Mặc Lâm – RFA
Có không ít nhận định rằng Phật giáo Việt Nam hiện nay không
dấn thân vào các sinh hoạt xã hội hay kinh tế, chính trị của đất nước và điều
này khiến hình ảnh của người Phật tử được xem như chỉ biết thuần thành trong phạm
vi tu tập và quên đi vấn đề nhập thế mà nhà Phật đã truyền bá cách đây hàng
ngàn năm.
Có thể nói hiện nay Chùa Giác Ngộ là một trong vài nơi hiếm
hoi vẫn giữ tông chỉ nhập thế và truyền bá Phật pháp qua các hoạt động giáo dục,
hoằng pháp, văn hóa và từ thiện lẫn chính trị. Trong bài thuyết giảng khóa tu
“Ngày an lạc” với sự tham gia của hơn 650 tu sinh cùng Tăng đoàn chùa Giác Ngộ,
Thượng tọa Thích Nhật Từ đã huấn từ những gì mà Phật tử thường hiểu lầm từ bấy
lâu nay:
“Trải qua nhiều thế kỷ, người ta cứ nghĩ Phật giáo là tôn
giáo tu rục, tu rị, đó là một cái nhìn rất thiển cận và sai lầm về tính đa diện
của đạo Phật minh triết và đạo đức.
Nói một cách nôm na Phật giáo bao gồm: thế giới quan, nhân
sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan, tu tập quan và giải thoát quan. Việc đánh
giá sai lầm của một số quần chúng chỉ liên hệ đến một phương diện trong nhóm vừa
nêu, đó là: tu tập quan. Còn các phương diện rất quan trọng mà đức Phật đóng
góp cho tư tưởng của nhân loại đó là: thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội
quan, đạo đức quan qua hệ thống triết học đặc biệt của Ngài mà hầu như giới
chính trị giới kinh doanh, giới tri thức, giới bình dân ít biết đến.
Một phần là do đạo Phật bị ảnh hưởng bởi nghi thức đọc tụng
được sử dụng trong các chùa chỉ chọn lọc vài ba kinh tín ngưỡng lại được diễn đạt
bằng ngôn ngữ Hán-Việt vốn rất xa lạ với cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước
và nước ngoài.”
Lý do gì khiến Phật tử Việt Nam trở nên co lại trong khuôn
viên tu tập và quên đi sự khổ nạn của chúng sinh, điều mà Đức Phật răn dạy từ
xưa?
Người Phật tử còn nhớ tháng 5 năm 1994 khi giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức cứu trợ đồng bào bão lụt miền Tây thì chính
quyền ra lệnh bắt phái đoàn gồm 60 tăng ni và 300 Phật tử. Trong vụ này Hòa thượng
Thích Quảng Độ bị kết án năm năm, Thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban
và cư sĩ Nhật Thường bị ba đến năm năm tù.
Điều này đã gây chấn động lương tâm người theo đạo Phật và đồng
thời ngăn cản mọi ý nghĩ hoạt động xã hội trong giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giải thích lý do người theo phật giáo hững hờ với xã hội,
Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết:
“Người ta cứ nói rằng 80-90% Phật tử Việt Nam là con số rất
lớn nhưng tại sao lại không có một tiếng nói nào để nói lên tiếng nói bảo vệ
nhân quyền hay bảo vệ môi trường, môi sinh cho bà con đồng bào?
Tôi thay mặt cho Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở
trong nước, sự thực trong nước đứng về phía Phật giáo thì có tới hai tổ chức. Tổ
chức Phật giáo của nhà nước lập nên là Giáo hội Phật giáo quốc doanh thì gần
như 80-90% tăng ni Phật tử từ sau năm 1975 thì họ đàn áp triệt tiêu gần hết
giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất truyền thống đã có lâu đời ở Việt Nam, họ
quốc doanh hóa hết rồi họ bắt các nhà sư Việt Nam phải nằm trong Mặt trận Tổ quốc
coi như đa phần đã bị quốc doanh hóa hết rồi.”
Vụ Formosa nổ ra như một trái bom gây thảm họa cho môi trường
biển miền Trung nơi có giáo phận Vinh nằm trải dải trên hầu hết các nơi bị tác
động trực tiếp đến giáo dân cũng như dân chúng. Ngày 17 tháng 8 trong dịp lễ Đức
mẹ hồn xác lên trời, hơn bốn chục ngàn giáo dân trong giáo phận đã tập trung
tham dự thánh lễ và diễu hành ôn hòa chống lại Formosa đã trực tiếp gây hại cho
người dân. Bài giảng của Giám mục Nguyễn Thái Hợp cũng gây tiếng vang cho cả nước
về tấm gương dấn thân của lãnh đạo tôn giáo trước vấn đề chung của dân tộc.
Vai trò người lãnh đạo
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, theo chúng
tôi được biết ngay từ khi dự án bauxite Tây nguyên được xét duyệt thì Giáo hội
đã có văn bản chính thức phản đối và kêu gọi nhà nước phải ngưng ngay dự án
này. Vụ Formosa cũng vậy, theo Hòa thượng Thích Không Tánh xác nhận thì Tăng
đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng đã lên tiếng chống đối từ những ngày đầu.
Tuy nhiên sự phản đối lẻ loi của Giáo hội phật giáo Việt Nam
thống nhất so với sự im lặng gần như hoàn toàn của 80% Phật tử và tăng lữ Việt
Nam còn lại là một thách đố lương tâm của người Phật tử thuần khiết cũng như
các vị lãnh đạo tinh thần khác, cố kêu gọi sự tham gia vào nguy cơ của toàn xã
hội trong các vấn đề đang diễn ra tác động đến cuộc sống người dân.
Câu hỏi “Phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc” một lần nữa được
đặt ra trong bối cảnh nguy cấp hiện nay. Ông Trương Nhân Tuấn nhà nghiên cứu Biển
Đông cũng là người khơi mào cho câu hỏi này cho biết nhận xét của mình dưới
lăng kính của một Phật tử:
“Vấn đề phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc có thể nhìn từ
nhiều phía.
Nhìn từ dân chúng, thì dân Việt Nam đa số theo Phật giáo. Những
ngày lễ tết, hay ngày rằm, hay Vu lan vừa rồi ta thấy chùa nào cũng đông nghẹt
Phật tử. Ta cũng thấy chùa, thiền viện... mới xây cất ở khắp nơi mà cái nào
cũng nguy nga, tráng lệ như cung điện. Chùa nào, tu viện nào cũng đông đảo tín
hữu. Tôi cũng thấy một số chùa đã trở thành trung tâm du lịch, thu hút nhiều
khách viếng thăm.
Ở điểm này thì tôi thấy lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã dùng
tôn giáo làm món hàng kinh doanh. Họ đã đưa những thứ xa hoa, thế tục vào chùa,
vào tu viện để câu khách. Chùa, tu viện vốn là nơi thanh tịnh, lại trở thành
nơi thế tục. Những gì xấu xa trong xã hội đều thấy trong chùa.
Tức là, ở cái nhìn này, phật giáo đã bị phàm tục hóa, nếu
không nói là chính trị hóa. Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã biến phật giáo vn
thành liều thuốc an thần, khiến cho Phật tử vô cảm trước mọi vấn đề của đất nước,
dân tộc”
Nhìn sang vai trò của người lãnh đạo Phật giáo hiện nằm dưới
sự chỉ đạo của tổ chức Mặt trận Tổ quốc, ông Trương Nhân Tuấn chia sẻ:
“Ở cái nhìn của người lãnh đạo tinh thần. Những vấn nạn lớn
của dân tộc như vụ ô nhiễm biển ở miền Trung, hay nạn hạn hán ở đồng bằng sông
Cửu Long, đã làm cho hàng chục triệu người dân Việt Nam lâm vào cảnh nghèo khó,
khốn cùng. Đây là một vấn đề của đất nước, tức cũng là vấn đề của những người
lãnh đạo tôn giáo.
Ở đây ta có thể kết luận là lãnh đạo phật giáo có cùng thái
độ với lãnh đạo Cộng sản. Cả hai đều chối bỏ, hay trốn tránh trách nhiệm của
mình. Tôn giáo có trách nhiệm về tinh thần trong khi lãnh đạo Cộng sản có trách
nhiệm về chính trị.
Ta còn có thể có những kết luận nặng nề hơn, khi thấy cảnh
ông Hồ, ông Đỗ Mười được phong thành bồ tát, được đưa vào thờ trong chùa. Đây
là một sự sỉ nhục đến đạo phật và toàn thể Phật tử.
Dưới cái nhìn này thì Phật giáo rõ ràng đã tách rời khỏi dân
tộc”
Báo chí soi rọi những điều đang xảy ra trên đất nước không
khác gì một bức tranh với nhiều hình ảnh đối nghịch nhau, trong đó cảnh sống
khó khăn chật vật của người dân đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ miền Trung với
Formosa, miền Tây với những cánh đồng khô hạn và miền Bắc với bão lũ hiện nay,
khác xa với cảnh ăn chơi trác táng xảy ra trên các tụ điểm giải trí và không ít
đồng tiền phung phí vào mê tín, dị đoan đang phân hóa mãnh liệt đời sống của
người dân từ thành thị tới thôn xóm xa xôi của đất nước.
Nguồn: www.rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét