Đoan Trang
Rùa Oogaway trong Kungfu Panda 2008. |
19/1: Trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12, Cụ Rùa Hồ Gươm
tịch. Các báo chỉ đưa tin, không bình luận gì thêm. Cộng đồng mạng bắt
đầu xì xào về một điềm gở cho Đảng Cộng sản.
20/1: Đại hội Đảng lần thứ 12 chính thức khai mạc. Trước và trong
thời gian này, nhiều trang web “truyền thông đen” ra đời, nhân danh “sự
thật” để vạch mặt, phơi áo nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và đánh phá
phe thân Nguyễn Phú Trọng. Trước mắt dân chúng, Đại hội Đảng 12 đã thể
hiện hệt như một xới vật.
Đại hội kết thúc với thất bại thuộc về phe Nguyễn Tấn Dũng. Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chức vụ người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Ngoài ra, Đảng đã chọn ra bộ máy nhân sự lãnh đạo cả nước, gồm Chủ tịch
Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Thị Kim Ngân.
6/2: Trang facebook Vận Động Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội 2016 ra
đời, công khai ủng hộ cho các ứng viên độc lập vào Quốc hội khóa 14
(nhiệm kỳ 2016-2021). Phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội bắt đầu, và
các hoạt động đánh phá ứng viên độc lập của lực lượng an ninh và dư
luận viên cũng bắt đầu, rầm rộ hơn so với tất cả các năm trước.
15/3: Cuốn sách “Anh Ba Sàm” của Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội ra mắt
trên mạng Amazon. Đây là cuốn sách đầu tiên về một tù nhân lương tâm ở
Việt Nam, cũng là tác phẩm song ngữ Anh-Việt, gồm một tuyển tập các bài
viết về blogger Ba Sàm và các sai phạm của công an trong vụ án Ba Sàm
Nguyễn Hữu Vinh.
23/3: Phiên xét xử sơ thẩm blogger Ba Sàm và cộng sự Nguyễn Thị
Minh Thúy diễn ra tại Hà Nội. Hàng trăm người kéo đến tòa dự nhưng không
được vào, trong đó có cả một số chính khách phương Tây như Dân biểu Đức
Martin Patzelt, quan chức các đại sứ quán Thụy Điển, Nauy, Phái đoàn EU
tại Việt Nam, v.v. Trong khi đó, bên trong phòng xử án, dày đặc an ninh
và sinh viên các trường đại học của công an.
Ngoài và trong phòng xử án.
Nguồn ảnh: Hội Anh Em Dân Chủ
Mặc dù không chứng minh được tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm
hại lợi ích quốc gia” của ông Vinh và bà Thúy, song Tòa án Nhân dân TP.
Hà Nội vẫn kết án ông Nguyễn Hữu Vinh bị kết án 5 năm tù, bà Nguyễn Thị
Minh Thúy 3 năm tù.
Lê Xuân Diệu bị chọi mắm tôm. Ảnh: Sương Quỳnh |
28/3: Cái gọi là “quần chúng tự phát” đã ném mắm tôm vào những
người ủng hộ Hoàng Văn Dũng, là ứng viên độc lập đầu tiên bị loại trong
hội nghị lấy ý kiến cử tri. Ông nhận được 4 phiếu thuận trên tổng số 57
phiếu.
4/4: Ngư dân Nguyễn Xuân Thành (36 tuổi, thôn Ba Đồng, phường Kỳ
Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lặn biển và bất ngờ phát hiện một đường ống xả
thải khổng lồ chôn dưới đáy biển, nối từ khu vực dự án Formosa thuộc khu
kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh). Cũng từ đầu tháng 4, cá bắt đầu chết hàng
loạt trên vùng biển Vũng Áng ở Hà Tĩnh, rồi tới Quảng Bình, Quảng Trị,
Thừa Thiên-Huế...
7/4: Tại Hà Nội, Trung úy Nguyễn Văn Bắc (SN 1983, cảnh sát khu
vực phường Trung Liệt, quận Đống Đa) bất thình lình kiểm tra nhà dân
nhưng bị từ chối. Trung úy đã nhổ nước bọt vào mặt cô Trần Phương Linh
(SN 1992) và bị quay clip. Clip lan nhanh trên mạng xã hội trong ngày
8/4, buộc Công an quận Đống Đa phải vào cuộc xác minh. Trung úy Bắc ban
đầu phủ nhận việc nhổ nước bọt, nhưng cuối cùng, ngày 11/4, đã chấp nhận
xin lỗi cô Linh, ngoài ra không bị xử lý gì thêm.
Cử tri ở phường TS. Nguyễn Quang A. |
9/4: Tiến sĩ Nguyễn Quang A – ứng viên ĐBQH độc lập – bị loại áp
đảo vì “không thường xuyên tham dự các cuộc họp ở tổ dân cư” và “không
có đóng góp gì cho đất nước”. Ông được 6 phiếu ủng hộ trong số 75 phiếu
bầu. Trước đó ông đã nhận được hơn 5000 chữ ký từ những người ủng hộ
trên cả nước.
Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện giành được 6 trong tổng số 66 phiếu
tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Một cuộc họp khác với cơ quan
của ông đã được tổ chức ngày hôm trước, mà ban kiểm phiếu phải mất 30
phút để kiểm đếm chỉ 58 phiếu.
Đến tối, Nguyễn Kim Môn được 3/81 phiếu. Ông bị tố là “không chịu moi cống”.
Giữa chừng hội nghị lấy ý kiến cử tri, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Tường
Thụy và Phạm Chí Thành tuyên bố quyết định tẩy chay cuộc đấu tố.
10/4: Hội nghị lấy ý kiến cử tri của thầy giáo Đỗ Việt Khoa tại
nơi cư trú, được tổ chức với một nửa số người tham dự là công an mặc
thường phục được cử đến từ những nơi khác. Người tổ chức thông báo cấm
tuyệt đối ghi âm hay ghi hình. Tổ trưởng dân phố của ông tố cáo ông đã
“để chó nhà mình ỉa sang vườn nhà hàng xóm”. Ông vẫn giành 13 phiếu ủng
hộ từ những người hàng xóm thật sự của mình, trên 75 phiếu, rồi mới bị
loại.
Các diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và
đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, xin xem báo cáo Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam.
Hai ứng viên Đặng Bích Phượng và Nguyễn Thúy Hạnh.
Nguồn ảnh: trang Vận Động Ứng Cử Đại Biểu Quốc Hội 2016
14/4: Tại TP.HCM, Thượng sĩ công an Lương Việt Hà dùng thế võ
hiểm quật ngã anh Phạm Thiện Minh Phong, một người bán hàng rong, gây
chấn thương. Lý do là anh Phong không chịu đóng 700.000 đồng “hụi chết”
mỗi tháng như những người bán hàng rong khác.
21/4: Thanh Niên đưa tin, tính đến ngày này, người dân ven biển Quảng Trị đã thu gom được khoảng 30 tấn cá chết.
22/4: Giữa cơn khủng hoảng cá chết, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản
Nguyễn Phú Trọng đến Vũng Áng để thăm và kiểm tra tiến độ dự án Formosa.
Ông không gặp gỡ, tiếp xúc với người dân nào ở địa phương và cũng chẳng
có phát biểu gì sau chuyến thăm.
25/4: Ông Chu Xuân Phàm (Chou Chun Fan), Phó phòng đối ngoại
Formosa, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội, nói với báo chí rằng người
dân Việt Nam chỉ có thể chọn giữa tôm cá và thép. Phát ngôn gây phẫn nộ
trong dư luận. Chiều 26/4, Chu Xuân Phàm và lãnh đạo Formosa ở Hà Tĩnh
đã tổ chức họp báo và cúi đầu xin lỗi. 27/4, ông này xác nhận bị đuổi
việc, về lại Đài Loan.
Thú cướp băng-rôn của cán bộ TP.HCM. Nguồn ảnh: Tin Mừng Cho Người Nghèo |
Trong chương trình Thời sự 19h tối, Truyền hình Việt Nam đưa lại bản tin
do Truyền hình An ninh (An ninh TV) sản xuất, nói rằng công an đã bắt
ông Trương Minh Tam (thành viên phong trào Con đường Việt Nam) và ông
Chu Mạnh Sơn (đảng Việt Tân) vì tội “quay phim, chụp hình, phỏng vấn”
người dân địa phương với “ý đồ biên tập phóng sự, phát tán trên các
trang mạng xấu để kích động biểu tình, gây phức tạp về an ninh trật tự
trên địa bàn”.
Ảnh: Nickie Tran |
8/5: Biểu tình nổ ra lần thứ hai ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang,
Vũng Tàu… và bị lực lượng an ninh tung quân ngăn trở. Người biểu tình bị
đàn áp ngang nhiên và dã man ở Hà Nội, Sài Gòn: Có vẻ như tất cả những
gương mặt mới và phụ nữ mang theo con nhỏ đều trở thành trọng tâm để
công an, dân phòng và những lực lượng không rõ chức năng nhằm vào tấn
công. Chị Hoàng Mỹ Uyên, một chủ quán café của giới văn nghệ sĩ ở Sài
Gòn, bị đấm vào mặt, gây thương tích, trong khi chị vẫn ôm con gái nhỏ.
Cùng với làn sóng phẫn nộ dâng lên trong cộng đồng mạng về việc “công an
đánh người tuần hành ôn hòa” là một làn sóng dư luận viên ồ ạt định
hướng độc giả theo hướng biến nạn nhân thành thủ phạm. Xảo thuật biến
nạn nhân thành thủ phạm này đã, đang và sẽ còn được dư luận viên tiếp
tục sử dụng trong nhiều sự kiện khác.
Các diễn biến liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra,
xin xem báo cáo “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển miền Trung” của nhóm
Green Trees/ Vì Một Hà Nội Xanh.
23/5: Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Việt Năm. Trong lịch
trình, có một sự kiện quan trọng đối với phong trào dân chủ: Sáng 24/5,
ông Obama gặp gỡ một số đại diện của khối xã hội dân sự ở Việt Nam (cả
tổ chức độc lập lẫn tổ chức chịu sự kiểm soát của nhà nước). Kết quả:
Cuộc gặp diễn ra với 9 trên 15 ghế trống. Những nhà hoạt động xã hội dân
sự, nếu không chấp nhận sự “quản lý” của nhà nước, đều bị chặn bắt tại
nhà hoặc trên đường đến nơi họp mặt.
Nguồn ảnh: Zing |
Tại Sài Gòn, hàng nghìn người dân đã đổ xô ra đường chào đón Tổng thống
Mỹ. Trước đó hơn nửa năm, cũng người dân Sài Gòn đã biểu tình dữ dội,
phản đối Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình khi
họ Tập sang Việt Nam theo lời mời của “đảng em”.
5/6: Nhóm Green Trees (Vì Một Hà Nội Xanh) tổ chức tuần hành ở Hà
Nội, kêu gọi bảo vệ môi trường, phản đối Formosa và yêu cầu Quốc hội
thể hiện trách nhiệm thay vì im lặng “thủ khẩu như bình”. Biểu tình bị
công an dẹp chỉ sau 10 phút. Công an cũng bắt tất cả những người biểu
tình về đồn và thẳng tay đánh hội đồng facebooker Phạm Nam Hải.
Phong trào tự xuất bản kiểu Việt Nam (samizdat) tiếp tục với sự ra mắt
cuốn sách Từ Facebook xuống đường (NXB Hoàng Sa), kỷ niệm 5 năm ngày
diễn ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đánh dấu sự ra đời và lớn
mạnh của phong trào xã hội dân sự đòi dân chủ-nhân quyền.
Nguồn: An ninh Thủ đô |
10/6: Công an nai nịt kỹ càng, bủa vây nhà bà Cấn Thị Thêu – “người nông dân nổi dậy”, gương mặt lãnh đạo chủ chốt của dân oan Dương Nội – từ sáng sớm, khi gia đình còn đang ngủ. Họ bắt bà (lần thứ hai) với tội danh “gây rối trật tự công cộng”, do đã tham gia một cuộc mít-tinh từ… ngày 8/4 kỷ niệm 10 năm ra đời Khối 8406.
14/6: Máy bay Su-30MK2, số hiệu 8585, mất liên lạc cùng hai phi
công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường
(39 tuổi). Một ngày sau, thiếu tá Cường được ngư dân cứu sống.
16/6: Máy bay quân sự Casa-212, số hiệu 8983, chở theo 9 người,
cất cánh đi tìm Su-30MK2 và thượng tá Khải. Sau đó lại mất liên lạc và
mất tích.
Theo VnExpress, chiến dịch tìm kiếm phi công Su-30 và chiếc Casa mất
tích được huy động lên đến 2.700 người thuộc các lực lượng của Quân khu
4, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phòng không không quân. Hơn 250
phương tiện gồm 14 máy bay, 183 tàu… quần thảo cả ngày lẫn đêm trên vùng
trời, vùng biển. Nhưng kết quả là đều chỉ có ngư dân tìm ra những phi
công bị nạn.
17/6: Nhà báo Mai Phan Lợi – admin Diễn đàn Nhà báo Trẻ – đưa lên
Diễn đàn một khảo sát (poll) với nội dung: “Vì sao máy bay Casa 212 tan
xác?”. Ông không biết rằng mình đã “vạ miệng”: Ngay lập tức, nhiều
thành viên của Diễn đàn (cũng là những người làm báo) lên tiếng chỉ
trích admin vì hai từ “tan xác”.
Cũng trong đêm 17 và sáng 18/6, poll có thêm một loạt phương án trả lời
do các thành viên tự gợi ý, như: Máy bay bị bắn; Máy bay chất lượng kém
do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật… Tối 18/6, ông
Lợi xin lỗi và gỡ bỏ khảo sát, nhưng đã muộn. Petro Times, Người Đưa
Tin, VTV cùng một loạt cơ quan báo chí khác đổ xô vào phẫn nộ, tố cáo,
thậm chí đòi truy tố ông Lợi. Hậu quả là ông Mai Phan Lợi bị tước thẻ
nhà báo, đuổi việc.
Ông Mai Phan Lợi là sáng lập viên Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng
đồng MEC, một trong hai tổ chức xã hội dân sự có giấy phép hoạt động
trong lĩnh vực truyền thông. Ông cũng là một trong sáu người “được phép”
đến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24/5.
30/6: 17h, Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân cá chết:
xác định đích danh thủ phạm là Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp
Formosa Hà Tĩnh. Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Công ty, cúi đầu xin lỗi cử
tọa và cam kết bồi thường 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu:
“Formosa đã nhận lỗi… Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”, “Việc
đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn
khoan hồng, độ lượng”.
500 triệu USD "nhiều" tới mức nào? (nguồn: Green Trees) |
Trong buổi tối và đêm, hàng loạt facebooker gồm luật sư, nhà báo, nhà
hoạt động nhân quyền-dân chủ… đã lên tiếng kịch liệt phản đối việc Chính
phủ tự ý đứng ra thỏa thuận với Formosa mà không tham vấn người dân, và
chấp nhận một mức giá bồi thường vô cùng rẻ mạt.
Từ việc yêu cầu điều tra và minh bạch hóa nguyên nhân cá chết, phong
trào XHDS đã chuyển sang hướng yêu cầu khởi tố Formosa hoặc đuổi Formosa
khỏi Việt Nam, “Formosa cút đi!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét