VOA Tiếng Việt
Hình minh họa
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa lên tiếng phủ nhận thông tin
cho rằng chính phủ sắp đổi tiền sau khi tin đồn này lan truyền trên mạng xã hội
trong những ngày gần đây. Theo truyền thông trong nước, người dân đã hoang mang và
lo sợ trước những tin đồn đổi tiền mới và đổ đi mua vàng và ngoại tệ.
Để trấn an dư luận, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 1/12 đã
chính thức thông báo để khẳng định tin đổi tiền là hoàn toàn thất thiệt và xã hội
cần hết sức cảnh giác. Trước đó hôm 29/11, phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói
trong một cuộc họp báo chính phủ được truyền thông trong nước trích dẫn rằng
thông tin sai lệch như vậy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và đặc
biệt đối với an ninh tiền tệ quốc gia.
Một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas không muốn được nêu
tên cũng nhận định không có cơ sở cho một cuộc đổi tiền vào lúc này:
"Nhìn về mọi mặt thì không có lý do gì mà người ta phải
đổi tiền vào lúc này cả."
Sức hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư như vàng và USD luôn rất lớn
ở Việt Nam và đó chính là nơi xuất phát những tin đồn. Một chuyên gia trong
lĩnh vực tài chính ngân hàng được Infonet trích lời nói rằng “để tạo biến động,
giới đầu cơ khôn ngoan có thể tung ra một số tin đồn thất thiệt để tạo lợi ích
cho mình, đánh vào tâm lý yếu đuối của một bộ phận người dân để “thổi” cái mà họ
định “thổi” và làm lợi cho một nhóm người nào đó.
Trong quá khứ đã nhiều lần có tin đồn đổi tiền ở Việt Nam và
theo Infonet, những tin đồn đổi tiền xuất hiện trong vài năm gần đây phần lớn dựa
trên một số sự kiện xảy ra trước đó.
Khi ban soạn thảo Hiến Pháp đề xuất ý kiến đổi tên nước
thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 2013, tin đồn NHNN sẽ đổi tiền lan truyền,
và trước đó 2 năm khi lạm phát bắt đầu leo thang và NHNN chính thức phá giá đồng
Việt Nam thì thị trường cũng lan truyền thông tin sẽ đổi tiền và phát hành tờ 1
triệu đồng.
Việc NHNN Việt Nam đã thực hiện 1 số lần đổi tiền trước đây,
theo chuyên gia kinh tế của Đại học Texas, là cơ sở cho những tin đồn hiện nay
lan truyền:
"Bởi vì mình đã có chuyện đổi tiền trong quá khứ rồi
thì bây giờ khi có tin đồn đấy người ta hay speculate (bàn tán)."
Trước đây Việt Nam đã có 6 lần đổi tiền. Lần đầu tiên vào
năm 1947, 2 năm sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu
tiên, và lần gần đây nhất là vào năm 1985 khi nhà nước công bố đổi tiền mới để
phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương.
Ấn Độ là nước mới đây nhất vừa tiến hành đổi tiền để điều chỉnh
các vấn đề trong xã hội. Thủ tướng Narenda Modi bất ngờ tuyên bố hủy bỏ lưu
hành các tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee hôm 8/11 để trấn áp tham nhũng.
Tâm lý lo sợ và đầu cơ tích trữ của người Việt cũng được thể
hiện khi giá đô la tăng mạnh trong những tuần gần đây, bất chấp cảnh báo của
Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá trao đổi ngoại tệ trên thị trường.
Giải thích về việc xuất hiện các tin đồn như vậy ở Việt Nam,
tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính từng có thời gian làm ngân
hàng ở Mỹ, nói với Infonet rằng trong nền kinh tế có độ mở ít, thông tin không
thông thoáng và đầy đủ, cơ quan chức năng không đưa nhiều tin tức thì việc xuất
hiện tin đồn là hiện tượng tất yếu.
Cũng theo chuyên gia này, việc các cơ quan lên tiếng để dập
tắt tin đồn sau khi xuất hiện là điều cần thiết trước khi nó gây nên hậu quả xấu.
Nguồn: http://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét