Thụy My
Điều hàng không mẫu hạm, Bắc Kinh giương móng vuốt trước Donald Trump
Các máy bay tiêm kích J-15 trên chiếc Liêu Ninh ở vịnh Bột Hải ngày 13/12/2016. |
(Le Figaro 26/12/2016) Việc chiếc
hàng không mẫu hạm Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương được coi như một lời cảnh
báo cho tổng thống tân cử Mỹ.
Trên vùng eo biển Miyako, bóng xám sừng sững của chiếc Liêu
Ninh hiện ra trong tầm ngắm kính viễn vọng. Một cảnh tượng chưa từng thấy và
đáng lo ngại cho lực lượng hải quân Nhật, từ hôm Chủ nhật vẫn theo sát gót
chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên đi qua vùng biển tranh chấp.
Động thái như để đánh dấu việc mở ra một kỷ nguyên mới tại Thái Bình
Dương, nơi một Trung Quốc hồi sinh nay ngang nhiên khẳng định tham vọng địa
chính trị trước địch thủ lịch sử là nước Mỹ. Tân Hoa Xã loan báo, lần đầu tiên,
hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc phiêu lưu ra ngoài khơi vùng « biển xanh da trời », trái
với khoảng « xanh lá cây »
gần thềm lục địa, nơi chiếc Liêu Ninh neo đậu gần cảng Đại Liên.
Con quái vật bằng thép dẫn đầu một đoàn tám chiến hạm, sau
đó tiến về hướng đông nam, theo như tuần duyên Đài Loan. Lực lượng này đang
được đặt trong tình trạng báo động, trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Bắc
Kinh sau cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và tổng thống Thái Anh Văn. Chiếc
Liêu Ninh mua lại của Ukraina năm 1998, được coi là một tàu sân bay « huấn luyện », trên đó các
phi công tiêm kích J-15 cố gắng nắm vững nghệ thuật phức tạp là đáp xuống boong
tàu giữa biển khơi.
Chiếc « bàn ủi » lớp Riga này còn lâu mới cạnh
tranh được với sức mạnh kỹ thuật của Đệ thất Hạm đội Hải quân Mỹ, hiến binh của
Thái Bình Dương kể từ Đệ nhị Thế chiến. Nhưng thời điểm của chuyến hải hành xa
khơi đầu tiên này như một hồi chuông cảnh báo cho tổng thống Mỹ sắp tới. Hoàn
cầu Thời báo (Global Times) giải thích : « Các hàng không mẫu hạm là công cụ chiến lược, cần phải chứng tỏ
trước thế giới sức mạnh của Trung Quốc và tạo ảnh hưởng đến thái độ của họ đối
với chúng ta ».
Các tuyên bố gây sốc của ông Trump - tố cáo việc xây dựng
các đảo nhân tạo tại Biển Đông, hay việc
« cướp » một chiếc tàu ngầm tự hành - khiến Bắc Kinh lo ngại, xòe
ra móng vuốt. Việc bổ nhiệm ông Peter Navarro, một « diều hâu » chống Tàu vào chức cố vấn thương mại Nhà
Trắng, càng gây thêm nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại, rất nguy hiểm
đối với nền kinh tế thứ nhì thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi. Ngoại
trưởng Vương Nghị cảnh báo : « Các
yếu tố mới, phức tạp và bất định sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương ».
Ngay trước lễ nhậm chức 20 tháng Giêng, Trung Quốc qua việc
biểu dương sức mạnh muốn dằn mặt ông Trump về nguy cơ đối đầu. Trên mặt trận
kinh tế, truyền thông và các tập đoàn lớn nhấn mạnh « sự lệ thuộc lẫn nhau » giữa hai thị trường : các
biện pháp bảo hộ có thể tác động boomerang bất lợi cho các công ty Mỹ như
Apple. Còn trên mặt trận quân sự, Bắc Kinh vừa thí nghiệm một phiên bản mới của
máy bay tàng hình FC-31 Gyrfalcon, với tham vọng cạnh tranh với chiếc Rafale
của Pháp và Gripen của Thụy Điển.
Một cuộc trường chinh chiến lược chỉ mới bắt đầu. Hoàn cầu
Thời báo cảnh báo : « Cái ngày
mà các hàng không mẫu hạm Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi nước Mỹ, thì sẽ khiến
họ phải cân nhắc kỹ càng hơn về các quy tắc hàng hải ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét