Kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra ở Hà Nội
từ 28 đến 30/11.
Hầu hết báo điện tử dòng chính ở Việt Nam đều đưa tin về sự
kiện hàng loạt cán bộ bị kỷ luật vì dính tới quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân
Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Nhân vật này đã đào thoát sang Châu
âu, ngay sau khi Đảng và Chính phủ khởi động điều tra và truy cứu trách nhiệm về
vụ thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng ở Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC, giai đoạn
ông Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Chưa thấy trách nhiệm người đứng đầu
Dư luận từng cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh là khởi điểm của
chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng được gọi
là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam.
Nhận định về sự kiện hai lãnh đạo Tỉnh ủy, một nguyên Phó
ban Tổ chức Trung ương cùng 3 thứ trưởng Bộ Nội vụ bị Ban Kiểm tra Trung ương kỷ
luật hoặc đề nghị Ban Bí thư xem xét xử lý, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon phát biểu:
“Vấn đề quan trọng là kỳ này họ muốn bốc ra những người có
trách nhiệm liên quan ở các cấp, nhưng mà vẫn chưa bốc lên đến cấp cao nhất… Bởi
vì những danh hiệu như là anh hùng lao động hay là chuyện phê chuẩn phó chủ tịch
tỉnh thì mấy ông tham mưu chỉ đề xuất thôi, chứ muốn thành được cái chức đó thì
phải có người ký…Những người ký đó là ai thì kỳ này không thấy nêu ra mà chỉ
nêu ra bộ phận tham mưu, bộ phận giúp việc, phê bình cũng lớn chức nhưng ở cấp
Bộ, Ủy ban Trung ương nhưng cũng chỉ là cơ quan tham mưu thôi, chưa phải là cơ
quan quyết định. Như vậy cơ quan quyết định là ai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương
cũng chưa chỉ ra tận gốc.”
VnExpress, VietnamNet, Dân Trí điện tử cũng như các báo khác
đã đưa tin chi tiết về nội dung kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn
ra ở Hà Nội từ 28 đến 30/11. Trong đó có nội dung 8 điểm về xem xét, xử lý và đề
nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên và tổ chức đảng vì can dự vào việc đề bạt
bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh vào chức vụ sau cùng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân tỉnh Hậu Giang.
Trong thẩm quyền của mình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cơ
quan giữ cây roi kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật 4 trường hợp. Bao gồm cảnh
cáo ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung
ương; khiển trách ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015
-2020; khiển trách bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua –
Khen thưởng Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, các vi phạm, khuyết
điểm của ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chưa đến mức phải thi hành kỷ
luật. Yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc
và có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư cảnh
cáo đối với ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư
Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung
ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Một Thứ
trưởng Nội vụ khác là ông Nguyễn Duy Thăng cũng bị đề nghị xem xét xử lý về
công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Riêng tập thể Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2011-2016
phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc vì có liên quan tới việc thẩm định và đề nghị
phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho ông Trịnh
Xuân Thanh, cũng như từng đề nghị khen
thưởng cho Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và cá nhân ông
Trịnh Xuân Thanh.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Quang cựu đại tá ngành
công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội trình bày ý kiến:
“Tôi cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh này không chỉ đơn thuần là
nội hàm của riêng vụ này và qua vụ này còn nói lên nhiều vấn đề khác. Theo cảm
nhận của tôi việc xử lý vụ này nói chung còn lúng túng còn chưa rõ ràng. Cứ đợi
thêm một thời gian nữa xem hình thức kỷ luật đối với ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
như thế nào thì mới rõ hơn được.”
Đối với dư luận cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng và làm
trong sạch Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa mang tính quyết liệt,
Luật sư Trần Quốc Thuận nhắc lại vấn đề kỷ luật cựu Bộ trưởng Công thương Vũ
Huy Hoàng về nhiều vụ việc trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng dư luận nói
nhiều về việc làm sao cách chức một người không còn chức vụ nào cả. Luật sư Trần
Quốc Thuận nhấn mạnh:
“Phải truy tận gốc, truy tận nơi, truy trách nhiệm cao nhất.
Tự nhiên đâu phải chuyện luân chuyển, chuyện cho chỉ tiêu Hậu Giang bầu ra phó
chủ tịch…Nhà nước Việt Nam hay nói trách nhiệm người đứng đầu, như vậy người đứng
đầu là ai. Trong sự việc này trách nhiệm người đứng đầu thế nào không thấy nói.
Tôi nghe nói toàn cấp phó không thấy nói gì tới người đứng đầu, rồi sau khi bầu
xong thì phê chuẩn, thì phải là bên Chính phủ, Thủ tướng phê chuẩn… như vậy chỗ
đó được biết thế nào thì không thấy nói.”
Vụ Formosa: chưa lộ diện dê tế thần
Cùng thời gian với việc công bố kỷ luật 7 cán bộ lãnh đạo
liên quan tới quy trình đề bạt bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, từ một người chịu
trách nhiệm cao nhất trong vụ bê bối ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí PVC
trở thành Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hôm 30/11/2016 báo chí dòng chính ở Việt Nam còn được độc giả
chú ý với thông tin liên quan tới Formosa Hà Tĩnh và trách nhiệm của ông Võ Kim
Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Ông Võ
Kim Cự là người trực tiếp vận động và đưa dự án thép khổng lồ về Vũng Áng Hà
Tĩnh. Hiện nay ông Võ Kim Cự là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại biểu
Quốc hội khóa 14 đương nhiệm.
Theo VnExpress, sáng 30/11/2016 trong dịp tiếp xúc cử tri
thành phố Đà Nẵng, ông Đinh Thế Huynh Thường trực Ban Bí thư xác nhận là Ủy ban
Kiểm tra Trung ương đang làm rõ trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh
ủy Hà Tĩnh trong thảm họa môi trường Formosa. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng và Ủy
ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kiểm tra, đặc biệt là quá trình lắp đặt hệ thống
xả thải của Formosa. Ông Đinh Thế Huynh cho biết sau khi kiểm tra xong sẽ có
thông báo.
Cựu đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nêu nhận xét về trường
hợp ông Võ Kim Cự và thảm họa môi trường Formosa. Ông nói:
“Tôi có theo dõi nghiên cứu thấy rằng ông Võ Kim Cự đã vi phạm
nhiều điều, làm không đúng thẩm quyền, vi phạm nhiều quy định làm không đúng Luật
Đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong đó rõ nhất là khi chưa có quyết định của
Chính phủ thì ông ấy đã có công văn chấp nhận cho Formosa thuê đất 70 năm, đó
là vượt quyền, lộng quyền. Việc này Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến rồi, nhưng
cho đến giờ này ông ấy vẫn gọi là ‘nhâng nháo’ nói là mình làm đúng thẩm quyền.”
Đáp câu hỏi về khả năng kỷ luật ông Võ Kim Cự nguyên Bí thư
Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đặc biệt hiện nay ông đang là Đai biểu Quốc hội Khóa 14, Chủ tịch
Liên Minh hợp tác xã Việt Nam. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm
Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:
“Việc kỷ luật Đảng thì cứ việc kỷ luật, còn ông ấy là đại biểu
Quốc hội, nếu có truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ta mới xem xét tới tư
cách đại biểu Quốc hội. Kỷ luật Đảng thì không ảnh hưởng gì tới danh hiệu đại
biểu Quốc hội. Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ta phải đình chỉ nhiệm
vụ đại biểu Quốc hội của ông đó đi, hoặc sai phạm nặng thì bãi miễn. Bây giờ kỷ
luật Đảng mà nặng thì ngươi ta sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ
Kim Cự, thí dụ kỷ luật Đảng đến mức khai trừ thì chắc chắn chức danh đại biểu
Quốc hội sẽ không còn.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, dư luận hay nói tới một con dê
tế thần trong vụ thảm họa môi trường Formosa. Nhưng theo ông hiện nay chưa thấy
con dê tế thần đó ở đâu vì cần phải có chứng cứ rõ ràng. Vẫn theo lời cựu quan
chức Quốc hội Việt Nam, đưa Formosa về Hà Tĩnh không phải là việc mà một mình
ông Võ Kim Cự có thể làm được, ông ấy từng nói có các Bộ ngành ở Trung ương đồng
ý và có phê duyệt của người đứng đầu Chính phủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét