Quốc Phương
Nhà quan sát Nguyễn Thị Từ Huy từ Paris bàn về
nguyên nhân các vụ bạo lực ở Việt Nam gần đây và đề cập giải pháp cho vấn đề.
Các vụ bạo lực từ nổ súng ở tỉnh Yên Bái cho tới sỹ quan
công an xã ở tỉnh Bình Thuận của Việt Nam bắn hai viên đạn cao su vào lưng của
công dân địa phương khi 'mời' lên trụ sở làm việc tiếp tục là đề tài được dư luận
quan tâm.
Hôm Chủ Nhật, bình luận xung quanh hệ quả của những 'tiếng
súng ở Yên Bái' và cách thức truyền thông nhà nước và chính quyền Việt Nam công
bố, loan tin về sự việc, có ý kiến từ nhà quan sát thời sự, xã hội Việt Nam từ
Paris, Pháp cho rằng:
"Trước cách thức vừa đưa tin vừa làm nhiễu loạn thông
tin như ta đang thấy, thì chưa có thể có bình luận nào khả tín hoàn toàn về nguyên
nhân vụ việc, ngoài việc thừa nhận đây là một sự kiện bạo lực giết người
diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng. Nó là một biểu hiện của sự
khủng hoảng trầm trọng của mô hình lãnh đạo, mô hình xã hội, mô hình luật
pháp ở Việt Nam."
Ý kiến này được nhà nghiên cứu chính trị, Tiến sỹ Nguyễn Thị
Từ Huy, đưa ra trong cuộc trao đổi với BBC hôm 28/8/2016, mà sau đây là toàn
văn cuộc phỏng vấn qua bút đàm.
BBC: Vụ nổ súng chết người là các quan chức lãnh đạo ở tỉnh
Yên Bái (18/8/2016) hiện đang được chính quyền Việt Nam điều tra, có người cho
rằng đằng sau đó có thể có những nguyên nhân phức tạp hơn là đã được công bố
trên truyền thông nhà nước, bà bình luận thế nào về sự kiện này và cách thức nó
được loan báo trên truyền thông chính thức?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Có thể nhận thấy sự khác biệt rất
rõ ràng giữa truyền thông Việt Nam và truyền thông của các nước dân chủ. Lấy
một ví dụ, ở Pháp khi xảy ra một vụ giết người gây chấn động xã hội thì các
thông tin đều được cung cấp đầy đủ, rõ ràng, vì thế các báo đều đưa các tin giống
nhau, sau khi đã có xác nhận từ cơ quan điều tra, thường là tin do tổng kiểm
soát trưởng thông báo trước truyền hình. Cho dù có thể có nhiều bình luận khác
nhau, nhưng thông tin về sự kiện thì không thể khác nhau.
Và tin được đưa rất nhanh, thậm chí từng phút một nếu ta ở
trên mạng internet (online). Trong trường hợp khi chưa có các thông tin cuối
cùng, thì có những báo, hoặc những kênh truyền hình, mỗi ngày đều điểm tình
hình: đã biết được gì về thủ phạm, về nguyên nhân… và những gì còn chưa được biết
về thủ phạm, về nguyên nhân, về những kẻ đồng lõa… Như vậy người dân hoàn toàn
làm chủ thông tin, họ có thể bình luận, phán xét về sự kiện, và tránh được những
phỏng đoán sai lầm.
Trường hợp truyền thông Việt Nam, do không có tự do báo
chí, truyền thông bị chỉ đạo từ trên xuống nên có hiện tượng tin đăng lên rồi
phải gỡ xuống, có những chuyện hôm nay được nói nhưng ngày mai bị cấm. Bản
thân các nhà báo có thể rất không muốn như vậy, nhưng họ buộc phải phục tùng
cơ chế, vì thế mà, truyền thông, thay vì đóng vai trò truyền tin chính xác cho
dân chúng, rốt cuộc lại tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, khi mà các thông tin mỗi
báo đăng một khác, khi mà thông tin ngày hôm nay khác thông tin ngày hôm qua,
khi bài đăng lên rồi bị gỡ xuống.
'Khủng hoảng mô hình'
Hậu quả không thể tránh khỏi là người dân buộc phải suy
luận từ cái nguồn thông tin hỗn loạn và bất trắc mà báo chính thống cung cấp,
và đưa ra các phỏng đoán đủ các loại. Từ phỏng đoán về mâu thuẫn lợi ích cá
nhân giữa các lãnh đạo trong nội bộ đảng, cho đến phỏng đoán mà ngày hôm nay
có người đã đưa ra về một sự chỉ đạo thanh trừng từ cấp trung ương đưa xuống,
như trong bài "Rối loạn tại Quân khu II: từ cái chết của tướng Lê Xuân Duy
đến cuộc thanh toán máu nhuộm Yên Bái". Điều đáng nói là không ai có thể
đoan chắc phỏng đoán nào là chính xác, phỏng đoán nào là sai lầm. Và cái giá mà
những người lãnh đạo phải trả, ngoài những người đã bị giết, thì những người ở
hàng ngũ cao cấp cũng bị cho là có liên quan trực tiếp.
Cho đến thời điểm này, trước cách thức vừa đưa tin vừa làm
nhiễu loạn thông tin như ta đang thấy, thì chưa có thể có bình luận nào khả
tín hoàn toàn về nguyên nhân vụ việc, ngoài việc thừa nhận đây là một sự
kiện bạo lực giết người diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng. Nó
là một biểu hiện của sự khủng hoảng trầm trọng của mô hình lãnh đạo, mô hình
xã hội, mô hình luật pháp ở Việt Nam.
BBC: Sau diễn biến ở Yên Bái, một cựu Thứ trưởng Khoa học,
Công nghệ và Môi trường của Việt Nam, Giáo sư Chu Hảo bình luận trên truyền
thông mạng cho rằng: “Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng
tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính
trị-xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm. Nguy hiểm cho sự lãnh đạo tuyệt đối
của đảng và của chế độ thì đã đành, nhưng đó không phải là mối quan ngại của những
người lâu nay công khai bầy tỏ ý kiến bất đồng đối với những đường lối, chủ
trương, chính sách sai trái của đảng và nhà nước. Những người này, trong đó có
chúng tôi, âu lo về sự an nguy của dân tộc khi xẩy sự bạo loạn ngoài tầm kiểm
soát”, bà nghĩ sao về quan điểm này?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Tôi đồng ý với bình luận của ông Chu
Hảo : sự kiện thanh toán lẫn nhau trong hàng ngũ lãnh đạo ở Yên Bái đúng là
phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng. Thực ra sự tha hóa
thì đã diễn ra từ lâu. Khi đọc lại các bài viết của ông Hồ Chí Minh từ những
năm 50, 60 của thế kỷ trước, ta có thể nhận thấy một nỗi ám ảnh trở đi trở lại
trong nhiều bài viết : cần phải chỉnh đốn đảng. Từ thời đảng còn mạnh như vậy
mà đã phải chỉnh đốn rồi. Phải chỉnh đốn đảng là bởi vì nó đã tha hóa từ bên
trong. Nhưng sự tha hóa này được giấu kỹ trong một thời gian dài.
Giờ đây, như ông Chu Hảo nói, nó được phơi bày ra, nó vang
lên trong tiếng súng khai tử các lãnh đạo của đảng nổ ra giữa ban ngày ngay nơi
công sở. Cái giá mà đảng phải trả là sự hoen ố tột cùng của hình ảnh đảng
trong lòng nhân dân. Và cái giá mà nhân dân phải trả rất có thể là họ sẽ bắt
chước lãnh đạo, tự xử lý lẫn nhau không cần đến pháp luật. Cái giá mà xã hội
phải trả là bạo lực cách mạng mà đảng nuôi dưỡng trong từng trang sách giáo
khoa đã trở thành một thứ bạo lực xã hội đen được sử dụng trong ánh sáng trắng
của cuộc sống thường nhật. Nếu đến lúc này mà lãnh đạo và người dân không chịu
hiểu điều đó thì hỗn loạn xã hội ở Việt Nam là điều mà tất cả mọi người đều
phải chờ đợi.
'Hai con đường giải quyết'
Truyền thông Việt Nam phản ánh vụ công an xã ở
một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vừa nổ súng bắn 'hai phát đạn cao su' vào lưng
một công dân địa phương hôm 22/8.
BBC: Mới đây hơn, cũng theo truyền thông Việt Nam, một sỹ
quan Thiếu tá Công an Xã ở Phan Thiết, Bình Thuận, dùng súng ' bắn hai phát đạn
cao su' vào một công dân khi không ‘mời’ được người này lên trụ sở công an làm
việc hôm 22/8, vụ việc cũng đang được chính quyền ‘điều tra, làm rõ’, tuy nhiên
theo bà, sự kiện này nói thêm điều gì về xã hội VN hiện tại?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Điều này nói lên rằng xã hội Việt
Nam là một xã hội không có luật pháp đúng nghĩa. Một việc như vậy chỉ có
thể xảy ra khi ngành công an cho phép mình sử dụng pháp luật như một công cụ
để làm lợi cho ngành công an và đàn áp nhân dân. Và khi ngành công an được bật
đèn xanh cho muốn làm gì thì làm. Nói cách khác, đó là biểu hiện của một nhà
nước công an trị, của một xã hội công an trị.
Chính quyền Việt Nam đang đối diện với một mâu thuẫn:
chính quyền cần công an để bảo vệ chế độ vì thế mà dung túng cho ngành công
an sử dụng bạo lực ; nhưng một khi việc sử dụng bạo lực bất chấp luật pháp
đã trở thành thói quen ở những người công an thì việc đụng độ và gây hậu họa
cho người dân là không tránh khỏi, như trường hợp nêu trên đây ; và lúc đó, người
dân để tự bảo vệ mình, nhất định sẽ dẫn đến xung đột, ở các mức độ khác
nhau. Một chính quyền công an trị cần phải chờ đợi ngày mà người dân bị trị sẽ
nổi lên vì họ không còn chịu đựng được nữa. Một nhà nước công an trị tất yếu sẽ
làm gia tăng bạo lực và đối kháng. An toàn xã hội và sự bình yên của xã hội
chỉ có thể được đảm bảo khi có một nhà nước pháp quyền.
BBC: Cuối cùng, qua các sự kiện trên, dù là với động cơ nào,
nguyên nhân nào, dường như đã có những diễn biến, dấu hiệu khá rõ ràng của bạo
hành hay lạm dụng bạo lực trong xã hội Việt Nam hiện nay, vậy nhà nước, xã hội
và cộng đồng cần ưu tiên làm gì để giải quyết căn bản, gốc rễ vấn đề và xu hướng
này, theo bà?
TS. Nguyễn Thị Từ Huy: Bạo lực ở Việt Nam có nguyên nhân cốt
lõi từ hệ thống chính trị Việt Nam, một hệ thống chính trị lấy bạo lực và
cưỡng bức làm nguyên lý tồn tại. Hai con đường nhanh nhất bổ sung cho nhau để
giải quyết vấn đề bạo lực là luật pháp và giáo dục.
Nhưng hệ thống chính trị đã biến cả luật pháp và giáo dục
thành công cụ để bảo tồn nguyên lý của nó, vậy làm sao có thể giải quyết một
cách căn bản vấn đề bạo lực trong xã hội, nếu không giải quyết các vấn đề căn
bản của hệ thống chính trị? Bạo lực học đường là điều mà chúng ta đã nói đến từ
lâu. Bạo hành trẻ mầm non đã bao nhiêu lần làm rúng động dư luận.
Nếu không nhanh chóng giải quyết các vấn đề của hệ thống
chính trị, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi kể từ đây bạo lực sẽ phát triển với
tốc độ chóng mặt trên toàn xã hội Việt Nam.
Nguồn: www.blogger.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét