Clint Eastwood
Ba người đàn ông dày dạn sương gió, để ria mép, đứng đối mặt nhau giữa một nghĩa trang mênh mông không bóng người. Họ liếc nhìn nhau một cách đầy ngờ vực và đứng im phăng phắc, không nói một lời nào. Khung cảnh đó kéo dài trong hai phút rưỡi.
Nghe không giống như xi-nê lắm?
Thế nhưng thật ra đó là một trong những phân cảnh trong phim
cuốn hút nhất và được ca ngợi nhiều nhất mọi thời đại: màn thanh toán cao trào
vào cuối phim ‘Thiện, Ác và Tà’ của đạo diễn Sergio Leone.
Cảnh đấu tay ba
Năm nay đánh dấu tròn 50 năm ngày ra mắt bộ phim. Trong vòng
năm thập niên qua, tác phẩm điện ảnh này đã có ảnh hưởng lớn lao đối với điện ảnh
và văn hóa đại chúng.
Di sản đạo diễn huyền thoại người Ý được khắc ghi vào thể loại
phim cao bồi Ý (spaghetti western - tức loại phim về miền Viễn Tây nước Mỹ
nhưng mang phong cách Ý). Thể loại này thịnh hành trong những năm 1960 và 1970
với cảm hứng từ các bộ phim của Hollywood về cao bồi và người da đỏ.
Chúng là tác phẩm của các đạo diễn châu Âu thích mạo hiểm và
làm phim với ngân sách khiêm tốn.
Do đó mà trào lưu làm phim này được định hình bởi tinh thần
sáng tạo dũng cảm. Không có tác phẩm điện ảnh spaghetti western nào nổi tiếng
và chỉ có một ít phim được đánh giá cao như ‘Thiện, Ác và Tà’.
Phim do Leone thực hiện vào năm 1966 kể về ba kẻ du đãng
chai lì đi tìm kho báu.
Bộ phim kinh điển này của ông đã có mặt trong vô số bảng xếp
hạng hàng đầu trong nhiều năm. Kỹ thuật kể chuyện mang tính đột phá của phim đã
được các nhà làm phim trên khắp thế giới sử dụng, giảng dạy, học lóm và tham khảo.
Cảnh chạm trán nổi tiếng giữa ba nhân vật vốn được mọi người
biết đến là ‘cảnh đấu tay ba’ được xem là một trong những ví dụ hay nhất về kỹ
thuật biên tập trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Cốt lõi của lý do tại sao ‘Thiện, Ác và Tà’ lại có tiếng
vang lớn như vậy trong vòng nửa thế kỷ từ khi nó ra đời không phải là việc nó kể
về những gì đã xảy ra, mà là về cách nó kể câu chuyện.
Lee Van Cleef
Kỹ thuật chuyển cảnh bậc thầy
Ngay từ đầu phim đã có những dấu hiệu cho thấy nó sẽ có những
pha hành động mạo hiểm.
Mở đầu là cảnh quay góc dài và rộng hình ảnh một thung lũng
khô cằn, gồ ghề và cảnh dãy núi. Tuy nhiên, cảnh đó chỉ kéo dài có vài giây.
Leone dùng nó để thể hiện tay nghề chuyển cảnh khéo léo của
ông.
Gương mặt của một gã cao bồi râu ria lởm chởm bất thình lình
xuất hiện trong khuôn hình gần đến nỗi chúng ta có thể nhìn thấy lỗ mũi của gã.
Cảnh góc rộng và dài đã biến thành cận cảnh với hình ảnh
quay rất sát mà không cần phải cắt hay dời cảnh gì cả.
Khung cảnh mênh mông trong cảnh mở đầu tạo nên bối cảnh cho
bộ phim.
Đó là dấu hiệu cho thấy chuyện phim sẽ xảy ra trong một bối
cảnh rộng lớn, khắc nghiệt và sau đó bối cảnh đó sẽ nhanh chóng thay đổi để đi
sâu vào cảnh quay đã trở thành ‘đặc sản’ trong phim: chân dung cận cảnh của các
nhân vật được quay một cách cách thiếu tự nhiên.
Cũng quan trọng như biên tập phim, nhạc nền được xem là một
trong những bản nhạc phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh.
Được nhà soạn nhạc thiên tài người Ý Ennio Morricone sáng
tác, bản nhạc phim đã được đưa vào Bảo tàng Danh dự của Grammy vào năm 2009.
Khán giả dễ dàng nhận ra bản nhạc này. Có cả một cuốn sách
bình luận về bản nhạc chủ đề trong phim.
Bản nhạc xếp ngang hàng với điệp khúc hai nốt rùng rợn trong
phim Jaws (tức ‘Hàm Cá Mập’) và bản Imperial March trong ‘Chiến tranh giữa các
vì sao’ trong danh sách những nhạc phim nổi tiếng nhất trong điện ảnh.
Cảnh quay kinh điển
Tuy nhiên cảnh quay đỉnh cao là cảnh cuộc đấu tay ba – một
phân cảnh điêu luyện mà trong đó các nhân vật chính (do Clint Eastwood, Lee Van
Cleef và Eli Wallach thủ vai) đối mặt nhau trên một mảng gạch xi măng hình bầu
dục trong nghĩa trang thời Nội chiến.
Để hiểu được tầm quan trọng của cảnh quay này thì điều đầu
tiên là nó giúp chúng ta hiểu được một chút về các yếu tố làm phim cơ bản.
Nguyên tắc cơ bản nhất của của việc biên tập một bộ phim –
được gọi là cắt cúp – thường được sử dụng để rút gọn thời gian. Bằng cách này
thì những chi tiết vụn vặn từ lúc này qua lúc khác trong cuộc đời thực sẽ được
cắt bỏ.
Chẳng hạn như cảnh quay một người bắt đầu bước lên cầu thang
được cắt chỉ còn lại người đó xuất hiện ở bậc thang trên cùng còn đoạn người đó
đi từng bước lên cầu thang bị cắt bỏ.
Tuy nhiên, cảnh đối mặt trong phim ‘Thiện, Ác và Tà’ lại chủ
yếu là cảnh không hành động. Về thực chất nó kể một câu chuyện khi không có câu
chuyện gì cả.
Cảnh đối đầu không lời của các nhân vật được mở đầu và kết
thúc bằng đại cảnh cho thấy ba nhân vật đứng thành một hình tam giác với các nấm
mộ và bia mộ đằng trước và phía sau họ.
Trật tự của các cảnh quay lúc đầu được cân bằng hoàn hảo giữa
các nhân vật.
Có ba cảnh quay cận cảnh khẩu súng ngắn của mỗi người và sau
đó là ba trung cảnh gương mặt của họ rồi tiếp theo là quay cận vào mặt của mỗi
người.
Tầm ảnh hưởng
Hình ảnh trở nên điên cuồng và các cảnh quay trở nên ngắn
hơn, cô đọng hơn khi mà âm nhạc của Morricone lên cao vút.
Khán giả bước vào khoảng không gian đặc biệt đó nơi mà họ cảm
thấy họ đang bước đi trong tâm trí các nhân vật và run rẩy trong nỗi sợ hãi và
mong chờ cùng với nhân vật.
Đây chính là đoạn phân cảnh mà các học giả và các fan hâm mộ
trung thành đã nghiền nghẫm kỹ từng chi tiết của các cảnh quay như thể họ là
nhà khoa học đang giải phẫu một cơ thể người ngoài hành tinh để tìm ra bí mật.
Cảnh quay như thơ này mặc dù đem đến cảm giác hỗn loạn nhưng
cấu trúc của nó thì thể hiện rõ tính phương pháp và thậm chí có nét toán học.
Hiệu ứng của ‘Thiện, Ác và Tà’ vẫn còn ảnh hưởng đến những bộ
phim được ra mắt thời nay.
Không đạo diễn nào thể hiện sự ngưỡng mộ đối với tác phẩm
này với tất cả nhiệt huyết như là Quentin Tarantino, người gọi nó là thành tựu
vĩ đại nhất trong lịch sử điện ảnh.
Là một người ủng hộ nhiệt thành của câu ngạn ngữ ‘nghệ sỹ vĩ
đại học hỏi từ người khác', chúng ta có thể thấy tình yêu của Tarantino dành
cho bộ phim này ẩn hiện trong toàn bộ các tác phẩm của ông.
Thật vậy, trong phim ‘The Hateful Eight’ mới đây của ông,
Tarantino đã nhờ Morricone (nay đã 87 tuổi) viết nhạc nền.
Có lẽ ảnh hưởng rõ nét nhất là cảnh cuối trong phim
‘Reservoir Dog’ vào năm 1992 về màn đối đầu ở Mexico.
Cảnh này thể hiện ba tên cướp có vũ trang (do Lawrence
Tierney, Harvey Keitel và Chris Penn thủ vai) chĩa súng vào nhau, người này đợi
người kia khai hỏa.
Cảnh này gần như y hệt cảnh cao trào trong tuyệt phẩm của
Leone, nhất là cảnh ba nhân vật đứng thành hình tam giác.
‘Thiện, Ác và Tà’ cũng là nguồn cảm hứng trực tiếp cho nhiều
đạo diễn khác, trong số đó có Martin Scorsese, Robert Zemeckis, Sam Raimi và
Robert Rodriguez.
Thành công trên toàn cầu của phim này khiến nam tài tử Clint
Eastwood, người bắt đầu hợp tác với đạo diễn Don Siegel hai năm sau đó, trở
thành ngôi sao điện ảnh quốc tế.
Sự hợp tác này đã đưa đến những bộ phim kinh điển như ‘Dirty
Harry’ và ‘Escape from Alcatraz’.
Nguồn: www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét