Tác giả: Vu Nhất Phu (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải
Hoành
Ngay từ năm 1941, Đặng Tiểu Bình đã nghiêm túc phê bình thuyết
“Dĩ Đảng trị quốc” [dùng Đảng để cai trị đất nước; sau đây gọi tắt là “Đảng trị”].
Cuối thập niên 1970, khi tổng kết bài học đau xót của “Cách mạng Văn hóa”, ông
đề xuất phải cải cách chế độ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giải quyết vấn đề Đảng
– chính quyền không tách nhau, Đảng làm thay chính quyền. Phát biểu trong chuyến
“Nam tuần” cuối cùng, ông nói rõ hơn: “Vẫn cứ phải dựa vào pháp chế, làm pháp
chế thì tin cậy hơn.” Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XV đưa ra phương
châm “Dựa pháp luật trị quốc” [Pháp trị], phản ánh ý nguyện của Đặng. Thế nhưng
giờ đây âm hồn thuyết “Đảng trị” vẫn còn lảng vảng chưa tan. Bởi vậy, khảo sát
sơ qua về nguồn gốc, diễn biến và tác hại của thuyết “Đảng trị” là một việc có
ý nghĩa hiện thực.
1. Đề xuất và diễn biến của thuyết “Đảng trị”
Lê-nin sáng lập Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, làm cách mạng
bạo lực lật đổ chế độ đế quốc Sa hoàng, sáng lập thể chế “Đảng hóa Nhà nước”, Đảng-chính
quyền-quân đội thống nhất cao độ với nhau, quyền lực của Đảng cao hơn tất cả.
Tôn Trung Sơn lãnh đạo cách mạng Trung Quốc, sau mấy lần thất
bại bèn “Học Nga làm thầy”, dẫn nhập thể chế “Đảng hóa Nhà nước” của Nga, đề xuất
và bắt đầu thực thi thuyết “Đảng trị”. Tháng 1/1924, khi cải tổ Quốc Dân Đảng,
ông giải thích: Tôi thấy Trung Quốc quá chia rẽ rối loạn, dân trí quá ấu trĩ,
quốc dân không có tư tưởng chính trị đúng đắn, cho nên bèn chủ trương “Đảng trị”.
Ông chia quá trình dựng nước làm 3 giai đoạn: quân chính, huấn
chính, hiến chính, và đề xuất trong thời kỳ huấn chính thì “Đảng cao trên Nhà
nước”.
Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Tưởng Giới Thạch lợi dụng di
sản chính trị của Tôn, phát triển thuyết “Đảng trị” và “Thuyết 3 giai đoạn”
thành thể chế chính trị cực quyền, đi lên con đường chuyên chế độc tài. Tưởng
thi hành “Một chủ nghĩa, một chính đảng, một lãnh tụ”, yêu cầu quốc dân tuyệt đối
trung thành với lãnh tụ. Từ đó Quốc Dân Đảng chiếm giữ tất cả mọi quyền lực của
nhà nước. “Đảng trị” trở thành luận điệu cơ bản của lý thuyết “Đảng hóa nhà nước”,
khiến cho tiến trình Hiến chính hóa Trung Quốc xuất hiện bước thụt lùi lớn.
2. Ảnh hưởng của tư tưởng “Đảng trị” đối với Đảng Cộng sản
Trung Quốc
Tư tưởng “Đảng trị” có ảnh hưởng sâu xa đối với công tác trị
Đảng, trị nước, trị quân đội của ĐCSTQ. Ngay từ thời kỳ mới lập căn cứ địa cách
mạng, từng xuất hiện khuynh hướng sai lầm “Dùng Đảng thay cho chính quyền khu
Xô viết”. Mao Trạch Đông nói về việc đó như sau: “Đảng có uy quyền cực lớn
trong quần chúng, uy quyền của chính quyền thì kém nhiều. Đó là do trong nhiều
công tác, để thuận tiện, Đảng đã trực tiếp làm lấy, gạt chính quyền sang một
bên. Chúng ta cần tránh cách làm sai lầm của Quốc Dân Đảng là đảng trực tiếp ra
lệnh cho chính quyền.” Năm 1941 Đặng Tiểu Bình viết bài phê phán thuyết “Đảng
trị”: “Quan niệm ‘Đảng trị’ của một số đồng chí là biểu hiện cụ thể phản ánh
truyền thống xấu của Quốc Dân Đảng vào trong Đảng ta… Chúng ta phản đối chuyên
chính một đảng, lấy đảng trị nước của Quốc Dân Đảng.”
Nhưng những lời nói ấy không được toàn Đảng coi trọng. Tháng
9/1942, Trung ương ĐCSTQ ra “Quyết định về việc thống nhất sự lãnh đạo của Đảng
tại căn cứ địa chống Nhật và điều chỉnh mối quan hệ giữa các tổ chức”, quy định
rõ ràng: “Cơ quan đại diện Trung ương (Trung ương cục, Phân cục) và Đảng ủy các
cấp là cơ quan lãnh đạo cao nhất ở các vùng, thống nhất lãnh đạo công tác Đảng,
chính, quân, dân ở các vùng.” Thể chế lãnh đạo nhất nguyên hóa coi quyền lực của
Đảng là cao nhất, tuy xuất phát trong thời kỳ kháng chiến nhưng vẫn tiếp tục thực
thi trong thời kỳ chiến tranh giải phóng và áp dụng tiếp cho tới cả thời kỳ
sau.
Năm 1949, nước CHND Trung Hoa thành lập, đảng cách mạng trở
thành đảng nắm chính quyền, lẽ ra nên kiện toàn pháp chế, đi lên con đường dùng
pháp luật để trị nước. Thế nhưng quan niệm “Đảng trị” hình thành trong ban lãnh
đạo cao nhất chẳng những không được khắc phục mà lại còn được tăng cường. Sau
các phong trào chống phái hữu năm 1957 và hội nghị Tư pháp toàn quốc lần 4 năm
1958, các cơ quan tư pháp nhấn mạnh sự “lãnh đạo tuyệt đối” của Đảng, càng khiến
cho “Đảng hóa Nhà nước” trở thành chuẩn mực. Biểu hiện tập trung nhất là bài
nói ngày 24/8/1958 của Mao Trạch Đông: “Không thể dựa pháp luật để trị đa số
người … Chúng ta chủ yếu phải dựa vào nghị quyết, họp hành, mỗi năm họp 4 lần,
không thể dựa vào luật dân sự và hình sự để giữ trật tự xã hội. Mỗi nghị quyết
của chúng ta đều là pháp luật…” “Cần nhân trị, không cần pháp trị. Mỗi bài xã
luận của Nhân dân Nhật báo đều đòi hỏi cả nước phải thực thi, hà tất cần đến luật
pháp gì?”
Lưu Thiếu Kỳ cũng nói: “Rốt cuộc nhân trị hay pháp trị? Xem
ra trên thực tể phải dựa vào con người, pháp luật chỉ dùng để tham khảo. Nghị
quyết của Đảng tức là pháp luật.”
Những chủ trương trên là biểu hiện cực đoan của thuyết “Đảng
trị”, làm cho quyền lực của Đảng bành trướng vô hạn, tùy tiện hủy bỏ pháp chế,
cuối cùng dẫn đến lạm dụng chuyên chính, không ngừng thanh trừng chính trị, đất
nước không được một ngày yên bình, hàng triệu dân bị thiệt hại.
3. Sự vận hành thực tế của thuyết “Đảng trị”
“Đảng trị” không phải là chủ trương của cá nhân Mao Trạch
Đông, mà là nhận thức chung của ban lãnh đạo cấp cao trong Đảng, nó được vận
hành như sau:
Đảng cầm quyền
không chịu sự ràng buộc của pháp luật.
Năm 1955 Lưu Thiếu Kỳ nhiều lần chỉ thị: “Pháp luật của
chúng ta không phải để tự ràng buộc chúng ta mà là để ràng buộc kẻ địch, đả
kích và tiêu diệt chúng…Pháp luật không được trói chân buộc tay nhân dân, nếu
điều luật nào như thế thì phải hủy bỏ.” Quan điểm này rõ ràng đặt Đảng cầm quyền
lên trên pháp luật, khác xa ý tưởng “Đảng cầm quyền phải hoạt động trong phạm
vi Hiến pháp và pháp luật” .
Cơ quan pháp luật
phải do Đảng nắm, dùng làm công cụ thuần phục của Đảng.
Tháng 7/1955, Lưu Thiếu
Kỳ nói: “Đảng ủy quyết định bắt ai thì Viện Kiểm sát phải nhắm mắt đóng dấu phê
chuẩn. Làm như thế có thể có sai, điều này có thể nói rõ trong Đảng nhưng đối với
bên ngoài thì Viện Kiểm sát phải đứng ra chịu trách nhiệm… Nếu Viện Kiểm sát
không làm cái mộc đỡ tên cho Đảng thì các nhân sĩ dân chủ sẽ lợi dụng điểm đó để
chống Đảng, kết quả coi như Viện Kiểm sát chống Đảng….” Tháng 9/1955, Bộ trưởng
Công an La Thụy Khanh nói: Công an, Kiểm sát, Tòa án đều là công cụ của Đảng,
nhằm bảo vệ CNXH, trấn áp kẻ địch. Nhưng Hiến pháp lại quy định ‘Tòa án nhân
dân độc lập xét xử, chỉ phục tùng pháp luật… Viện Kiểm sát các cấp độc lập hành
xử quyền kiểm sát’. Nếu Viện Kiểm sát, Tòa án dùng pháp luật để chống lại sự
lãnh đạo của Đảng thì như thế là sai.
Tháng 9/1957, La Thụy Khanh phê bình: “Một số cơ quan tư
pháp, kiểm sát, tòa án nhấn mạnh tư pháp độc lập, lãnh đạo theo ngành dọc,
không nghe lời Đảng ủy.”
Báo cáo tình hình hội nghị tư pháp toàn quốc (6/1958) do tổ
Đảng Tòa án tối cao trình TƯ Đảng nhấn mạnh: Tòa án phải tuyệt đối phục tùng sự
lãnh đạo của Đảng.
Những tài liệu kể trên cho thấy ban lãnh đạo Đảng cầm quyền
nhất trí cho rằng các cơ quan công an, kiểm sát, tòa án đều là công cụ do Đảng
trực tiếp nắm và dùng để trấn áp các thế lực khác… Cái gọi là “xét xử độc lập”
quy định trong Hiến pháp chỉ là để tuyên truyền ra ngoài. Trong thực tế vận
hành nội bộ thì căn bản không thừa nhận xét xử độc lập, ai chủ trương xét xử độc
lập theo quy định của Hiến pháp thì người đó là kẻ chống Đảng. Có thể thấy
trong Đảng đã hình thành một quy tắc ngầm không công bố ra ngoài nhưng lại có sức
ràng buộc cưỡng chế. Đây là cách vận hành điển hình của thể chế “Đảng trị” hoặc
“Đảng hóa Nhà nước”.
Hậu quả của thể chế đó là trong phong trào chống phái hữu,
nhiều cán bộ các cơ quan kiểm sát và tòa án bị thanh trừng, toàn bộ tổ Đảng Bộ
Tư pháp bị coi là “Tập đoàn chống Đảng”. Đến “Cách mạng Văn hóa” thì bộ sậu chủ
trì công tác pháp lý như Bành Chân, La Thụy Khanh, và các lãnh đạo cấp cao như
Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đều bị đánh đổ.
Pháp luật kém hoàn
thiện thì càng thuận tiện.
Tháng 3/1956, Bành Chân nói tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc:
Pháp luật của chúng ta hiện nay rất không hoàn thiện, mọi người nói như thế rất
phiền hà, nhưng cũng có chỗ thuận tiện. Khi xét xử vụ án, chúng ta chỉ cần đứng
vững lập trường giai cấp, dựa vào chính sách, căn cứ theo lợi ích giai cấp giải
quyết là được.
Sau khi Mao Trạch Đông nói “Không thể dựa vào luật dân sự,
hình sự để giữ trật tự xã hội” (8/1958), Bành Chân, tổ trưởng Tổ Chính pháp
trung ương nhanh chóng viết báo cáo lên Chủ tịch Mao và Trung ương Đảng, trình
bày rõ: “(Hiện nay) đã không cần thiết làm các bộ Luật Hình sự, Luật Dân sự và
Luật Tố tụng nữa”. Sau đó các nơi tùy tiện bắt người và xét xử, bỏ qua mọi
trình tự pháp luật. Đến “Cách mạng Văn hóa” năm 1966 thì chính Bành Chân cũng bị
bỏ tù.
Ba cơ quan công
an, kiểm sát, tư pháp hợp nhất làm việc.
Tháng 11/1960, TƯ Đảng ra văn bản quyết định:
– Bộ Công an, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao hợp nhất
làm việc. Đối ngoại vẫn không thay đổi tên gọi 3 cơ quan này, giữ 3 biển tên cơ
quan, 3 cổng vào cơ quan. Đối nội thì Tổ Đảng Bộ Công an lãnh đạo toàn bộ, Tòa
án và Viện Kiểm sát mỗi cơ quan cử một người vào Tổ Đảng Bộ Công an để tăng cường
liên hệ.
– Sau khi 3 cơ quan hợp nhất làm việc, Tòa Tối cao giữ lại
20-30 người, Viện Kiểm sát khoảng 50 người, mỗi cơ quan có một phòng làm việc để
xử lý công tác nghiệp vụ.
Về thực chất như vậy là gộp Tòa Tối cao và Viện Kiểm sát vào
Bộ Công an, triệt để thực hiện “nhất nguyên hóa’ công tác chính pháp, hoàn toàn
hủy bỏ sự giám sát và chế ước của Tòa án và Viện Kiểm sát đối với cơ quan công
an.
Sau khi 3 cơ quan công an, kiểm sát, tòa án cấp trung ương
đã hợp nhất, 3 cơ quan này ở các địa phương cũng hợp nhất theo, cả nước hủy bỏ
thể chế cũ, chuyển thành “Bộ Chính pháp” hoặc “Bộ Công an chính pháp”. Vì thế
đã xuất hiện tình trạng: lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp dẫn đầu cán bộ, cảnh
sát ngành chính pháp mang theo giấy phép bắt người khống và phán quyết khống xuống
các địa phương tùy ý bắt giữ người; thậm chí không mở phiên tòa xét xử, ghi họ
tên và tội danh người bị bắt và hình phạt lên tờ phán quyết khống là xong. “Đảng
trị” đi tới mức kinh khủng như vậy.
4. Điều chỉnh và suy ngẫm sau khi xảy ra các tai họa
Trong phong trào Đại nhảy vọt bắt đầu năm 1958, cả nước tràn
ngập làn gió cộng sản, làn gió phù phiếm, làn gió chỉ huy một cách mù quáng,
làn gió đặc biệt của cán bộ và làn gió cưỡng bức mệnh lệnh. Hậu quả là đã đem lại
tai họa chưa từng có, khiến cho mấy chục triệu nông dân bị chết đói. Để áp chế
sự phản kháng của dân chúng, lãnh đạo lại lạm dụng công cụ chuyên chính, coi những
người dân vô tội có ca thán về các khuyết điểm của chính quyền hoặc vì đói mà
trộm cắp lương thực thực phẩm là đối tượng chuyên chính, bừa bãi bắt giam hoặc
bắn bỏ họ, khiến cho tai họa càng thêm trầm trọng.
Tin tức về thảm họa kể trên cuối cùng đã vượt qua mọi tầng
phong tỏa, được phản ánh tới ban lãnh đạo cấp cao, khiến họ dần dần bình tĩnh
xem xét. Vào khoảng từ năm 1961 trở đi, một số nhà lãnh đạo bắt đầu phát biểu
những suy nghĩ lại về tình hình trước mắt.
Tháng 6/1961, tại cuộc họp ba cơ quan công an-kiểm sát-tòa
án cấp trung ương, đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Tạ Phú Trị nói: “Mấy năm nay
công an có khuyết điểm là với tay dài quá, xử lý cả một số việc không thuộc
lĩnh vực của công an. Tay của kiểm sát và tòa án thì lại ngắn quá. Cần phải
thay đổi tình trạng này.” Tại hội nghị mở rộng tổ Đảng Bộ Công an (7/1961) ông
lại nói: “Mấy năm nay ba cơ quan công an-kiểm sát-tòa án làm rối loạn chức
trách của mình. Cấp dưới có người nói ‘Công an đã cộng mất tài sản của kiểm sát
và tòa án’. Ba cơ quan chính pháp [công an-kiểm sát-tòa án] cấp trung ương lập
một Tổ Đảng, một cơ quan – đây là cách làm đơn giản hóa, chưa qua điều tra
nghiên cứu… Không thể thổi ‘gió cộng sản’, không thể coi kiểm sát và tòa án là
công cụ phụ trợ. Một số cách làm trước đây là sai, nay cần sửa lại.”
Người tái suy ngẫm tương đối thấu triệt là Chủ tịch nước Lưu
Thiếu Kỳ. Tại Đại hội bảy nghìn người (1/1962), khi phân tích khó khăn lớn và
nguyên nhân xảy ra tai họa, ông đưa ra nhận định “3 phần thiên tai, 7 phần nhân
họa”. Tháng 5 năm đó, khi tổng kết công tác chính pháp thời gian từ năm 1958 trở
lại, ông nói: “Bài học kinh nghiệm chung của công tác chính pháp mấy năm nay là
làm lẫn lộn hai loại mâu thuẫn có tính chất khác nhau, chủ yếu là nhầm ta thành
địch, diện đả kích quá rộng… Có cán bộ Đảng và chính quyền tùy tiện duyệt bắt
người, bỏ qua cơ quan công an và kiểm sát. Thậm chí có công xã, nhà máy, công
trường cũng tùy tiện bắt người… Dùng biện pháp chuyên chính với địch để xử lý vấn
đề của người mình, của nhân dân lao động là một sai lầm căn bản.’ Ông cũng nói:
“Tòa án xét xử độc lập là đúng, Hiến pháp quy định thế. Đảng ủy và chính quyền
không nên can thiệp các vụ án do Tòa xét xử … Không nên nói cơ quan chính pháp
phải tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng ủy các cấp. Nếu quyết định của Đảng
ủy không nhất trí với pháp luật và chính sách của Trung ương thì nên phục tùng
pháp luật, phục tùng chính sách của Trung ương.”
Lưu Thiếu Kỳ vốn là người đưa ra “Thuyết Công cụ thuần phục”,
nhấn mạnh “Tòa án phải tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, trở thành công
cụ thuần phục của Đảng”. Nhưng ông có ưu điểm lớn nhất là dám dũng cảm nhận sai
lầm. Sự thay đổi nhận thức của ông về vấn đề cơ quan chính pháp phải phục tùng
pháp luật, trên mức độ nhất định đã làm lung lay hệ thống “Đảng trị”, ươm mầm
cho tai vạ sau này ông bị đánh đổ.
5. Có thể không giẫm lên vết xe đổ được chăng
Lưu Thiếu Kỳ bị lật đổ và hãm hại tới chết là vụ án oan sai
lớn nhất trong lịch sử nước CHND Trung Hoa. Thực ra có tới hàng chục triệu vụ
tương tự. Trong “Cách mạng Văn hóa” từng xảy ra vụ “Đảng Nhân dân Nội Mông Cổ”
liên quan tới số người đông nhất. Số liệu của Viện Kiểm sát Tối cao cho biết:
Trong vụ án oan này có 346 nghìn cán bộ và quần chúng ở Khu tự trị Nội Mông Cổ
bị vu cáo, hãm hại, 16.222 người bị hãm hại tới chết.
Nếu thống kê toàn bộ các vụ án oan sai tương tự thì cả Trung
Quốc có biết bao người từng chết thảm dưới lưỡi dao “chuyên chính với kẻ địch”.
Có thể nói những vụ án oan sai đó là do các sai lầm ngẫu
nhiên gây ra chăng? Trên thực tế, đây là kết quả tất nhiên của thể chế “Đảng trị”.
Mỗi khi nhớ lại số phận của các vị tiên liệt Lưu Thiếu Kỳ,
Bành Đức Hoài, Trương Chí Tân v.v…, người viết bài này dường như nghe thấy tiếng
kêu thảm thiết của vô số oan hồn và bất giác nghĩ đến một câu thiên cổ tuyệt xướng
trong bài “A Phòng cung phú” của nhà thơ Đỗ Phủ đời Đường: “Người Tần không kịp
tự thương cho mình mà đời người sau than thở cho họ. Người đời sau than thở cho
họ mà không biết lấy đó làm gương, khiến người đời sau nữa lại phải than thở
cho người đời sau nữa.” [theo lời dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê. Nguyên văn
âm Hán-Việt: “Tần nhân vô hạ tự ai nhi hậu nhân ai chi, hậu nhân ai chi nhi bất
giám chi, diệc sử hậu nhân phục ai hậu nhân dã.”]
Mong sao đồng bào nước ta có thể tỉnh ngộ, tuyệt đối không một
lần nữa quay lại con đường cũ!
Nguyễn Hải Hoành tóm dịch
Nguồn: 于一夫: “以党治国”面面观 2010年第7期 炎黄春秋杂志
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét