Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Ai sẽ là tân ngoại trưởng Mỹ?

Nguyễn Văn Khanh

 
Cựu Đại Tướng David Petraeus nằm trong danh sách bốn người có thể làm ngoại trưởng cho ông Trump. (Hình:  Dan Kitwood/Getty Images)

Dánh sách những ứng cử viên có triển vọng giữ chức vụ ngoại trưởng Hoa Kỳ giờ chỉ còn có bốn người. Phải đợi đến sớm nhất là tuần tới mới biết ai là người được tổng thống đắc cử Donald Trump mời giữ vai trò quan trọng này.
Cả hai điều vừa nêu đều được những người thân cận với ông Trump tiết lộ trong cuộc họp báo trực tuyến hồi sáng Thứ Tư, 30 Tháng Mười Một. Trước hết, ông Sean Spicer, cố vấn đặc trách thông tin, cho hay danh sách ứng cử viên cho chức ngoại trưởng đã cắt xuống “chỉ còn bốn người,” bảo thêm “chưa biết khi nào (ông Trump) mới loan báo người được chọn” nhưng “từ giờ đến cuối tuần, có lẽ (ông Trump) sẽ không công bố thêm thành phần nội các.”

Sau ông Sean Spicer, đến lượt ông phát ngôn viên Jason Miller chia sẻ những điều cả nước Mỹ đã biết, khi nói rằng trong danh sách bốn người vào chung kết “đương nhiên có cựu Thống Đốc Mitt Romney và cựu Thị Trưởng Rudy Giuliani.” Ông Romney “là người mà ông Trump thường nói chuyện, ông Giuliani là ứng cử viên sáng giá ngay từ lúc đầu.” Hai người còn lại là những ai? “Rất tiếc tôi không thể nói gì thêm,” ông Miller trả lời, “trong lúc tổng thống đắc cử còn đang xem xét” chọn người điều khiển ngành ngoại giao.

Những câu trả lời thuộc dạng “nửa kín nửa mở” đó tạo thành một làn sóng đồn đãi ngay ở chính trường thủ đô. Hai ông Romney và Giuliani ngay từ những ngày đầu đã được nói tới, kế đến là ông John Bolton, nhà ngoại giao có lập trường bảo thủ được đa số chính trị gia Cộng Hòa quý trọng, mới đây lại còn có tin cho rằng cựu Đại Tướng David Petraeus và Thượng Nghị Sĩ Bob Corker cũng là những nhân vật sáng giá cho chức ngoại trưởng. Tướng Petraeus được xem là anh hùng quân đội qua vai trò ông đảm trách ở chiến trường Iraq, sau ngày giải ngũ lại được Tổng Thống Barack Obama mời làm giám đốc CIA, ông Corker đang giữ chức chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện, cả hai đều là những người dày kinh nghiệm ngoại giao, có thể đóng vai trò cố vấn cho ông Trump trong lãnh vực mọi người đều biết vị tổng thống tương lai của nước Mỹ hầu như không có.

Ngay chính những nhân vật thân cận nhất với ông Trump cũng khéo léo nhìn nhận điều này, chẳng hạn như, theo lời ông phát ngôn viên Jason Miller, Tổng Thống Trump “phải cân nhắc thật kỹ lưỡng để chọn đúng người chia sẻ quan điểm với ông về tình hình thế giới, có thể làm việc chặt chẽ với ông và có thể đại diện cho ông và cho nước Mỹ ở chính trường quốc tế.”

Người hội đủ các tiêu chuẩn này là ai? Câu trả lời: đa số dự đoán đều tin hoặc là ông Romney, hoặc là ông Giuliani. Ông Romney bị một số người thân cận với ông Trump chống đối vì trong quá khứ từng sử dụng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích vị tổng thống tân cử, trong khi ông Giuliani được ca ngợi là người bạn tốt và trung thành, đi sát với ông Trump từ những ngày đầu tiên, sẵn sàng chống đỡ cho ông Trump trong những giai đoạn khó khăn nhất.

“Tôi mong người được chọn sẽ là ông Giuliani,” ông Mike Huckabee, cựu thống đốc Cộng Hòa của Arkansa, nói, dựa vào yếu tố “trung thành” mà ông Giuliani đã thể hiện với ông Trump ngay từ ngày ông chưa biết có được đảng để cử tranh chức tổng thống hay không. “Theo tôi hiểu, ông Giuliani đã nói rõ với ông Trump là ông muốn nắm giữ chức vụ này, và từng có lúc, mọi người tin ông muốn chức nào, sẽ được trao cho chức đó.” Ông Huckabee nói thêm “người chia sẻ quan điểm với ông Trump nhiều nhất chính là ông Giuliani, người đóng góp ý kiến với ông Trump nhiều nhất cũng là ông Giuliani, do đó, người có thể sát cánh làm việc chung với ông Trump cũng là ông Giuliani.”

“Chuyện không đơn giản như thế,” theo nhận xét của ông Charles Manning, một nhà quan sát quen thuộc với giới sinh hoạt chính trị tại Washington, DC. “Kinh nghiệm cho tôi thấy những người thường xuyên được nhắc đến tên nhưng vài ba tuần sau đó vẫn chưa thấy kết quả cụ thể là những người thường dễ rớt đài,” giải thích rõ hơn “điều đó có nghĩa là cánh cửa hy vọng làm ngoại trưởng của ông Giuliani ngày một hẹp hơn trước.”

Ông Manning cũng “nghe được tin ông Giuliani nói với ông Trump là muốn làm ngoại trưởng,” nhưng “chuyện ông Trump và ông phó Mike Pence ra tận cửa đón ông Romney, mới đây lại mời ông Romney ghé New York ăn cơm tối chung với cả ông Reince Priebus, chánh văn phòng tương lai của Tòa Bạch Ốc, chứng tỏ ông Trump không muốn trao Bộ Ngoại Giao cho ông cựu thị trưởng New York.” Thái độ “chần chừ của ông Trump khiến phe ủng hộ ông Giuliani phải lên tiếng, vừa nhắc nhở vừa đòi hỏi ông Trump phải nghĩ đến người trong nhà trước khi nghĩ đến người ngoài.”

Nếu phe ủng hộ ông Giuliani và phe ủng hộ ông Romney tiếp tục “cắng đắng” với nhau “cách hay nhất là ông Trump chọn Đại Tướng Petraeus,” theo ý kiến của ông Stephen Brooks, từng cộng tác với Ủy Ban Chuyển Quyền của Tổng Thống George W. Bush.

“Tướng Petraeus có nhiều điều kiện thuận lợi để làm ngoại trưởng mà cả hai ông Romney và Giuliani không có, như ông từng chỉ huy chiến trường, có thể cố vấn cho Tổng Thống Trump về chiến lược hành động để tiêu diệt khủng bố ISIS, lại là người từng tham gia chính phủ liên bang, do đó ông biết cách điều hành và quen thuộc với chính trường thủ đô. Trong cả hai vai trò quân sự lẫn dân sự, Tướng Petraeus đều thành công vì đóng vai trò của một nhà ngoại giao lỗi lạc, kinh nghiệm đó sẽ giúp ông dễ dàng hơn khi đảm nhận trách nhiệm đại diện cho Hoa Kỳ trên sân khấu chính trị thế giới.”

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất vẫn là ai sẽ được ông Trump mời giữ chức ngoại trưởng? Xin nhắc lại, cho đến giờ này, chỉ nghe ông Sean Spicer nói danh sách ứng viên đã cắt xuống “chỉ còn bốn người,” bảo thêm “chưa biết khi nào (ông Trump) mới loan báo người được chọn” nhưng “từ giờ đến cuối tuần, có lẽ (ông Trump) sẽ không công bố thêm thành phần nội các.”

Điều đó có nghĩa là mọi người phải đợi đến tuần sau. Cũng xin nhắc lại: đừng vội nóng lòng, đợi đến tuần sau sẽ biết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét