Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Tản mạn về giới trí thức Quốc – Cộng và bước chân đến Tự do của lịch sử





Ngoảnh mặt lại ngày xưa vào thời mà nước nhà đang nguy khốn thì đều có một tầng lớp người có học vấn, ngày đêm ưu tư vì thời cuộc, vì nước mà dấn thân. Ví như trong từng thời kỳ lịch sử có thể thấy không ít thì nhiều cũng có những Nguyễn Trãi theo Lê Lợi chống giặc Minh hay Nguyễn Thiếp phò Nguyễn Huệ dựng xây nền móng cho Tây Sơn hoặc tỷ như không gặp phải thời thịnh trị mà nhằm ngay lúc triều chính suy vi rối ren thì cũng có Chu Văn An hết lòng dâng sớ khuyên vua trảm nịnh thần.

Hoặc là ngay lúc đang cảnh mất nước, Tổ quốc đang cõng gánh đô hộ thì cũng có hai chí sĩ họ Phan ngày đêm suy nghĩ, người thì bôn ba lặn lội sang tận trời Tây để dò học cái văn minh của xứ người rồi tìm cách vận động khai trí cho quốc dân, người thì sang phía Đông mà nhìn nước đồng chủng đồng văn cải cách mà tính chuyện đưa người ưu tú trong nước sang học tập, tuy cách thức của họ có khác nhau nhưng cũng không nằm ngoài mong mỏi cho nước nhà độc lập, thoát khỏi ách lầm than, vì quốc dân tiến bộ, vì quốc gia hùng cường.

Giai đoạn đặc biệt nhất để nói về tầng lớp trí thức Việt Nam đó là giai đoạn khi Việt Nam bị chia cắt làm hai lãnh thổ sau Hiệp định Geneva 1954. Lúc này cả hai quốc gia phía Bắc Cộng sản và miền Nam Cộng hòa đều được các trí thức đầu quân, điều này có ý nghĩa quan trọng rằng trong hai chính thể với chế độ chính trị khác biệt nhau thì nơi nào sẽ là nơi xứng đáng là bến bờ để trí thức chọn làm nơi dung dưỡng cái tinh hoa của giới trí thức đã được hình thành trong thời kỳ trước đó, nơi nào sẽ là đại diện và sẽ đại diện như thế nào cho sự tiếp nối liên tục những thành quả đã đạt được từ trước năm 1945, liệu những kết quả của khối óc sáng tạo trước đó trong các lĩnh vực học thuật, tư tưởng, văn hóa nghệ thuật có được bảo tồn và chúng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi tồn tại ở trong bối cảnh hai chính thể khác nhau Cộng sản – Quốc gia? Và rồi, như ta đã thấy, là có sự khác biệt về diễn biến của đời sống trí thức của hai miền Bắc – Nam.

Tại Miền Bắc thì với đường lối chuyên chính vô sản của Đảng Cộng sản đã bao trùm đời sống chính trị - xã hội ở đây, hẳn nhiên những tầng lớp trí thức ở đây tất nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ Cộng sản, bằng chứng là có rất nhiều trí thức nổi bật trước năm 1945 đã trở thành những người phục vụ cho mục tiêu – lý tưởng của Đảng Cộng sản, chịu sự phân công làm việc từ Đảng, nhiều người trong số họ từ ngoại quốc và đã trở về nước theo lời mời của lãnh tụ Hồ Chí Minh và cũng nhiều người trong số họ đã hoạt động ngay từ ngày Đảng Cộng sản được thành lập và dưới trướng của Việt Minh trong thời kỳ đánh Pháp. Ý thức hệ Cộng sản khiến cho nhiều người trí thức sẵn sàng đứng dưới lá cờ chuyên chính của Đảng và lãnh tụ nhưng bên cạnh đó thì càng về sau thì có những người trí thức nhanh chóng hiểu ra cái bản chất san phẳng, thủ tiêu sự tự do phát huy những tinh hoa tiềm ẩn bên trong họ mà thay vào đó bằng một sự kế hoạch hóa cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Xuất phát từ những quan điểm của những người lãnh đạo của Đảng cũng như trong hàng ngũ của những người Cộng sản, trong đó các phương diện về kinh tế - chính trị - văn hóa - nghệ thuật phải được sáng tạo theo định hướng, mục tiêu chính trị được đề ra, đến nỗi thơ ca cũng phải theo một chủ đề tuyến tính mà trong đó phải thể hiện cho được cái ý thức hệ Cộng sản nói chung và cả đường lối của lãnh đạo nói riêng, được tự do chửi bới, phê phán, đả đảo thực dân - đế quốc - tư sản nhưng đối với những gì là đường lối nghị quyết của Đảng thì phải tuyệt đối phải chấp hành, những công trình văn hóa phải ca ngợi mục tiêu của Đảng, phải phản ánh đời sống con người hiện thực (được gọi là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa) hòa trộn trong đó tính công nông và hình ảnh của chiến sĩ – cán bộ và lãnh đạo – lãnh tụ Cộng sản (giống như bài Stalin! Stalin! của Tố Hữu). Đối với hoạt động nghiên cứu tiếp cận các vấn đề lịch sử - chính trị - giáo dục của các chuyên gia hàn lâm để cho ra đời các công trình nghiên cứu thì nhất nhất phải trong vòng bao bọc của thế giới quan Marxist, cho dù vấn đề có phức tạp đến đâu cũng phải đi từ những mệnh đề của chủ nghĩa Marx – Lenin vốn là một sản phẩm ý thức hệ của Liên Xô, đó là phải xuất phát từ Cơ sở hạ tầng quyết định Kiến trúc thượng tầng và cũng không thể quên bổ sung những mục tiêu chính trị đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản hoặc là một hình tượng có liên quan đến vấn đề nhưng phải gần gũi với giới công – nông – binh – cán bộ Đảng viên. Có thể thấy với lối nghiên cứu như thế thì cũng có nghĩa là một nhà nghiên cứu thì cũng đồng nghĩa là một nhà tuyên huấn, tuyên truyền về đường lối của Đảng trong các tác phẩm.

Hoạt động phê bình, cảm thụ trong văn hóa – nghệ thuật và các lĩnh vực học thuật khác nói chung ở miền Bắc XHCN không phải là xuất phát từ góc độ tri thức thuần túy mà phải xuất phát từ góc độ chính trị trước tiên, sáng tác có thể hay nhưng vẫn có thể bị đánh giá là “mất quan điểm” “chệch hướng”, đôi khi chỉ là những ẩn dụ nghệ thuật trong câu từ hay hình ảnh nhưng vẫn có thể bị suy diễn thành tuyên truyền chống phá Đảng, thể hiện sự bất mãn với chế độ XHCN, vậy nên mới có những việc chụp mũ và quy kết những con người trong quá trình sáng tạo, nghiên cứu của mình đã có những quan điểm, ý kiến, phát ngôn có chủ đích mà những người Cộng sản xét thấy là đi ngược lại với quan điểm lãnh đạo của Đảng hay ý thức hệ Cộng sản nói chung. Vụ án Nhân văn – Giai phẩm là điển hình cho giới văn nghệ sĩ trí thức bị kết án là “phản động, gián điệp cho đế quốc”. Sau này nhà thơ – nhà văn Phùng Quán trong tâm sự của mình với bạn hữu sau này phải dùng đến từ “quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh” (1) để miêu tả tình cảnh của mình lúc bấy giờ và giáo sư Trần Đức Thảo – một nhà nghiên cứu Triết học đáng kính trong đời sống tư tưởng của Việt Nam hiện đại, đã khẳng định chủ nghĩa duy vật Marxist với phương pháp luận của nó đã hoàn toàn vượt xa phương pháp Hiện tượng học lúc này đang rất thịnh hành trong giới tư tưởng Pháp - Đức những năm đầu thế kỷ 20 (2) , nhưng sau đó ông cũng đã bị kết tội vì đã tham gia Nhân văn - Giai phẩm, trong đó ông có viết những bài báo kêu gọi mở rộng tự do dân chủ và có giai thoại rằng ông đã phải đi lao động ở Tuyên Quang rồi chăn bò ở Ba Vì, những điều đó không nằm ngoài những mục tiêu nhằm chỉnh huấn, san bằng tư tưởng bằng sự chuyên chính của Đảng Cộng sản lúc bấy giờ đối với những người trí thức chẳng may lọt vào tầm ngắm của họ.

Ở Miền Nam thì có hướng đi khác hẳn với thể chế chính trị tương đối là tự do và cởi mở. Nếu so sánh với thời kỳ người Pháp còn chiếm giữ vị trí độc tôn tại Việt Nam trước năm 1945 thì sau khi hình thành nên ở phía Nam vĩ tuyến 17 một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (tiền thân là Quốc gia Việt Nam) sau năm 1954 thì cái không khí chính trị xã hội của phần lãnh thổ do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát và có thể nói ở phần lãnh thổ này thì những hoạt động tinh thần chính trị - xã hội là phóng khoáng hơn rất nhiều. Kể cả vấn đề về đảng phái, khuynh hướng chính trị vốn đã rất đa dạng từ trước năm 45 thì đặc điểm này lại được kế thừa tiếp tục tại miền Nam sau năm 1954 thay vì được quy về một mối như ở miền Bắc XHCN, nếu như các khuynh hướng của giới trí thức trước năm 45 là quảng bá khuếch trướng tinh thần dân tộc Việt và bảo tồn cái trong sáng của văn hóa Việt trong bối cảnh bị đô hộ, đấu tranh với nhà cầm quyền Pháp vì những quyền lợi của người Việt và quan trọng nhất là sao cho nước nhà được độc lập tự chủ khỏi bàn tay của ngoại quốc thì lúc này những nhiệm vụ trên về cơ bản đã hoàn thành, sự độc lập tự chủ nay đã có được thì giờ đây chỉ còn là vấn đề làm sao cho duy trì vị thế của quốc gia mà thôi và mỗi bên bờ giới tuyến đều nhận thức rõ rằng ở bên kia đang có một quốc gia khác ý thức hệ với mình nếu không muốn nói là mâu thuẫn dẫn đến phải chiến tranh, cụ thể là Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn có một quốc gia đối thủ tại miền Bắc của những người Cộng sản.

Có lẽ chính nhờ vào sự kế thừa gần như toàn bộ cái không khí chính trị - xã hội đa nguyên, đa dạng từ trước năm 45 nên ta thấy những thành tựu, cái không khí học thuật trong giới trí thức có lẽ được nối dài mà không bị gãy gọn. Ở phía Nam các trào lưu vẫn tự do nảy nở và phát triển, bằng chứng là những cái tên như Tự Lực Văn Đoàn có thể nói là bị cấm hoàn toàn ở phía Bắc thì các tác phẩm của họ vẫn được lưu hành ở miền Nam, phong trào Hướng Đạo sinh Việt Nam do cụ Hoàng Đạo Thúy sáng lập trước năm 1945 thì sau năm 1954 nó vẫn được những người sau này phát triển mạnh mẽ và trưởng thành ở phía Nam. Ngành xuất bản khi đó cũng ghi nhận rất nhiều tờ báo, tạp chí tư nhân ra đời như tờ Sáng Tạo, Bách Khoa, Hiện đại, Chính luận, Tự do, Nhân loại, Văn học….

Có thể nói rằng cái phong vị của trí thức bị ảnh hưởng bởi nền Âu học của Pháp lan vào đời sống xã hội Việt Nam và nó vẫn được tiếp nối ở Việt Nam Cộng Hòa mà cốt yếu ở cái đa nguyên, đa khuynh hướng. Cái hay của xã hội đa nguyên đó là khi nghiên cứu hay thực hiện những công trình văn hóa hay cho ra đời một bài luận văn hay một tác phẩm lớn nào đó tức là thể hiện quan điểm của riêng mình về một chủ đề nào đó thì trong khi đó cũng có rất nhiều những quan điểm khác cũng đang lưu hành trong xã hội có thể có cái nhìn khác về chủ đề này và những luận điểm của một người có thể được rất nhiều độc giả phổ thông hoặc giới học giả hàn lâm vốn đón nhận hồ hởi hoan nghênh và kèm theo đó là những lời bình luận ủng hộ hoặc có thể là những lời phê phán, đôi khi dẫn đến những cuộc bút chiến tranh luận cũng là điều hiển nhiên rất bình thường nhưng không phải đi theo tuyệt đối một định hướng chuyên chính nào và nếu chăng phải có một sự kiềm chế từ nhà cầm quyền thì ở miền Nam khi đó chỉ có thể là phải có sự dè chừng, cấm đoán hoặc là đặt ngoài vòng pháp luật (3) đối với những quan điểm có hơi hướng thân Cộng hay là thật sự ủng hộ nhiệt thành cho miền Bắc XHCN hoặc là cao hơn nữa là hoàn toàn trở thành một người Cộng sản chính cống, đó là thể theo chủ trương chống Cộng rất gắt gao của chính quyền Ngô Đình Diệm vào thời kỳ đó hay cả vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa sau này. Tựu chung lại những người trí thức được sinh sống và đào tạo ở miền Nam vào thời kỳ trước 1975 may mắn có được sự bao dung về mặt tư tưởng, khiến cho họ tương đối dễ thở, họ là sự tiếp nối duy nhất liền mạch với những gì đã làm được của bầu không khí trước năm 1945. Những người trí thức được tự do biểu đạt, tự do tranh luận để đi tìm chân lý là một điều đáng quý của xã hội và xã hội và nhà nước nếu muốn tránh để không mang tiếng là độc đoán và toàn trị thì phải chấp nhận những quan điểm khác nhau của những cá nhân khác nhau và nếu bàn về tự do ngôn luận thì có lẽ nên trích dẫn những câu nổi tiếng của nhà Triết học người Anh John Stuarl Mill vào thế kỷ 19 đã viết trong tác phẩm “Bàn về Tự do” (On Liberty) của ông rằng: “Nếu tất cả mọi người trừ một người đều có chung ý kiến và chỉ có một người có ý kiến trái ngược, thì mọi người không ai có quyền bắt anh ta im lặng ngoại trừ bản thân anh ta, nếu anh ta có tài năng, anh ta có lý do chính đáng để khiến mọi người im lặng”, “….. Nếu quan điểm đó là đúng, thì họ bị tước mất cơ hội để sửa sai thành đúng, nếu ý kiến đó sai, họ đã bị thiệt thòi vì không được đối mặt với sự sai sót của bản thân để có nhận thức rõ ràng hơn và cảm nhận chân thực hơn về chân lý” (4) và rồi ông còn viết: “Cái Giáo hội kém khoan dung nhất là Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã thế mà việc phong thánh vẫn phải thừa nhận phải kiên nhẫn lắng nghe sự biện bác của quỷ sứ” (5)

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sự thật là nước Việt Nam trong thế kỷ 20 là đang chìm trong cảnh tai ương của thời cuộc giáng xuống, các biến động cứ liên tục xảy ra và kéo theo đó là chiến tranh, chẳng những là chiến tranh với các quốc gia khác mà còn có cuộc chiến tranh ý thức hệ nữa, vì vậy lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 là lịch sử đầy bom đạn, nước Việt trong thế kỷ 20 là một chuỗi dài không hề yên bình, bởi lẽ công cụ bạo lực đang được suy tôn lên hàng đầu cốt sao cho giải quyết được vấn đề khó tránh khỏi của thế kỷ 20 đó là cuộc chiến tranh Lạnh. Sự tiếp nối và dấn thân của trí thức là rất đáng ghi nhận để cố gắng làm sao cho tình hình đất nước được đi vào khuôn khổ nhưng họ cũng chịu thiệt thòi không kém khi không có được khung cảnh hòa bình trong thời gian dài để phát triển và phát huy hết tất cả tinh hoa của họ trong bối cảnh chính trị lúc bấy giờ. Trông vào cuộc chiến tranh Quốc gia – Cộng sản tại Việt Nam, giữa một xã hội quân sự hóa, chính trị hóa toàn phần của miền Bắc XHCN với xã hội tương đối tự do cởi mở đang nở rộ của miền Nam thì có thể thấy chẳng khác nào cuộc chiến giữa thành bang Sparta với thể chế quân phiệt cùng lực lượng quá hăng máu, tay lăm lăm vũ khí tiến đến thành bang Athen là xứ sở vốn đậm chất lãng mạn của thi ca và triết học cùng với chế độ dân chủ, để rồi sau cùng như chúng ta đã thấy những người dùng vũ lực đã là phe thắng cuộc.

Vị Triết gia Đức G. W. F Hegel đã viết lời tựa khét tiếng của ông cho tác phẩm “Nguyên lý của Triết học Pháp quyền” rằng: “ Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”, lời tựa này như làm cho chúng ta suy ngẫm về sự tàn khốc của chiến tranh tuy đã phá hủy những thành tựu lẽ ra không thể nào được phá hủy nhưng cuộc chiến tranh đó phải xảy ra và những mất mát đó phải đến và đó cũng như là một bước chân của lịch sử để đi đến cái chung cuộc cuối cùng và nếu quy chiếu vào hoàn cảnh giai đoạn lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 thì bắt buộc giai đoạn lịch sử này cũng phải đi đến cái chung cuộc của nó, để cho cái tàn khốc qua đi và bây giờ để lại cái khung cảnh còn sót lại nhưng đó cũng là một khung cảnh mới để cho quá trình vận động của xã hội phải tiếp tục những bước đi tiếp theo của nó. Cái không khí tự do của miền Nam đã bị lụi tàn sau năm 1975 khi chính thể Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào ngày 30/4/1975 và có thể nói là kéo theo toàn bộ cái khung cảnh xã hội Việt Nam khi đó phải đi theo sự bao cấp - kiểm soát về kinh tế, định hướng - kiểm duyệt chặt chẽ về tư tưởng của những người Cộng sản và cái tinh hoa của xã hội miền Nam đã bị chối bỏ, thủ tiêu bởi phe thắng trận. Cuộc chiến tranh và những mất mát đó đồng thời còn cho ta thấy rằng sự thiếu thốn hòa bình trong thời gian dài mà thay vào đó là tràn ngập trong các cuộc chiến tranh xung đột của Việt Nam cũng là một bi kịch cho lịch sử Việt Nam, nó làm cho những tiến trình hoạt động văn hóa khai phóng – tự do trong xã hội bị gãy gánh giữa đường nếu không muốn nói là chết yểu (như xã hội có nền tảng sẵn sàng cho sự tự do khai phóng của miền Nam trước 75 chỉ tồn tại vỏn vẹn có 20 năm và những người trí thức sau đó thì người phải vượt biên rời khỏi đất nước, kẻ thì bị bắt phải đi cải tạo nhiều năm) và kể cả sau năm 1975 thì những cuộc chiến và xung đột khác lại tiếp tục kéo đến càng làm cho sự khai phóng trong xã hội bị trì hoãn liên tục và thiết nghĩ rằng khi mà con người của một quốc gia đêm ngày phải cầm súng làm nhiệm vụ canh gác - săn lùng vì lo có quá nhiều kẻ địch xung quanh đánh úp và cũng vì họ đang bị dư âm của chiến tranh bủa vây khi phải chịu đựng hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác thì họ không thể có nhiều thời gian dành cho Tiểu thuyết – Thi ca –Lịch sử - Triết học, vậy nên cái cần thiết là một khung cảnh hòa bình cho tri thức và trí thức được nở rộ để dần ly khai ra khỏi cái không khí dã man tàn bạo của súng đạn bom mìn đã qua và thể chế tập quyền chuyên chính toàn trị của những người Cộng sản sau ngày Sài Gòn thất thủ ngự trị trên cả quốc gia Việt Nam cũng là thể hiện bước chân lịch sử đã phải bước những bước đi cuối cùng của nó để kết thúc một giai đoạn khốc liệt.

Những dấu ấn lịch sử mà nhân loại đã xác quyết với nhau về người Hy Lạp đã bị người La Mã xâm chiếm và chinh phục nhưng sau này chính những người La Mã lại bị hồn phách của người Hy Lạp thống trị ngược lại, kẻ xâm lược La Mã khi đã buông vũ khí trên tay thì ngay lập tức bị những thành tựu mà người Hy Lạp đã tạo nên phủ ập lấy, cho đến sau cùng khi mà chiến tranh đã qua đi và trở về với yên bình thì những thứ tinh hoa là cái sẽ nở rộ đằng sau đó và điều này như một cái tất yếu sẽ phải xuất hiện sau tất cả mọi sự kiện ác liệt đã diễn ra, Lã Mã thống trị lãnh thổ Hy Lạp và Hy Lạp thì thống trị tư tưởng La Mã. Khung cảnh xã hội của giới trí thức của miền Nam đã bị gãy gọn giữa chừng trong cơn bĩ cực nhưng nó sẽ phải được phục hưng trở lại trong khung cảnh mới ngay trong lòng của xã hội đang trầm luân trong thể chế toàn trị và đó cũng sẽ là bước chân tiếp theo của lịch sử và cũng sẽ kéo theo những viễn cảnh mới mà bước chân của lịch sử Việt Nam sẽ hướng đến chữ Tự do như là cái mà nó phải hướng đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét