Nguyễn Thị Kim Phụng
Nguồn: Ji-hyun Park, “Surviving Human Trafficking in China”,
Project Syndicate, 18/08/2016
Hình: Chân dung Ji-hyun Park. Nguồn: Amnesty International.
Việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền với chính người dân của họ
đã không còn là bí mật. Nhưng việc họ lạm dụng phụ nữ Triều Tiên – những người
trốn chạy sang Trung Quốc để mong thoát khỏi vi phạm nhân quyền ở nước mình –
thì vẫn còn bị che giấu. Tuy nhiên, tôi biết được sự thật, bởi chính tôi là một
trong những người phụ nữ đó.
Kể từ khi xảy ra nạn đói lớn ở Triều Tiên hồi những năm
1990, buôn bán người Triều Tiên, đặc biệt là phụ nữ, vào Trung Quốc đã trở
thành một ngành kinh doanh lớn. Những phụ nữ ấy, vốn phải chứng kiến người thân
trong gia đình mình chết đói, đã buộc phải theo chân bọn môi giới để vượt biên,
với mong muốn kiếm tiền chu cấp cho con cái. Nhưng hiếm có ai trong số họ tìm
được cơ hội mà họ muốn, thay vào đó, họ phải chịu thêm nhiều khổ đau khi bị bán
làm vợ cho đàn ông Trung Quốc.
Có rất nhiều người Trung Quốc muốn lấy vợ Triều Tiên. Tiến
trình công nghiệp hóa quá nhanh đã khiến phụ nữ nông thôn Trung Quốc tìm đường
lên thành phố hoặc thậm chí ra nước ngoài, còn những người đàn ông bị bỏ lại
thì ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm vợ. Vậy nên nhiều người rất sẵn lòng
trả tiền cho bọn môi giới để “lấy vợ” Triều Tiên.
Nếu nạn nhân của bọn buôn người không muốn kết hôn, những kẻ
môi giới sẽ tố giác họ với cơ quan chức năng – những người sẽ gửi trả các phụ nữ
này lại cho Triều Tiên. Đáng sợ hơn, bọn buôn người còn dọa rằng sẽ không thể hứa
bảo vệ được cho gia đình của các phụ nữ ấy. Những vụ “tống tiền” kiểu như thế
đã buộc họ phải lấy những người đàn ông họ thậm chí còn chẳng quen biết.
Câu chuyện của tôi bắt đầu vào năm 1998. Khi đó, em trai tôi
đang ở trong quân đội, nhưng nó đã trốn khỏi doanh trại sau khi bị bắt vì buôn
bán vàng bất hợp pháp. Cảnh sát quân đội chực chờ ở nhà để bắt em tôi. Lúc ấy,
cha tôi, trong cơn bệnh nặng, đã nói rằng: “Hãy đưa em con đi cùng. Hai đứa phải
đi ngay, đi bất cứ đâu.” Vậy là tôi đã để cha mình chết dần trong căn phòng lạnh
lẽo, thậm chí tôi còn không biết ông được chôn cất ở đâu.
Sau đó, tôi và em trai vượt sông Đồ Môn, con sông phân chia
biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Một tay môi giới bảo rằng tôi sẽ phải
cần tiền để cứu em trai mình, nên tôi đành chấp nhận bị bán cho một gã đàn ông
Trung Quốc với giá 5.000 nhân dân tệ (800 USD). Từ đó trở đi, tôi chưa từng được
gặp lại em trai mình.
Giống như bao phụ nữ Triều Tiên khác bị bán sang đây, “cuộc
sống mới” của tôi vô cùng tồi tệ. Chúng tôi buộc phải làm việc như nô lệ và thường
xuyên là nạn nhân của bạo lực tình dục. Cũng chẳng ngạc nhiên gì khi những kẻ
đàn ông đi mua vợ này lại đối xử với họ như tài sản hoặc đồ chơi. Chúng cấm vợ
mình ăn tại bàn ăn (cùng gia đình) và tước hết tất cả những nhu cầu và quyền lợi
cơ bản của họ. Nếu người vợ bị thương hay đơn giản là gã chồng không còn hứng
thú, hắn có thể bán lại vợ mình cho kẻ khác và xem đó là chuyện rất bình thường.
Vì là dân nhập cư bất hợp pháp, những phụ nữ Triều Tiên là nạn
nhân của bọn buôn người chẳng có gì để đảm bảo an toàn và cải thiện cuộc sống của
mình. Họ thường xuyên gặp nguy cơ bị ép buộc làm gái bán dâm. Những ai mang
thai thì được khuyên phải phá thai. Người nào quyết định giữ lại đứa bé (tôi là
một trong số đó) thì sẽ không được phép sinh con ở bệnh viện địa phương. Con
chúng tôi không được nhà nước công nhận, và do đó, chúng không được đi học và
cũng chẳng được chăm sóc y tế.
Ngôi làng nơi tôi sống có năm phụ nữ Triều Tiên; tất cả đều
bị bán sang đây. Ngay khi vừa thức dậy, chúng tôi đã phải ra ngoài đồng làm việc.
Nếu có gặp nhau trên đường, chúng tôi cũng chẳng thể chào nhau. Bởi hàng xóm có
thể nghe thấy, còn “chủ sở hữu” của chúng tôi thì sợ rằng chúng tôi sẽ khích lệ
nhau cùng bỏ trốn – một nguy cơ đã được bọn họ sớm ngăn chặn bằng cách không
cho chúng tôi mang giày dép đàng hoàng, ngay cả trong mùa đông.
Tôi đã trải qua sáu năm làm nô lệ cho một người đàn ông
Trung Quốc, mãi cho tới năm 2004, khi các nhà chức trách Trung Quốc phát hiện
ra tôi. Họ đưa tôi đến một trại giam ở Đồ Môn ở vùng biên giới cùng một số phụ
nữ Triều Tiên khác. Mỗi ngày trong suốt tuần đầu tiên, 5-7 tên lính canh to con
sẽ vào phòng giam, buộc chúng tôi lột sạch quần áo và ngồi xổm nhiều lần, để đảm
bảo rằng chúng tôi không giấu tiền trong hậu môn hay âm đạo. Nếu người phụ nữ
đang trong kỳ kinh nguyệt, máu sẽ chảy xuống chân họ, nhưng bọn lính canh chẳng
quan tâm. Đôi khi, chúng còn đi theo những người phụ nữ vào nhà vệ sinh để tìm
xem họ có giấu tiền hay không.
Sau khi bị trục xuất, tôi tiếp tục trải qua sáu tháng trong
một trại lao động ở Triều Tiên và chỉ được thả khi chân tôi bị hoại tử tới mức
các bác sĩ cũng nghĩ rằng tôi sẽ không thể sống sót. Lúc đó, tôi trở thành kẻ
vô gia cư, ăn xin trên đường phố và ở nhờ một trại trẻ mồ côi. Một ngày nọ, một
bác sĩ gặp tôi trên phố, và ngỏ lời bí mật chữa trị cho tôi.
Nhưng câu chuyện của tôi vẫn chưa dừng lại ở đó. Tôi phải trở
lại Trung Quốc, thông qua một tay môi giới khác, để đi tìm con trai mình. Năm
2007, tại Bắc Kinh, tôi đã gặp một mục sư người Mỹ gốc Hàn, người đã giúp gia
đình tôi được tị nạn ở Anh – nơi mà cuối cùng tôi đã đã tìm được tự do.
Buôn người là bất hợp pháp ở Trung Quốc (và theo luật quốc tế);
nhưng luật pháp rõ ràng đã không được thực thi đầy đủ. Và việc tách những bà mẹ,
vốn đã bị bắt làm nô lệ và bị lạm dụng, khỏi con của họ, như những gì giới chức
trách Trung Quốc đã làm với tôi, là vô cùng đáng bị lên án.
Những người giống như tôi – những phụ nữ đã chạy trốn khỏi một
chế độ độc tài tàn bạo, để rồi lại bị bán sang một nơi tàn bạo khác – sẽ mãi
mãi là nạn nhân và hoàn toàn bất lực. Trừ phi thế giới thực sự quan tâm, nếu
không họ vẫn sẽ không được bảo vệ – và vẫn sẽ không có hy vọng.
***
Ji-hyun Park từng là nạn nhân của nạn buôn người, hiện đang
là một người đấu tranh cho nhân quyền. Bài bình luận này được viết thông qua sự
hợp tác với trang Women and Girls Hub.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Surviving Human
Trafficking in China
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét