Ngọc Lan
Nhu cầu cần người giúp việc nhà cao, nhưng để một người có
thể giúp việc lâu dài tại một ngôi nhà lại là chuyện hoàn toàn khác. (Hình minh
họa: Getty Images)
WESTMINSTER, California (NV) – “Cần người giữ trẻ, phụ việc
nhà. Phải ở lại đêm. Lương từ $1,400,” “Cần người đưa đón 2 trẻ, biết nấu ăn, từ
Thứ Hai đến Thứ Sáu, lương từ $1,500, thương lượng theo kinh nghiệm,” “Cần một
cô siêng năng sáng đến tối về, phụ việc nhà và nấu ăn, làm Thứ Hai đến Thứ Bảy,”
“Cần một người nữ trông nom bà cụ, bao chỗ ở có phòng riêng, trả lương hậu”…
Những yêu cầu như thế được đăng hàng ngày trên mục Rao Vặt của
nhật báo Người Việt có lẽ đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhưng có lẽ
không ít người sẽ tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng nhu cầu tìm người giúp việc
nhà hiện nay cao hơn cả nhu cầu tìm người làm việc cho các văn phòng, hay cho
các chợ, nhà hàng.
Nhu cầu cần người giúp việc nhà cao, người nhận phụ giúp việc
nhà cũng không thiếu, thế nhưng để một người có thể giúp việc lâu dài tại một
ngôi nhà lại là chuyện hoàn toàn khác.
Các lý do cần mướn người phụ việc nhà
Phần đông người được phỏng vấn đều cho rằng họ bắt đầu tìm
kiếm người giúp việc khi gia đình có một đứa trẻ chào đời, dù rằng sau đó vai
trò của người phụ nuôi trẻ có thể “biến tướng” theo nhiều các khác nhau.
“Tôi thuê người giúp việc từ năm 2006, khi sanh đứa con đầu
lòng,” cô Christina Ngọc Cao, người phụ nữ hiện có ba con nhỏ ở Victorville,
cho biết.
Lý do cần phải có người giúp, theo cô, vì “cả hai vợ chồng
tôi đều đi làm ‘full time’ nên cần có người ở nhà chăm lo cho em bé.”
Chị Diệu Nguyễn ở Anaheim cũng bắt đầu thuê người giúp việc
từ khi chị sanh em bé. Hiện nay, dù con chị đã gần 6 tuổi, nhưng người giúp việc
vẫn là nhu cầu chị không thể thiếu, bởi vì, “Sau khi đi làm về mệt, tôi rất ngại
dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, ủi đồ, rửa chén bát…” chị Diệu cho biết.
“Tôi nghĩ mỗi người có một công việc của riêng mình, như tôi
có thể kiếm được nhiều tiền hơn với những công việc bên ngoài, về nhà tôi chỉ
muốn nghỉ ngơi. Tôi dùng tiền kiếm được đó trả lương lại cho những người giúp
việc nhà. Hai bên đều có lợi với những mục đích của mình,” chị Diệu giải thích
thêm.
Chị Anna Phạm ở Garden Grove thì lại cần người đưa đón hai
con đến trường mỗi ngày, vì “Tôi không thức sớm để đưa con đi học được.” Dĩ
nhiên, sau khi đưa các bé tới trường thì người giúp việc sẽ tiếp tục các công
việc còn lại trong nhà như nấu ăn, lau dọn nhà cửa. Đến giờ thì đón hai bé về
nhà hoặc chở đến nơi học thêm, rồi cho ăn uống, rửa dọn, và trở về nhà của
mình.
Bên cạnh lý do mướn người vì gia đình có trẻ con thì có gia
đình cần người giúp việc vì nhà toàn… đàn ông.
“Nhà tôi bắt đầu mướn người giúp việc từ hơn ba năm trước,
lúc vợ tôi bị bệnh, không thể làm việc nhà được, trong khi gia đình chỉ có bà
là phụ nữ, tôi và hai đứa con trai đâu biết chuyện nấu nướng bếp núc,” ông Hiển
Nguyễn hiện ở Anaheim cho biết.
Cũng có gia đình tìm người phụ việc với mục đích chăm sóc
người già.
“Bố tôi mất đã lâu, mẹ thì năm nay ngoài 80 rồi. Các anh chị
em tôi đều có gia đình ở riêng, ai cũng phải lo cho cuộc sống của riêng họ. Chỉ
có tôi độc thân sống với mẹ, nhưng tuổi tôi cũng lớn rồi, tôi cũng còn đi làm,
không đủ thời gian chăm sóc bà cụ. Mà đưa vào viện dưỡng lão thì tôi không muốn,
nên cách hay nhất là thuê người đến ở cùng để vừa chăm sóc, vừa có người cho bà
cụ trò chuyện,” bà Nga Trần ở Elmonte, cần người phụ giúp, cho biết như vậy.
Người giúp việc là ai?
Dù chỉ đây đó vài mẩu Rao Vặt ghi rõ “Cần cô từ Việt Nam mới
qua giữ em bé và phụ việc nhà…” nhưng thực tế cho thấy hầu hết người làm công
việc này đều mới từ Việt Nam sang định cư, muốn có một việc làm ngay mà không
đòi hỏi tiếng Anh hay điều kiện khó khăn gì.
“Chị đầu tiên tôi mướn là vừa mới ở Việt Nam qua, đâu chừng
45 tuổi, là người trẻ nhất trong số những người tôi mướn. Khi đó tôi còn ở Los
Angeles. Chị làm cho tôi hơn năm năm, sáng đến chiều về. Khá ưng ý. Nhưng khi
tôi dọn nhà về Anaheim thì xa quá chị không theo được, phải kiếm người khác,”
chị Diệu kể.
Với ông Hiển thì, “Khi mới bắt đầu, tôi cũng thuê được một
cô khoảng chừng 50 tuổi, ở Việt Nam mới qua, làm việc cũng vừa ý lắm. Cô làm được
ba năm thì mẹ cổ già yếu, cổ phải nghỉ việc nhà tôi để lo chăm sóc cho mẹ cô.”
Cô Anna cũng cho rằng, “Mỗi lần cần người thì tôi đăng báo
tìm, ai cần việc thì gọi cho mình. Mà đúng là hỏi ra thì cũng nhiều người mới từ
Việt Nam qua một năm có, vài ba năm cũng có.”
Bên cạnh đó là một số ít người từng làm việc hãng xưởng bị
sa thải, hoặc một số người có con cái đã lớn, còn sức khỏe tốt, yêu thích trẻ
con, muốn kiếm thêm tiền giúp đỡ thân nhân còn ở quê nhà.
Cô Christina kể, “Nhà tôi mướn người trước giờ cũng khoảng bảy
hay tám người rồi, phần lớn là người lớn tuổi đã ở đây lâu, chỉ có một cô mới từ
Việt Nam sang. Trong đó có một cô rất lạ, nghe nói con cái cô lớn hết rồi,
nhưng gia đình ở Việt Nam hết, nên làm bao nhiêu tiền cô đều gửi hết về bên
đó.”
Đặc biệt, có một số người đi du lịch, thăm gia đình, và muốn
tìm cách ở lại Mỹ cũng chọn làm công việc này, vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa
có nơi ăn chốn ở trong thời gian chắt chiu, dành dụm chờ cơ hội được trở thành
công dân của xứ tự do.
“Vì đã có ý định ở lại đây, nên chỉ sau hơn một tháng tới Mỹ
theo diện du lịch là tôi nhờ người quen tìm việc làm giúp. Họ giới thiệu tôi tới
chăm sóc cho một bà cụ lớn tuổi, bao ăn ở. Họ trả lương $2,000/tháng, đó là
chưa kể các con của bà ở riêng, cũng khá giả, mỗi tuần họ ghé thăm bà, lại cho
tôi thêm tiền. Tôi nấu ăn được, chăm sóc bà cũng kỹ, nên cô con gái lớn của bà,
cũng ngoài 60 rồi, độc thân, còn đề nghị với tôi rằng, sau này khi bà mất, thì
tôi hãy cứ tiếp tục ở đó, chăm sóc cho cô ấy, đừng có lo gì về chuyện tương
lai,” cô Thủy Phạm, một người từng làm giúp việc nhà, nhớ lại.
Nhưng sau hơn một năm phụ chăm sóc bà cụ, cô Thủy không thể
tiếp tục công việc này, dù lương bổng khá cao với cô, bởi “tôi thấy bị căng thẳng
quá, suốt ngày giam mình trong nhà, tôi muốn ra ngoài làm, có sự giao tiếp, để
còn biết thế giới xung quanh là gì,” cô nói. Tuy nhiên, với số tiền tích cóp được
trong hơn một năm làm việc, “hầu như chẳng xài đến một đồng tiền lương, vì mọi
thứ các con của bà cụ lo cho tôi hết rồi,” cô Thủy nói, và cho biết đã có một số
vốn kha khá để chuẩn bị cho tương lai.
Và, như luật bất thành văn, những người giúp việc nhà đều
lãnh lương bằng tiền mặt. Chỉ một ngoại lệ, như chị Anna cho biết, “Có một người
đòi trả check, 1099. Mà trả vậy thì nếu đóng thuế rồi thì còn bao nhiêu đâu.
Thành ra tôi phải trả thêm phần chịu thuế cho họ.”
Chủ nhà và người giúp việc – chuyện dài muôn thuở
Việc thỉnh thoảng chủ nhà lại phải đăng báo tìm hay nhờ người
quen tìm người giúp việc khác cũng không là chuyện hiếm hoi với những người có
nhu cầu, với nhiều lý do khác nhau, trong đó, lý do chính là “không hợp nhau.”
Chị Anna chia sẻ, “Tính tôi dễ dãi lắm, tôi chỉ cần người
đưa đón, nấu ăn chủ yếu cho hai đứa con thôi, không có đòi hỏi cầu kỳ gì hết,
chợ búa họ cũng tự đi, về nói bao nhiêu tôi trả lại bấy nhiêu. Do nhà tôi buôn
bán, nên điều tôi cần nhất ở người giúp việc là tính thật thà.”
Cũng theo lời chị Anna, người giúp việc cho nhà chị lâu nhất
cũng gần bốn năm.
“Chị ấy nấu ăn không phải xuất sắc, làm việc nhà cũng không
kỹ lắm, nhưng chị lo cho hai đứa nhỏ tốt, và rất thật thà. Tôi buôn bán mà, có
khi tiền đút túi cả mấy ngàn không nhớ, rồi bỏ vô máy giặt. Khi giặt tiền bay
ra tùm lum. Chị gom lại đưa trả cho mình, mà không phải một lần. Khi chị bận việc
gia đình phải nghỉ, tôi tiếc lắm.”
Chị Anna cũng phải mướn, rồi lại cho nghỉ việc nhiều người
sau đó, vì ngoài lý do “ăn cắp tiền, ăn cắp đồ,” còn lý do vì “bướng.”
“Nhiều người ngộ quá, hình như họ không hiểu được rằng khi
đi làm, cho dù làm bất cứ công việc gì, thì cũng phải theo ý chủ. Đằng này, họ
chỉ muốn làm theo ý họ thôi. Nói hoài không được thì cho họ nghỉ,” chị Anna
nói.
Theo chị Anna, mướn người giúp việc nhà ở độ tuổi 50 là
thích hợp nhất. Vì, “Ở tuổi đó, họ không còn thích bay nhảy thay đổi nhiều, họ
luôn muốn làm việc ổn định lâu dài, nếu thích hợp. Tuổi đó cũng không phải là
tuổi quá yếu ớt để mình phải lo lắng thay cho họ.”
Với chị Diệu thì “Người nào đến với mình lúc đầu cũng đều lạ
hết, đâu biết ai là ai, thì mình phải huấn luyện họ theo ý mình muốn, từ việc sử
dụng máy giặt đến việc ủi quần áo, nấu nướng, lau dọn…”
“Mỗi tuần mình đi chợ, rồi muốn nấu gì thì nói để người giúp
việc làm. Nhưng với người làm lâu rồi thì không cần phải nói nữa, vì biết ý
nhau. Tôi không thích mướn người ở lại đêm, vì không muốn sự riêng tư của mình
bị dòm ngó. Cứ 11 giờ sáng họ đến, mình mở cửa cho họ vào, rồi tối 8 giờ tối họ
về, cứ vậy, sáu ngày một tuần,” chị Diệu nói.
Chị Diệu cho biết chị cũng phải thay đổi hơn 10 người giúp
việc, lý do duy nhất vì “không hợp nhau, chứ không phải có sự xích mích gì hết.”
Ông Hiển thì “than thở,” “Không hiểu sao thời điểm này mướn
người khó quá! Gia đình tôi mướn nhiều người lắm rồi, mà cũng trời ơi lắm! Hình
như nhiều người ở Việt Nam sung sướng quá rồi nên qua đây không thể làm việc được
thì phải.”
“Mà tôi nghĩ nếu ai đã làm ở nhà tôi không được thì chắc
cũng chẳng làm ở đâu được, vì chợ thì tôi đã đi theo yêu cầu của vợ tôi, người
làm chỉ cần nấu. Mà có khi một món nấu ăn hai hoặc ba ngày chứ đâu phải nấu mỗi
ngày. Nhà chỉ có vợ tôi ở nhà suốt, còn hai đứa con trai đi làm chiều tối mới về.
Tôi cũng đi ra ngoài nhiều. Việc nhà không bao nhiêu, có muốn làm nhiều cũng
đâu có chuyện gì đâu mà làm, chỉ là có người cho bà vợ tôi đỡ buồn thôi,” ông
Hiển chia sẻ.
Theo ông Hiển, có người đến làm một ngày thì nghỉ, có người
ba ngày nghỉ, có người thì người muốn đi làm lại không biết lái xe, đi xe buýt
cũng không tiện.
“Tôi nghĩ ai qua Mỹ, muốn đi làm gì, dù giúp việc nhà, cũng
nên tự học lái xe, để đừng phụ thuộc ai hết. Chứ như có một bà đến phụ việc nhà
tôi. Bà thì thích làm, nhưng ông chồng phải đưa đón mỗi ngày, rồi khi bà lãnh
lương, chắc không gửi cho ông tiền cà phê cà pháo hay sao mà ông không chở đi
làm nữa,” ông Hiển cười kể lại.
Đây cũng là một trong những trường hợp cô Christina gặp phải.
Cô kể, “Có một cô làm mà tôi ưng ý lắm. Nhưng mà cô không biết
lái xe. Mỗi Chủ Nhật mình phải đi đón cô, mỗi bận đi về là hết 3 tiếng, rồi Thứ
Sáu lại phải chở cô về, lại mất thêm 3 tiếng nữa. Cứ vậy kéo dài mấy tháng, chịu
không nổi, đành phải cho cô nghỉ.”
Ngoài ra, lý do cô phải thay người là vì “mình phải phục vụ
lại cho họ nên mình thấy mệt quá!”
“Nói nhờ người giữ con, phụ nấu ăn, nhưng họ chỉ giữ em bé.
Mình đi làm về, có khi phải đi dọn cơm, mời họ ăn, rồi dọn dẹp nữa. Nhà cửa thì
cuối tuần hai vợ chồng phải chia nhau dọn, không dám nói họ làm, trừ người nào
tự giác làm thì làm. Có cô làm được việc thì lại có nhiều chuyện buồn gia đình,
nên cứ chờ mình đi làm về là cô ngồi kể. Lúc đầu mình còn nghe, khóc với cô,
nhưng sau đó thấy cứ vậy hoài, mình cũng bị mệt mỏi theo, trong khi cuộc sống của
mình cũng cần phải lo, nên thôi, đành phải cho cô nghỉ,” cô Christina cho biết.
Và sau bảy năm “lận đận” với chuyện tìm người, thay người
giúp việc, hiện tại, cô Christina không mướn ai nữa hết mà “vợ chồng chia nhau
làm việc nhà. Có thể dơ một chút, bầy hầy một chút, nhưng mà thấy không bị căng
thẳng đầu óc nữa.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét