Hạ Đình Nguyên
Như chuyện đã loan ai cũng biết. Chỉ là 8 phát đạn, 4 phát dành
riêng cho ông Bí thư tỉnh trong một căn phòng riêng cách âm, 3 phát dành cho
ông chủ tịch HĐND tỉnh, và một phát dành riêng cho mình, cùng trong một căn
phòng khác của ông chủ tịch HĐND tỉnh. Tiếng súng K59 không lớn lắm và diễn ra
trong mấy phút, nhưng âm vang của nó đã vang xa cả nước, kéo dài cả tuần nay
chưa dứt, và hứa hẹn là chưa thể chấm dứt, với tin tức đã tràn ngập trên mạng,
lề trái và lề phải... Ông Nguyễn Cường Minh – tên xạ thủ - trưởng Chi cục kiểm
lâm – hẳn phải ghi đậm nét, dù màu đen hay màu đỏ, trong trang sử của đảng CSVN
ở giai đoạn đặc biệt nầy.
Với Đặng Ngọc Viết, đối tượng của anh không nhất thiết là Giám
đốc Tư, nếu được thì càng tốt, mà bất cứ ai trong nhóm của Giám đốc Tư, đều có
thể tượng trưng cho một chính sách mà anh thẳng thắng lên án, không cần đến
“tóa án”, cái tổ chức mà anh không tin tưởng, và các phát súng của anh còn chưa
hoàn hảo 100%. (Vì có người chỉ bị thương và sống sót). Đó là một chút khác
biệt về kỹ năng, bởi anh chỉ là người lao động, không chuyên nghiệp về bắn
súng.
Với Đỗ Cường Minh, mọi khía cạnh diễn ra có thể nói triệt để
hơn. Cẩn thận và chắc ăn đến 4 phát liền vào đầu, vào ngực, đối tượng bị dứt
điểm ngay tức thời, tại chỗ, rất chắc chắn. Đối tượng thư hai, 3 phát liền cũng
vào đầu, vào ngực và cũng có một kết quả hoàn hão. Cái hoàn hão cuối cùng, ông
ấy dành cho mình. Dù bà Chủ tịch UBND tỉnh nói rằng, tánh ông hiền lành, hòa
nhã…, mà nhìn mặt ông người ta cũng thấy thế. Nhưng việc sử dụng súng của ông
là chuyên nghiệp với cái chức vụ ông đang có, không hề dễ chịu chút nào. Hẳn là
ông từng đối đầu với những tình huống gay cấn với lâm tặc, và nhất là với các
loại “lâm tặc” của lâm tặc và trên cả lâm tặc. Ở đó, nó đòi hỏi không những kỹ
năng về sử dụng súng, mà càng đòi hỏi về trí tuệ, nhất là một trái tim biết dứt
khoát.
Cả anh Viết, và ông Minh đều đã lượng định được tình hình với
toàn cảnh của nó, để biết và chọn cách “dứt khoát” – dứt khoát của kịch bản
chính là phát súng cuối cùng cho mình. Cả hai người đã soạn kịch bản đều mang
tính dứt khoát. Tạm gác qua lý lẽ đạo đức đời thường, hai kịch bản đều hoàn
hảo. So sánh hai trường hợp, có thể thấy có sự: “hoàn hảo công khai” và sự:
“hoàn hảo bí mật”
Hoàn hảo công khai
Anh Đặng Ngọc Viết hỏi: Văn phòng của Trung Tâm phát triển Quỹ
Đất ở đâu? Được chỉ và anh tìm vào. Ba phát dành cho 3 người có mặt, một cách
dứt khoát. Anh bước ra cửa và gặp ngay 2 người xuất hiện từ phòng bên cạnh
(cũng thuộc đơn vị), chia cho mỗi người một phát. Quỹ đạn của anh có phần eo
hẹp, không trù phú như quỹ đất. Tất cả, anh chỉ có sáu. Anh phải dành dụm riêng
cho mình có một.
Anh cầm cây colt trên tay với viên còn lại cuối cùng, bước vội
qua sân, lấy xe, cởi về nhà, tắm rửa rồi thả bộ đến ngôi chùa làng. Anh xin một
tô cơm chay ăn, bửa ăn cuối ngày, cũng là cuối cùng. Xong, anh bước ra quanh
tượng Phật, chiêm nghiệm điều gì, rồi thân ái tặng cái viên cuối cùng cho mình.
Kịch bản của anh kết thúc rất hoàn hão và minh bạch. Khó mà nói
anh đã vì xúc cảm nhất thời hay thiếu bình tỉnh. Ví anh đã vào Sài gòn chơi mấy
tuần lễ, và để tìm súng, cơ mà! Người ta hiểu, vì sao anh đã hành động. Cảm xúc
của người dân dành cho anh – là một nổi đau sâu thẳm, nghẹn ngào và rất minh
bạch, về một giá trị đã chuyển hóa từ vật chất lên tinh thần. Anh bất bình vì
quyền lợi vật chất của anh bị tước đoạt, nhưng sự bất bình vượt lên đỉnh cao
khi giá trị tinh thần của anh bị xâm phạm, lời nhắn thách đố trong điện thoại
của bọn “quỷ đất” gởi anh: “mầy làm gì được nào, có giỏi thì về đây!”. “Quỹ
đạn” hiếm hoi của anh đã dành sém đủ cho 5 “quỷ đất”.
Hoàn hảo bí mật
Sau hoạt cảnh thứ nhất rất hoàn hảo tại văn phòng ông Bí thư,
ông Minh di chuyển “bình thường và vui vẻ” trên đoạn đường dài 150m giữa chốn
đông người, về phòng ông Chủ tịch HĐND tỉnh để thực hiện cảnh 2, và, kết quả
cũng không hề kém. Không một ai phát hiện điều gì khác, hoặc ít nhất, ai là
người đầu tiên – hoặc thậm chí nhóm người đầu tiên - bước vào các phòng ấy để
“nhìn thấy” sự việc? Không nghe đề cập đến!
Chỉ biết kết quả: ông Minh và vị chủ tịch Hội Đồng, kiêm trưởng
ban tổ chức (nhân vật quyền lực thứ nhì trong tỉnh) đã nằm trên đống máu với
những vết đạn vào đầu, vào ngực. Oái ăm, sau đó mới phát hiện ông Bí thư ở bên
tòa nhà kia, cách 150 m, cũng đã đột ngột “chuyển sang” từ trần , trước ông chủ
tịch mấy phút (không rõ là mấy phút) và không ai hay biết. Người ta chỉ thấy
“sát thủ” hai lần, lần di chuyển “bình thường và vui vẻ” trên/trong hành lang
Hội trường, và lần nữa, cái xác của ông và xác của ông Tuấn cùng đẫm máu trong
phòng riêng của ông Tuấn - Chủ tịch Hội đồng.
Hành tung của “sát thủ” diễn ra trong hai căn phòng như một bóng
ma. Người ta còn nói lần phát ngôn đầu tiên của BS trưởng bệnh viện, rằng ông
Minh đã bị một phát đạn từ phía sau gáy, và lời phát ngôn nầy đã bị xóa ngay
sau đó trên các bản tin. Đến hôm nay, chúng ta có thể cho rằng, cuộc thảm sát
nầy là hoàn hảo về phía sát thủ, cuộc điều tra và đưa tin càng làm cho nó hoàn
hảo hơn, nhưng là một hoàn hảo còn trong bí mật với nhiều giả thiết đặt ra.
Việc chôn xác ba người được tiến hành nhanh chóng, không nghe lời tuyên bố nào
của ngành Pháp y cũng tô đậm thêm những nghi vấn.
Về dư luận.
Ông Minh được cho là một cán bộ có nhân thân tốt: hòa nhã, vui
vẻ, hiền lành, có tinh thần trách nhiệm cao, và vân vân. Lại có vợ, đương nhiên
là phẩm chất tốt không kém, là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ, và bố vợ là
cựu Bí thư tỉnh nhà. Bây giờ trở thành một sát thủ và tự sát luôn. Tại sao thế?
Tôi không so sánh ông Minh với anh Viết. Chuyện anh Viết thì ai
ai cũng rõ, với nỗi cảm xúc minh bạch, không hề gây một lợn cợn nào. Về vụ ông
Minh thì dư luận lạnh lùng, chán cả đám, ngầm ý cho rằng, sát thủ và nạn nhân
của sát thủ đều là sát thủ, cũng đều là nạn nhân của nhau.
Trên facebook, người ta tính có trên 30.000 like cho ông Minh,
và dưới 800 like cho hai người kia. Có người, có thể là DLV, viết bài chỉ trích
và mạt sát chống lại dư luận trên, nhưng bênh vực ai thì không được rõ? Nhân
danh đạo đức chung chung, bênh vực chung cả cuộc thảm sát nầy sao? Rất kẹt! Thế
thì luật pháp của đất nước nầy ở đâu, và đạo đức của đất nước nầy là gì? Cái lẽ
gây nên sự nghẹn ngào là vì hai bên đều là của Đảng ta cả, đều có phẩm chất tốt
cả, nhân thân tốt.
Vậy cái xấu dành cho ai bây giờ? Bênh con trị cháu, hay bênh
cháu trị con đây? Lại xuất hiện cụm từ “lợi ích nhóm”, nó dẹp cái “con, cháu”
sang một bên chăng. Dư luận thì có thể khen chê, hướng dẫn hay điều khiển,
nhưng dư luận có vai trò khách quan của nó, là yếu tố quan trọng cho những nhà
nghiên cứu xã hội, là thước đo lòng dân, vô cùng cần thiết cho kẻ cầm quyền. Vì
sao dư luận không đau nhức, mà bộc lộ sự hả hê một cách công khai? Lẽ nào nhân
dân nầy vô đạo đến thế, thấy chết chóc mà không khóc lóc sao?
Phải bi ai, phải buồn thảm, phải có những vòng hoa kính viếng,
phải gào to lên như dân Bắc Triều Tiên khi lãnh tụ của mình mất, và “với sự mất
mát to lớn” của đảng? Dân Việt Nam, vốn giàu tình cảm, nhưng dù sao cũng chưa
thể, và không bao giờ có thể giả bộ được. Ông Trọng, ông Quang, bà Ngân còn giữ
kín miệng chưa lên tiếng nữa là, chỉ thấy ông Phúc bay nhanh như vì sao xẹt,
nhưng khó hiểu là ông ta đang thực sự làm gì!
Nhưng tôi thử bênh vực ông Minh.
Giả định rằng ông Minh sắp mất chức Trưởng Chi cục Kiểm Lâm, và
rằng ông Bí thư tỉnh đã làm công tác tư tưởng cho ông, như bà Chủ tịch UBND
tỉnh đã nói, thì sao nào? Ông Minh với tháng năm làm chức vụ ấy, chắc là không
nghèo lắm. Với cái rừng đại ngàn đầy gỗ quý ấy, chẳng lẽ ông không được mét
khối nào, khi mà gỗ đang di chuyển có cái búa kiểm lâm đóng vào, và cái gỗ nhập
kho có búa đóng có tỉ lệ sai lệch rất lớn về số lượng như báo đã đăng? Cho dù
ông không có khối nào, thì bà vợ với chức Tỉnh ủy viên – Chủ tịch Hội PN – đâu
phải là chức nhỏ, bà ấy lại đẹp người, chẳng phải là một của quý nữa sao? Lại
có thế lực của ông bố cựu Bí thư tỉnh đâu phải đã mai một hết?
Mất chức, về nghỉ cho khỏe, cần gì nữa! Trường hợp người ta bứng
ông đi, rồi lột vỏ bắp dần dần, kéo đổ cả gia thế, thì chuyện nầy thật khó xảy
ra. Ông Trọng rất sợ vỡ bình quý, nên đánh chuột bằng tiếng ho lớn lớn thôi, sợ
gì! Con đường tình nghĩa vẫn là thỏa thuận, nương nhau mà sống ổn, dài lâu.
Việc gì ông Minh phải liều thân như thế, và bỏ lại tất cả? Cái gỗ quý, nếu có,
cũng thành vô nghĩa. Con đã lớn, có của thì không lo rồi, nhưng bà ấy thì đẹp
người, còn đầy nhựa sống, sao không tiếc, để cho ai?
Nhưng cái phẩm giá, cái danh dự con người có khi nó vượt lên
trên tất cả. Nó bất chấp, bất cần. Như trường hợp Đặng Ngọc Viết không thể chê
vào đâu được, chỉ còn ngưỡng mộ mà thôi. Còn ông Minh? Có ai khiêu khích, làm
nhục nào không? Có khi, cái khí phách “ai thắng ai” trong cuộc chơi cũng có một
tầm cao giá trị.
Phải chăng là nó, tôi không hiểu. Còn như ông Bí thư Cường, ông
Chủ tịch Tuấn thì thôi, không biết, không nói. Chỉ đoán là các ông ấy đã ra đi
đột ngột trong một giấc đang mơ, chắc chắn là huy hoàng một màu đỏ ối.Cuộc thảm
sát nầy, đang và sẽ qua nhanh, biến nhanh, như ý đảng muốn. Nhưng tiếng vọng
của nó thì đang xoáy sâu nhiều chiều vào tâm tư của mọi người, cả đảng và cả
dân.
Nhân danh đạo đức truyền thống người Việt, tôi từ xa xôi, không
biết gì nhiều, xin gởi lời chân thành kính viếng 3 ông, mong linh hồn của 3 ông
gỡ bỏ oán thù, mau siêu thoát, và quay về giúp đở gia đình, con cháu, từ bỏ
nhanh nhanh cái “ý thức hệ” - nếu có – để thêm điều kiện sống làm người tử tế!
./.
HĐN
Nguồn: http://huynhngocchenh.blogspot.de/2016/08/yen-bai-va-8-phat-k59.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét