Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Tranh cãi xung quanh quốc tang Fidel ở Việt Nam

BBC
 
Ông Fidel Castro ăn cơm nắm ở Củ Chi, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1995

Thông tin về quyết định của chính quyền thực hiện quốc tang tưởng nhớ cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro vào ngày 04/12 gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Việt Nam.
Một thế hệ người Việt từng đi Cuba du học và công tác vẫn yêu mến Fidel Castro, nhưng luồng ý kiến khác lại cho rằng việc tổ chức quốc tang một lãnh đạo nước ngoài, và là nhân vật gây nhiều tranh cãi là không 'chấp nhận được'.
Bàn tròn thứ Năm cùng các khách mời từ Việt Nam và quốc tế sẽ thảo luận trực tiếp trên Facebook của BBC Tiếng Việt về chủ đề này vào lúc 19h30 giờ Việt Nam, thứ Năm ngày 01/12.

Trao đổi trước chương trình, một khách mời của BBC cho biết anh 'rất buồn' và cảm thấy 'mất mát' khi nghe tin ông Fidel Castro qua đời.

Vị khách này cũng cho rằng, việc tổ chức quốc tang là hợp lý, thậm chí chỉ "một ngày thôi không đủ", vì trước đây Cuba cũng "từng làm quốc tang cho bác Hồ".

Một số người Việt Nam cũng bày tỏ lòng cảm ơn tới Cuba về những công trình như bệnh viện, viện trợ nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong thời Cuộc chiến Việt Nam.

Chỉ với miền Bắc?

Tuy nhiên, ý kiến phản đối quốc tang tranh luận rằng, có lẽ sự giúp đỡ của Cuba chỉ có nhiều ý nghĩa với miền Bắc Việt Nam.

Facebooker Châu Đoàn viết:

"Để quốc tang Fidel Castro một ngày, chính quyền Việt Nam muốn thể hiện cho nhân dân Việt Nam và cả thế giới thấy tình hữu nghị giữa hai nước, tình cảm trước sau như một với một lãnh tụ đã tuyên bố "vì Việt Nam Cu Ba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình" trong cuộc chiến về ý thức hệ giữa 2 miền khi Trung Quốc, Liên Xô chống lưng phía Bắc, Mỹ chống lưng phía Nam.

"Do vậy, nếu nói chính xác thì là vì miền Bắc Việt Nam, chứ không phải vì cả Việt Nam."

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang chia sẻ quan điểm này trên Facebook, trong đó có đoạn:

"Thời chiến tranh, một nửa đất nước không phải là bạn của Cuba và không nhận được gì từ Cuba.

"...Trong thời đại ngày nay, bày trò khóc thương một nhà độc tài (bất chấp luật pháp và lòng dân) là cách làm tốt nhất để thể hiện cho dân chúng và cộng đồng quốc tế thấy mình lạc hậu và lạc lõng như thế nào."

Ý kiến khác còn cho rằng việc thực hiện quốc tang cho một cựu lãnh đạo nước ngoài có thể trái pháp luật Việt Nam, và viện dẫn Nghị định 105/2012/ND-CP quy định về các chức danh được tổ chức quốc tang và luật về cán bộ công chức.

Bài viết trên Facebook của Nguyễn Anh Tuấn giải thích: "Nghị định 105/2012/ND-CP quy định việc lễ quốc tang cho cá nhân chỉ áp dụng trong những trường hợp sau:

- Bốn vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị: TBT, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc Hội.

- Bộ Chính trị quyết định quốc tang cho CÁN BỘ CẤP CAO khác, có công lao đặc biệt, uy tín quốc tế to lớn.

"Mà một trong những điều kiện để là CÁN BỘ, theo Luật Cán bộ Công chức 2008, phải là 'công dân Việt Nam'".

Truyền thông Việt Nam đưa tin, trong ngày 04/12, các cơ quan, công sở tại Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài "treo cờ rủ, có dải băng tang như quy định, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng".

Ngoài Việt Nam, một số quốc gia khác cũng tổ chức quốc tang cho ông Fidel Castro, như Bắc Triều Tiên, Venezuela. Nicaragua cũng để quốc tang bằng thời gian ở Cuba, 9 ngày, Algeria để tang 8 ngày.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét