Hồng Tân
Hơn hai trăm năm qua, những học thuyết về quyền cơ bản, bây
giờ được biết đến như là hệ thống pháp luật mang tính quy chuẩn, đã nhận ra
thiên hướng của mình trong quá trình nỗ lực điên cuồng nhằm hợp pháp hóa việc sử
dụng quyền lực. Nó thực hiện nhiệm vụ này bằng cách cho rằng luật pháp và
quyền lực là bề ngoài của nhau trên cơ sở triết học, chính trị, đạo đức; rằng
chúng đều cùng tham gia vào một phép tính có tổng bằng không.
Trong cách tiếp cận
này, pháp luật thực hiện việc giới hạn và làm nhân đạo hóa việc sử dụng quyền lực;
mà ở đó, việc sử dụng quyền lực tìm ra bản chất thật của mình khi tuân theo các
thủ tục trình tự nhất định, cùng với việc tôn trọng các giá trị của pháp luật.
Khi con người càng có nhiều quyền lợi hơn, quyền lực tuyệt đối càng trở nên ít ỏi.
Và khi mà quyền lực càng được giới hạn pháp luật thì sự vận hành của nó càng trở
nên văn minh và được thừa nhận hơn.
Hệ thống pháp luật chính thống coi vấn đề chủ quyền và đạo đức,
chính trị và pháp luật, phán quyết và thông lệ như là các thái cực đối lập
trong phép biện chứng mà đối tượng của nó là mối quan hệ giữa các chủ thể và những
người cầm quyền. Sức ảnh hưởng tương ứng của họ quyết định sự cai trị mang tính
lý thuyết từ Austin đến Kelsen; từ Schmitt đển Dworkin. Tất cả chúng đều tái diễn
theo một kiểu mẫu khác nhau và với sự chú trọng khác nhau về niềm tin đối lập với
pháp luật và quyền lực. Những học thuyết này có vẻ như mang tính sai lầm về nhận
thức và suy đồi về mặt đạo đức.
Chúng ta có thể nhìn thấy những điều này hàng ngày. Sai lầm
về nhận thức được thể hiện trong sự phát triển của các lý thuyết về các giá trị
“cần thiết” và các chuẩn mực “cơ bản” – vốn vẫn còn mang tính trừu tượng, mơ hồ
và dễ bị bẻ cong theo những ý muốn về mặt tư tưởng và thẩm mỹ của các chính trị
gia và các luật sư. Sự suy đồi về mặt đạo đức được thể hiện trong việc xuống cấp
đạo đức của các cơ quan chức năng tư pháp ở việc sử dụng các luận điệu lẩn
tránh mang tính đạo đức được học ở các trường luật nhằm biện minh cho mọi sự bất
công.
Học thuyết phê phán được đưa ra bởi Nietzsche, Marx, Freud
và Foucault đã bỏ khuôn khổ lý thuyết của các quy định pháp luật mang tính chất
biện hộ. Việc phân chia, tính lưỡng cực giữa pháp luật và quyền lực, tính hợp
pháp và tính hợp lý, chuẩn mực và ngoại lệ được xây dựng dựa trên ý thức hệ và
là điều rất rõ ràng. Pháp luật và quyền lực tuân theo các chiến lược vận hành tương
tự và thuộc cùng một hệ thống ý nghĩa. Hai vấn đề này gắn bó chặt chẽ với nhau,
và chúng đều được kết nối chung trong kế hoạch xây dựng các chủ thể (pháp lý) bằng
việc vận hành dựa trên trên thực tế đời sống của con người. Như Agamben nói rằng,
những khoảng cách, các quyền tự do và các quyền lợi đã giành được trong lịch sử
bởi những người biểu tình và quân nổi dậy trong các cuộc xung đột giữa họ với
quyền lực đã làm cho dấu ấn của đời sống cá nhân mang tính chất ngầm nhưng ngày
một được khắc họa sâu sắc trong trật tự nhà nước, tạo cơ hội hình thành một sự
thiết lập mới và khủng khiếp hơn đối với quyền lực chủ quyền thực sự mà từ đó họ
mong muốn giải phóng chính bản thân mình.
Pháp luật hình thành nhờ bạo lực…
Pháp luật được kết nối mật thiết với quyền hành và vũ lực.
Theo Walter Benjamin diễn giải, trong cải cách mang tính triệt để của ông về hệ
thống pháp luật “Phê phán bạo lực’, bạo lực trước tiên xây dựng, sau đó duy trì
pháp luật.
Bạo lực thiết lập luật pháp trước tiên. Hầu hết các hiến
pháp hiện đại được ban hành ngày nay đều đi ngược lại những quy định về tính hợp
hiến và được cho là hợp lý, đã tồn tại vào thời điểm chúng được thông qua. Một
kết quả của quá trình cách mạng, sự ly khai, sự thắng lợi hay thất bại trong
chiến tranh hay của quá trình xâm chiếm thực dân. Bạo lực cách mạng làm trì
hoãn pháp luật và hiến pháp có hiệu lực tại thời điểm đó, nhưng đã biện hộ cho
mình bằng cách khẳng định là để nhằm đến việc xây dựng một nhà nước mới, thiết
lập một hiến pháp tốt hơn và một đạo luật mới để thay thế cho hệ thống đã bị mục
nát hoặc phi đạo đức mà nó đang chống lại.
Tại thời điểm diễn ra, bạo lực sẽ bị lên án là bất hợp pháp,
tàn bạo, độc ác. Nhưng một khi thành công, bạo lực cách mạng sẽ có hiệu lực hồi
tố, được ngợi ca như là một phương tiện dẫn đến sự chuyển đổi xã hội và pháp lý
mang tính lịch sử. Hầu hết các hệ thống pháp luật là kết quả của vũ lực, là hệ
quả của các cuộc chiến tranh, các cuộc cách mạng, cuộc nổi loạn hoặc các cuộc
chiếm đóng.
Thứ bạo lực thiết lập nhà nước này đôi khi được mô tả lại bằng
cách tôn vinh qua những hoạt cảnh lịch sử; hoặc là bị quên lãng trong tiến
trình thực thi những đạo luật và giải thích hiến pháp mới.
Cuộc cách mạng Pháp có tính chính danh hồi tố bởi Tuyên ngôn
Nhân quyền và Dân quyền (Declaration des droits de l’homme). Cuộc cách mạng Mỹ
được chính danh hóa với Tuyên ngôn Độc lập và Tuyên ngôn Nhân quyền. Hiến pháp
Hy Lạp hình thành sau nhiều cuộc giải phóng khác nhau nhằm thoát khỏi nhiếu lớp
áp bức tồn tại từ trước. Các văn bản lập quốc này mang trong mình căn tính bạo
lực với sự thiết lập của chúng, vì chúng được chuyển thể từ hành động bạo lực
sang việc biểu hiện và diễn giải luật pháp.
Buổi hành hình công khai Hoàng Hậu Pháp Marie Antoinette
ngày 16 tháng 10 năm 1793. Cuộc cách mạng Pháp được vẽ vời hào hoa và đầy ánh
sáng kết thúc với cái chết của 16,000 người trong Kỷ Khủng Bố (Reign of
Terror), khi máy chém trở thành biểu tượng chủ đạo của cuộc cách mạng. Nguồn:
The French Revolution: Fact or Fiction?
Tuyên ngôn Nhân quyền ở Mỹ là một ví dụ điển hình. Bạo lực của
lực lượng dân quân, rất quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập, vẫn được
duy trì trong các quyền được bảo vệ theo hiến pháp về việc mang vũ khí, điều
này làm cho Hoa Kỳ ở trong tình trạng chiến tranh thêm gần hai thế kỷ sau cuộc
cách mạng.
Tương tự như vậy, án tử hình mô phỏng lại bạo lực thiết lập
pháp luật của cuộc chiến tranh trong mỗi lần thi hành án, điều này đi kèm với
các hoạt động pháp lý như những mặt tối và mặt quyền lực của tình trạng pháp lý
ban đầu.
… sau đó chính danh hóa bạo lực
Sự tái diễn lại nguồn gốc đau thương của luật mới này được
tái giải thích như là nhu cầu về tính hợp pháp và bạo lực ban đầu đã bị đưa vào
quên lãng. Một trong những chiến thuật phổ biến nhất trong nền chính trị “quên
lãng” này là việc tạo ra một cách tiếp cận chủ đạo đối với việc giải thích pháp
luật. Một khi đã giành thắng lợi, các cuộc cách mạng hay các cuộc chinh phạt tạo
ra những mô hình mang tính chất diễn giải pháp luật để giải thích, hợp lý hóa,
và trên hết, là chính danh hóa, hợp pháp hóa đối với những hành vi bạo lực là nền
tảng cho sự hình thành mô hình và quan niệm pháp lý đang được nói đến. Đây cũng
thường được gọi là khả năng tự hợp pháp hóa của bạo lực.
Ngay cả trong các hệ thống pháp luật dân chủ đã được hình
thành một cách tương đối hoàn thiện, bạo lực dân túy có thể phủ bóng mây của nó
lên chính quyền và khiến do định hướng luật pháp đi theo xu hướng không thể
đoán trước, không mong đợi, nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ. Luật pháp ngày nay hầu
hết cho phép quyền biểu tình và đình công một cách giới hạn mà theo nghĩa này
luật pháp thừa nhận, một cách miễn cưỡng và sợ hãi, rằng bạo lực không thể bị
loại ra khỏi lịch sử.
Với hệ quả mất trật tự công cộng và xung đột trong những cuộc
đình công thợ mỏ, các cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa, cuộc khởi nghĩa tháng
mười hai tại Hy Lạp, nhiều nhà bình luận đã lên án những người biểu tình và gọi
họ là “phản dân chủ”, hành động bạo lực của họ là “vô ý thức”.
Phê phán bạo lực sẽ là vô nghĩa, nếu…
Các lý lẽ được đưa ra là, ở các nhà nước pháp quyền dân chủ
phương Tây, người dân có đủ công cụ để gây áp lực một cách hiệu quả lên chính
phủ và thay đổi các chính sách và pháp luật thông qua các kênh dân chủ sẵn có.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng lịch sử của phương Tây có đầy rẫy các cuộc biểu
tình, đình công và cả những cuộc nổi loạn đầy bạo lực, dù bị lên án tại thời điểm
đó, đã đóng góp phần lớn vào sự tự do và các quyền lợi mà chúng ta ngày nay cho
rằng chúng ta hiển nhiên được hưởng.
Những phong trào như Diggers and Levellers (phong trào bình
dân – tiểu nông trong cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII – ND), Gordon Riots, hay
Reform protest, các phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ và dân quyền, những
người biểu tình tại Polytechinic Athens, Đông Đức, Prague, Bucharest và
Belgrade; chỉ để kể ra những trường hợp tiêu biểu; đã góp phần thay đổi hiến
pháp, pháp luật và chính phủ.
Các cuộc biểu tình thách thức nền bạo lực hợp pháp, phá vỡ
các nguyên tắc trật tự công cộng nhỏ lẻ nhằm làm nổi bật bức tranh bất công to
lớn sau đó. Những người biểu tình yêu cầu cải cách này hoặc cải cách khác, nhượng
bộ này hay nhượng bộ khác. Nhưng điều quan quan trọng là, nhà nước có thể điều
tiết điều nó hay không?
Điều đáng lo ngại trong lịch sử nhiều quốc gia là “bạo lực nền
tảng, bảo lực lập quốc luôn là thứ bạo lực có thể biện minh, có thể làm biến đổi
các mối quan hệ pháp luật và do đó, tự hiện ra như là nó có quyền đối với pháp
luật“. Chính vì vậy, sự bất ổn đặc trưng mà pháp luật hiện đại phải đối mặt là
khi chính phủ phải đối diện căn tính cơ bản tạo nên sự tồn tại của chính nó; buộc
pháp luật hiện đại phải khắc họa các cuộc biểu tình là cực đoan.
Chính phủ vì vậy liều lĩnh kỳ vọng vào những giải pháp bất
bình thường và thiếu không ngoan, chỉ để tránh phải gặp lại thứ thẩm quyền trước
đó đã trao cho nó quyền lực – bạo lực cách mạng. Những người biểu tình đòi dân
quyền ở Mỹ thường được chính phủ xem như người cộng sản, những người thợ mỏ
đình công bị dán nhãn “kẻ thù quốc gia”; trong những người biểu tình tại Đông
Âu bị gọi là của đặc vụ của CIA. Việc thậm xưng quá đáng này cho thấy, phê phán
bạo lực chỉ có ý nghĩa khi chúng ta nhận ra bạo lực không phải là một sự tình cờ
nằm ngoài vòng pháp luật hay một sự ngẫu nhiên, một sự nông nỗi vô ý thức không
cần thiết thuộc bản chất xã hội học./.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét