Vụ nổ súng chết người ở tỉnh Yên Bái
hôm 18/8/2016 đặt ra những câu hỏi lớn về hành vi, ứng xử trong xã hội Việt Nam
hiện nay.
Vụ bạo hành bằng súng làm chết người hôm 18/8/2016 ở tỉnh
Yên Bái của Việt Nam giữa một số quan chức lãnh đạo tỉnh này đã gây ra những
quan ngại trong dư luận và cho thấy những chỉ dấu đáng báo động về tình trạng bạo
lực và ứng xử bạo hành trong xã hội Việt Nam, theo các khách mời Bàn tròn thứ
Năm tuần này của BBC Việt ngữ.
Để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng và phòng tránh những diễn
biến tương tự, cần phải có ngay một số giải pháp điều chỉnh từ luật pháp cho tới
đạo đức theo các nhà nghiên cứu xã hội, nhà quan sát, nhà báo và blogger tại
chương trình tọa đàm trực tuyến hôm 25/8 từ Việt Nam và hải ngoại.
Từ Orange County, California, Hoa Kỳ, nhà báo Đỗ Dzũng,
phóng viên tờ Người Việt Cali, chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu bạo hành từ Mỹ,
ông nói:
"Họ dùng những tổ chức cộng đồng và họ dùng sự tạo tin
tưởng giữa cơ quan cảnh sát và người dân, rồi họ dùng truyền thông và thường
thường những chuyện này, những vị dân cử ở tại địa phương sẽ đứng ra giải quyết.
"Cái khó trong trường hợp Việt Nam là không có phải dân
cử thực sự, nếu họ làm gì, họ được sự chỉ đạo của đảng, của nhà nước thì họ mới
làm, còn nếu không có chỉ đạo thì họ không làm.
"Ở bên Mỹ, vì đó là trách nhiệm của chính quyền địa
phương, thì ông đó sẽ phải đứng ra và tìm cách nào đó để giải quyết, kêu hai
bên ngồi lại với nhau để cho không căng thẳng, còn bên Việt Nam thì việc đó phải
có sự chỉ đạo, đó là sự khác nhau giữa hai bên," ông Đỗ Dzũng nói với Tọa
đàm.
'Xử đảng như xử dân'
Từ Sài Gòn, blogger Nguyễn An Dân nêu giải pháp giảm thiểu bạo
lực từ góc nhìn Việt Nam, ông nói:
"Theo tôi Đảng lãnh đạo nên nhìn thẳng vô sự thật là
trong dân và trong đảng đang dùng bạo lực và đảng cũng không thể áp dụng phương
thức là đối với đảng viên thì xử như thế ấy, còn đối với dân thì xử như thế
này, khác nhau, mà tất cả phải xử trên luật pháp.
"Tôi chưa nói đến luật pháp đó đúng hay là sai, nhưng
Việt Nam cũng có luật pháp, thì phải dựa trên cái đó để xử lý. Có nghĩa là xử
lý đảng như xử lý dân, là một. Thứ hai là đảng đừng sợ mình mất uy tín nữa, tại
vì đảng cũng đã mất uy tín nhiều rồi, thành ra có mất thêm chút nữa cũng không
sao.
"Cứ mạnh dạn đưa những vụ việc như thế này ra xử lý,
nguyên nhân tại sao, động cơ, hậu quả, cái gì dẫn đến nguyên nhân đó. Thí dụ
như ngày xưa có hai ông Phó Giám đốc Sở đánh lộn nhau ở dưới Bình Phước hay
Bình Dương, mà không có xử hai ông đó cách chức, mà chỉ là bản kiểm điểm thôi.
"Nếu như hai ông Phó Giám đốc cấp Sở mà đánh lộn với
nhau mà kiểm điểm, thì hai ông sếp ở cấp tỉnh ngày hôm nay cầm súng bắn nhau là
chuyện đương nhiên. Thành ra, tôi nghĩ rằng đảng nên công khai ra, đảng viên
nào sai, thậm chí ủy viên trung ương (Đảng), ủy viên Bộ Chính trị có sai cũng
phải đưa ra xử.
"Và xử bằng pháp luật một cách danh chính ngôn thuận
trong những phiên tòa mở, công khai, cho phép những tổ chức phóng viên trong nước,
những nhà báo độc lập, những nhà báo của các đài truyền hình, các báo chí lớn
tham gia trong quá trình điều tra và cung cấp thông tin rõ ràng thì có thể nó hạn
chế một phần nào.
"Nhưng đó chỉ là vấn đề một phần nguyên nhân thôi, cái
nguyên nhân căn bản nhất là đảng phải tập huấn cho đảng viên của mình cũng như
nhân dân hiểu rằng từ nay về sau không có đảng luật mà không có pháp luật, mà tất
cả áp dụng chung là phát luật," blogger từ Sài Gòn nói.
'Phải thay đổi triệt để'
I
Chính các đảng viên, quan chức cũng đang gặp sự
'hết sức nguy hiểm' trong xã hội 'bạo lực' ở Việt Nam hiện nay, theo nhà văn Võ
Thị Hảo.
Từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, nhà văn Võ Thị Hảo nói với
Tọa đàm:
"Để giải quyết vấn đề này, như chúng ta vẫn hay nói, nó
là 'lỗi hệ thống' và chính lỗi hệ thống đó đã đưa vào bộ máy này những cán bộ
chất lượng không tốt. Và chúng ta có thể thấy rất nhiều cán bộ mang tính côn đồ
cũng như là chất lượng thấp đã đi vào hệ thống này, cho nên mới có những hiện
tượng như vừa liệt kê.
"Bởi vậy tôi nghĩ rằng bây giờ không có một cuộc tập huấn
nào, hay một tòa án nào khiến cho nhân dân và các đảng viên tin nữa. Và chính
trong xã hội bạo lực này thì chính các đảng viên, các quan chức cũng đang gặp sự
hết sức nguy hiểm.
"Tôi nghĩ rằng đảng cộng sản cần ý thức rằng họ cần phải
thay đổi. Họ có tội nhiều với người dân, bởi vậy họ cần phải thay đổi triệt để,"
nhà văn Võ Thị Hảo nêu quan điểm riêng của mình.
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần làm gì để giảm thiểu và tránh những
vụ bạo hành, bạo lực như trong vụ việc ở Yên Bái, nói thêm với BBC ngay sau khi
dự Bàn tròn thứ Năm, nhà xã hội học, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng nói:
"Những nguyên nhân của bạo lực xã hội ở Việt Nam trong
thời gian vừa qua kể cả vụ Yên Bái, tôi cho là chính những công cụ của chúng ta
để mà điều chỉnh hành vi đang bị vô hiệu hóa, tôi nói đến công cụ về luật pháp
và công cụ về đạo đức.
"Những kiểm soát về luật pháp và kiểm soát về đạo đức
thì cả hai loại công cụ này đang bị vô hiệu hóa. Nếu chúng ta (Việt Nam) muốn
làm sao để có thể quản lý, để có thể giảm bạo lực, phải tăng cường được sức mạnh
của hai loại công cụ này.
"Có nghĩa là gì? Luật pháp phải được thực hiện nghiêm
minh hơn để lấy lại lòng tin của người dân rằng những mâu thuẫn có thể được xử
lý một cách công bằng và nghiêm minh trên cơ sở luật pháp thay vì sử dụng luật
rừng, thay vì thanh toán lẫn nhau như là hiện nay đang diễn ra.
"Và công cụ thứ hai, đấy là công cụ kiểm soát bằng đạo
đức, có rất nhiều phàn nàn về đạo đức xuống cấp ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng nó
liên quan đến câu chuyện mất lòng tin, nhưng chủ yếu tôi tin rằng chúng ta đang
thiếu những kỹ năng về ứng xử với nhau một cách hòa bình, kỹ năng để có thể hóa
giải những mâu thuẫn, giảm bớt mức độ trầm trọng của xung đột xã hội," nhà
xã hội học nói với BBC.
Nguồn: www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét