi tiếng hơn nửa thế kỷ mà ăn hoài vẫn không thấy cái sự khác biệt lừng lẫy nọ nó nằm ở đâu. Những món súp đặc kẹo với sợi trứng kéo chỉ như vân mã não, miếng bít-tết lòng đào vẫn ăn với xì dầu kì cục, đến cả khoanh beurre ăn kèm vẫn xắn kiểu con sò vạn lần như một. Thứ “đặc sản” tầm thường tiểu tiết đó, những mẩu beurre hình con sò và những cái lon guigoz cắm đũa xe mì, nếu một ngày lặng lẽ biến mất khỏi đời thường nhật, thực khách sẽ chợt thấy thi vị linh đình của bữa ăn dường như thiếu mất một món gia vị gia truyền nào đó.

Bởi vậy, ở Sài Gòn, cái sự ăn nó không được đặc tả như cái sự ngon kiểu miếng thịt củ riềng. Hoặc giả, có một văn hào viết về cái sự ăn tiệm ở Sài Gòn, phần nhiều câu chuyện sẽ xoay quanh nếp chơi, thói sống tề tựu quanh những chiếc bàn, hơn là chính những gì đặt lên đó.

Ông già người Hoa nơi góc quán và huyền thoại fromage đút lò

Có một lần, trong một cuộc chơi thi nấu ăn trên truyền hình, vũ công trẻ Quang Đăng chọn trổ tài món nghêu fromage đút lò, với lời giải thích rằng nó mang kỷ niệm những bữa cơm tiệm với gia đình. Gần như cùng lúc, tôi cũng bật thốt lên trong đầu một cái tên.

Vậy rồi giữa một trường quay hàng trăm con người như vậy, chúng tôi lập tức “bắt bồ” như thể bạn bè thuở nhỏ, như thể người ta đến từ những gia đình cùng tình cờ chọn chung một tiệm ăn hoài niệm thì ắt sẽ có nhiều điểm chung hơn với nhau.

Ai chưa từng dùng bữa ở đây mà nghe chúng tôi nói chuyện, ắt dễ tưởng tượng ra một công thức bí truyền nào đó. Tình thực, tôi đoan chắc ngoài vị mằn mặn của fromage, xen kẽ với tiêu giã thi thoảng lộm nhộm lên trung hòa vị béo của fromage, thì gia vị rất đáng kể khác của món này chính là những cái khay inox đúng y như từ trước tới nay, có những lỗ hõm trên bề mặt đựng vừa xinh một chiếc vỏ nghêu. Người lớn đạo mạo dùng fourchette nạy phần nhân farci ra dùng, còn tụi con nít tụi tôi chỉ chờ bẻ vỏ bánh mì dòn rụm, nhúng vô lớp váng bơ vàng óng ở đáy khay rồi chấm với muối tiêu chanh mà xực hết ổ này tới ổ khác.

Tôi vẫn quay lại đó, mỗi khi có dịp, và lại nghe lòng rộn lên như đứa con nít háu ăn, cùng với thực khách các bàn khác nôn nóng nhìn lên mỗi khi người phục vụ tiến vô phòng ăn với những chiếc khay inox trên tay cùng rổ bánh mì. Vẫn là tay quản lý tháo vát nói giọng Hoa trọ trẹ, sẽ lại đưa tay dẹp mớ chén dĩa trên bàn để long trọng đặt chiếc khay thần thánh kia đúng vào chính giữa, trước vẻ trầm trồ của thực khách ngồi quanh.
Rồi trong khi chúng ta cùng thưởng thức cái trò con nít quẹt đít khay, tôi sẽ chỉ bạn coi một vị khách đặc biệt đêm nào cũng ngồi đúng một chiếc bàn duy nhất. Đối với khách hàng thân thiết hàng chục năm như tụi tôi thì không còn lạ gì, như thể đó là một danh nhân địa phương vậy – đó chính là vị trưởng thượng, cũng là chủ nhân và linh hồn của tiệm ăn góc phố này. Đêm nào cũng vậy, một ông già quắc thước chỉn chu trong bộ Âu phục sẽ tiến vô phòng ăn từ phía sau. Ông luôn ngồi ở chiếc bàn nhỏ nhất gần quầy cashier và dùng bữa ở đó, giữa những thực khách mới cũ lạ quen, kín đáo quan sát mọi việc diễn ra xung quanh trong khi dùng bữa với thái độ của một nhà phê bình ẩm thực. Có đôi khi tôi tự hỏi ông có nhận ra tôi không, giữa có lẽ tới hàng trăm vạn đứa con nít Sài Gòn từng xúng xính theo ba má đến đây, mút mát thỏa thuê lớp váng fromage với những mẩu ruột bánh mì của chúng? Tôi không bao giờ biết chắc được điều đó, nhưng chắc chắn một điều, món nghêu huyền thoại kia sẽ lạt vị đi rất nhiều nếu một ngày nào đó Thiên Nam vắng bóng vị thực khách đặc biệt nơi chiếc bàn nhỏ sát quầy cashier.

Có một lần, tôi hầu như có thể cả quyết đã thấy đôi mắt ông nhìn về phía tôi, bên trên cặp kiếng gọng vàng, bàn tay người già đưa ra phía trước, vỗ vỗ nhẹ trong không khí như thể đang xoa đầu một con nhóc vô hình ba mươi năm về trước.

Ký ức quốc doanh và những hố đen đô thị

Có thể chúng ta sẽ tản bộ về hướng trung tâm bằng cách đi xuyên qua Hàm Nghi, biết đâu tôi sẽ chỉ cho bạn coi một thứ. Thứ đó vô hình với người mới tới, và chỉ hữu hình nếu một lần, bạn được một cư dân Sài Gòn chánh hiệu chỉ cho coi: Những hố đen đô thị.

Ở Sài Gòn, gắn liền với cái tên Thiên Nam còn là hàng loạt những tiệm ăn Âu-Á gắn liền với ký ức về nền văn hóa hưởng thụ của con em mấy gia đình Sài Gòn cũ, giờ chắc ai nấy cũng vào tầm trung niên. Đối với tôi, ngoài Thiên Nam, đó còn là tiệm Chí Tài gần chợ Cũ, với món mì ống xào thập cẩm trứ danh, kết hợp ngon lành hình thức ẩm thực Ý Đại Lợi với khẩu vị người Hoa Chợ-lớn. Linh đình hơn, và cũng đậm chất Hoa hơn thì rồng rắn bầu đoàn dông vô tận Soái Kình Lâm cho đúng chất cơm khách cao lâu.

Phần lớn những tiệm này đã điêu tàn dần qua cơn lũ quốc hữu hóa cho đến khi biến mất hoàn toàn, không kèn không trống, ngay giữa lòng đô thị.

Thuở ấy tôi còn nhỏ, chỉ lờ mờ đoán biết và ghi nhận cơn sốt mang tên quốc hữu hóa qua mấy vở kịch tuyên truyền trên chương trình Trong Nhà Ngoài Phố mỗi tối thứ Năm, có kép hài Duy Phương đóng. Cụm từ “vào quốc doanh” đã kế vị khái niệm “kinh tế mới”, chậm rãi tiếp quản những thành trì ngắc ngoải cuối cùng của nền văn minh hoa lệ. Người ta đồn tiệm Chí Tài sau cùng cũng đã “thất thủ”. Thời bao cấp kiêng khem, người ta không còn điều kiện đi ăn tiệm nhiều như trước nữa, những thị dân “chịu chơi” kiểu cũ cuối cùng cũng rục rịch thầm lặng gom vàng ra đi. Tiệm Chí Tài cầm cự thêm một thời gian không lâu.

Với không ít đứa trẻ lớn lên vào thời kỳ đó, sự biến mất của những tiệm ăn, nơi chốn như vậy vĩnh viễn để lại phía sau chúng những hố đen trống hoác đâu đó vẫn ám ảnh mỗi khi đi qua góc đường cũ. Tôi gọi đó là những “hố đen phố thị”.
Như một niềm kiêu hãnh của thương nhân người Hoa ngành dịch vụ nhà hàng, những món ăn xa hoa trên thực đơn tiệm Chí Tài vẫn tiếp tục được duy trì theo kiểu cầm cự, cho đến khi người ta nhận thấy những chiếc khăn bàn không còn sạch bong, trắng tinh và được ủi phẳng phiu như trước nữa. Một sự lụi tàn chậm chạp cùng với tốc độ đóng bụi của những chai rượu Tây bày trên kệ giờ chỉ còn đóng vai trò trang trí, ngay cả những khoanh beurre miễn phí ăn kèm trở nên còi cọc hao gầy…cho đến khi cùng với ngôi tiệm, biến mất hoàn toàn như chưa từng tồn tại.

Với không ít đứa trẻ lớn lên vào thời kỳ đó, sự biến mất của những tiệm ăn, nơi chốn như vậy vĩnh viễn để lại phía sau chúng những hố đen trống hoác đâu đó vẫn ám ảnh mỗi khi đi qua góc đường cũ. Tôi gọi đó là những “hố đen phố thị”. Chúng tồn tại thù lù, hiển nhiên, xen giữa hai số nhà có thật, án ngữ trước cửa một showroom đời mới, nó đứng sừng sững trên bãi cỏ trước tòa thương xá hình cặp nón vua Tàu… Chỉ những người sống lâu năm ở đây mới nhìn thấy chúng. Họ đi ngang qua đó, và sẽ kể cho bạn nghe những gì đã từng ở đó, và biến mất một ngày vào cái hố đen thăm thẳm nọ. Những hố đen đó, chúng sâu hoắm, cất sâu trong cái đáy thăm thẳm của chúng những huyền thoại đã ra tro. Có đôi khi, người ta chợt ước có thể bước hẳn vô trong, để tìm ra, ở phía bên kia, một vùng sáng phồn hoa quá vãng của những buổi chiều ăn tiệm linh đình, những chảo gang đường bệ trên hỏa lò, và chai xá-xị Con Cọp khui dở hàng chục năm về trước vẫn sủi ga háo hức xộc thẳng vị cay nồng kích thích vào khứu giác trẻ con.

Tôi biết đến hàng chục hố đen như vậy, và nếu tôi kể cho bạn nghe thiệt tỉ mỉ và cặn kẽ, lần sau đi ngang đây, bạn cũng sẽ nhìn thấy chúng, chúng ta sẽ cùng chia sẻ những cái hố đen. Tới lúc đó, bạn đã có chút tài sản kí ức để gọi Sài Gòn là một chốn của mình.

Bởi là thị dân Sài Gòn, bằng chứng không nằm ở đất đai nhà cửa giấy má, mà ở một thứ tài sản khác: những cái hố đen.

Bởi không sở hữu những thất thoát giữa lòng phố thì chưa phải dân Sài Gòn, đủ lâu và đủ đớn đau ngơ ngác, những con gà trống Gaulois bằng đồng, những cây liễu và những cây xà cừ.

Là người Sài Gòn, thả bước xuôi Đồng Khởi, ai chẳng từng hồi niệm một Tự Do?

Những đền đài thủy tạ và những lon sữa bò trên sông

Nhân nhắc tới những cái hố đen, không xa mồ ma tiệm Chí Tài cũ, hãy cùng tôi kiếm đường băng qua bến Bạch Đằng. Hồi xưa, nơi này xứng đáng được coi là tụ điểm sinh hoạt hóng gió cộng đồng của dân Sài Gòn, nhất là những chiều cuối tuần. Người ta tụ tập, có khi cả gia đình rồng rắn kéo miết cuộc đi chơi từ tiệm kem Pole Nord ở thương xá Tax, xuôi mấy kiosk đại lộ là tới bờ sông. Người ta tụ tập ở đây vừa hóng gió, vừa là để ngắm nghía những thực khách sang trọng ra vô nhà hàng Mỹ Cảnh. Đó rất có thể đã là nhà hàng thủy tạ đầu tiên trong lịch sử “làng nghề ăn chơi” Sài Gòn. Cùng với những tiệm sang dập dìu tài tử giai nhân như Thanh Thế, Maxim’s thì Mỹ Cảnh cũng là một chốn dùng bữa cuối tuần thượng trào hồi đó.

Một tối thứ Bảy cuối tuần, đầu hè năm 1965, rất nhiều thị dân lịch lãm đã tới đây hưởng gió. Họ cùng với Mỹ Cảnh đã vĩnh viễn trở thành một hố đen sâu hoắm.

Sau này, công ty du lịch nhà nước cũng mở ra một lúc mấy chiếc tàu nhà hàng du lịch trên sông, trong đó có một chiếc cũng mang tên Mỹ Cảnh.

Nhưng chớ có dại. Chiếc hố đen thì vẫn ở đó, và chiếc tàu mạo danh nọ thì đang chạy đùng đùng trên sông như món đồ chơi Trung Quốc làm bằng lon sữa bò lòe loẹt có gắn pin và ò e phát nhạc. Ở đó, mỗi tầng phục vụ một trường phái nhạc xập xình khác nhau, thức ăn lôm côm, khung cảnh nhếch nhác và người ta đến đây đi thành từng đoàn lớn để nhậu và la hét. Nếu không so sánh về kích thước của những chiếc tàu kiểu này thì cường độ âm thanh khiến cho chúng trông rất giống những chiếc Titanic nhỏ xíu đang chứa đầy những hành khách chạy nhảy la thét thất thanh và khoang bếp phụt ra từng bụm khói kinh hoàng đầy mùi tỏi cháy.
Đôi khi khó lòng so sánh sự hoảng loạn và tiếng ồn thảm thiết giữa hai nhà hàng nổi mang cùng một tên.

Cũng bởi những chiếc tàu mà tôi gọi là “cơn ác mộng trên sông” đó, mà tới giờ, dân Sài Gòn tỏ ra kỳ thị ý tưởng ăn tiệm trên một chiếc tàu nào đó nữa. Nó giống như một trò lừa phỉnh chỉ giành cho dân du lịch ngố, bởi đương nhiên, Sài Gòn không phải Venice để người ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ thị hai bên đường. Nhưng sông Sài Gòn lại có thứ duyên dáng lôm côm rất riêng của nó, cho người ta có cảm giác đang trôi giữa đường biên của hai mảng lập thể thị thành, giữa Thủ Thiêm hẵng còn chìm trong bóng tối cuối cùng trước khi cuộc bành trướng khu dân cư cao cấp kịp “khai sáng” nơi đây, và một bên, khu trung tâm chộn rộn hoa đèn mà một ngày không xa sắp trở thành khu phố cổ không còn tòa nhà nào đủ cổ.

Nếu khéo chọn, người ta vẫn có thể thưởng thức thú nhàn du trên sông, nhấm nháp một bữa tối ngon miệng trên mấy chiếc tàu bằng gỗ, đóng bởi nghệ nhân tận miền Trung, đặt những cái tên dễ nghe: Đông Dương, Hòn Ngọc Viễn Đông, Bonsai Cruise, v.v.. Sài Gòn mà, kí ức và những hố đen có công việc của nó, nhưng rồi người ta vẫn sống tiếp, và làm thêm những kí ức mới còn thơm mùi verni.

Dùng bữa với ngài Đại tá

Chọn lựa những chiếc tàu gỗ cũng là một cách tôi tìm về hồi ức những chiều cuối tuần cũ kỹ bằng những nơi chốn mới.

Sài Gòn không chỉ có các tàn tích, nó vẫn sản sinh tiếp nối những ký ức mới theo một cách rất “đặc chủng Sài Gòn” giành cho “dân chơi” kiểu Sài Gòn đúng điệu, như những chiếc tàu gỗ nọ, chúng làm nên không chỉ để dành cho khách du lịch, cho sự hiếu kỳ của người ngoại quốc, mà còn thỏa đáp cho công dân bản xứ cái thú rong ruổi trên sông đã từng là kỷ niệm.

Không chỉ có những nếp quán cũ mới đủ sức khơi gợi ký ức, mà ngay cả những nhà hàng mới mở về sau vẫn có những nơi được dựng nên bởi chính “dân chơi chính hiệu con nai vàng” với đầy đủ cốt cách, tinh thần và thi vị của những xa hoa thân thuộc. Trên con đường Trương Quyền – một cung tiểu lộ tồn tại như vô hình ngay giữa thành phố, chỉ mới gần đây xuất hiện một tiệm ăn nho nhỏ, ấm cúng của vợ chồng tài tử Chánh Tín. Theo tôi, tôi sẽ dẫn bạn tới đây không chỉ để thưởng thức ngón nghề gia chánh thuộc hàng hảo thủ của phu nhân gia chủ, mà như mọi tiệm ăn của Sài Gòn đều có một linh hồn, ở đây, giữa khung cảnh sặc mùi Tây học, linh hồn của CT chính là vị tài tử cine kiêu bạc một thời.

Tôi hay chọn một góc bàn khiêm tốn gần cửa sổ trong nhà hàng nhỏ xíu nhưng ấm cúng đó. Mọi thứ được bài trí thu vén vừa phải, nhưng vẫn là những chiếc bàn phủ khăn ăn tươm tất, quầy bar làm quầy cashier và bản Et Tu Danse Avec Lui cũ kỹ chỉ vừa đủ nhẩn nha văng vẳng. Kì lạ, tất thảy mang một gu hưởng thụ đặc thù của cả Sài Gòn và Đà Lạt mà tôi không lí giải được. Bạn sẽ thấy ở một góc gần quầy cashier, người đàn bà trung niên có đôi mắt thật buồn lẩm nhẩm vài câu tình ca Francais, đốt cho mình những điếu thuốc chẳng mấy khi hút hết, mà chỉ có dân Sài Gòn chánh hiệu mới nhận ra cựu nữ sinh Văn Khoa – ca sĩ Bích Trâm, nội tướng của tài tử hào hoa Chánh Tín. Bên cạnh bà, vị phu quân hào nhoáng, tay chơi gallant khét tiếng một thời vẫn tiếp đãi thù tạc với bằng hữu, đôi khi cao hứng, ông ca một bản tình ca cũ, người ta lại thấy Bích Trâm xao xuyến nhập cuộc. Họ lại hòa ca, tình tứ, và biết đâu nếu ta may mắn, đó sẽ lại là bản tình ca hoang dã L’Adventura mà tôi chỉ biết đến qua những tờ bướm nhạc quay roneo bán trên vỉa hè Lê Lợi những năm 80.

Điều thứ hai làm nên linh hồn của ngôi nhà số 7 Trương Quyền đó chính là những thực khách ở đó. Những tay chơi ngày cũ, dân hippy lưu vong, những anh chàng beau trai Luật khoa, của Petrus năm xưa, họ vẫn ngồi cãi cọ nhau về một buổi dã ngoại hướng đạo sinh nào đó cách thời điểm của chúng ta tới nửa thế kỷ.
Tôi sẽ không kể bạn nghe nhiều về thực đơn và những món ăn ở đây. Qua sự kiểm duyệt của tay hào hoa sành sõi bậc nhất Sài Gòn đó, qua bàn tay gia chánh thành thần của bà Bích Trâm, người ta có thể chơi trò nhắm mắt và chỉ đại một món fusion Âu-Việt nào đó trên thực đơn, và đoan chắc sẽ nghiện tới mức sẽ phải quay lại điệp điệp hồi hồi. Nhưng, như có lần tài tử Chánh Tín nói với tôi: “Dân Sài Gòn, ăn cái gì không thành vấn đề, mà ăn như thế nào, đó mới là điều quan trọng”

Có những hôm quán vắng, ông chủ quán sẽ tới ngồi với tôi, chia sẻ một thú vui rất tân thời: hút vape. Thú vui mới này đã khiến ông bỏ hẳn thuốc lá và hát trở lại. Chúng tôi ngồi đó, một già một trẻ, như những chiến hữu, nhả những bụm khói thơm ngập ngụa tới mức chẳng nhìn thấy mặt nhau. Nhưng điều đó không quan trọng lắm, bởi tôi vẫn nhìn thấy, trong tâm thức, giữa nhà hàng kì lạ nhất thành phố này, một đại tá Luân kiêu bạc, người hùng phản gián trong chiếc manteaux lịch duyệt và hàng ria kiểu Clark Gable và nụ cười nửa miệng đã từng làm nghiêng ngả cả Sài Gòn.

Ở đây, thời gian dừng lại, như nửa thế kỷ chưa từng đi qua.

Chúng ta sẽ khoan khoái đứng lên, cám ơn nữ gia chủ mà tôi vẫn gọi vui là “bà đại tá phu nhân” về bữa tối tuyệt hảo, và cứ vậy mà bách bộ qua phòng trà Khắc Triệu – Cẩm Vân, ở đây tôi sẽ kể bạn nghe thời Khắc Triệu còn là tay trống trong ban nhạc ở câu lạc bộ thủy thủ những năm 80, hoặc ta có thể ngoắc xe tới vũ trường Maxim’s, nơi tài tử Trần Quang từng quản lý, nay ông vẫn thi thoảng tới lui thù tạc với bạn bè. Biết đâu may mắn làm vài đường lả lướt với Ảnh Đế một thời ở đó.

Tiếng phong cầm trong dinh chú Hỏa

Đêm Sài Gòn không chỉ chào mời hành trình tour ăn chơi hoài niệm bằng những tiệm cũ, tiệm mới, mà còn cả bởi những mới cũ đan xen, như người ta bây giờ hay nói, những “thay da đổi thịt” mà thi vị “ăn tiệm kiểu Sài Gòn” vẫn không hề suy chuyển. Nếu thấy thú vị, ta sẽ chọn Le Chateau cho một chầu thịnh soạn phong lưu như vậy.

Tiệm này trước đây khá thú vị, chiếm một căn mặt tiền nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo, bên ngoài trang trí như một tòa lâu đài trong cổ tích và hầu như rất ít khách bản xứ, ngoại trừ một số ít là người vẫn quen nếp tiệc tùng cơm Tây theo lối cũ. Nhưng vài năm trở lại, Le Chateau dời sang dinh Chú Hỏa. Khu quần thể tám căn biệt thự tráng lệ làm nơi nghỉ mát ngay trong lòng thành thị cho gia tộc họ Hứa, lừng danh tới nỗi có thời con lộ lớn được mang tên Hui Bon Hoa cho tới 1955 mới đổi tên là Lý Thái Tổ và là một trong những con lộ hiếm hoi giữ tên gọi đó tới tận bây giờ. Có thời, khu biệt dinh này từng được chọn là nơi cư trú cho các phái đoàn đông Âu tham dự hiệp định Paris, sau 1975 được tiếp quản thành nhà khách chính phủ, và bây giờ cho mướn kinh doanh nhà hàng. Phần lớn họ tận dụng lợi thế sân vườn nên kinh doanh kiểu đám cưới đám họp, ca hát nhậu nhẹt lôm côm, và Le Chateau kiêu kỳ một thuở cũng bị cuốn theo cơn sốt đó. Nhưng chớ nản chí, ta sẽ bỏ qua khu sân vườn không có gì đặc biệt để tiến vô trong, nơi Le Chateau còn giành lại hơi hướm tiệc tùng cổ lỗ và trang nhã kiểu Sài Gòn xưa. Những món ăn Pháp, Hoa, Việt vẫn giữ phong độ y như ngày nào, nhưng niềm hãnh diện của bếp Le Chateau vẫn luôn là thực đơn “cơm Tây” với fromage và pate gan đúng điệu, nhắm cùng wine list giá cả trung lưu nhưng được tuyển chọn một cách sành sõi.

Vào đúng một giờ nhất định, người ta sẽ thấy một ông già nhỏ thó xuất hiện. Cũng như ông chủ tiệm Thiên Nam kể ở trên, ai là thực khách quen cũng có thể nhận ra ông – vị nhạc công trung thành của Le Chateau. Hơn hai chục năm về trước, ông từng là tay cầm thủ điệu nghệ, với cả dương cầm và phong cầm. Nhưng đặc biệt người ta vẫn thích nghe ông sử dụng phong cầm – thứ nhạc khí rất được ưa chuộng những năm 30 đầu 40 của giới thanh niên theo trào lưu Âu hóa. Người ta không thể quên sự linh hoạt đáng nể của những ngón dạo đàn, cái dáng vẻ nhún nhảy hóm hỉnh và mái tóc lúc nào cũng chải brillantine bóng bẩy của vị nhạc công. Trông ông như một chú chim cắt vui nhộn và những tiếng vỗ tay dồn dập theo nhịp tăng nhanh của bản Those were the days đã từng một thời làm tung nảy những chén dĩa bằng sứ và những ly champagne cứ vậy đổ tràn như suối tán thưởng ngón phong cầm tuyệt kỹ.

Đã hàng chục năm trôi qua, kể từ lần cuối tôi – đứa con nít còn chập chững những bản Method rose vỡ lòng, được mê mẩn ngưỡng mộ trước ngón đàn nhanh như chim cắt của ông, cho tới khi gặp lại ở tòa dinh chú Hỏa.

Ông nhỏ thó đi rất nhiều. Người ta nói, người già, bằng một cách nào đó, họ co rút lại và trở nên lom khom. Như hàng chục năm về trước, ông vẫn lịch sự nghiêng đầu chào thực khách, nghiêm trọng như một nhạc sĩ thính phòng trước một salon đang chăm chú lắng nghe, rồi khó nhọc quàng lên vai cỗ phong cầm tráng men đỏ có lẽ tuổi đời cũng gần bằng tòa biệt thự. Rồi ông bắt đầu chơi, những bản nhạc Pháp của kỷ nguyên sentimental sến rện. Bạn sẽ ngạc nhiên đó, bởi rất có thể ông sẽ tấu lên những bản đờn tệ nhất bạn từng dược nghe, nếu so sánh với các ban nhạc Phi Luật Tân trẻ trung trên khắp thế giới, hay những nhạc công đàn dạo ở bất cứ ga ngầm hay vỉa hè nào ở Mã Nhật Tân. Tiếng accordeon rôm rả vẫn vung vãi những hợp âm chuệch choạc chênh phô ra khắp phòng, người ta có thể thấy một nữ chiến thần Dalida nhăn nheo gấu ó lồm cồm bò ra từ thùng tăng âm, hay Tom Jones lè nhè như bợm nhậu vác mã tấu đứng dưới đường rình bắt ghen nàng Delilah phản trắc…Người ta còn có thể thấy lại cả một trời hào hoa của Sài Gòn, của thế hệ thanh niên đọc Mai Thảo và Francois Sagan, coi phim cao bồi Mỹ, nhảy đầm điệu nghệ và nói tiếng Pháp như ăn gỏi. 

Chỉ là những phóng chiếu hồi ức đó lu mờ mất nét, chằng chéo những vệt cắt thời gian, chênh phô chập choạng trên ngón đàn run rẩy của người già. Đây đó, những hợp âm rơi ra, những phím đàn chệch lạc như những hố đen phố thị người ta vẫn ào ạt lướt qua hàng ngày trên đường dưới phố. Nhưng tôi cũng dám cam đoan có đi khắp thế giới cũng không tìm nghe được một đoạn phong cầm khập khiễng và tuyệt vời tới vậy, như cái màu ố vàng ám ảnh trên những tấm hình cũ mà người ta hay bóng bẩy ví von là “màu thời gian”. Ở đây, giữa ánh đèn vàng già cỗi của tòa dinh thự cũ một thời vương giả, chính những tì vết, những phím đàn sún răng và tiếng thở khò khè khó nhọc của người nhạc công già đã cho thời gian một âm thanh đặc thù của nó, tôi gọi đó là “tiếng thời gian”.

Tôi thường chọn bỏ qua gian sảnh chính để tới chiếc bàn quen trong một góc trổ ra của tòa biệt thự, khuất sau những tấm rideaux bằng nhung đỏ. Có lẽ trước đây là góc thư phòng, bây giờ trở thành vị trí tuyệt hảo cho một bữa tối kiểu tête-à-tête với đèn cầy, rượu vang và charcuterie platter thượng hạng. Lần đầu, sau hơn hai chục năm quay trở lại, tôi nhờ người phục vụ gửi vài tờ bạc pourboire và một ly rượu nhẹ cho vị nhạc công. Cuối buổi, ông ôm cỗ đàn tới tận bàn, giọng khò khè rất khó nghe, nhưng đúng điệu xưng hô nghiêm cẩn của văn minh dịch vụ Sài Gòn đã lâu rồi tôi không còn được nghe lại “Mới đây quý vị thưởng tôi hậu quá, không biết cảm tạ ra sao, xin chơi hầu vài bản”.

Rồi một cách ọp ẹp, chếnh choáng nam chiêu nhất, bản Those were the days trứ danh lại cất lên, ông lão nhỏ thó dịu dàng lại nghiêng nghiêng mái đầu chim cắt chải brillantine bóng loáng, cố nhại lại dáng vẻ điệu nghệ, hóm hỉnh của chính mình hàng chục năm về trước:

Một ngày nọ tôi trở lại quán xưa,
vạn vật đã chẳng còn giống như ngày cũ.
Kìa trong kiếng bóng dáng đâu xa lạ,
Phải chăng kẻ độc hành đó thật sự là chính tôi?
....
Những ngày xa xưa đó, bạn hiền của tôi ơi,
Ta đã chẳng nghĩ có khi nào tàn lụi
Ta đã tưởng sẽ nhảy múa và hát ca đến tận cùng, vĩnh viễn,
Ta đã tưởng sẽ ngạo nghễ sống cuộc đời mình chọn,
Ta đã tưởng sẽ chiến đấu và chẳng bao giờ chiến bại,
Những ngày xa xưa đó, bạn hiền ôi, những ngày đó xa xưa…

Chúng tôi vỗ tay theo, nhanh dần, nhanh dần, mắt nhòa đi…


Trác Thúy Miêu 


Theo Người Đô Thị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét