Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Miến Điện: Năm cầm quyền đầu tiên đầy khó khăn của Aung San Suu Kyi




Bà Aung San Suu Kyi (G) trong một hội nghị về hòa giải dân tộc ở thủ đô Naypyitaw, Miến Điện, ngày 31/08/2016 REUTERS/Soe Zeya Tun 



Sau một năm cầm quyền, chính phủ của cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, chiến sự với các sắc tộc thiểu số tái diễn, các cải tổ kinh tế và xã hội dậm chân tại chỗ.



Trong suốt nhiều thập niên, người dân Miến Điện đã phải sống dưới chế độ độc tài quân sự và vẫn mơ đến một nền dân chủ. Họ đã trông đợi rất nhiều vào cuộc tổng tuyển cử lịch sử tháng 11/2015, đưa bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ của bà lên cầm quyền.



Do luật không cho phép bà lên làm tổng thống, nên ngày 01/04 năm ngoái, Aung San Suu Kyi đã nắm chức ngoại trưởng kiêm cố vấn đặc biệt của Nhà nước và phát ngôn viên tổng thống. Trong những cương vị này, cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện, trên thực tế, là người đứng đầu chính phủ từ một năm nay.



Sau một năm cầm quyền, bà Aung San Suu Kyi vẫn được đa số người dân Miến Điện ngưỡng mộ, thế nhưng ngày càng có nhiều người lên tiếng chỉ trích bà.



Nhưng theo ghi nhận của các nhà phân tích, hầu như không bao giờ họp báo, bà Aung San Suu Kyi nay là một nhân vật ngày càng xa cách. Vào đầu năm nay, bà đã kêu gọi người dân Miến Điện hãy kiên nhẫn, vì theo bà “đối với lịch sử một quốc gia, lịch sử một chính phủ, 10 tháng hay 1 năm chưa là bao”. Cố vấn của tổng thống Miến Điện, ông Aung Tun Thet, cũng cho rằng “hãy còn quá sớm” để đánh giá là chính phủ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã thành công hay thất bại.



Nhưng không người ít nay tỏ vẻ thất vọng về nhân vật từng được trao giải Nobel Hòa Bình, khi họ thấy tiến trình hòa bình ở Miến Điện vẫn bế tắc, triển vọng kinh tế chưa có gì sáng sủa. Tăng trưởng chậm lại, đầu tư ngoại quốc giảm lần đầu tiên từ 4 năm qua, trong khi vật giá leo thang do lạm phát tăng với tỷ lệ trên 10%.



Về các quyền tự do, sau các tướng lãnh vào thời chế độ quân sự, nay đến lượt các đảng viên của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đứng ra truy tố nhiều nhà báo, nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động về tội “vu khống”. Ngay trong giới chính khách, nhiều người chỉ trích bà Aung San Suu Kyi nắm quá nhiều quyền hành trong tay.



Nhưng cũng cần phải thấy là chính phủ của cựu lãnh đạo đối lập Miến Điện vẫn không được rộng tay để điều hành đất nước. Thứ nhất là bản Hiến Pháp có từ thời chế độ quân phiệt không cho phép bà Aung San Suu Kyi lên làm tổng thống và thứ hai là quân đội vẫn nắm một phần tư số ghế ở Quốc Hội. Mặt khác, quân đội Miến Điện vẫn giữ ba bộ quan trọng : Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới, đồng thời vẫn kiểm soát nhiều khu vực kinh tế chủ chốt.



Bà Aung San Suu Kyi cũng bị chỉ trích là đã không biết cách hòa đàm với các lực lượng phiến quân sắc tộc thiểu số, nhất là trong những tháng gần đây, các trận giao tranh đã gia tăng cường độ lên đến mức chưa từng có từ nhiều năm qua. Đối với các nhà phân tích được hãng tin AFP trích dẫn, tình hình này có thể khiến đảng của bà Aung San Suu Kyi bị mất phiếu trong cuộc bầu cử bán phần ngày 01/04 tới.



Trên trường quốc tế, nhiều người rất bất bình khi thấy bà Aung San Suu Kyi không nói gì về khủng hoảng ở bang Rakhine, nơi mà quân đội Miến Điện bị Liên Hiệp Quốc tố cáo đã gây ra nhiều tội ác đối với thiểu số người Rohingya Hồi Giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét