Phạm Ngọc Diễm Hân
Phan Ngọc Diễm Hân Facebook
2016 ngoại trừ là một năm đáng nhớ với cá nhân tôi, nó còn
là một năm mà VN xảy ra quá nhiều biến động. Những biến động đủ để lột trần hết
bản chất của xã hội đương thời. Là kết quả của một chuỗi dài những lựa chọn mà
nhà cầm quyền đã chọn trong suốt nhiều năm cầm quyền. Để đến hôm nay, đất nước
ta “chưa bao giờ được rực rỡ đến như thế này”!
Bài viết đầu tiên mà tôi viết về vấn đề chính trị - xã hội
là bài “Bốn di chứng của cái nghèo”, đăng trên Thanh Niên năm 2006. Lúc đó, tôi
cũng đánh giá được, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế VN là điều chúng ta phải
thừa nhận. Lúc đó, bức tranh kinh tế VN tươi sáng, năng động hơn bây giờ rất
nhiều! GDP tăng trưởng như vũ bão! Nhưng, những “di chứng”, về “dân tộc tính”,
về văn hóa, giáo dục, trật tự xã hội, vẫn không thể chữa lành, và đang ngày một
nặng nề hơn. Cho đến năm 2016 này, khi có thời gian để nhìn lại 10 năm qua, tôi
không khỏi cảm thấy tuyệt vọng.
Sự tuyệt vọng đầu tiên, tôi dành cho nhà cầm quyền. Những lựa
chọn của họ trong những thời khắc sinh tử, cho thấy, lựa chọn đầu tiên của họ vẫn
là quyền lực và đảng phái. Nhân dân và lợi ích lâu dài của dân tộc chưa bao giờ
là số 1. Đến lúc này, rõ ràng họ đã chọn thép chứ không chọn cá trong thảm họa
Formosa. Họ đã quyết cùng Formosa lừa dối nhân dân đến cùng! Để che lấp đi cái
sai trong bộ máy của họ. Trong quá trình bầu ra tứ trụ mới, tôi đã hy vọng có một
sự thay đổi triệt để, khi mà trước kỳ ĐH đảng, mọi thứ cứ sôi sục. Nhưng rồi,
những nhà lãnh đạo mới đã thể hiện sự kém cỏi ngay từ khi mới nhậm chức. Kém cỏi
từ trong những việc rất nhỏ thì việc lớn họ có thể giỏi hay không? Những đổ vỡ
nội bộ gần đây như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng,... mang dáng dấp một cuộc
thanh trừng chứ không phải một cuộc cải cách. Những người Cộng sản mãi mãi
không thoát khỏi được chiếc áo nhỏ nhen, tầm thường, thất học để bước lên một tầm
cao mới văn minh, tiến bộ. Dù họ đã tiến đến thế hệ thứ 3, một thế hệ trưởng
thành bên ngoài những khu rừng, những căn hầm. Nhưng họ vẫn thế, với sự tinh
ranh, quỷ quyệt chứ không hề sáng tạo, thông minh với tư cách của những nhà
lãnh đạo minh triết.
Từ sự tinh ranh, quỷ quyệt, họ đã lựa chọn và xây dựng nên một
hệ thống giáo dục đáng kinh tởm. Và một chính sách văn hóa thật dễ sợ! Nền giáo
dục rập khuôn phẳng lì với những kiến thức sáo mòn lạc hậu đã hình thành nên những
thế hệ con người như thế này đây! Những học sinh đi thi quốc tế luôn giật giải
cao nhưng 100 năm nữa chưa chắc VN có phát minh gì để đóng góp được cho nhân loại.
Một chính sách văn hóa tuyên truyền kiểu Cộng sản rất hình thức, quê mùa, kệch
cỡm khiến cho nghệ thuật VN hầu như là vùng trắng trên thế giới. Còn trong nước?
Thực sự đã lâu tôi không thể đọc sách, đọc báo... Khi ở đó đầy rẫy rác rưởi!
Tôi không quan tâm ai hiếp ai, ai giết ai, ai lấy ai vì tiền hay vì tình... thì
tôi đọc báo để làm gì? Trong khi tất cả những bài chính luận có vẻ nghiêm túc
thì luôn khả nghi! Bởi nó không được đăng tải để mở mang, khai sáng. Khi mà
tuyên giáo TW luôn ngồi soi từng chữ, nó luôn phải mang một mục đích chính trị
nào đó mà ngay tức thì, có khi chúng ta chưa hiểu được. Nên chúng luôn khả
nghi!
“Ngu để trị” rõ ràng là một chính sách rất thích hợp của nhà
cầm quyền, nhưng hậu quả của nó đối với dân tộc thì thật thảm khốc! Nền văn hóa
giáo dục đó đã không thể sản sinh ra một tầng lớp tinh hoa mới, trí thức mới. Kể
từ thời của Hồ Chí Minh và các đồng chí ở ngoài Bắc; ông Diệm, ông Nhu và những
người trí thức tập hợp quanh họ ở trong Nam, đến nay, VN vẫn chịu một lỗ hổng
to lớn ở tầng lớp tinh hoa. Nhất là vào thời điểm này, từ 1986 đến nay, chúng
ta hoàn toàn không có một trí thức lớn nào xuất hiện đủ tầm để gây ảnh hưởng rộng
lớn đến xã hội, về bất cứ lĩnh vực nào. Tôi chỉ nói 1, chưa nói đến một nhóm, một
tầng lớp. Đủ để tạo ra những cơn sóng lan tỏa thay đổi xã hội. Không đáng tuyệt
vọng thì còn là gì nữa? Bởi vì, các bạn đừng bao giờ tin rằng cách mạng sẽ
thành công chỉ với giai cấp công – nông. Ngày xưa đã dối trá thì bây giờ điều
đó càng hoang đường! Công nông rầm rộ đến đâu cũng cần phải có tinh hoa trí thức
dẫn đường. Xã hội tự nhiên nó là như vậy!
Cho nên, tôi vẫn trông đợi vào những người trí thức. Và
trong bối cảnh độc tài toàn trị này, họ và chúng ta chỉ có mỗi một kênh để cất
lên tiếng nói (may mà chúng ta còn có kênh này), đó là mạng xã hội. Internet và
blog, facebook,... đã thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận thông tin của VN
10 năm trở lại đây. Nó làm cho chúng ta có cơ hội phát ngôn hơn bao giờ hết! Việc
đấu tranh cho bất công, tiến bộ xã hội cũng có cơ may hơn. Khi mà giờ đây, bạn
có thể nặc danh post bất cứ thứ gì lên mạng mà không ai có thể tìm ra tung
tích.
Nhưng, tôi cảm giác quá trình tranh đấu trên mạng xã hội
trong suốt 10 năm qua giữa nhà cầm quyền và các nhà ủng hộ dân chủ là một cuộc
chiến rất hài hước! Trông như những mụ đàn bà lắm chuyện đang chửi nhau. Kể cả
những tác phẩm gây chấn động kiểu như Bên Thắng Cuộc, “hot” – gây bão mạng như
Đèn Cù, Đại Vệ Chí Dị,... Ngoài bộ Bên Thắng Cuộc còn có sự dụng công, tư liệu
đáng đọc, các cuốn còn lại cứ nửa hư nửa thực, kể lể mắc mấu, cốt yếu là giải tỏa
tâm lý hiếu kỳ... Cuối cùng, đọc xong, chẳng đọng lại cái gì ngoài vài ba suy
diễn thâm cung bí sử chả đâu vào đâu! Chẳng phải thời đó, các bạn phát sốt, săn
lùng bằng được các cuốn nói trên? Để rồi đọc xong, các bạn rút tỉa được gì từ
đó? Đám đông hiếu kỳ đã tạo nên những cái tên đình đám, và chỉ vậy thôi. Nó làm
tôi liên tưởng đến diễn từ nhận giải Nobel năm nay của Bob Dylan. Đại ý, ông ta
thừa nhận rằng ý kiến của 50 người xuất sắc trong hội đồng thẩm định quan trọng
hơn hẳn bình luận vớ vẩn của đám đông 5,000 người tầm thường. Bob Dylan hoàn
toàn đúng. Ngay bản thân một người viết vô danh như tôi, qua mỗi bài viết, có
khi chỉ cần 1 người mà tôi nể trọng gửi like, khiến tôi thích thú hơn hẳn 100
like của những người khác. Thế giới này thay đổi nhờ một số ít khác biệt chứ
không phải số đông a dua!
Cái dân tộc này cần chờ đợi, ít ra là cỡ như Đông Kinh Nghĩa
Thục của các cụ 100 năm trước thôi, cũng không thể có. Bởi vì chúng ta hiện
không có một lớp trí thức đạt đến đẳng cấp như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,
Huỳnh Thúc Kháng,... Chúng ta có vài ba nhân vật, nổi lên chút, rồi tắt ngóm.
Thậm chí, có vài người còn bị vạch trần là những kẻ lừa đảo, ăn chặn, dốt nát,
bệnh hoạn,... Họ không đủ tâm sức, tài năng, uy tín, để đi đến cùng. Họ cũng bị
rơi vào vòng xoáy đả kích bên lề mà không tập hợp được một chương trình hành động
nghiêm túc. Do không đủ trí huệ, họ bị lôi vào những trò thông tin giả trá, những
sự chia rẽ cá nhân, những tranh cãi vớ vẩn.... Chính nhà cầm quyền lại là bậc
thầy trong cuộc chiến kiểu này. Mọi người nghĩ những thông tin hấp dẫn mà những
tác giả như Người Buôn Gió có, họ lấy từ đâu? Vụ Trịnh Xuân Thanh chính là câu
trả lời. Những kẻ nào đã tung cho anh này một ít, anh kia một ít, bôi người
này, trét người kia... Xong khoanh tay ngồi xem các anh chửi bới chém giết nhau
và cười? Cái trang Chân Dung Quyền Lực gây bão một thời chính là đòn “mượn gió
bẻ măng” thần thánh của nhà cầm quyền. Tận dụng sở thích đàn bà lắm chuyện chửi
nhau sẽ có rất nhiều kẻ hiếu kỳ bu quanh bàn tán của trí thức và dân ngu VN,
nhà cầm quyền đã dựng lên được đầy đủ chính diện & phản diện, âm mưu và quyền
lực,... trong một vở tuồng rẻ tiền đến mức mạt hạng! Thế mà tung ra vẫn sốt, vẫn
cháy vé!
VN thiếu một tầng lớp tinh hoa thật sự. Những người có tư tưởng
khai sáng, có hành động quang minh chính đại, sẵn sàng liên minh vì những điều
cao cả hơn kiếm tiền và trấn áp kẻ yếu. Chỉ những người có nhân cách lớn thì mới
có niềm tin to lớn đủ để tin chính mình và tin người khác. Đủ để hình thành nên
một nhóm người dẫn dắt xã hội. Khiến cho xã hội không còn ngập ngụa trong cướp,
giết, hiếp. Khiến cho tuổi trẻ có lý tưởng, tuổi già có lòng sẻ chia. Cho mọi
người thấy rõ một con đường hướng về phía trước. Ghét cộng sản thì ta phải có một
tầng lớp tốt hơn hẳn cộng sản. Chứ bây giờ trí thức cứ mãi tự vùi mình vào đống
phân thì dân chúng còn trông đợi gì? Trí thức không bày tỏ ra được những gì
khác hấp dẫn thì dân chúng sẽ tiếp tục tiếp nhận một cách tự nhiên những gì cộng
sản truyền cho. Dân ta cứ thích những thứ rẻ tiền thì cộng sản sẽ còn thống trị
chúng ta lâu lắm! Vì bần cố nông thì thích văn hóa rẻ tiền. Mà cộng sản thì
chuyên dẫn dắt bần cố nông và làm ra những thứ rẻ tiền thôi. Hai bên hợp nhau vậy
thì không sống với nhau còn sống với ai?
Đó là nỗi tuyệt vọng thứ 2, sự tuyệt vọng vì không nhìn thấy
ở trí thức, tinh hoa một con đường khả dĩ. Sau nỗi tuyệt vọng đầu tiên là “cộng
sản thế hệ mới” có thể có “minh quân”. Tóm lại, 2 nhóm đối tượng có nhiều khả
năng thay đổi xã hội nhất, thì xem như xong rồi!
Nếu hỏi tôi, vậy thì tôi hy vọng vào điều gì? Tôi thực sự
không biết, mình nên hy vọng vào ai, vào cái gì nữa...
Nếu hỏi tôi, cho tôi được chọn làm gì cho đất nước này, tôi
ước gì mình có thể đập tan cái hệ thống giáo dục của đất nước này đi, làm lại
hoàn toàn. Vì có giáo dục thì mới có con người, mới có tinh hoa trí thức, mới
có tư tưởng hiện đại. Khi có nền móng tư tưởng, văn hóa, chúng ta rất dễ thiết
lập lại kỷ cương, trật tự. Bần cố nông, đàn bà lắm chuyện không thích xếp hàng,
nhưng người có văn hóa, có giáo dục sẽ sẵn sàng xếp hàng. Bần cố nông, đàn bà lắm
chuyện luôn thu vén cho mình, nhưng người có văn hóa, có giáo dục sẽ biết nghĩ
cho người khác, cho cộng đồng, cho nhân loại. Và những người có văn hóa, có
giáo dục, có kỷ cương trật tự, biết nghĩ cho những điều lớn lao mới có thể cùng
ngồi lại với nhau mà không tụ tập bù khú nói xấu, nói nhảm. Có thể vạch ra được
những con đường tươi sáng, cho dân tộc này. Và quan trọng hơn hết, ngoài nói, họ
còn phải biết cách hành động.
Chắc chắn sẽ có rất nhiều người cười vào quan điểm của tôi.
Họ cho rằng, VN ngày nay đã tốt lắm rồi, kinh tế phát triển vậy còn muốn gì nữa?
Xin lỗi, nếu không còn muốn gì nữa thì chính là tụt hậu đấy! Và có thể, xã hội
này đang quá tốt đối với những người được ‘”ân sủng”, được “vô guồng”,... nhưng
còn những người khác? Dĩ nhiên, ở đâu cũng sẽ có bất công, giai cấp, chia rẽ.
Nhưng trách nhiệm của chúng ta là làm giảm bớt những thứ đó, để dân ta số đông
còn được sống ra con người. Chứ bây giờ, nhìn ở đâu cũng thấy ngợm, chán quá!
Và rõ ràng, cơ hội để tôi thay đổi toàn bộ nền giáo dục này
là điều không tưởng!
Nhưng, chính các bạn, các bạn có thể làm điều đó. Mọi người
có nhớ một năm, người ta từng trao giải nhân vật của năm là “You”, chính bạn?
Hoặc tôi đã từng kể câu chuyện về ông bạn người Hàn Quốc của tôi. Khi tôi nói
Park Chung Hee có công kiến tạo nên Hàn Quốc phát triển như hôm nay, ông ấy cãi
ngay: Ai? Park Chung Hee nào? Chính tao, gia đình tao, bạn bè tao... những người
dân HQ mới tạo nên HQ ngày hôm nay chứ Park Chung Hee nào? Và ông bạn này chính
là 1 trong những thành viên cốt cán của nhóm đối lập đã dẫn dắt những cuộc biểu
tình vừa rồi khiến bà Park Geun Hye bị bãi nhiệm. Phải dẫn cả ý của Obama, người
các bạn rất thích nhưng tôi rất ghét, đã phát biểu khi đến VN: chính người VN mới
giải quyết được vấn đề của VN.
Phải, chính chúng ta, mỗi con người, phải xử lý chuyện của
mình, trong khả năng tối đa mình có, đừng trông đợi vào ai hết!
Các bạn hãy tự thay đổi mình, dạy dỗ con cái, đừng trông đợi
gì vào trường học cộng sản. Nhà nước luôn miệng nói cải cách, là diễn cả thôi!
Cốt để tham nhũng, moi tiền phụ huynh và ra vẻ có trách nhiệm. Chứ dân chúng mà
khôn lên thì cộng sản thống trị ai? Cho nên, trẻ con đến trường học được gì thì
học, đừng ép nó. Nhưng về nhà, hãy dạy nó trở thành những con người chính trực,
tự trọng, trách nhiệm, có tư duy độc lập, ham thích khám phá... Tự các bạn, hãy
đào tạo con cháu mình thành những con người văn minh đúng nghĩa. Tôi ao ước điều
đó, nếu có ai hỏi tôi, ước gì cho năm 2017?
Nguồn: https://www.danluan.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét