Hòa Ái - RFA
Ảnh minh họa
Hội thảo Khoa học “Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ
sau 30 năm đổi mới”, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Cần
Thơ, hồi cuối tháng 10 cho biết làn sóng di cư khỏi vùng đồng bằng sông Cửu
Long đáng báo động, trong đó nữ giới chiếm tỉ lệ cao. Đời sống di cư của những
phụ nữ miền Tây như thế nào?
Tỉ lệ nữ giới Tây Nam Bộ di cư cao
Đồng bằng sông Cửu Long ở miền Tây Nam Bộ, có diện tích rộng
40 ngàn km2. Kể từ thời khẩn hoang và xuyên suốt chiều dài lịch sử của Việt
Nam, nơi đây nổi tiếng là vùng đất của chim trời cá nước, gạo trắng nước trong,
cây trái xum xuê…Vùng đất này được xem như là một nơi dễ sống với mật độ dân số
khoảng 18 triệu người, đóng góp cho quốc gia đến 90% sản lượng gạo và 60% sản
lượng thủy sản xuất khẩu trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, thật khó hình dung nỗi
trong vòng 20 năm, tính đến năm 2014, có hai triệu người di cư khỏi đồng bằng
sông Cửu Long. Hiện tượng này được ghi nhận là đáng báo động vì theo số liệu thống
kê chỉ riêng trong vòng 5 năm, từ 2009 đến 2014, số người di cư chiếm hơn nửa
triệu. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng di cư được nêu ra trong Hội thảo
Khoa học “Phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới” là do
biến đổi khí hậu. Thế nhưng, theo nhận định của nguyên Viện trưởng Viện Chính
sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn với
Đài RFA bên cạnh biến đổi khí hậu còn có những nguyên nhân khác, như do đói
nghèo hoặc do sự hấp dẫn của các đô thị hay do sự thay đổi của giới trẻ không
muốn gắn bó với nông thôn.
Có thể nói nữ giới là thành phần chủ chốt trong làn sóng di
cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua. Có phải họ ra đi vì những
nguyên nhân như vừa nêu hay không? Để tìm lời giải đáp, Hòa Ái trao đổi với một
số chị em phụ nữ miền Tây đã bỏ quê nhà ở nông thôn để tìm cuộc sống mới bằng
nhiều nghề khác nhau. Họ cho biết không thể đeo đuổi nghề nông truyền thống vì
tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng cũng như không thể trụ
lại vùng châu thổ sông Cửu Long vì công ăn việc làm không có nhiều và việc buôn
gánh bán bưng không mang lại thu nhập ổn định.
Cuộc sống di cư nhiều rủi ro
Những cô gái mười tám, đôi mươi tốt nghiệp phổ thông trung học
tìm kiếm công việc làm trong những hãng xưởng ở các khu công nghiệp tại Sài
Gòn, Bình Dương, Đồng Nai…Để thay đổi từ nếp sinh hoạt quen thuộc thôn quê dân
dã sang thích nghi với nhịp sống công nhiệp đối với những cô gái miền Tây là điều
không phải dễ. Một nữ công nhân, quê Bến Tre, làm việc tại Khu chế xuất Linh
Trung ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh nói về công việc hàng ngày nơi đô
thị:
“Lúc đi làm thì người ta yêu cầu mình phải tăng ca, tức là
phải làm từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, mà chỉ có một tiếng đồng hồ ăn
cơm giờ buổi khuya và nghỉ ngơi thôi. Lúc đó mình cứ bị xỉu liên miên. Cứ đi
làm ca 3 là mình không đủ sức khỏe thì xỉu. Tại vì ca 3 bắt buộc ban ngày phải
ngủ, nhưng sống trong khu lưu trú chung với mọi người nên đi làm về ngủ là giờ
sinh hoạt của người khác nên mình không ngủ được.”
Mặc dù cuộc sống mới của những nữ công nhân quê miền Tây Nam
Bộ khá vất vả nhưng họ cho biết đồng lương kiếm được chỉ đủ trang trải cho cuộc
sống cá nhân hàng ngày. Riêng đối với nữ giới, những người có trình độ học vấn
không hết bậc phổ thông và có hoàn cảnh gia đình nghèo khó thì họ kiếm sống bằng
các công việc, có thể gọi là “nhạy cảm”. Một cô gái rời quê ở Tiền Giang được 4
năm và hiện đang làm việc trong quán karaoke ở một thành phố lớn chia sẻ về
công việc hàng ngày của mình:
Nạn hạn hán và xâm nhập mặn được cho là nặng nhất trong vòng
100 năm qua, ảnh chụp ngày 8 tháng 3 năm 2016. AFP PHOTO
“Nhiệm vụ là ngồi ca và nhậu với khách. Vậy thôi hà. Khách
nào lịch sự thì không làm gì nhưng khách nào không lịch sự thì họ táy máy tay
chân. Em nói vậy chị hiểu mà. Em thừa biết công việc như vậy nhưng vì đồng tiền
lo cho cuộc sống của con em nên em phải chấp nhận và cố gắng làm.”
Với những công việc như thế này, nhiều phụ nữ miền Tây đánh
đổi sức khỏe vì bệnh tật do phải uống nhiều bia rượu ngày qua ngày để có thể
gánh vác đủ chi tiêu trong cuộc sống không chỉ cho mình mà còn cho người thân.
Bên cạnh đó, có không ít những em gái rất trẻ quyết định chọn nghề mại dâm vì
đây là cách có thể kiếm nhiều tiền hơn so với các công việc khác để phụ giúp
gia đình. Một em gái quê ở Long An tâm sự:
“Trong hoàn cảnh của mình thì em đành nhắm mắt một thời gian
ngắn gọi là tạm thời. Khi mà em có một số tiền như em mong hoặc hơn em mong, em
toàn là gởi về nhà”.
Không chỉ vậy, trong những năm gần đây, các cô gái miền Tây
hành nghề mại dâm còn chọn cuộc sống mưu sinh nổi trôi ở một quốc gia Đông Nam
Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia…Và còn một thành phần rất đông chị em phụ nữ
miền Tây chọn cách lấy chồng ở một số nước Châu Á với hy vọng có cuộc sống tốt
hơn nơi xứ người. Đây là lời tâm tình của một “cô dâu” ở Đài Loan:
“Nói chung, nói thẳng, nói thiệt thì đa số chị em Việt Nam lấy
chồng ở nước ngoài là vì chữ hiếu gia đình. Qua đây đâu có tình thương đâu.
Không hạnh phúc thì nhiều lắm. Rất ít người được hạnh phúc.”
Theo số liệu thống kê được công bố vào năm 2012, phụ nữ khu
vực Tây Nam Bộ kết hôn với người nước ngoài chiếm đến 79%. Họ chấp nhận một người
chồng xa lạ qua môi giới, lớn hơn nhiều tuổi và bất đồng ngôn ngữ lẫn văn hóa với
mong muốn đổi đời. Tuy vậy, đa số những “cô dâu” miền Tây ngậm ngùi cho số phận
hẩm hiu mà thê thảm nhất như trường hợp của chị Võ Thị Minh Phương, quê Cần
Thơ, ôm hai con nhỏ nhảy lầu tự tử sau một năm sinh sống cùng chồng ở Hàn Quốc.
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do dành cho những phụ nữ
di cư nhưng không may mắn trong cuộc sống mới rằng có bao giờ muốn trở về sinh
sống nơi mảnh đất miền Tây, hầu hết người nào cũng tiếc nuối cuộc sống giản đơn
ngày xưa cũ dù nghèo nhưng không đói với những đồng lúa cò bay thẳng cánh, những
mùa nước nổi đầy ắp cá tôm…Và ai ai cũng trông mong một ngày về, nhưng biết bao
giờ những nhánh lục bình có thể ngược dòng trở lại vùng đất phù sa thân yêu
mang tên đồng bằng sông Cửu Long?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét