Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

An ninh tài chính Việt Nam chạm vạch đỏ

 Kinh tế suy thoái, ngân sách thất thu, bội chi liên tục, liên tục vay để chi tiêu và để trả nợ, Việt Nam càng ngày chìm càng sâu trong nợ. (Hình: TBKTSG)
Kinh tế suy thoái, ngân sách thất thu, bội chi liên tục, liên tục vay để chi tiêu và để trả nợ, Việt Nam càng ngày chìm càng sâu trong nợ. (Hình: TBKTSG)

VIỆT NAM – Mức độ thâm hụt ngân sách và nợ nần của Việt Nam vẫn tăng không ngừng. Người ta dự đoán, cuối năm nay, nợ nần của Việt Nam sẽ chạm mức 65% GDP. Cuối tháng trước, Quốc Hội Việt Nam mới phê duyệt báo cáo thu-chi của quốc gia trong năm 2014. Đối chiếu giữa thu và chi thì bội chi là 249,362 tỷ đồng, cao hơn mức dự kiến 11%. Còn nếu so với thu – chi của năm 2013 thì bội chi lên tới 46%.
Hiện chưa có báo cáo chính thức về thu-chi của quốc gia trong năm 2015 nhưng theo ước lượng của Bộ Tài Chính Việt Nam thì bội chi cao hơn so dự kiến là 13%.

Theo tính toán của công ty Chứng Khoán Bảo Việt (BVSC) thì tỉ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam là 6.6% vào năm 2013, 6.3% vào năm 2014, 6.1% vào năm 2015 và khoảng 5.5% vào năm 2016. Tuy cách tính toán tỉ lệ này của Việt Nam có khác với thông lệ quốc tế (khi tính thì gộp cả việc chi để trả nợ gốc) nhưng nếu loại bỏ các khoản đã chi để trả nợ gốc thì tỉ lệ thâm hụt của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với giới hạn an toàn mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khuyến cáo.

IMF khuyến cáo không nên để tỉ lệ này vượt quá ngưỡng an toàn là 3% trong khi trên thực tế, tỉ lệ đó của Việt Nam từ 4.2% đến 5% GDP.

Dựa trên các số liệu từ nhiều nguồn, BVSC phỏng đoán, năm nay, nợ nần của Việt Nam có thể tăng thêm 385,375 tỷ đồng. Một phần là do thâm hụt ngân sách (dự đoán khoảng sách là 197,350 tỷđồng) nên phải vay để bù đắp. Phần khác là do tăng vay. Năm nay, chính quyền Việt Nam dự trù vay 452,000 tỷ, trong đó có 95,000 tỷsẽ được dùng để trả nợ cũ, 85,000 tỷlà đứng ra vay thay các doanh nghiệp nhà nước (bảo lãnh).

Cũng theo BVSC thì tháng trước, chính phủ Việt Nam đã vay được 207,379 tỷđồng thông qua việc bán trái phiếu – tương đương 83% kế hoạch của cả năm, tuy nhiên ngay cả khi bán được 100% trái phiếu theo kế hoạch thì vẫn còn thiếu tiền để chi tiêu nên chính phủ Việt Nam sẽ phải vay 86,000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội (quỹ dùng để duy trì chính sách an sinh xã hội: trả trợ cấp thất nghiệp, trả lương hưu) và Tổng Công Ty Đầu Tư-Kinh Doanh Vốn Nhà Nước (SCIC – doanh nghiệp đặc biệt, thay mặt chính phủ Việt Nam quản trị và sử dụng tài sản, vốn liếng của chính phủ Việt Nam trong hệ thống doanh nghiệp).

Dựa trên các số liệu của Bộ Tài Chính Việt Nam: Tính đến cuối năm 2015, tổng nợ của chính phủ Việt Nam là 2,607,960 tỷđồng, nếu nợ nần của năm nay tiếp tục tăng thêm 385,375 tỷđồng, BVSC cho rằng, đến cuối năm nay, tổng nợ của chính phủ Việt Nam sẽ là 2,993,335 tỷđồng, tương đương 64.4% GDP.

Theo BVSC, tỉ lệ nợ nần/GDP của năm 2016 có thể thấp hơn dự báo nêu có sự cải thiện về tăng trưởng nhưng trong thực tế, bội chi càng lúc càng trầm trọng thành ra nợ nần khó mà giảm. Dựa trên quy luật của các năm trước – mỗi năm, thâm hụt ngân sách thường tăng thêm 10% so với dự trù, BVCS cảnh báo, tỉ lệ nợ nần có thể không phải là 64.4% GDP mà sẽ là 64.9% GDP.

Có lẽ cần lưu ý rằng, Quốc Hội Việt Nam từng xác định, nợ nần của Việt Nam không được vượt mức 65% GDP. Quá mức này, an ninh tài chính của Việt Nam sẽ lâm nguy. (G.Đ)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét