Pham Doan Trang
Khoảng 7h sáng hôm sau (19/8), chúng tôi tới xã Kỳ Lợi, Kỳ
Anh, Hà Tĩnh. Cảnh tượng ngay lập tức đập vào mắt tất cả mọi người đến nơi đây,
là khu kinh tế Vũng Áng rộng mênh mông chạy dọc chân trời, với những ống khói
trắng-đỏ đang nhả khói vào mây. Đó là ban ngày, còn xế chiều, khi Vũng Áng lên
đèn, bạn sẽ thấy hàng chuỗi hàng chuỗi đèn điện hồng xen lẫn với ráng hồng của
bầu trời. Đến đêm tối thì Formosa thật sự trở thành một “vương quốc” sáng rực
ánh điện, đèn lấp lánh, chi chít như sao sa, tương phản với bên kia đường là đồng
cỏ và khu nhà dân tiêu điều, tối mò. Nếu bạn vào xóm Cũ, nơi 183 hộ dân vẫn
cương quyết trụ lại, không chịu di dời, thì sẽ thấy cảnh tượng còn hoang tàn nữa,
với những đống gạch vụn, những nhà cửa đã bị đập bỏ chỉ còn trơ cột kèo, khung
sắt…
Nói Formosa Vũng Áng đã trở thành một “vương quốc”, một xứ sở
tự trị, cũng không sai. Dân địa phương phản ánh, kể từ tháng 5/2014 sau khi xảy
ra bạo loạn Vũng Áng (mà cho đến giờ, thủ phạm thực sự - kẻ giật dây tất cả -
là ai, vẫn là một bí mật), công nhân viên người Đài Loan, Trung Quốc không ra
khỏi khuôn viên Formosa nữa. Họ ở luôn bên trong, nơi có đầy đủ siêu thị, trung
tâm mua sắm, khu ăn uống, thể thao, giải trí… và nhà máy nhiệt điện riêng để
cung cấp hệ thống điện riêng. Bao xung quanh, ngăn với bên ngoài là dãy tường
dài hàng kilomet, trên có gắn mảnh chai, sành, và nhất là một hàng rào điện. Nội
bất xuất, ngoại bất nhập, người ra vào Formosa phải có thẻ quẹt, mà sau 15 ngày
không tác động gì vào thẻ thì nó sẽ tự hủy.
Nhân viên làm việc bên trong không được phép quay phim, chụp
hình. Đó là lý do chúng tôi không có được bức ảnh nào về Formosa nhìn từ phía
trong, dù đã gặp một số người từng làm nhân viên cho các nhà thầu của tập đoàn
này. Tất nhiên, vẫn luôn tồn tại khả năng cho việc những nhân viên người Việt của
Formosa bí mật tuồn dữ liệu ra bên ngoài, tuy rất nguy hiểm cho họ. Nguyên tắc
“bảo vệ nguồn tin” cần được các blogger, các nhà báo công dân tuân thủ chặt chẽ.
Trong khuôn viên Formosa, có hàng chục tòa nhà cao tầng, được
cho là văn phòng cũng như nhà ở của nhân viên. Tại một tòa nhà như thế, nằm sát
tường rào, gần mặt đường, người ta thấy cả dàn radar trên mái. Một chiến sĩ
đóng quân trên địa bàn Kỳ Anh, với chuyên môn về tác chiến điện tử, nói với
chúng tôi rằng tầm nhìn của radar này có thể vươn tới 80 hải lý (khoảng 145
km). Người lính này cũng bảo, ở trong tầm nhìn của radar, “mình làm bất cứ cái
gì, Formosa cũng thấy hết”. Nhưng ngược lại, chẳng một ai biết họ đang làm gì
trong cái vương quốc của họ.
Hoàng Thành ngạc nhiên: “Thế là mình phải chịu thế à?”.
Cậu lính trẻ đáp: “Thì phải chịu chứ sao. Không ai được vào
trong đó hết. Chắc khi nào có chuyện gì cần giúp đỡ thì Formosa sẽ nhờ, nhưng
cũng chỉ công an là được phép vào bên trong thôi, bộ đội thì không”.
Mấy người dân địa phương nhiệt tình cho chúng tôi ngồi vào
thuyền thúng, chèo ra nơi đậu ghe, rồi đưa ghe ra sát khu vực cảng Sơn Dương và
kè đá chắn sóng của Formosa. Sơn Dương là cảng nước sâu, độ sâu 11m, nước một
màu xanh thẫm, không thấy đáy. Chiếc ghe trở nên rất mỏng mảnh. Sóng to, dâng
cao cả mét, bọt biển liên tục bắn vào ống kính. Đình Hà và Hoàng Thành cứ phải
loay hoay đứa chụp ảnh, quay phim, đứa che chắn nước, và cố để không làm ghe mất
thăng bằng. Vẫn theo “tiêu chuẩn Mỹ”, lẽ ra không ai được lên thuyền mà không
có áo phao. Nhưng ở đây là Việt Nam; cả ba đứa chúng tôi đều im tiệt, coi như
không có chuyện gì xảy ra. Đến chỗ này, vào thời điểm này mà còn hỏi ngư dân về
áo phao và trang thiết bị an toàn lao động thì thật là lố bịch.
Công trình cảng Sơn Dương vẫn đang được xây dựng giữa biển,
gần đảo Sơn Dương. Còn trên bờ, bãi cát vắng hiu hắt, không một bóng người.
Hàng chục con thuyền phủ vải nằm trơ. Cách đây mới nửa năm, nơi đây còn vui lắm.
Mỗi chiều khi tàu cá về, bà con ào ra đón, hò nhau kéo ghe lên bờ cát, có trông
thấy mới hiểu thế nào là niềm vui “cá bạc đầy khoang”. Trẻ con thì ríu rít chơi
đùa, đá bóng.
Bây giờ khác rồi.
Xế chiều, khi ghe của chúng tôi trở về, một vài phụ nữ ở
trong xóm trên bờ cũng chạy ra đón, giúp kéo ghe lên bãi. Nhưng trong khoang…
trống huếch trống hoác. Không có gì cả. Và chúng tôi cảm thấy đắng ngắt: Vẫn tiếng
hò ấy, vẫn những giọng nói chào đón ấy, vẫn những động tác quen thuộc ấy của
dân biển ngàn đời nay, song có cái khác hoàn toàn, là không còn niềm vui “thuyền
anh mãi về cho cá bạc đầy khoang” (*) nữa. Những nụ cười trở nên vô cùng gượng
gạo.
Sao biển buồn đến thế?
Đến lúc này tôi mới phát hiện có một vết rách ở bàn chân phải,
và nó đang rỉ máu, sưng lên. Vài tiếng sau thì nó nhiễm trùng, sưng húp, mỗi lần
lỡ chạm phải quai dép đều đau điếng người. Không hiểu vì sao chỉ từ một chỗ trầy
xước mà nó thành ra như vậy. Đình Hà kết luận chắc nịch: “Hoặc do nước cống Hà
Nội, hoặc do nước biển nhiễm chì, bác chọn đi!”.
Lại báo hại người dân địa phương chở tôi ra trạm xá, để y sĩ
– soeur Vân – sát trùng và băng vết thương lại. Soeur nói nước biển ở đây rất bẩn,
độc, nhiều người lặn về thấy khó thở, nhức đầu, ít nhất cũng thấy mệt mỏi.
“Thôi thì chắc cũng như nước cống Hà Nội” – tôi nghĩ.
Chúng tôi ăn chiều cùng bà con. Mâm cơm có trứng, rau, một
đĩa tôm và một bát canh đầu cá. Ai cầm bát đũa lên cũng nói như phân trần:
“Không phải tôm, cá Vũng Áng đâu nhé”, ý là bảo chúng tôi đừng lo phải ăn hải sản
nhiễm độc. Nhưng làm gì còn tôm cá nào ở vùng này nữa mà lo. Cả hai thứ đều là
đồ nhập khẩu. Chỉ biết thở dài khi ở giữa xứ làm nghề biển, ở ngay sát bờ biển,
mà phải ăn hải sản nhập từ nước ngoài.
CÒN NỮA
---------
(*) Lời bài hát nổi tiếng của dòng nhạc đỏ, "Tình ta biển
bạc đồng xanh", do nhạc sĩ Hoàng Sông Hương (bố đẻ ca sĩ Mỹ Lệ) sáng tác
năm 1973.
Nguồn: FB Pham Doan Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét