Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Mình vì đảng. Đảng có vì mình?

    Hải Tượng


    Ông Võ Văn Thôn.
    Ngày 28/8/2016, việc ông Võ Văn Thôn (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh) từ bỏ đảng CSVN nhắc chúng ta nhớ đến trường hợp của ông Lê Hiếu Đằng (1944 – 2014) người từng đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng ở địa phương này, cũng từ bỏ đảng sau một thời gian dài gắn kết. 

    Cả hai ông đều thuộc thành phần lớp người đi trước, có bề dày hoạt động cách mạng gắn với phong trào HSSV xuống đường trong những năm tháng chiến tranh.

    Xét về tuổi đảng, có thể nói hai nhân vật này xấp xỉ trên 40 năm đứng trong hàng ngũ đảng, có tiếng nói nhất định khi còn tại chức cũng như có những đóng góp “thiết thực” cho bộ máy chính quyền trong những năm đổi mới đất nước.

    Tuy nhiên, những lời đóng góp chân thành đó lại như mũi tên bắn trúng vào sự yếu kém của đảng CSVN, lột tả bản chất giáo điều của cả hệ thống và kết quả nhận được là hai từ “cấp tiến” mà chính những đồng chí, đồng đội một thời gán ghép cho hai ông kèm theo cái nhìn không thiện cảm. Chắc chắn Ban Tuyên giáo trung ương sẽ định hướng báo chí trong nước “đánh” ông Thôn không khác gì “lên án” ông Đằng.

    Nên biết rằng, trước năm 1975 vào đảng được xem như là một nhiệm vụ bất khả thi. Người vào đảng phải có thành tích nổi trội. Ngày nay vào đảng như một cú hích cho sự nghiệp làm kinh tế. Việc tuyển chọn đảng viên vì thế dễ dàng hơn trước. Có doanh nghiệp đưa chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới vào tầm nhìn chiến lược phát triển của đơn vị mình.

    Không riêng việc hai ông Lê Hiếu Đằng và Võ Văn Thôn từ bỏ đảng trong những năm qua, ở một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, tuy nhiên đó là những đảng viên bình thường, không giữ chức vụ quan trọng, không phải là “tù Côn Đảo” nên không lên mặt báo. Đồng thời việc xin ra khỏi đảng của đảng viên là vấn đề “nhạy cảm” do đó báo chí cả hai lề trái phải đều rất khó tiếp cận số liệu cụ thể.

    Đó cũng chính là lý do đảng CSVN những năm gần đây đã ban hành rất nhiều Nghị quyết với những nội dung như “cấp bách trong tình hình mới”, “diễn biến” và “tự diễn biến”, tha hóa, xa rời quần chúng, một bộ phận không nhỏ, lợi ích nhóm... gây dư luận không tốt, gây mất uy tín cho đảng. Nhưng cuối cùng vẫn không ngăn chặn được làn sóng từ bỏ đảng.

    Có rất nhiều đảng viên gạo cội, mặc dù vẫn sinh hoạt đảng ở địa phương sau khi về hưu nhưng cùng chung nhận xét: vào đảng bây giờ dễ như đi chợ. Đảng của ngày hôm qua khác rất xa với đảng của ngày hôm nay. Còn khác như thế nào, họ không dám nói ra. Chỉ rỉ tai nhau lúc cao hứng.

    Việc ông Võ Văn Thôn từ bỏ đảng nhưng không chọn ngày thành lập đảng 3/2 như một số trường hợp khác cho thấy quyết định ra đảng là rất tự nhiên. Một khi người đảng viên không còn thiết tha với cái đảng của mình thì họ từ bỏ nó là việc bình thường. Không cần bận tâm là ngày tốt hay xấu.

    Từ bỏ đảng có nhiều cách. Lúc đầu vào đảng theo thủ tục thì phải làm đơn xin vào. Nhưng khi không muốn ở cùng đảng thì viết đơn xin ra là một cách tế nhị. Dứt khoát hơn là bỏ sinh hoạt đảng, không đóng đảng phí một thời gian dài. Lúc này đảng sẽ ra quyết định xóa tên đảng viên.
    Đảng CSVN rồi đây sẽ xóa tên thêm một người trong danh sách đỏ. Đối với rất nhiều người đảng viên, họ luôn canh cánh trong lòng câu hỏi mình vì đảng, nhưng đảng có vì mình hay không? Đảng bây đã thay đổi rất nhiều. Đảng tham quyền cố vị. Đảng của tập hợp lợi ích nhóm. Đảng không còn là đảng... 

    Hi vọng có người sẽ chọn cách trả lời như của ông Lê Hiếu Đằng, của ông Võ Văn Thôn hay tự tìm cho mình một hành động từ bỏ đảng không giống với bất cứ người nào.



    Nguồn: www.danluan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét