Nguyễn Bá Sơn
Ngày 12/07/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục
VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã ra phán quyết cuối
cùng trong vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Với phán
quyết này, Philippines được đông đảo dư luận cho là đã giành thắng lợi hoàn
toàn trước Trung Quốc liên quan đến những yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển
Đông. Tuy nhiên, việc miêu tả vụ kiện trọng tài này như một cuộc chiến trong đó
có bên thắng bên thua làm giảm ý nghĩa của hệ thống giải quyết tranh chấp theo
UNCLOS. Một quan điểm như vậy cũng không phản ánh đúng tầm quan trọng của phán
quyết đối với các tranh chấp ở Biển Đông, càng không hiểu được sự đóng góp của
phán quyết đối với sự hợp tác trong tương lai vì hòa bình, thịnh vượng của khu
vực và thế giới.
Phán quyết Trọng tài Biển Đông – câu trả lời có thẩm quyền
cho những vấn đề pháp lý quan trọng
Như Tòa đã nhận xét rất chính xác, “nguồn gốc của các tranh
chấp không nằm ở ý định của Trung Quốc hay Philippines xâm phạm các quyền pháp
lý của bên kia, mà nằm ở cách hiểu khác nhau một cách cơ bản về các quyền của mỗi
nước theo Công ước tại các vùng biển trên Biển Đông”.
Thực vậy, đa số trong 15 đệ trình Philippines đưa ra trước
Tòa có thể gói gọn lại trong hai vấn đề pháp lý chính mà giới luật quốc tế đã
trăn trở từ lâu. Những vấn đề này có thể được thể hiện dưới dạng hai câu hỏi
sau: (1) “Yêu sách về các quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông có phù hợp với
UNCLOS không để Trung Quốc có thể yêu sách vượt quá các giới hạn về vùng biển
mà Trung Quốc được hưởng theo đúng Công ước?”; (2) “Các cấu trúc nhỏ bé ở quần
đảo Trường Sa có thể được coi là “các đảo đầy đủ” có khả năng tạo ra vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa riêng hay không?”. Với các câu hỏi đóng này, các
câu trả lời “có” hay “không” của Trung Quốc và Philippines tất yếu đẩy quan điểm
của hai bên đối chọi nhau.
Chính từ bối cảnh trên mà người ta nên nhìn nhận mục đích của
hệ thống giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. Thực vậy, ý tưởng về một thủ tục giải
quyết tranh chấp bắt buộc với quyết định có tính ràng buộc trong UNCLOS, mà Trọng
tài theo Phụ lục VII là cơ chế mặc định, bắt nguồn từ nhận thức thực tế rằng
các thành viên có thể có quan điểm không thể dung hòa trong cách giải thích và
áp dụng Công ước, do đó một phán quyết của bên thứ ba là cần thiết, nếu nói là
không thể tránh được. Phụ lục VII của UNCLOS cũng trù định rõ ràng về trường hợp
một bên tranh chấp không tham gia vào vụ kiện và định rõ rằng việc không tham
gia đó không tạo thành rào cản cho tiến tiến trình trọng tài.
Tòa trong vụ kiện trọng tài Biển Đông đã diễn ra đúng như
thiết kế và đã hoàn thành đúng những gì mà các nhà đàm phán UNCLOS đã dự kiến –
một bằng chứng cho tính hiệu quả của hệ thống giải quyết tranh chấp theo
UNCLOS. Quan trọng hơn cả, Tòa đã đưa ra những câu trả lời hữu ích cho các câu
hỏi pháp lý chủ chốt liên quan đến cơ sở và phạm vi các quyền được hưởng vùng
biển ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng tài là của cơ quan có thẩm quyền và
hơn thế nữa, bởi nó đạt được bằng sự đồng thuận với lập luận chi tiết, tỉ mỉ bởi
5 chuyên gia nổi tiếng về luật biển.
Tuân thủ và công nhận
Tòa Trọng tài trong phán quyết ngày 12/7/2016 đã chấp nhận lập
luận của Philippines, tuyên bố “các yêu sách về quyền lịch sử hoặc các quyền chủ
quyền, quyền tài phán liên quan đến các khu vực biển ở Biển Đông bao quanh bởi
“đường chín đoạn” là đi ngược lại Công ước và không có hiệu lực pháp lý, bởi vì
chúng vượt quá giới hạn về địa lý và các quyền trên biển mà Trung Quốc được hưởng
theo Công ước”, và “không một thực thể nổi nào ở quần đảo Trường Sa có quyền tạo
ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
Như dự đoán, Trung Quốc đã ngay lập tức phản đối phán quyết
của Tòa theo cách Trung Quốc đã làm từ nhiều tháng trước. Bất chấp những gì
Trung Quốc đã lập luận, về mặt pháp lý như đã được nêu rõ trong Công ước và được
chính Tòa nhấn mạnh, phán quyết là chung thẩm và phải được các bên tuân thủ một
cách có thiện chí. Cũng cần chỉ ra rằng Tòa đã xem xét tất cả các lập luận mà
Trung Quốc vẫn nhắc đi nhắc lại từ trước đến giờ nhằm bác bỏ tính hợp pháp của
tiến trình trọng tài và đã bác bỏ chúng một cách thuyết phục.
Tuy vậy, vẫn tồn tại nghi ngại về khả năng tuân thủ phán quyết
của Trung Quốc . Lý do có hai khía cạnh, đó là: sự phản ứng có vẻ rất dữ dội của
Trung Quốc đối với vụ kiện trọng tài và việc thiếu một cơ chế đối phó với sự
không tuân thủ của Trung Quốc. Trong khi lý do thứ nhất trong dài hạn có thể
không còn đúng, lý do thứ hai ở chừng mực nào đó không hiểu đúng bản chất vấn đề.
Đến nay Trung Quốc đã công khai bất chấp phán quyết của Tòa
Trọng tài. Nếu thái độ như vậy được chuyển thành hành động sau khi phán quyết
được công bố thì thực sự sẽ gây ra mối lo ngại không chỉ cho hòa bình và ổn định
trong khu vực mà còn đối với tính thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế. Mặt
khác, chính thái độ của Trung Quốc đối với vụ kiện cho thấy rõ lo ngại của
Trung Quốc về kết quả vụ kiện cũng như về những tác động của phán quyết đối với
những hoạt động trong tương lai của Trung Quốc. Nếu không, tại sao Trung Quốc
không đơn giản phớt lờ tiến trình trọng tài và để nó chìm vào quên lãng? Việc
Tòa Trọng tài không đồng ý với Trung Quốc về rất nhiều vấn đề chắc chắn làm
Trung Quốc phiền lòng.
Nhìn nhận như vậy, phản ứng giận dữ của Trung Quốc là có thể
hiểu được. Nhưng ông Jerome A.Cohen, một chuyên gia kỳ cựu về luật pháp và
chính trị Trung Quốc, đã nhận định: “Chính sách đối ngoại và lập trường pháp lý
của Trung Quốc không phải là được khắc trên đá”. Cũng có thể bổ sung thêm rằng,
Trung Quốc sớm hay muộn sẽ nhận ra lợi ích của vụ kiện trọng tài này và theo đó
thay đổi chính sách và lập trường mình vẫn giữ bấy lâu trong tranh chấp Biển
Đông. Tất nhiên, Trung Quốc cũng cần thời gian để làm được điều này, giống như
trường hợp sửa đổi luật pháp trong nước, nếu muốn có sự so sánh, đây là việc
không thể thực hiện một sớm một chiều. Quan điểm lạc quan về những khả năng
thay đổi hành vi và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có thêm cơ sở từ thực
tế là Trung Quốc đã rất cẩn trọng không thực hiện những hành động mang tính
khiêu khích và leo thang mới trên thực địa sau phán quyết.
Dù vậy, có hoài nghi rằng phán quyết chỉ là một thắng lợi
không đáng (do thiệt hại còn nhiều hơn) cho Philippines vì sự thiếu vắng cơ chế
thực thi. Quan điểm hiện thực này từ lâu đã bị các thế hệ luật gia quốc tế bác
bỏ. Trong trường hợp cụ thể của vụ kiện Trọng tài Biển Đông, quan điểm này đã
hiểu sai tầm quan trọng của UNCLOS – văn kiện được ví như “bản hiến pháp về đại
dương” và xác định một cách toàn diện các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia tại
các vùng biển khác nhau. Từ thực tế là các hành vi trên biển về bản chất tương
tác với nhau, việc tất cả các quốc gia cần phải hành động trong khuôn khổ do
UNCLOS đặt ra là thiết yếu cho việc duy trì trật tự trên đại dương.
Phán quyết cuối cùng của Tòa đã làm rõ những giới hạn của
các quyền và nghĩa vụ mà Trung Quốc và Philippines được hưởng theo UNCLOS. Phán
quyết do vậy trở thành thước đo khách quan đối với hoạt động tại Biển Đông của
Trung Quốc và Philippines, thậm chí là tất cả các nước. Vì thế, phán quyết
không chỉ đơn giản ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc mà thực tế còn
có hiệu lực phổ quát – nó được hầu như tất cả các nước công nhận. Về vấn đề
này, điều đáng chú ý là không quốc gia nào, ngoài Trung Quốc, đặt nghi vấn về
tính chung thẩm và tính ràng buộc của phán quyết. Không một nước nào, dù lớn
hay mạnh thế nào, có thể làm thay đổi thực tế này.
Cuối cùng, Trung Quốc cũng như của mọi quốc gia khác đều có
lợi ích từ việc các nghĩa vụ quốc tế được tôn trọng. Việc Trung Quốc có tuân thủ
phán quyết hay không sẽ là liều thuốc thử đối với cam kết công khai của Trung
Quốc về tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và duy trì hòa bình, ổn định
trong quan hệ quốc tế. Tuân thủ phán quyết sẽ giúp đảm bảo một trật tự pháp lý ổn
định và có thể dự đoán được ở Biển Đông, nơi có các nguồn tài nguyên quan trọng
đối với sự phát triển của các nước ven biển và tạo thuận lợi cho tuyến đường
hàng hải vận chuyển 50% hàng hóa trên thế giới.
Triển vọng hợp tác
Với một chút khiêm tốn, Tòa đã tuyên bố rằng “mục đích của
tiến trình giải quyết tranh chấp là làm rõ các quyền và nghĩa vụ tương ứng của
các bên, từ đó tạo thuận lợi cho mối quan hệ trong tương lai của họ”. Nhưng như
đã thấy, Phán quyết đã vượt ra ngoài phạm vi các tranh chấp song phương giữa
Trung Quốc và Philippines và có tác động quan trọng đối với triển vọng của khu
vực trong tương lai.
Thực vậy, thông qua việc đưa ra câu trả lời rõ ràng đối với
một loạt các câu hỏi hóc búa, Toà đã gỡ rối đáng kể tranh chấp ở Biển Đông. Một
hiện trạng pháp lý mới ở Biển Đông đã xuất hiện với sự rõ ràng hơn nhiều phạm
vi vùng biển tối đa mà các quốc gia ven biển được hưởng. Sau phán quyết, các
vùng biển ở Trường Sa – vùng biển tranh chấp do sự tranh chấp về chủ quyền chưa
được giải quyết – chỉ giới hạn trong vùng lãnh hải của các cấu trúc luôn nổi (đảo
đá). Tại các khu vực tương ứng của Biển Đông, các nước ven biển giờ đây có thể
tự tin hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng UNCLOS. Bên ngoài
giới hạn quyền tài phán của quốc gia ven biển sẽ là vùng biển quốc tế – nơi các
nước được hưởng một số quyền tự do nhất định theo quy định của Công ước. Vấn đề
đáy biển tại khu vực giữa Biển Đông có trở thành một phần của Vùng theo chế độ
di sản chung của nhân loại sẽ phụ thuộc vào các đệ trình tương lai của các nước
ven biển về thềm lục địa mở rộng của họ.
Kết quả cuối cùng của vụ kiện là rất quan trọng cho việc xác
định bản chất và phạm vi của các hoạt động được phép ở Biển Đông mà các nước có
thể thực hiện theo UNCLOS đồng thời định hình hoạt động hợp tác trong tương lai
tại khu vực. Trong tương lai gần, phán quyết sẽ soi sáng cho việc thực thi DOC ở
Biển Đông và đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Về lâu dài, với phạm vi
các quyền và lợi ích biển được xác định rõ ràng hơn ở Biển Đông, các nước ven
biển cần bắt đầu các hoạt động hợp tác, có thể có sự tham gia của các nước
ngoài khu vực và các tổ chức quốc tế, để giải quyết các vấn đề có liên hệ chặt
chẽ với nhau trong vùng biển nửa kín này theo quy định của UNCLOS.
Với các phân tích như vậy, không ai có thể chối bỏ ảnh hưởng
rất có giá trị mà Tòa có đối với sự phát triển trong tương lai ở Biển Đông. Giờ
đây, việc nhận thức thực tế này cũng như thực thi phán quyết một cách thiện chí
hoàn toàn phụ thuộc vào các quốc gia.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét