BBC
Quyết định của Hà Nội về việc tổ chức quốc
tang cho cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro gây tranh cãi ở Việt Nam
Một nhà báo tự do từ Paris, người đã gặp Fidel Castro và tiếp
xúc nhiều với quan chức Cuba, cho rằng việc ông Fidel Castro qua đời là điều kiện
thuận lợi để khép lại một thời kỳ lịch sử.
Ông Bùi Tín nói trong Bàn tròn thứ Năm 01/12 của BBC Tiếng
Việt rằng người Việt cần đánh giá lại về nhân vật Fidel Castro.
"Cần đánh giá đa chiều"
"Theo tôi người Việt Nam nhìn có thể có nhiều ông
Castro khác nhau. Một ông Castro được coi như thần thánh, hết sức tích cực theo
quan điểm của Bộ Chính trị như hiện nay. Nhưng còn có một ông Castro
khác."
Ông Bùi Tín giải thích rằng trong 20 năm ở nước ngoài, tới
Cuba tìm hiểu, gặp gỡ giới trí thức và nhà báo cũng như những trải nghiệm qua
các lần gặp trực tiếp ông Fidel Castro đã khiến ông có cách nhìn "hoàn
toàn khác".
"Theo tôi, một cách khách quan, và theo đánh giá của
nhiều người bạn Cuba là những nhà báo rất chân thực, thì họ đánh giá ông Fidel
là nhân vật tiêu cực đối với phong trào cách mạng ở Cuba cũng như đối với phong
trào cách mạng ở châu Mỹ Latin, cũng như ở châu Phi."
"Ông cũng là nhân vật tiêu cực trong việc làm cho xã hội
trì trệ với xã hội chủ nghĩa viển vông, cũng như kết bạn giúp đỡ cho các nước
xã hội chủ nghĩa khác theo con đường mà tôi nghĩ là ảo tưởng," ông Bùi Tín
nói.
Vị cựu đại tá quân đội Việt Nam cho rằng, ông Fidel đến trước
khi qua đời vẫn còn giữ "quan điểm đã lỗi thời" về chủ nghĩa
Marx-Lenin.
Ông cũng liệt kê một số ví dụ như Fidel Castro có năm nhà
nghỉ mát khác nhau, tám du thuyền, có những sở thích như đi săn lợn lòi,
"chơi gái", luôn uống rượu cognac và whisky v.v...
Khi được hỏi liệu đây có phải là những khía cạnh ít được nhắc
tới trên truyền thông, ông nói chính vì thế mà người dân cần tìm hiểu và thấy rằng
"ở Cuba người ta đánh giá Fidel mất là điều thuận lợi để đóng lại một thời
kỳ lịch sử.
"Và đây là dịp tốt để ông Raul Castro và những người kế
thừa bắt tay với thế giới dân chủ ở bên ngoài, chấm dứt Cuba bị phong tỏa lâu
năm, hòa nhập với thế giới."
'Cái xác ý thức hệ'?
Trả lời câu hỏi của Bàn tròn thứ Năm về việc liệu quan hệ Việt
Nam - Cuba có thay đổi sau khi Fidel Castro qua đời, nhà quan sát, nhà hoạt động
Nguyễn Quang A cho rằng quan hệ này sẽ khác đi khi hai bên rời khỏi ý thức hệ
Marx-Lenin.
Ông lấy ví dụ, "giữa Việt Nam và Nicaragua hay Việt Nam
và Chile chẳng hạn, một thời quan hệ nồng ấm, khi Nicaragua còn phong trào cánh
tả mạnh mẽ. Nhưng khi nó thay đổi thì tất cả quan hệ cũng khác đi rất đáng kể."
Tiến sỹ Quang A giải thích thêm: "Những ảnh hưởng về ý
thức hệ, những ảnh hưởng mà thực sự là của lợi ích một nhóm nhất định, tức là
nhóm cầm quyền, sẽ chi phối rất lớn mối quan hệ giữa các nước với nhau."
"Tôi nghĩ rằng không còn ông Castro mà Cuba sẽ chuyển
quan hệ bình thường với các nước khác, và sẽ không còn ai nói rằng Cuba thức
cho Việt Nam ngủ hay Việt Nam thức cho Cuba ngủ nữa."
Trò chuyện sâu hơn với BBC về việc khi nào Việt Nam sẽ có đổi
mới về ý thức hệ, dù đổi mới kinh tế đã được thực hiện từ 30 năm nay, ông Quang
A nói Việt Nam đã có sự đổi mới về ý thức hệ "rất sâu sắc".
"Sở dĩ người ta vẫn phải níu vào cái gọi là ý thức hệ đấy
vì nó phục vụ cho lợi ích của nhóm lãnh đạo bây giờ. Nếu bảo lãnh đạo Việt Nam
theo chủ nghĩa Marx-Lenin, thì Marx-Lenin không ai đi phát triển kinh tế tư
nhân như thế này."
"Việt Nam thực sự bây giờ là nền kinh tế tư bản man rợ
không còn một chút gì là xã hội chủ nghĩa nữa. Nhà nước đã bỏ dần cam kết của
mình về các vấn đề xã hội như giáo dục, y tế, đó cũng là sự xa rời tư tưởng xã
hội chủ nghĩa, từ lâu lắm rồi. Nhưng họ vẫn phải bám vào cái 'xác' ý thức hệ đấy
để biện minh cho sự tồn tại của mình."
Người được đề cử giải Hoa Tulip về nhân quyền cho rằng, thay
đổi về ý thức hệ ở Việt Nam diễn ra từ từ, và "đến một lúc nào đó áp lực của
người dân, tiếng nói của người dân mạnh đến mức cái xác ấy phải vứt đi, thì đến
lúc đó thực sự có sự thay đổi chế độ, không còn chế độ độc tài như bây giờ nữa
mà là chế độ dân chủ".
"Đó là một quá trình rất khó khăn, hoàn toàn phụ thuộc
vào nội lực của tương quan lực lượng, là ý thức của người dân." Tuy nhiên,
quá trình ấy sẽ kéo dài "nếu người dân cam chịu, không quan tâm lắm",
ông Quang A nói trong chương trình.
'Tình cảm đặc biệt'
Có nhiều ý kiến trái ngược trong việc Việt Nam tổ chức quốc
tang cho ông Fidel Castro, dự kiến vào ngày 04/12.
Anh Lê Quang Trung, một người dân ở Hà Nội nói trong chương
trình: "Với người Việt Nam, lãnh tụ Cuba Fidel Castro vừa là người bạn, vừa
là một người thầy và là người có nhiều chính sách giúp đỡ Việt Nam.
"Tôi không biết là quan điểm của toàn bộ người dân Việt
Nam có thế không nhưng tôi thấy rất nhiều người, trong đó có những người từ thế
hệ của cha mẹ tôi, ông bà tôi đều rất yêu quý lãnh tụ Fidel Castro."
"Với họ cũng như với chúng tôi, Fidel Castro không phải
là nguyên thủ quốc gia một cách xa lạ, mà giống như một người thân, chúng tôi
có một tình cảm rất đặc biệt với vị lãnh tụ."
"Về việc Việt Nam tổ chức quốc tang, chuyện đấy không
có vấn đề gì vì nó có thể là tình cảm giữa các dân tộc với nhau. Nói một cách
đơn giản như khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất thì bên Cuba họ cũng đã để tang trong
vòng bảy ngày."
'Chỉ miền Bắc được giúp'
Tuy nhiên, có những ý kiến khác cho rằng, chỉ có miền Bắc Việt
Nam được hưởng sự giúp đỡ của Cuba
"Lúc bấy giờ miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên Cuba giúp một
số thứ như tham gia làm Đường mòn Hồ Chí Minh, rồi giúp đỡ về mặt y tế, thuốc
men, nhưng cũng có những sự giúp đỡ mà bây giờ tôi nghĩ lại là không phải bổ
ích," nhà báo Bùi Tín nói.
"Như tôi đã từng tham dự một số cố vấn quân sự Cuba
giúp vấn đề khai thác tù binh Mỹ thì họ có quan điểm khác với Việt Nam, là khi
cần lấy tin tức thì có thể thô bạo một chút như tát, đấm, đánh, chửi một chút
mà những điều đó lúc bấy giờ tôi đã không hoàn toàn đồng ý. "
Tiến sỹ Nguyễn Quang A giải thích thêm, "tôi không nghĩ
rằng việc Nhà nước Việt Nam làm quốc tang cho Fidel Castro là việc hay vì nó
trái với quy định của bản thân nhà nước này."
"Vì nếu bản thân Đảng Cộng sản làm cho ông Castro lễ
tang của đảng thì hợp hơn, cũng khó có thể so sánh chuyện có đi có lại giữa
tang của ông Hồ Chí Minh với tang của ông Fidel Castro."
Đáp lại, anh Lê Quang Trung cho rằng những công trình hỗ trợ
của Cuba ở Việt Nam đều có ích cho nhiều người.
"Họ đã có các bác sỹ Cuba, đã có người dân Cuba sang
đây làm việc giúp đỡ chúng ta. Họ làm như thế có phải là riêng của người Đảng Cộng
sản được hưởng hay là của người dân được hưởng? Đây là công trình công cộng hay
chỉ giành riêng cho con cháu đảng viên được hưởng? Dân tộc Việt Nam uống nước
nhớ nguồn, phải biết báo ơn. Đây là việc rất bình thường."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét