Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Tin khó tin: Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu? ....

Tin khó tin: Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu? Đồng chí ấy không phải con đồng chí nào và Ai nói nấy nghe




Hà Phan (Lao Động)


Lần cuối cùng người ta thấy ông Thanh ở Hậu Giang - 13.7.2016. Ảnh: Tuổi trẻ
Lần cuối cùng người ta thấy ông Thanh ở Hậu Giang – 13.7.2016. Ảnh: Tuổi trẻ

Tôi không biết, nhiều bạn cũng vậy và cả Hậu Giang chẳng hay ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu? Nhưng tôi tin có người phải biết. Tôi còn không hiểu tại sao một đứa bé có thể chết vì chẳng có nổi 130.000 đồng mua quần áo mới trong khi nhà máy gần 3.000 tỷ sắp thành sắt vụn. Nhưng tôi biết hàng vạn học sinh, sinh viên trong những gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa Formosa đang nhen nhúm dần niềm vui…


1. Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu?

Người đoán ông đang ở Hà Nội, kẻ tung tin ông ấy đang nơi nào đó, còn chỗ đáng ra phải biết là Hậu Giang thì không rõ ông ấy nơi đâu.
Tuổi trẻ trích theo lời ông Đồng Văn Thanh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang: “Ông Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn còn là tỉnh ủy viên, sinh hoạt Đảng tại chi bộ Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, nhưng từ ngày đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào làm việc, ông Trịnh Xuân Thanh ít có mặt tại Hậu Giang. Riêng hơn tháng nay, chúng tôi không rõ ông Thanh ở đâu”.
Cũng từ tờ báo này thì “lãnh đạo tỉnh chưa nghe bất cứ thông tin gì liên quan đến ông Thanh từ các cơ quan trung ương” và “ông Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân”.
Tôi không tin ông ấy khó tìm như thế, nhất là khi đang ở trong tầm ngắm của nhiều cơ quan. Tôi cũng không lạ nếu vài ngày nữa ông ấy bất ngờ xuất hiện trong ầm ĩ. Nếu có lạ, chỉ hơi ngơ ngác vì Hậu Giang chẳng biết cán bộ mình ở đâu. Ông Thanh đến và đi như “người tàng hình” với Hậu Giang vậy.

2. Ai nói nấy nghe

H1 
Ảnh hưởng không nhiều như thế này đây!

Hôm qua, tôi thấy ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị thế này “Cứ để cho người dân đánh bắt, khi các tàu thuyền cập bến, chúng ta kiểm nghiệm để cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn đưa đi tiêu thụ”.
Ông ấy có quyền nói, người ta có quyền nghe nhưng tôi tin rất khó để ngư dân đánh cược với đề nghị ấy. Tiền bạc, công sức, mồ hôi nước mắt và có thể còn hơn thế nữa ròng rã cả tháng trời để rồi trông chờ vào giấy chứng nhận ư? Không được cấp, tôm cá đổ đi đâu?
Tôi cũng lấy làm lạ: Khi Bộ Y khuyên chưa vội khẳng đinh cá an toàn thì ngư dân bắt cá về bán cho ai? Khi chưa biết cá đã ăn được chưa, bảo chọn đánh cá như thế nào khác gì “trống xuôi kèn ngược” và Bộ nào nói Bộ ấy nghe.
Cũng trong Hội nghị, ông Đồng lên tiếng, bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng người dân “thất nghiệp không nhiều” và “thu nhập của người dân bị ảnh hưởng cũng vừa phải”.
Bà ấy có đưa ra các con số nhưng có ý nghĩa gì với hàng triệu người dân lao đao sau thảm họa. Tôi không biết bà Vân đã lội về những làng chài cát trắng? Ở đó có la liệt thuyền nằm bờ, hàng đoàn người mất việc mấy tháng trời chẳng kiếm nổi đồng xu? Nếu rồi mà bà ấy vẫn nói vậy thì Formosa bồi thường 500 triệu đô có lẽ quá nhiều…

3. 3000 tỷ và bộ quần áo của Sôn

Các bạn đã chán và tôi cũng nhàm khi lại tiếp tục nói về nhà máy gần 3.000 tỉ vẫn hoang phế. Nhưng tôi vẫn phải nhắc lại vì trưa qua tôi đọc được dòng sau “Có một đứa bé 11 tuổi vừa tự tử, thưa ông Giời!”. Sôn treo cổ vì không có quần áo mới đến trường, bộ quần áo chỉ 130 ngàn đồng. Một hạt cát trong biển tiền 3.000 tỷ đang biến thành sắt vụn. Tôi đau lắm quý vị ạ!
Nhà máy tan hoang, sắt thép hoen gỉ và bám bẩn do đã quá lâu không hoạt động. Xung quanh tường rào cỏ lau vây kín cao gấp hai đầu người. Phía trong không một bóng công nhân. Cảnh tượng như một nhà máy bỏ hoang tới hàng thập kỷ.

H1Nhà máy gần 3000 tỷ sắp thành sắt vụn.

Gần 3.000 tỷ của chúng ta đấy. Hàng triệu bộ quần áo, bữa ăn hay cơ hội đổi đời … Nhưng họ ném thẳng tay với vô vàn lý do sau khi đã rút hàng đống dây kinh nghiệm, còn cùng nhau kiểm điểm sâu sắc chưa thì có trời mới biết. Im lặng với những công trình “vĩ đại” như thế này, tôi nghĩ mình rất hổ thẹn với Sôn. Còn người ta, tôi không biết, chỉ thấy nhà máy hoang tàn ngày một nhiều hơn. Có lẽ họ không thuộc về thế giới của Sôn, của tôi và một bộ phận rất lớn khác.

4. Đồng chí ấy không phải con đồng chí nào

H1

Chiều qua, đồng nghiệp gửi đến tin “32 tuổi cùng lúc làm sếp 5 doanh nghiệp”. Ông Nguyễn Văn Tuấn sinh 1984 là Phó chủ tịch của Công ty Quản lý quỹ IB, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Hạ tầng Fecon; Chủ tịch HĐQT Công ty đường sông miền Nam (Sowatco), Chủ tịch Công ty Kho vận miền Nam, Phó chủ tịch Công ty chứng khoán IB và mới thôi từ tháng 4/2016.
Tin vui các bạn ạ! Tôi tìm cả bản tin không có dòng nào đại loại như “Ông Tuấn là con… hay cháu…”. Một trường hợp cực kì hiếm trong rừng thông tin “đồng chí ấy là con đồng chí…”. Có thể tôi chỉ biết đến chừng ấy, nhiều khả năng doanh nhân kín tiếng này vẫn chưa tiết lộ mình từ đâu.

H1

Nhưng cứ ngưỡng mộ và thán phục anh ấy đi quý vị nhé! Ít ra thì đến lúc này anh Tuấn vẫn là sếp hiếm hoi lãnh đạo cả 5 doanh nghiệp và tất cả nghe đâu đều làm ăn có lãi. Sau này doanh nhân 32 tuổi có thể vươn cao hơn nữa hoặc ngược lại. Tuy nhiên vào lúc này “GATO” với hiện tượng trên ai đó cũng phải cho tôi một lý do chứ?

5. Rồi ngày ấy sẽ đến…

H1

Cuối cùng thì những trò nghèo vùng biển lao đao vì Formosa cũng có chút an ủi. Bộ NNPTNT sắp trình Chính phủ đề xuất hỗ trợ 100% học phí cho học sinh THPT và sinh viên đại học là con ngư dân bị ảnh hưởng bởi thảm họa cá chết trong 2 năm học 2016 – 2017 và 2017 – 2018.
Tôi tin nhiều ngành sẽ ủng hộ đề xuất này và mong mỏi Chính phủ nhanh chóng được chấp thuận. Dù ít hay nhiều, khi mà miếng cơm manh áo còn khó khăn thì khoản tiền không nhỏ, nhất là với SV sẽ như một động lực giúp các em vượt qua khốn khó.
Tôi cũng tin không chỉ Bộ Học hoan hỉ với đề xuất này mà rất đông người đóng thuế khác giơ hai tay ủng hộ. Tôi còn mong hơn nữa hỗ trợ sẽ nhanh về chứ không phải như hạn mặn “ 2000 tỷ chưa rút được 1 xu”. Cố lên các em nhé! Biển có thể chờ ngày hồi phục nhưng học một ngày chẳng thể dừng.


Nguồn: Lao Động online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét