Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Nước mắt dân dành cho ai?

Đoàn Khắc Xuyên


Như ai đó nói, nhân dân rất công bằng. Nước mắt người dân là vô tư.

Xem một vở cải lương mùi mẫn, éo le, ngang trái, người ta chảy nước mắt dẫu biết đó chỉ là “cải lương”. Đọc truyện Kiều, người ta chảy nước mắt, dẫu biết đó chỉ là câu chuyện hư cấu của một tác giả bên Tàu được “nhất phiến tài tình” Nguyễn Du nâng lên thành biểu tượng chung của thân phận giai nhân trong xã hội còn lắm bất công.

Xem một bộ phim với vô số cảnh éo le, đau khổ; một bản nhạc sầu,người ta càng dễ dàng chảy nước mắt. Rất nhiều tiểu thuyết, vở kịch xưa nay cũng làm người ta thổn thức, chảy nước mắt vì những hoàn cảnh thương tâm, dẫu biết tất cả chỉ là hư cấu.



Hư cấu, nhưng đằng sau hư cấu là cuộc đời thật, là sự chắt lọc, sắp xếp, kết nối từ những hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời thật mà nên. Cho nên những giọt nước mắt chảy ra vẫn là rất thật. Lại có những sự kiện thật của đời sống thật hôm nay làm cho người ta không kìm được nước mắt. Như chuyện người phụ nữ tên Nguyễn Thị Mỹ Nhân ở Cà Mau, treo cổ quyên sinh năm 2013 chỉ để được chính quyền địa phương xét cho gia đình được vào diện hộ nghèo và con có tiền đi học. Hay như rất nhiều, không thể nhớ hết, những trường hợp tự tử vì đói nghèo, quẫn bách tương tự mà báo chí thỉnh thoảng vẫn tường thuật.



Đó là những phận người ở tận dưới đáy xã hội, và cái chết của họ đã khiến những người còn sống, nếu biết suy nghĩ, phải tự vấn về mình và về sự vận hành, phát triển của xã hội hôm nay.

Ngay cả những kẻ trộm chó, bị đánh chết thảm thương hoặc đánh cho gãy tay gãy chân, cũng gây nên sự ray rứt và cả những giọt nước mắt cảm thương nhỏ xuống cho những phận người hẩm hiu. Bởi, nếu có thể, nếu có điều kiện sống cuộc sống đàng hoàng, mấy ai dại dột đi làm chuyện bất lương để phải trả giá bằng chính mạng sống của mình?



Rồi ngay cả những sự kiện xa xôi với người Việt chúng ta như chuyện “em bé Syria bên bờ biển”, tức em bé tị nạn người Syria, Abdullah Kurdi, chết trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, hay cậu bé 5 tuổi Omran, mặt đầy máu và bụi đất bám, được cứu ra ngơ ngác từ đống đổ nát trong trận chiến ở Aleppo, Syria mới đây cũng khiến nhân loại nhói lòng, nhỏ nước mắt xót thương.



Những bức ảnh từ đất nước Syria xa xôi vẫn làm người Việt rơi nước mắt (ảnh internet)



Như vậy, nước mắt - ngoại trừ loại nước mắt cá sấu - thường được nhỏ xuống trước hết cho những phận người bé mọn, thiệt thòi, yếu thế, chịu nhiều oan trái, bất công, cho dù đó là “người dưng” chăng nữa. Đó dường như là quy luật của trái tim con người: thương cảm và bênh vực người yếu thế. Và chính nhờ những giọt nước mắt ấy mà xã hội vẫn giữ được lòng nhân, mà người với người không phải bao giờ cũng là sói.



Có lẽ cũng vì vậy mà không phải bao giờ cái chết của ai đó, dù rất bi kịch, cũng khiến người ta dễ dàng nhỏ nước mắt.



Một quan chức đứng trên triệu người, nắm quyền lực và nguồn lực công nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng, thì khi chết, nước mắt triệu người dân sẽ đo và nhỏ ra theo công trạng mà người ấy làm được cho cộng đồng chứ không phải cho cá nhân hay gia đình mình, bởi họ được giao quyền lực và nguồn lực công là nhằm mục đích ấy. Người lãnh đạo hy sinh vì nước vì dân trong chống lại quân thù hoặc chống thiên tai thảm họa để bảo vệ dân sẽ được người dân đổ nước mắt tiếc thương và ghi công. Ngược lại, nếu nắm quyền lực và nguồn lực công mà không đem lại gì cho dân, chưa nói là lợi dụng quyền lực để đục khoét, thì đừng mong người dân nhỏ nước mắt. Như ai đó nói, nhân dân rất công bằng. Nước mắt người dân là vô tư.



Những người lãnh đạo như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chẳng hạn, khi chết thì không ai bảo ai, không cần ai thúc giục, nhiều người tự thấy trong lòng thương tiếc ông vì người ta biết rõ những gì ông làm cho dân cho nước, kể cả mong ước hòa giải dân tộc, hàn gắn “người trong một nước” của ông. Với một số người lãnh đạo khác, lòng dân chưa hẳn như vậy.



Thế nên, khi những người lãnh đạo Yên Bái ngã xuống trong một diễn biến như là thanh toán nội bộ mà cho đến nay người dân vẫn chưa biết rõ nguyên nhân vụ án, động cơ của kẻ gây án, cũng như công trạng với dân, với nước của những người ngã xuống ngoài những cái tên gắn liền với chức vụ, thì đòi hỏi người dân phải khóc thương cho các nạn nhân là điều gì đó áp đặt. Dẫu cái chết của họ là quá đột ngột và đầy bi kịch, dẫu đó là sự mất mát và nỗi đau to lớn với người thân của họ và có thể cả những ai quen biết họ, thì cũng không thể cho là “vô tình, vô cảm, vô lương” những ai không nhỏ nước mắt cho những cái chết ấy. Như đã nói, người dân biết gì về những người đã chết trong hoàn cảnh đáng ngờ ấy, ngoài những cái tên?



Nước mắt người dân không vô tình mà dành trước hết cho những thân phận thiệt thòi trong xã hội và cho những ai có công trạng giúp dân, giúp nước, nhất là khi đã ở trong hàng ngũ lãnh đạo.




Đoàn Khắc Xuyên (Người Đô Thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét