Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tại điện Kremlin, ngày 22/03/2013.
REUTERS/Sergei Karpukhin
Nhìn bề ngoài, khái niệm về chính sách « xoay trục » sang
châu Á có một ý nghĩa, đặc biệt là trong mối quan hệ hợp tác giữa Matxcơva và Bắc
Kinh. Thế nhưng, chính sách này của Nga đã gặp thất bại. Matxcơva đã không thu
được lợi lộc gì cả. Vì sao ? Báo mạng The Diplomat ngày 24/4/2016 có đăng bài
viết của bà Catherine Putz, trích dẫn nghiên cứu của hai chuyên gia thuộc Viện
Mercator chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, ở Berlin và một chuyên gia cao cấp tại
Trung tâm Carnegie Matxcơva, được công bố trong tháng 4/2016, giải thích rõ các
nguyên nhân thất bại.
Mở đầu, ông Alexander Gabuev, Trung tâm Carnegie ở Matxcơva,
phân tích về chính sách xoay trục về « đâu đó » của Nga như sau : « Hai năm sau
khi mối quan hệ giữa điện Kremlin với phương Tây bị sứt mẻ, Matxcơva cho rằng một
mối quan hệ thương mại mới với châu Á sẽ giúp bù đắp những tổn thất của Nga.
Nhưng niềm hy vọng đó đã không thể thực hiện được ».
Ông nhắc lại, Thomas S. Eder và Mikko Huotari khi bắt đầu
bài viết gần đây trên trang Foreign Affairs có lưu ý là : « Kể từ khi châu Âu
thi hành lệnh trừng phạt Nga về những hành động can thiệp của họ vào Ukraina,
Matxcơva đã đặt nhiều hy vọng vào việc thắt chặt liên minh với Trung Quốc trong
các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng, đầu tư và trao đổi thương mại nông nghiệp
để chống lại Châu Âu ».
Đâu là cốt lõi của sự thất bại này? Điểm đầu tiên cần phải
xem đến đó là động lực của sự tăng cường hợp tác từ cả hai phía Matxcơva và Bắc
Kinh. Mối quan hệ cũng như trao đổi mậu dịch giữa Nga với châu Âu trở nên xấu
đi đã buộc nước này phải tìm kiếm các đối tác ở nơi khác. Chính vì lý do này,
thỏa thuận dầu khí trị giá 400 tỷ đô la được ký vào tháng 5/2014 đã được loan
báo rầm rộ. Nhưng như mọi khi, sự thật phủ phàng thường ẩn khuất trong các chi
tiết: giá mỗi mét khối khí đốt Nga bán cho Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với mức giá
bán cho Tây Âu và trong hai năm qua, ngày thực thi thỏa thuận cứ bị hoãn lại.
Nga cần Trung Quốc, nhưng Trung Quốc có nhiều lựa chọn
Giải thích về trường hợp này, ông Gabuev cho rằng Nga dường
như không có khả năng làm việc với các tổ chức tài chính châu Á, thành công lớn
duy nhất của Nga là khoản vay 2 tỷ đô la của tập đoàn dầu khí Gazprom từ các
ngân hàng Trung Quốc. Ngoài điều đó ra, sẽ chẳng có gì lớn lao xảy ra :
« Lý do rất rõ ràng. Điều đó cho thấy là ngay cả bốn ngân
hàng lớn nhất của Trung Quốc cũng tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương
Tây, mặc dù về mặt chính thức Bắc Kinh đã lên án các lệnh trừng phạt đó. Giữa
việc lựa chọn các cơ hội để tăng sự hiện diện của mình trên thị trường mang
tính rủi ro cao ở Nga (trước đây đã thấp, bây giờ mức tăng trưởng thậm chí còn
giảm đều đặn) và tiềm năng tăng cường vị thế của mình trong thị trường lớn và ổn
định của Hoa Kỳ và EU, các ngân hàng Trung Quốc không ngần ngại chọn thị trường
thứ hai. "Đối tác chiến lược" là một chuyện, tính toán về tài chính
là chuyện khác. »
Trong lĩnh vực năng lượng, Eder và Huotari chú trọng đến thực
tế rằng Nga cũng là một trong số các nhà cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, « gồm
có Angola, Guinea Xích Đạo, Iraq, Turkmenistan, và có lẽ, sau này còn có cả
Iran, những quốc gia đang giúp Trung Quốc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho
họ… »
Và trong một số trường hợp, như của Turkmenistan chẳng hạn,
tổn thất của Nga lại là nguồn lợi của Trung Quốc. Trong vài năm qua, nguồn khí
đốt trao đổi với Nga (để bán lại cho châu Âu) đã giảm hẳn. Vào tháng Giêng năm
2016, Gazprom tuyên bố sẽ ngừng mua hoàn toàn khí đốt từ Turkmenistan sau khi
trao đổi thương mại đã giảm mạnh từ mức 40 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2008
xuống còn 4 tỷ mét khối vào năm 2015.
Trong khi đó, Turkmenistan chuyển hàng xuất khẩu sang Trung
Quốc. Chỉ tính riêng trong ba tháng đầu năm 2016, Turkmenistan cung cấp cho
Trung Quốc đến 10,6 tỷ mét khối khí đốt tăng 33 phần trăm so với cùng kỳ năm
2015. Đường ống dẫn khí đốt Trung Á-Trung Quốc đã đưa vào hoạt động ba đường và
đường ống thứ tư đang được xây dựng sẽ tăng công suất lên đến 85 tỷ mét khối mỗi
năm. Theo bài viết của Eder và Huotari , « Về bản chất, thay vì chống lại châu
Âu khi chơi với Trung Quốc, thì Nga đang bị Trung Quốc xỏ mũi ».
Khác với Mỹ, chính sách "xoay trục" của Nga chỉ tập
trung vào Trung Quốc
Dựa vào các lập luận trên, chúng ta hãy xem xét xem cách
xoay trục sang châu Á của Nga khác với của Hoa Kỳ (xin lỗi, lấy lại cân bằng)
như thế nào. Tác giả cho biết trong một bài viết tranh luận với ông Shannon
Tiezzi, đăng trên tờ FiveThirtyEight, một trong những khía cạnh cốt lõi của
chính sách xoay trục của Hoa Kỳ là chỉ đơn giản gia tăng sự hiện diện ở châu Á.
Phần đông sự gia tăng hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực tập
trung vào việc tham gia các diễn đàn đa phương mà nhiều cường quốc châu Á đặt
ưu tiên như là những điểm để xây dựng sự đồng thuận và thực hiện chính sách ngoại
giao. Đồng thời, các hoạt động song phương với Trung Quốc cũng đã thu hút được
nhiều mối quan tâm.
Trong khi đó, chính sách xoay trục sang châu Á của Nga lại
chỉ ưu tiên tập trung vào Trung Quốc, mà bỏ lơ nhiều cường quốc khác. Gabuev nhận
định rằng quyết định của tổng thống Nga Vladimir Putin không tham gia thượng đỉnh
Đông Á và APEC là một điều « sai lầm ngớ ngẩn ». Ông viết :
« Putin nổi tiếng là không ưa các diễn đàn đa phương và chỉ
tham gia khi có cơ hội cho những cuộc gặp song phương. Như vậy sự vắng mặt của
Putin tại APEC, nơi các hành động mang tính biểu tượng còn là nền tảng cho các
chính sách và quan hệ quốc tế, chỉ có thể được giải thích bằng một điểm: Nga
chưa từng xoay trục sang châu Á, mà chỉ xoay trở thành một đối tác thứ yếu của
Trung Quốc mà thôi. »
Cuối cùng, chính sách xoay trục của Nga sang châu Á vẫn sẽ
tiếp tục kém hiệu quả chừng nào nền kinh tế Nga vẫn bị kiệt quệ và quan hệ với
châu Âu vẫn còn căng thẳng. Tuy vậy, cả hai nước có chung một số lợi ích chiến
lược và thất bại của sự xoay trục này không hẳn làm suy yếu đồng cảm chính trị
mà Bắc Kinh dành cho Matxcơva.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét