Pham Doan Trang
7h tối 18/8, bão số 3 đổ về đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội mưa trắng
trời. Tôi chống nạng xuống tầng một, thấy nước… cống hòa nước mưa đã ngấp nghé
dềnh đến nửa đùi, tất cả các xe máy đậu bên tường khu tập thể đều ngập bánh
trong làn nước đen. Rác trôi lều bều.
Yên chí rằng không có nhân viên an ninh hay dân phòng nào dại
gì đội mưa giờ này để theo dõi “phản động”, tôi lội ra đường gọi taxi. Trời mưa
vốn là dịp để taxi hốt khách, nhưng cũng lại là những lúc rất nguy hiểm cho tài
xế, vì gió mạnh, mưa xối xả làm mờ kính, rất khó nhìn đường, cây đổ bất ngờ, và
người đi xe máy thì phóng nhanh vượt ẩu. Phải mất tới 45 phút tôi mới gọi được
một chiếc taxi, và mất thêm một tiếng vòng vèo nữa mới đến được nhà Đình Hà,
đón thằng em. Hai chị em hối hả ra bến xe buýt, mua vé vào Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Tội
nghiệp thằng em lỉnh kỉnh máy móc, ba-lô. Đồ gì nó cũng phải cầm hết, vì bà chị
hai tay hai nạng, không tự mang được cái gì.
“Chuột bạch” Hoàng Thành thì đến tối hôm sau mới vào tới
nơi, lúc bão đã tan, nên thoát được trận mưa thối đất thối cát.
Mưa suốt đêm, gió ào ào thổi bên ngoài, cửa kính ô-tô nhòe
nước. Nếu theo “tiêu chuẩn Mỹ”, thì chắc những chuyến xe như thế này là rất
nguy hiểm, người dân được khuyến cáo không nên đi đâu cả. Nhưng đây là Việt
Nam, nơi tính mạng con người vốn bị coi là chẳng đáng giá (ông tướng công an
Nguyễn Văn Hưởng còn răn là nhân quyền Việt Nam khác nhân quyền Mỹ kia mà). Và
chúng tôi cũng muốn tranh thủ vào khu vực Vũng Áng ngay lúc mưa bão, để tránh bị
những kẻ mà ai-cũng-biết-là-ai theo dõi, quấy rầy. Thật ra, theo dõi hay bắt về
đồn ngồi cả ngày đều quá nhẹ; chỉ phiền nhất là những kẻ đó hay có thú bẻ tay,
giật lấy máy ảnh, điện thoại chụp hình và máy ghi âm của chúng tôi, thậm chí cả
laptop, rồi đập máy, hoặc cướp sạch thẻ nhớ. Mỗi lần như vậy là coi như mất
hàng chục triệu đồng; đồ càng chuyên nghiệp càng mất nhiều tiền, chưa kể nỗi
đau xót lớn nhất là mất tư liệu.
Chúng tôi vào Vũng Áng còn vì một lý do nữa: Đã bỏ lỡ dịp ở
đó vào những ngày căng thẳng nhất của thảm họa cá chết (cuối tháng 4, đầu tháng
5 năm 2016), là nhà báo, chúng tôi không muốn và không thể tiếp tục ở lì Hà Nội
để nghe thông tin qua nền truyền thông méo mó của Việt Nam thời mạt. Một khối
truyền thông đầy định kiến và những quan niệm sai lệch, chỉ cam phận hết minh họa
đường lối chính sách lại làm công cụ cho các phe phái đánh đấm. Kèm với hai thứ
đó là những thông tin vỉa hè, cái mà người ta truyền miệng, rỉ tai cho nhau, kể
cả tán oang oang ngoài quán cóc cũng có, sặc sụa mùi thuyết âm mưu, kiểu như: Dự
án Formosa rồi sẽ bị mua lại bởi một bọn còn kinh khủng hơn bọn Formosa Đài
Loan bây giờ, bọn này có đủ lực chi phối cả Bộ Chính trị cơ, lúc đấy dân Việt mới
chết đấy!
Đến khi người nghe hỏi: “Bọn ấy là bọn nào?”, thì câu trả lời
luôn là: “Tuyệt mật. Không nói được đâu”.
Tôi khá khó chịu mỗi khi bị những thông tin kiểu đó lọt vào
tai, và luôn phải cố gắng để kiềm một câu muốn bùng khỏi miệng: “Cảm ơn vì tất
cả các thông tin tuyệt mật. Tôi chỉ thắc mắc, tại sao những thông tin đó lại là
tuyệt mật, tại sao chúng không được công bố trên báo chí Việt Nam?”.
Nhưng biết đâu họ đúng? Cũng như điều này luôn luôn đúng: Ở
bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào, nếu báo chí bị bóp nghẹt, thì thông tin vỉa
hè sẽ lên ngôi. Đừng trách người dân “bầy đàn”, “cảm tính”, “không hiểu biết”.
KỲ SAU: NỖI BUỒN CỦA BIỂN
Nguồn: FB Pham Doan Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét